Hòa giải – một cốt cách văn hóa của Bác Hồ
VNTN - Bác Hồ là người am hiểu sâu sắc văn hoá và lịch sử dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, qua các bài nói, bài viết Bác đã thể hiện tầm hiểu biết ấy với tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Với tư cách của một nhà lãnh đạo, của một chính khách, trong nhiều trường hợp Bác đã vận dụng những tri thức văn hoá và lịch sử hết sức sáng tạo.
Sinh ra ở một vùng đất địa linh nhân kiệt, lớn lên trong cái nôi của văn hóa Lam Hồng thấm đẫm văn hóa dân gian, của tục ngữ, thành ngữ và dân ca ví dặm mà đặc biệt là hát Phường vải (Phường nón, Phường đan, Phường chài…), Bác lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ, lại được sự rèn cặp của cha là một nho sinh - Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nên tâm hồn Bác từ buổi ấu thơ đã thuộc nằm lòng những câu ca dao:
- Quay lại là bờ.
Những tri thức, giá trị văn hóa này thấm đẫm trong từng trang viết, trong cách ứng xử của Người với nhân dân, với bạn bè, đồng chí và cả với những người ở phía đối địch. Cốt cách văn hóa của một nhà văn hóa trong tư tưởng hòa giải là một nét rất điển hình của Bác.
Bác đã nghiên cứu và suy nghĩ rất kỹ, rất sâu khi lấy Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp để đưa vào trong phần mở đầu (và quan trọng nhất) của Bản Tuyên ngôn Độc Lập đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Liên Xô ra đời năm 1917 nhưng Bác đã không trích dẫn). Nhưng ở buổi lễ ấy, Bác khi đọc Tuyên ngôn đã hỏi lại: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.
Bác không hỏi “Tôi nói nhân dân nghe rõ không?” hoặc “Quý vị nghe rõ không?”. Ấy là từ trong máu, trong tim mình Bác coi tất cả mọi người (kể cả những người ở phía bên kia) đều là máu mủ ruột rà. Không chỉ với câu hỏi thân tình, làm xúc động hàng triệu người đủ mọi tầng lớp xã hội, mà cả trang phục của Bác ở ngày lễ trọng đại ấy cũng thể hiện sự hòa đồng, hòa giải: "Trong khi hầu hết các cộng sự của ông trên khán đài đều mặc đồ vét Tây và thắt cà vạt, nhưng ông Hồ cố ý chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao su trắng - những biểu tượng của ông trong vai trò người đứng đầu Nhà nước trong 24 năm tiếp theo... Có lẽ ông Hồ xem nó là một giải pháp thỏa hiệp thích hợp giữa bộ đồ Tây với bộ áo dài đen, khăn đóng của giới nho sĩ Việt Nam, vốn được xem là quá truyền thống trong những trường hợp thế này và hình như ông Hồ chưa bao giờ mặc chúng kể từ năm 1911.(1)
Bác Hồ đón kiều bào Thái Lan về nước, năm 1960 - Nguồn: internet
Không chỉ là sách lược mà còn là tư tưởng hòa giải của Bác ngay từ ngày đầu của chính quyền cách mạng. Điều đó thể hiện nhất quán trong hành động và ứng xử của Bác.
Ngay khi Cách mạng thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng ngàn năm chế độ phong kiến ở nước ta. Không như Cách mạng Pháp (1881) xử tử nhà vua, Cách mạng tháng 10 Nga (1917) người ta treo cổ vua Nicolas và Hoàng tử bị bệnh thiểu năng.
Thế kỷ XX những Nicolae Ceausescu (Bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch nước Rumani) đến Saddam Hussein, Muammar Gaddafi… đã bị xử tử khi cách mạng nổ ra. Không trả thù, không truy cứu trách nhiệm của những người ở phía đối địch, trước Bác đã có Abraham Lincoln (Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ trong nội chiến Nam - Bắc 1861 - 1865), sau này là Nelson Mandela.
Cách mạng tháng Tám đã không xảy ra đổ máu, không có bắn giết, tàn phá của những người chiến thắng. Kết thúc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, quân đội nhân dân Việt Nam sau khi tiếp quản Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác đã không có “tắm máu” như người ta lo sợ.
Với Hoàng tộc nhà Nguyễn, ngay những ngày biến động lịch sử xảy ra tháng 8 - 1945 Bác Hồ đã thể hiện tinh thần hòa giải triệt để. Ngoài việc bảo đảm an toàn cho tất cả các quan chức của triều đình nhà Nguyễn và mời Bảo Đại làm cố vấn tối cao, Bác đã cử ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Bác và Chính phủ vào Huế, đến tận Hoàng cung gặp mặt vợ con Bảo Đại để thăm viếng, động viên, an ủi họ. Tết năm đó Bác đã cho Chủ tịch Ủy ban Hành chính Huế thay mặt Bác trợ cấp cho gia đình Bảo Đại một số tiền để ăn Tết. Bác cũng cho người đến thăm hỏi và gửi tiền giúp đỡ hai bà Hoàng hậu là vợ của hai vị vua Thành Thái và Duy Tân.
Cũng như bà Trần Lệ Xuân sau này, cả hai bà suốt đời không một lần xúc phạm, nói xấu Bác Hồ dù chồng của họ ở phía đối địch với Bác. Chính sự hòa giải của Bác mà có đến 8 trong 10 vị của Chính phủ Trần Trọng Kim, nội các của vua Bảo Đạo đã đi theo cách mạng như các ông Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Bùi Bằng Đoàn…
Riêng về lịch sử, Người không chỉ nắm vững lịch sử nước nhà, lịch sử dân tộc mà đặc biệt là chú ý đến việc phổ cấp bộ môn này trong nhân dân với mục đích khơi dậy lòng tự hào và tinh thần yêu nước của mọi người nhằm đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Không kể đến các sáng tác văn học, những bài viết về các nhân vật lịch sử dân tộc hay kịch Con rồng tre đến những tác phẩm nghị luận như Bản án chế độ thực dân Pháp thấm đẫm sử liệu. Chỉ tính trong năm 1942 sau 30 năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước mới trở về, dù trăm ngàn công việc đang chờ đợi, Bác đã viết luôn hai tác phẩm gắn với lịch sử: Nên học sử ta (Ngày 1/2/1942) và đặc biệt là Lịch sử nước ta (Tháng 2/1942). Tri thức, bài học, kinh nghiệm lịch sử dân tộc về hòa giải đã được Bác tích lũy và vận dụng, trở thành một cốt cách văn hóa của Bác, đó là bản lĩnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam. Bác đã biết dùng sức mạnh của dân tộc để làm nên Cách mạng tháng Tám và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng Người cũng biết dùng hòa giải và yêu thương để giành thắng lợi.
Cũng như Hoàng đế Trần Nhân Tông, sau chiến thắng giặc Nguyên đã chủ trương hòa hợp trong hoàng tộc, trong quốc gia để tạo nên sức mạnh, bảo vệ đất nước. Bắt đầu là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng những người đã từng có liên hệ với giặc, kể cả thư từ quan hệ có bằng chứng phản bội của một số quan lại và thân vương. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên cho biết “Trước kia người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng Hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.
Hoàng đế Trần Nhân Tông đã hòa giải để đoàn kết dân tộc, để tập hợp tất cả mọi người và sự nghiệp chung đó là xây dựng và bảo vệ đất nước. Với tinh thần đó, ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mời vua Bảo Đại và linh mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946-1955) lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng có 18 Bộ trưởng thì có đến 9 vị không phải đảng viên Đảng Cộng sản (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Hướng) trong đó có nhiều vị quan lại cao cấp của chính quyền cũ.
Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được nhân dân cả nước bầu năm 1946 trong số 333 đại biểu thì có đến 213 vị không phải là Việt Minh. Trong đó có nhiều người thuộc các đảng phái chống phá cách mạng như Việt Quốc, Việt Cách hoặc các đảng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Nhiều vị đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng từ những ngày còn trứng nước và kháng chiến gian khổ như Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Tước, Tôn Quang Phiệt…
Cùng với cốt cách văn hóa của hòa giải mà ngay lúc đất nước vô vàn khó khăn thiếu thốn và gian khổ mà hàng loạt trí thức Việt Nam đang ở Pháp, nơi thanh bình hoa lệ đã về nước tham gia kháng chiến. Bắt đầu là bốn vị trí thức tiêu biểu theo Bác về nước khi Bác sang Pháp và ký hiệp định 6/3/1946: Trần Hữu Tước, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Qúy Huân, Võ Đình Huỳnh. Những năm sau đó là Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Lương Định Của… đã tạo nên đội ngũ trí thức cách mạng, là cơ sở cho sự nghiệp chung chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước ngày nay.
Lịch sử dân tộc ta đã thấm đẫm trong tâm hồn và trí tuệ của Bác. Hòa giải - căn cốt văn hóa Hồ Chí Minh trong ứng xử với kẻ đối địch bắt nguồn từ lịch sử. Cương quyết với kẻ địch nhưng cũng đối xử rất văn hóa và nhân đạo với họ. Chính Bác đã thả tự do cho ông Ngô Đình Diệm khi đang bị bắt giam ở Thái Nguyên sau Cách mạng Tháng Tám, và nghe nói Bác đã phê bình những người viết báo gọi ông Diệm là "thằng" và Bác bảo “ông Diệm có cách yêu nước của ông ấy”. Ngoài ra hàng binh, tù binh Pháp cũng được đối xử tử tế, được cung cấp thức ăn, thuốc men trong lúc kháng chiến nhân dân và bộ đội ta đang thiếu thốn trăm bề. Bác quý trọng nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ mặc dù quân đội Pháp và Mỹ đang tàn phá, bắn giết nhân dân ta. Có thế mới có những Raymon Dien, Norman Morrison sẵn sàng hy sinh để ủng hộ nhân dân Việt Nam, mới được nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ trói tay bọn xâm lược và cả thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến.
Đại Việt sử ký toàn thư cho ta biết “Hưng Trí Vương không được thăng trật vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”. Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn trên đà chiến thắng vẫn đánh quân Nguyên - Mông khi họ đã thua chạy mặc dù đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng nên đã bị phạt.
Và Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi cũng đề cao tinh thần hòa giải, xóa bỏ hận thù khi cho biết:
tim đập chân run.
Với tinh thần đó, trong cuộc chiến tranh tàn khốc, ác liệt với bao tang tóc đau thương do Mỹ gây ra cho Việt Nam nhưng đã nhiều lần, trong các bài nói, bài viết và thư từ gửi các Tổng thống Mỹ, bao giờ Bác cũng để ngỏ khả năng “trải thảm cho quân Mỹ rút” khỏi Việt Nam. Thư chúc Tết cuối cùng của Bác, xuân 1968 Bác viết:
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào.
Mỹ đưa quân vào gây chiến tranh thì Mỹ phải “cút” chứ Bác không chủ trương giết sạch quân lính Mỹ. Bác cũng từng kêu gọi “Hễ còn một tên xâm lược thì ta phải quét sạch nó đi” chứ không phải là “giết sạch nó đi”.
Trước đó trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, có lần phi công Mỹ bị bắt làm tù binh đã bị người ta cho mặc quần áo tù và dong đi trên đường phố Hà Nội. Bác đang đi chữa bệnh ở nước ngoài, biết chuyện đã phê bình người chủ trương ấy và cấm không cho tái diễn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Đoàn đại biểu kiều bào về dự Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất năm 2013.
Khi Bác đã qua đời thì tinh thần hòa giải và tư tưởng xóa bỏ hận thù vẫn được Đảng và Nhà nước ta thực hiện. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt xúc động rằng: “Ngày chiến thắng, có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn” chính là tinh thần ấy. Cũng như cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra năm 1979, tàn phá 6 tỉnh biên giới, tàn sát hàng vạn đồng bào ta gây bao tang tóc đau thương. Chỉ với lực lượng quân sự địa phương quân và dân ta đã đánh bại hàng chục vạn lính Trung Quốc. Khi quân chính quy của ta được điều từ phía Nam ra, quân xâm lược Trung Quốc trước nguy cơ bị tiêu diệt nhiều hơn nữa đã tuyên bố rút quân. Chính phủ ta đã cho rút mà không bao vây, truy kích tiêu diệt chúng.
Đó là hòa giải, là tư tưởng của cốt cách văn hoá Hồ Chí Minh. Chỉ có xóa bỏ hận thù mới là nền móng vững chắc cho một nền hòa bình bền vững để bảo vệ và phát triển đất nước.
PGS.TS Lê Đình Cúc (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...