Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
07:24 (GMT +7)

Hoa phù dung trước bão

Truyện ngắn. Nguyễn Thị Thùy Linh

1.Siêu bão 1955. Gió như một tên hung thần cuồng nộ vươn vít những cánh tay bẻ vặn mặt đất. Những hàng cây cao trúng tên gió ngả rạp vái trời oằn oại. Tiếng rú rít uỳnh uỳnh mang bóng vía bước chân tử thần đang tới thật nhanh, gần, sắc lẹm. Làng ọp ẹp, ngất nguột như người ốm yếu lại bị đánh gãy xương sườn. Từng mái gianh bị bứt tóc gần trọc lốc, vô vọng cuốn theo cơn cuồng phong. Trong vách nhà, già trẻ sát sạt bên nhau run rẩy trong góc xó, tiếng thút thít lẫn trong tiếng rít, tiếng gầm gừ ngoài kia. Rồi mưa. Mưa như thủng trời. Mưa từng tảng ầm ầm trút xuống mặt đất. Sao mà nhiều nước thế. Cái ổ rơm xó nhà của mấy con người nghèo khổ bắt đầu dềnh lên, bốc mùi ngai ngái, lúc nhúc bọ rệp. Nhưng người ta thà bị rệp cắn, chịu hôi hám chứ không dám nhúc nhích người nhìn ra bên ngoài, nơi nanh vuốt bão đêm có thể ngoạm vồ bất cứ lúc nào. Đứa trẻ sau cơn khóc u oa chẳng thắng nổi tiếng mưa đã lả đi trong vòng tay mẹ. Nó xanh xám, nhẹ bẫng như một chú ếch con. Mưa càng lúc càng khỏe, vách đất ngấm mưa ướt nhẹp như ứa nước mắt. Nữ Oa không kịp vá trời.

Vỡ đê. Bọc nước khổng lồ không còn nơi chấp chứa ào ạt tràn vào làng Hạ. Gió tạm nhường cuộc đua cho mưa và nước. Nước nhảy chồm khỏi thành đê vỡ rạn, cuốn trôi các ngả. Tiếng hò hét thất thanh, tiếng chửi thề bất lực, tiếng khóc, tiếng oán, tiếng rựa chặt chuối rồn rột trong đêm. Hỡi ôi là lũ, chỉ trong phút chốc đã ra đòn trực diện xuống ngôi làng khốn khổ vẫn còn ngơ ngẩn bần bại sau nạn đói 1945. Những bè chuối kết vội dập dềnh, chới với làm chiếc phao cứu sinh bất đắc dĩ. Trong bóng đêm nhập nhòa bĩ cực, nhiều cánh tay trồi lên ngụp xuống vào lòng nước xiết, không ai còn sức kéo thêm một mạng nào lên chiếc bè sinh mệnh của mình. Phen này, xác người làng Hạ sẽ lại dày lên như mười năm về trước. Những con người vật lộn sinh tử với thiên tai đã bị dồn đến đường cùng của sự thoát thân, bơi bải trong cái ách nước dần lụt tận cổ.

Nhà Trần Mùng cũng kết vội được cái bè chuối bé ti hin, những thân chuối hột to tướng dạo trước đã bị chặt trụi băm cho vợ chửa ăn cùng với cháo rồi. Cái giống cây lợi sữa từ thân đến bắp này cũng có lúc bị đè ngửa ra làm ghe thuyền, phao cứu hộ. Mùng nghèo nhưng có cái thú viết văn thơ thưởng rượu tao nhã như nhiều bậc trí nhân giàu chữ nghĩa khác, nên người làng vẫn gọi đệm cả họ Trần Mùng cho nó oách. Nhưng nhà thơ vườn bấy giờ cũng mắc kẹt trong hoàn cảnh cực kỳ khốn nạn. Cái bè chuối bé lỏng lẻo chỉ đủ cho một người lớn, vợ hắn bế đứa con một tháng tuổi chấp chới ngồi trên đó. Hắn phải gò lưng đẩy cái bè chuối chở vợ con giữa mưa giông. Nước lụt gần đầu, xoáy xiết thì phải gồng lên bám bè bơi theo dòng lũ nghịch. Cái bè nhiều lúc tưởng chìm, vợ hắn vừa bám bè vừa ôm con chao đảo gào khóc thảm thê. Hắn cũng mếu máo khóc. Nhưng lại chửi thề. Mẹ chúng mày. Khóc vừa thôi. Rứt ruột ông. Sống chết có số cả. Ấy vậy mà đứa bé như không chịu nghe lời hắn chửi. Nó oằn người khóc như con sâu đo bị quăng vào mồi lửa, rồi nguột đi, rồi lại thét lên những âm thanh rát rạt xé lòng. Người vợ trẻ đầu tóc rối xòa ướt sĩnh trong tư thế một tay giữ con, một tay ghìm bè khổ hạnh. Đứa trẻ thì vẫn cứ cong người quẫy đạp chực nhoai ra khỏi cái phao cứu sinh ấy. Tình thế rất rối ren. Người vợ nhiều lần suýt ngã xuống dòng lũ. Những xác người, cây cối, mảnh vỡ, mái nhà sập cũng dạt trôi cùng những nhân mạng đang đuối sức. Đây đang là cõi nào? Bờ sinh hay bờ tử? Không còn cách nào khác. Trần Mùng gào lên, tiếng hắn đã khản đặc lại như lạc giọng:

-Ném nó xuống!

-Ném ai? Vợ hắn thất thanh.

-Đứa bé!

-Trời ơi!!!

-Không còn cách nào khác! Bè đuối rồi! Chết chìm cả nhà mất!

-Tàn ác quá! Ối ông Trời ơi!

-Còn người còn đẻ. Chỉ cần tao với mày còn sống…

Hắn không thể nói tiếp được vì thấy chua nghẹn ở cuống họng. Đây là một lý sự cùn, hay một phán quyết cực kỳ nhẫn tâm, hắn thấy mình không còn là người nữa. Hắn lại gò người ôm lấy cái bè, run rẩy khóc, run rẩy giành lấy cái mạng đã phế tàn trong tư tưởng:

-“Thôi cha đành bỏ con thôi. Dứt tình ruột thịt mắt Trời chẳng thương”… Ném xuống!

Thơ hắn đấy! Và cái ác trong chốn đường cùng đấy!

Người vợ như kẻ bị lấy cắp linh hồn, đờ đẫn buông tay thả hài nhi tội nghiệp hiến sinh cho bão lũ. Phía sau, rờm rợp bè, mủng hay xác mảnh gì đó. Một cánh tay nhanh chóng vớt lấy đứa trẻ còn đang thoi thóp. “Cẩn thận tượt ngã. Lo thân mình trước đã. Họ cũng đường cùng phải bỏ nó đi rồi đấy!” “Cứu người hơn xây bảy tháp phù đồ. Nhanh lên! Ấp lấy nó. Thật tội nghiệp quá mà!”. Vợ chồng Trần  Mùng bất giác ngoảnh lại phía sau. Hai bóng đen thi nhau ấp lấy đứa trẻ bé bỏng đang cầm cự chống chếnh trên chiếc mái nhà chầm chậm trôi theo dòng nước. Mái nhà bị lũ cuốn phăng giờ thành cái phao khổng lồ chở người. Mái bện mây, cói nên chắc chắn và nhẹ nổi. Trong giờ phút này, bấu víu vào bất kỳ vật gì để được sống nổi người ta sẽ làm. Trần Mùng nặng nề đẩy bè chuối trong đêm, thi thoảng gục vào người vợ khóc rưng rức. Có lúc hắn muốn buông tay cho nước cuốn phắt đi, để khỏi nỗi ám ảnh chua chát tột độ này, nhưng lại giật mình thương người đàn bà khốn khổ bập bềnh trên chiếc bè chuối sắp rã tan. Nó được cứu sống rồi. Nó sống rồi mà. Nó đang ở với người ta... Lời độc thoại rên rỉ lõng bõng trôi vào tiếng nước đêm.

2. Bà Dung đặt tràng hạt ngay ngắn lên mảnh vải điều khi vừa tụng xong 108 biến kinh. Nắng bắt đầu ửng vàng trên chiếc thềm gạch gồ ghề, soi vào rặng gấc bên sườn nhà lùm lùm quả xanh quả đỏ như dàn hoa đăng. Bà khẽ thở hắt ra. Từ sau đám tang cụ ông, bà buồn. Ngôi nhà đã neo người nay càng lạnh tanh đơn bóng. Căn buồng nơi người cha già trút hơi thở cuối cùng đã khóa chặt cửa, bà dọn xuống nhà ngang lập bàn thờ Phật làm bạn với chuông mõ cho vơi đi nỗi đau, nỗi trống trải khôn cùng. Cụ ông đến lúc chết vẫn chỉ nghĩ về con. “Cha già rồi không cự được nữa, chỉ thương con tật nguyền lẻ bóng. Khi cha đi rồi con hãy mở hòm sắt, có di chúc của cha để lại, và một cuốn sổ ghi chép… con sẽ hiểu… Nhớ đi tìm người… đừng mộ..t m…ình, ch…a l…o!”. Di nguyện cuối cùng của người cha già vẫn thều thào vang lên trong căn nhà vắng. Hôm nay đã gần nửa tháng kể từ ngày thu buồn ấy, bà Dung mới quyết tâm mở nắp hòm sắt đã han gỉ theo lời cha dặn. Cuốn sổ ghi chép bạc thếch cùng thời gian vẫn nằm im lìm trong đó làm bà ứa nước mắt. Bà run run đỡ nó trên tay, lê từng bước đẩy chiếc xe lăn ra sân. Hai bánh xe lóc cóc chầm chậm chở bà ra triền đê yên ả. Mỗi khi tâm trạng rối bời cần tìm nơi tĩnh lặng bà lại đi xe lăn ra đê, nơi trong lùm cỏ xanh thơm thơm có vài bụi hoa phù dung rất đẹp. Loài hoa phớt hồng yêu kiều đong đưa trong nắng sớm, nhưng cũng héo rũ nhăn nhúm lúc ngày tàn. Bà mê mẩn đỡ từng đóa hoa có hồn như những gương mặt hồng nhan, cũng từng bứng một cây về trồng nhưng nó chết. Loài này đẹp, sống hoang dại nhưng cũng yểu mệnh lắm. Những lúc ấy bà lại khóc. Đã qua con dốc bên kia của cuộc đời rồi mà bà chưa từng dám soi gương. Người ta vẫn nói rằng bà đẹp. Da trắng tóc dài mắt sâu. Nhưng chứng teo cơ chân từ nhỏ khiến bà không có được cuộc sống bình thường như bao người, mấy chục năm trời phải lệ thuộc vào chiếc xe lăn. May thay vẫn còn đôi tay lành lặn, vẫn ngồi thụp lê bước được. Đôi tay giặt vải thuê cho người ta cũng chai sần, sứt sẹo từng ngày. Ông Trời vẫn còn cho sức lao động tự thân, thế là còn sống, nhưng bà chưa bao giờ dám mơ tới một tấm chồng. Những tháng ngày đằng đẵng cũng theo bà lăn xuống con đê đầy cỏ hoa và nước mắt.

Run run mở cuốn sổ bạc màu cha để lại, bà Dung thoáng ngẩn ngơ nhìn đàn dê be be tràn xuống bờ đê bứt cỏ. Những con dê hiền lành ngơ ngác nhìn quanh rồi lại chúi đầu vào cỏ, cỏ sau mưa mập non nhai sồn sột. Dạo gần đây bà thi thoảng cũng thấy đàn dê này trên đê nhưng không thấy chủ chăn. Hôm nay thấy xa xa trên mỏm đá kè quanh con đập một ông già hom hem đội nón nhìn theo đàn dê, hay nhìn bà, không rõ nữa. Có lẽ là nhìn bà, vì đàn dê sau đó lại chạy đi tìm bụi cỏ khác, mà ông lão vẫn nhìn chằm chằm hướng đó. Bà hơi bối rối quay xe ra về. Nơi đây yên bình mà quạnh vắng. Ráng chiều bắt đầu đỏ quạch. Bỗng tiếng ai hét lên thất thanh. “Cứu! Cứu!”. Bà Dung vội vã lăn bánh tới chỗ ông lão gầy nhẳng đang gào thét nhảy như cào cào trên bờ. Dưới con kênh đào sâu ngùm ngụp, con dê non đang gần như chìm nghỉm dưới nước. Nó mò xuống dưới kênh uống nước, dẫm lên bờ đá rậm rêu trơn tuột thế là té ngã. Bốn chân nó huơ huơ trong lòng nước dập dềnh, cố nghếch cái mõm lên be…e…e yếu ớt. Lão già mêu mếu tóm một khúc cây kéo con dê về, nhưng khúc cây gãy làm đôi, con vật bị dạt ra xa. Biết làm sao được. Một người tật nguyền, một người già yếu trước lòng nước sâu, đành chịu nhìn theo con vật thảm thương kia chết trôi về cõi khác.

Ông lão ngồi thụp xuống, chiếc nón rách cũng rung rung theo nhịp vai gầy. Lão ngơ ngẩn nhìn xuống lòng kênh, miệng móm mém lầm rầm. “Thôi cha đành bỏ con thôi. Dứt tình ruột thịt mắt Trời chẳng thương”. Bà Dung thấy cảnh này cũng xót xa lắm, nhưng bụng nghĩ lão già cũng rõ kỳ quặc, kỳ quặc đến đáng thương. Ai lại xưng với con vật là cha con bao giờ. Chắc lão cô quạnh quá nên đâm nhảm. Nhưng còn một điều kỳ quặc hơn nữa. Một nhành hoa phù dung đã phai màu chiều đặt lên chiếc xe lăn của bà. Lão đặt, rồi mếu máo chạy đi. Bà lạ, rồi bà sợ. Nhưng trong gương mặt đầy khổ đau của lão không hề gợn vết của một gã sắp gần đất xa trời muốn chơi trống bỏi trong hoàn cảnh này. Có điều bà không thể nào hiểu nổi. Tại sao lại tặng, tại sao lại hoa, tại sao lại là phù dung? Nỗi ám ảnh về lão già đáng thương kỳ quặc cũng lăn theo bà trên con đường đất dính dẻo trở về nhà. Bông phù dung đã nhợt nhạt rũ ngặt sang một bên.

3. Bấy giờ bà Phô Mập phớ lớ bưng bát canh cua đồng sang nhà bà Dung, cái miệng đã nhoe nhoét trầu. Mới ngoài năm mươi mà đã nghiện trầu rìn rịt, dân làng vẫn gọi là bà đồng bóng. Bà Phô Mập là người làng Hạ chuyển về đây, cũng thuộc hàng tứ cố vô thân và ế chồng. Nhưng lúc nào cũng vô tư phớ lớ, lắm lúc lên cơn xem tay xem tướng như thần. Bà ta còn có biệt tài bắt cua mò cáy nhanh không ai bằng. Tài này chắc được tôi luyện từ bao năm đói khát về trước. Những năm mà mạnh ai người nấy sống.

-Này! Ăn cơm chưa? Húp vã miếng canh này ngọt lắm! Nay lượm được mớ rốc đồng mây mẩy, toàn gạch vàng nhé! Mẹ kiếp động phải con cua cụ nó cắp cho sất tay!

 Bà Phô Mập vừa nói liến thoắng vừa huơ huơ ngón tay bị xước một tí tẹo trước mặt. Thực ra bà ta đang cố kiếm câu chuyện làm quà cho không khí bớt trầm nặng, nhưng bà Dung vẫn như người mất hồn, nói bâng quơ cho có:

-Thế à! Sao không bắt cáy? Cáy nấm cũng đang nhiều mà.

-Nước này cáy óp bỏ mẹ! Mà toàn cáy leo cây xanh lét hôi rình, chả thèm ăn. Mà chị sao thế? Ngơ ngơ ngáo ngáo! Đời còn đếch bao nhiêu mà phải buồn nhiều thế! Cứ ăn ngủ phì phì như tôi đây xem có buồn được không?

- Ừ…cũng phải. Nhưng… cái lão chăn dê ở con đê làng mình ấy… bà biết không?

- A ha ha ha ha!!! Lão già hâm đấy hả? Lão cũng người làng Hạ đấy! Nghe nói thời trẻ lão còn biết làm thơ, giờ về già chắc bị thơ nó vật, đâm ngớ ngẩn, chẳng giao du với ai. Dở hơi ấy mà!

Bà Phô Mập vỗ đùi phành phạch ra điều đắc chí ta đây ai cũng tường, nhưng bỗng ngừng lại đăm chiêu trước khuôn mặt rầu rầu của bà Dung:

- Thế lão ấy làm sao? Mà này, giờ nhìn kỹ tôi thấy bà có nét gì giống giống lão. Giống lắm! Duyên tiền kiếp rồi! Người ta bảo vợ chồng vẫn thường có nét giống nhau mà. A ha ha ha ha!!!

Tràng cười đầy man dại của bà Phô Mập khiến bà Dung thoáng rùng mình. Bà không muốn nghĩ tiếp những điều sắp nghĩ. Tấm phên nứa đã khép lại một ngày hỗn độn. Trăng như tuôn ngàn ngón tay móc mói vào những lỗ phên thủng lia chia. Bà Dung thở dài mở cuốn sổ chưa đọc được chữ nào. Đêm dày như một con trăn gió đen sì vắt ngang căn nhà nhỏ. Chiếc đèn tù mù được châm thêm dầu, mở to lòng bấc hồng rực lên những con chữ.

4. Sau cơn siêu bão, vỡ đê, những người còn sống cũng phải đối mặt với cái chết dở trông thấy. Làng giờ là những mảnh, miếng ngập ngụa và tan tác. Cơn lũ đẩy người dân dạt vào làng Thượng. Làng này không bị lụt nước nhưng cũng xác xơ sau bão. Những nạn nhân còn sống sót lại trở về làng có con đê bể, dù mặt đất lúc này chẳng khác gì buổi hồng hoang, sống bên lề cái chết. Mùi tử khí bốc lên rợn rợn hút lũ quạ về sà đen mặt đất. Những cái xác chết trôi nhờn nhợt nhiều không kể xiết. Vợ chồng Trần Mùng cũng ríu nhau về làng trong cảnh tượng khủng khiếp ấy. Hắn cay đắng cắn bật máu môi. Cuộc đời này hắn sẽ chẳng thể viết nổi một vần thơ nào được nữa.

Sống mà phải trân trân nhìn về cái chết là một điều đáng sợ hơn hết. Dù chỉ cách đây vài ngày thôi, cuộc sống với rau luộc và mắm quẹt, muối rang cũng đã khiến người ta thỏa mãn đến tột cùng mà điều đơn sơ ấy lại mong manh như bong bóng nước. Cái đói lại tìm về như một tất yếu. Nước rút chậm, dịch bệnh bắt đầu sinh sôi. Bao nhiêu con trâu mộng là đầu cơ nghiệp của từng nhà mắc dịch lăn đùng ra chết, hoặc sau cơn lũ bị đẵm nước lâu, ốm đói cũng chết. Những cái mắt trâu đỏ đọc không kịp nhắm vẫn còn lưu luyến mùi bùn đất ải. Xác chúng được chôn sơ sài ngoài nghĩa địa.

Vợ chồng Mùng cũng phải ăn rau nhập nhằng với củ ấu mấy ngày nay rồi. Cặp vú người vợ lép kẹp chẳng còn giọt sữa. Đói khát lại thêm nỗi nhớ con, hận mình khiến ả càng thêm tiều tụy. Trần Mùng cả ngày vò đầu bứt tai, rồi hắn lại chửi mình, sống làm gì thêm nhục. Đêm ấy hắn sùng sục xách con rựa đi. Ma xui quỷ khiến hắn vào nghĩa địa. Trên đầu sấm lại ù ù báo thêm một trận mưa không mong đợi. Đất cứ lụt sình sĩnh thế này biết lấy cái gì bỏ miệng. Một lằn sét rạch ngang trời sắc lẹm làm con dao rựa trên tay hắn sáng lòa lên, tiếp đến là tiếng nổ chát đanh long óc. Tay hắn run run. Con rựa cắm xuống đất ẩm sồn sột giữa những tiếng âm u xa ngái của đêm thanh. Lại một lằn sét nữa. Ánh sáng lòa trong giây lát đủ chứng kiến một vết chém rất ngọt. Màn đêm có nhìn thấy hắn cười?

Chiếc đùi trâu lủng lẳng trên gác bếp kích thích cơn thèm đạm trong người ả vợ đến bấn loạn. Ả đói lắm rồi, giờ nhìn thấy thứ này khác nào chết đuối vớ được cọc. Ả xẻo từng miếng thịt đã thâm rích, mùi tanh lờm lợm đầy ám khí bốc lên nhưng người đàn bà không còn nhận ra nữa. Chiếc nồi bắc lên bếp vừa đun nhan nhát đã gần hết sạch. Ả ăn trong lúc đun. Hai, ba… năm miếng tọng hết vào mồm. Cái thứ thịt động vật thật là ngọt và đằm trong cơn đói nhũn. Rồi miếng nữa, miếng nữa… ăn như sẽ không còn được ăn.

Trần Mùng hốt hoảng vứt tạch cái lờ đơm xuống sân, vả liên hồi vào mặt người vợ:

-Mả bố mày! Mới đẻ ăn thịt trâu cho hậu sản chết à! Mả bố mày!

Vừa lúc có tiếng trẻ con ọ ẹ ngoài ngõ. Gã Hon mặt buồn rầu bế đứa nhỏ vẫn còn vải đùm vải bọc sang nhà Mùng. Đứa trẻ vừa được vợ chồng gã cứu trong bão, gã muốn sang xin nó làm con vì vợ gã không đẻ được. Trần Mùng thảng thốt, rồi lại ngậm ngùi quay đi khóc. Đàn ông mà sinh phải giờ nước mắt.

-Vợ chồng tôi đâu còn tư cách gì giữ nó… Thôi anh về đi!

Những tiếng nấc lại vang lên ngắc ngứ. Hai gã trai nghẹo đầu về hai phía, mắt không dám nhìn nhau.

Vợ Mùng thì không khóc được. Không ra cướp con được nữa. Ả bỗng lên cơn co giật mạnh, mặt trợn ngược trắng dã, dãi mép phun ra nhầy nhụa. Không hiểu đây là chứng gì. Do hậu sản, thịt trâu dịch hay bội thực?

-Đứa bé đây. Nó đây rồi! Có trăng trối gì không?

-Có trăng trối gì không?

Ả vợ người dần tím tái, mắt đã dại đục trong cơn giật, dồn chút sức tàn cuối cùng với tay lên má đứa trẻ:

-Đặt tên… là…Trần Phù Du… ng!

5. Bà Đừng đọc từng lời như búa bổ bên tai. Tiếng vạc gọi đêm tắc nghẹn. Di nguyện này lão Hồn cất giấu trong lòng từ lâu, giờ nó hiện lên tròn vành rõ nghĩa khiến bà càng thêm rối bời. Sự thật này có ánh trăng và cây đèn dầu chứng nhận. Nên khóc hay cười, thương hay hận. Bông hoa phù dung héo quắt từ chiều vẫn có thần thái riêng. “Cha!”. Bà Dung bất giác thốt ra cửa miệng, không biết gọi ai. Lại lần tìm tràng hạt. Tiếng mõ đêm muộn nghề nặng nhọc. Mỗi sát na của sự sống lại nảy ra những cái vô thường. Bà rửa mình trong kinh kệ. Gương mặt lão già đáng thương lại mếu máo hiện lên. Bà thấy gương mặt mình nhập vào gương mặt ấy.

Triền đê hôm nay sao xác xơ. Người ta phun thuốc diệt cỏ cháy vàng cả một vạt rộng. Con đường đất dưới chân đê sắp đổ bê tông, cỏ tươi tốt mọc lan tận rìa đường bị thuốc diệt khô đét. Đàn dê vẫn tới đây. Những con dê đói cỏ rầu rĩ tìm nhai lá cây dại. Lão già hom hem vẫn ngồi đó, nhìn về hướng đó. Hai hốc mắt lão đã trũng sâu, cái miệng móm mém không nhúc nhích. May sao vẫn còn những bụi phù dung nở rộ, níu người ta ở lại. Bà Dung không dám nhìn về phía lão đội nón rách. Nhưng nếu có con dê gầy guộc qua đây, bà sẽ ôm chầm lấy nó mà nức nở. Chiếc radio nhỏ trên tay bà rè rè vang lên: “Tin bão khẩn! Vào hồi… sáng nay, tâm bão đang ở…, cách… km…”

Trời lặng gió và mây vẫn xanh văn vắt, dấu hiệu yên bình giả trước mỗi cơn bão lốc. Có tiếng ì ùng từ xa và mặt đất như nóng hơn. Đàn dê bỗng be be nhao nhác. Bà Dung không quay bánh xe về, một mạch lăn nhanh về phía lão già đang ngồi như phỗng giữa trời đang thâu gió. “Cha! Cha ơi!”. Bà gọi, lại khóc như một đứa trẻ bị bỏ rơi. “Sắp bão! Về thôi cha ơi! Hư hư…” Lão già thất thần nhảy phốc khỏi tảng đá kè, lao đến như một cái máy. Lão một tay phăm phăm đẩy cái xe lăn, một tay lùa đàn dê chạy về làng Hạ. Cái miệng lão méo xệch làm giọng lão cũng méo méo, nhệch nhệch. “Phải! Bão rồi! Bão đấy! Con ơi về với cha!”.

Sau lưng, những khóm phù dung vẫn nở rộ, ửng hồng, điềm tĩnh mỉm cười giữa triền đê trọc lốc. Như không hề biết cơn bão đang tới rất gần.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước