Hòa “logo”
VNTN - Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên khóa III (nhiệm kì 1998 - 2003) vừa xong. Khi nhà văn Ma Trường Nguyên mới yên vị ở ghế Chủ tịch Hội, thì cũng đã đến buổi gặp mặt Ban Chấp hành nhân dịp tất niên. Tôi đến Hội, vào phòng biên tập thấy Thế Hòa đang trầm ngâm mải miết làm maket báo. Chực quay ra, thì anh sốt sắng gọi lại mời trà và không hiểu sao, anh nhìn tôi như ngắm một đồ vật lạ…
Quả là hôm ấy tôi cũng hơi “chảnh”: diện comple đen, đi giày bóng mũi và thắt cà vạt đỏ. Suốt buổi Thế Hòa không rời tôi nữa, anh ngồi gần khi họp gặp mặt với Ban Chấp hành. Anh kéo tôi ăn cùng mâm lúc liên hoan. Và khi kết thúc thì anh lôi tôi cùng đi kỳ được. Tôi không hiểu Thế Hòa muốn gì. Cũng đã hỏi, nhưng dường như anh không nghe thấy. Chúng tôi vòng vo xe máy đến nhà người này, lại sang nhà người khác… Gõ cửa đã ba bốn nơi, chỉ thấy trẻ con ra trả lời, hoặc chó sủa ầm ĩ mà không thấy người ra mở cổng… Ngày giáp tết, ai cũng có việc phải lo toan. Thời đó đang rộ “mốt” cafe ôm. Trộm nghĩ, lão này giở chứng, muốn “chiêu đãi” bạn vài giờ ôm gái sao? Cuối cùng cũng có người mời chúng tôi vào nhà. Anh giới thiệu chị chủ nhà là bạn rất thân của bà xã anh. Ngồi uống đến tuần thứ hai của ấm chè rồi, mà cứ thấy Thế Hòa nhấp nhổm, hết đứng lên lại đặt mông xuống ghế và thầm thì gì đó với cô bạn của vợ. Cuối cùng chị Thành vợ anh cũng xuất hiện. Anh vồ vập kéo ghế để chị ngồi. Rồi giới thiệu với chị: Đây là bạn anh, cũng là hội viên Hội Văn nghệ. Anh còn chua thêm, vẻ mỉa mai: Đẹp giai, cao to… tán hết các em ở Hội, không để cửa cho bọn anh cô nào! Tóm lại, Thế Hòa giới thiệu với hai người phụ nữ một mẫu điển hình, một tên Don Juan chính hiệu, đó là tôi! So với tôi, loại như lão chỉ là hàng tôm, hàng tép!... Nhìn khuôn mặt lạnh tanh của chị Thành, tôi rúm bụng để nín cười: Thì ra lão láu cá này lôi tôi đi cùng để tìm vợ của lão! Kinh nghiệm của thằng đàn ông gần chục năm có gia đình, tôi hiểu ngay là lão đã gây hấn gì đó để vợ giận… Thế Hòa non gan, lại lười nên không chịu được việc ở nhà không có người kiếm tiền và hàng ngày chăm sóc cơm nước cho chồng cùng con cái. Cũng may là chị Thành về nhà luôn hôm ấy, chứ không Thế Hòa chắc đã bị bay biến hết cảm hứng văn nghệ sỹ từ đó rồi!
Vừa rồi đến thăm anh ở căn nhà mới xây gần siêu thị Minh Cầu. Cứ vài năm anh lại xây thêm một căn nhà mới (nói vậy cũng là để đề cao anh, chứ kì thực: toàn tiền do chị Thành may áo dài kiếm được cả). Tôi hỏi dịp này vẽ vời gì? Có tác phẩm mới cho xem một chút? Anh lôi tôi lên căn gác ba, chỉ cho tôi hàng trăm bức vẽ đã tháo khung. Bức nào to thì anh xếp nghiêng để dưới sàn. Những bức nhỏ anh xếp chồng lên nhau, như người ta xếp đĩa trên chạn bát. Trời đã vào đông mà căn gác vẫn hầm hập, bụi phủ trắng cả mép khung tranh. Anh nói đây chỉ là một phần, còn nhiều nữa đang xếp ở kho trong trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Tôi từng chạnh buồn khi nghĩ đến những cuốn truyện bị bỏ rơi trên kệ sách. Nay tôi lại thấy xót cho những bức tranh bị phai màu và bụi rắc lớp mỏng, lớp dày không có người xem… Lấy gì đo công sức của một người gắn chặt với nghề nhỉ? Không biết bao nhiêu thời gian anh đã đổ vào đó? Còn ai tính được những hy vọng bị chuội đi, nó gặm nhấm nham nhở cả niềm đam mê lúc bừng bừng, khi thiu thiu ngủ của người họa sĩ… Tranh vẽ ra không có người mua, thậm chí cũng chẳng ai xin mà để tặng! Người nghệ sĩ so đo tính đếm từ cả ly cafe cho bản thân. Nhưng tiền mua toan và bút vẽ lại chẳng bao giờ biết đường hạn chế. Cứ vẽ và lại cứ xếp lên gác, bởi có phải bức vẽ nào cũng có thể đem đi triển lãm được đâu! Anh nói cả đời làm họa sĩ, chỉ duy nhất một lần bán được tranh, đó lại là bán cho Công đoàn tỉnh làm quà tặng đi đâu đó…
Vậy mà anh vẫn vẽ. Chạy theo những đề tài bất chợt đến với mình. Và khổ nỗi những cảm hứng cứ ùa đến để cuốn anh theo. Khi vô định như ngọn gió, lúc lại xao xuyến như một cánh lá bàng rụng chao đỏ vệt nắng chiều… Rồi cả những bức vẽ dở dang - anh không thể ngồi mà vẽ tiếp, bởi mạch cảm xúc vừa mới bùng nở, khi chưa kịp tĩnh trí, đã thấy nó trần trụi như lời nói tục phát ra từ đôi môi một người đẹp…
Xem tranh chán, anh chợt bảo, sắp về hưu rồi, nên đang chuẩn bị dồn thời gian cho thú chơi mới. Cứ nghĩ Thế Hòa sẽ chuyển hẳn sang vẽ sơn dầu, hay kì cạch đục đẽo tượng kia… Nào ngờ anh dẫn tôi vào một căn phòng mà tôi không biết gọi là kho hay gian chứa phế liệu của nhà máy luyện thép. Hàng trăm cái cân, với hàng chục kiểu dáng khác nhau, cái to đùng, cái nhỏ xíu, loại đúc bằng đồng, loại lại làm bằng cái ống trúc mong manh nhờn vệt tay cầm. Cái thì treo, cái lại được đặt trên kệ đỡ, phần đa nằm thành đống lỏng chỏng trên sàn gạch. Anh đưa tôi một quả cân, khoe rằng nó được làm bằng đồng tinh khiết đấy! Anh còn ề à giãi bày: Cái cân là biểu tượng của sự công bằng, chính trực… Để thuyết phục hơn, anh kéo tôi đến cái tủ kính đắt tiền, trong đó có đặt một bức tượng Nữ thần công lý bằng đồng hun khói. Nữ thần đứng khoe bộ ngực tròn vo, tay trái cầm cái cân giơ lên cao, tay phải cầm thanh gươm tuốt trần chúc xuống đất. Đôi chân Nữ thần dài “miên man”, Nữ thần đứng trên một con rắn khổng lồ… Tôi không thỏa mãn với câu trả lời của anh, khi giải thích thắc mắc của tôi là tại sao Thần công lý lại đứng trên mình con rắn? Vì theo truyền thuyết phương Tây, họ coi rắn là loài lươn lẹo…
Ngoài cân ra, Thế Hòa còn sưu tập cối xay bột; cối giã gạo; cối giã trầu; xe đạp; đồ sành sứ; máy chiếu phim; tem phiếu thời bao cấp… Khi anh định cho tôi xem năm ngàn chiếc tem thư, mà anh khẳng định có cái xuất xứ từ đại chiến thế giới lần thứ hai, tôi liền cầm cái búa, ra ý muốn đập xin anh một mảng gỗ hóa thạch dựng ở góc nhà… Thế Hòa lộ rõ bản chất keo kiệt, khi sỗ sàng giằng búa từ tay tôi không một chút ý tứ và điêu toa giải thích rằng gỗ hóa thạch đập là vỡ vụn luôn!...
Nếu là người lạ, nhìn vẻ ngoài sẽ chẳng ai nghĩ anh là họa sĩ. Anh sinh năm 1957, cầm tinh con gà. Vào học ở trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc từ năm 1973, Khoa Hội họa. Lẽo đẽo bám theo nghề suốt từ những năm đó đến nay. Trải qua bốn cơ quan: Phòng Văn hóa thành phố; Công ty Hội chợ triển lãm tỉnh Bắc Thái; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái (sau đó là Thái Nguyên) và cuối cùng yên vị ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Một cô giáo cùng trường từng nói nhỏ với tôi: Lão làm thày mà cái uy không phát lộ bằng ông bảo vệ… Nhưng học trò quý lão.
Thành tích về mỹ thuật của Thế Hòa không ầm ĩ như một số người. Anh làm Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, rồi Ủy viên Ban Chấp hành hai khóa liền, song kì thực anh cũng chỉ cố làm cho tròn vai. Anh nói cái tạng mình không hợp làm cán bộ. Ở các cuộc họp Ban Chấp hành, anh dường như không có ý kiến bao giờ, các ông Chủ tịch Hội luôn thích mê mẫu “nghị gật” như anh. Ngay trong các cuộc lai rai giữa khuôn khổ bạn bè, anh cũng chỉ thích ngồi nghe. Và bạn nhậu khoái anh vì họ được nói độc thoại thả phanh mà không bị ngắt lời. Câu cửa miệng khi đó của anh là: ờ… ờ…ờ. Trong khi mắt thì luôn để ý đến độ vơi của ly rượu.
Sau ngày Bắc Thái được chia làm hai tỉnh (Thái Nguyên và Bắc Cạn) thì trong giới mỹ thuật Thái Nguyên và bạn bè nhiều người gọi đùa anh là “Hòa Logo” bởi những cuộc thi Logo của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, huyện Định Hóa. Anh đều giành giải Nhất. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mời anh thiết kế Logo cho họ… Thành tích ấy anh có thể hãnh diện và tự hào để “nổ” và “chém gió” ở khắp mọi nơi lắm chứ. Nhưng “chú gà trống” Thế Hòa chỉ phát ra câu: ờ…ờ...ờ, mà không thích cao giọng cất tiếng gáy: Đó … là… tô..ô…i…!!!
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...