Hỗ trợ chi phí hỏa táng – quyết sách hợp lòng dân
Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa kết thúc với 38 nghị quyết được thông qua. Một trong số những nội dung nghị quyết được nhiều người chú ý, đó là quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Lý do không nằm ở chỗ nghị quyết nào quan trọng hơn nghị quyết nào, mà bởi đây là nghị quyết mang đầy tính nhân văn.
Thực tế cần có sự thay đổi
Có lẽ chưa khi nào nhu cầu về nơi yên nghỉ khi qua đời của người dân lại được chú trọng như hiện nay. “Phú quý sinh lễ nghĩa” cũng là điều dễ hiểu. Kéo theo đó là dịch vụ cung ứng đất dành cho “ngôi nhà” của người khuất núi. Nếu có thể mua được những vị trí tại các nghĩa trang được quy hoạch, xây dựng với cảnh quan đẹp đẽ như An Lạc Viên, Ngân Hà Viên (T.P Thái Nguyên) thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, những gia đình có thể gửi người thân yên nghỉ ở những nghĩa trang kể trên vẫn chỉ là số ít. Bởi, giá thành dành cho diện tích đặt mỗi mộ phần là không hề nhỏ.
An Lạc Viên INDEVCO Thái Nguyên
Trong khi đó, diện tích đất ở các nghĩa địa, nghĩa trang nhân dân do thôn, xóm, tổ dân phố quản lý ngày càng chật hẹp vì người mất thì cứ nhiều lên qua từng năm mà đất thì hữu hạn. Bên cạnh đó là các phong tục tập quán và quan niệm của từng người, từng vùng miền. Thế nên, nhiều năm trở lại đây, các nghĩa trang quy mô gia đình, dòng họ ngày càng phổ biến. Việc chôn cất người qua đời một cách tự phát không theo quy hoạch đã gây nhiều hệ lụy cho xã hội và cũng khiến không ít người rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở”.
Chị Phạm Song Hà, có hộ khẩu tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương cho biết: Do làm việc dưới thành phố Thái Nguyên nên tôi phải đi lại khá xa. Dành dụm mãi mới mua được mảnh đất trong xã Quyết Thắng với ý định làm nhà và chuyển về đó ở. Thế nhưng tôi không thể ngờ, đang chuẩn bị tiến hành đào móng thì có một người ở nơi khác đến mua ngay mảnh đất đối diện đất của tôi làm nghĩa trang gia đình. Ban đầu họ nói là chỉ đặt phần mộ sau khi đã cải táng hoặc hỏa táng tại đó, nhưng mới đây họ để cả “mộ tươi” (chôn người mới mất mà không hỏa táng). Tôi như chết điếng. Đất của họ, họ làm gì mình đâu cấm được. Vậy là tôi sợ, không thể làm nhà ở đấy được nữa. Mà giờ việc chuyển nhà hay mua mảnh đất khác để ở với tôi khó hơn “lên giời”. Còn bảo bán mảnh này đi thì ai dám mua khi mà chính mình còn không dám ở.
Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Nam, sống cách khu nghĩa trang xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên chỉ một mảnh vườn và bức tường xây cao ngang tầm mắt chia sẻ: Mặc dù gia đình tôi đã ở đây mấy chục năm, nhưng không thể chuyển nhà đi nơi khác thì đành phải chịu chứ bảo quen thì không thể quen được. Với các đám hiếu người mất được hỏa táng trước khi mai táng còn đỡ. Nhưng phần lớn người dân ở xóm khi qua đời vẫn được gia đình đưa đi chôn trực tiếp, vài năm sau thì bốc mộ. Thế nên, nỗi khổ của người sống gần nghĩa trang có nói người khác cũng khó mà hiểu được. Ngoài cảm giác không ai mong muốn có ra, còn là nỗi lo môi trường bị ô nhiễm khi có người mới mất hay cải táng. Nói thì bảo khó tin chứ những giếng nước nào gần khu vực “mộ tươi” còn nổi cả váng mỡ… Giờ nghĩa trang thì cũng ở đây rồi, nhà tôi cũng không chuyển đi đâu được nữa nên chỉ mong sao các trường hợp người mất đều được hỏa táng trước khi chôn cho môi trường, nhất là nguồn nước đỡ bị ô nhiễm.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những điều bất cập nhất trong việc mai táng người khuất núi. Hiện nay, đến bất cứ địa phương nào cũng không khó để bắt gặp cảnh tượng những khu mộ ngay sát nhà dân đang sinh sống. Bên cạnh các trường hợp bất đắc dĩ vì không có sự lựa chọn khác thì vẫn còn không ít trường hợp vì phong tục, tập quán, quan niệm mà người sống an táng người thân khi qua đời ngay trong vườn nhà, dưới ruộng hay trên quả đồi trước cửa của ngôi nhà gia đình đang ở. Và tất nhiên, cũng theo tập tục nên những trường hợp này đều không thực hiện hỏa táng trước khi chôn.
Khi được hỏi về suy nghĩ của mình trong việc sử dụng hình thức an táng người đã khuất, bà Hứa Thị Liên, 77 tuổi, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cho biết: Dân tộc Nùng chúng tôi sống ở đây hầu hết vẫn chọn hình thức hung táng. Chả biết đúng hay không nhưng cũng có cụ rỉ tai nhau là đi thiêu (hỏa táng) sẽ bị nóng, chết rồi cũng không yên. Tôi thì vẫn băn khoăn, thực lòng nghĩ hỏa táng sẽ tốt hơn, vừa sạch sẽ, vừa đỡ khổ con cháu sau này khi không phải bốc mộ, sang cát gì nữa, nhưng nửa lại tin vào tâm linh như các cụ nói.
Khu nhà đón tiếp và nhà chờ khi thân nhân của các gia đình đến làm dịch vụ hỏa táng
Nghị quyết sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi
Bên cạnh những người có quan niệm cũ, cũng có không ít người đã đánh giá đúng sự cần thiết của việc hỏa táng. Nhất là từ khi dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ cuối 2017. Thế nhưng, nhiều người trong số họ lại chưa thể sử dụng hình thức này vì điều kiện kinh tế khó khăn.
An Lạc Viên chú trọng bố trí cảnh quan và trồng nhiều cây xanh.
Ví như gia đình chị Trần Thị Hợi, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Chị Hợi cho biết: Họ nhà tôi có nghĩa trang riêng nhưng theo quy định phải sau khi sang cát mới được đặt mộ vào đó để không còn phải đào lên nữa, vì các cụ quan niệm, mồ mả bị động chạm là không tốt. Nếu hỏa táng được thì chúng tôi xây mộ cho bố được luôn. Nhưng không lo được tiền nên chúng tôi đành đặt ông trên quả đồi trồng cây của gia đình chờ vài năm sau cải táng.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 26/02/2020, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản chấp nhận giá dịch vụ hỏa táng tại nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO Thái Nguyên với mức giá 6.000.000 đồng/ca hỏa táng. Mức thu dịch vụ này so với mặt bằng thu nhập của người dân còn cao nên nhiều hộ gia đình khi có người thân qua đời muốn sử dụng hình thức hỏa táng nhưng không đủ phí để thực hiện. Đây cũng là một trong những căn cứ để cơ quan tham mưu xây dựng mức hỗ trợ hỏa táng trên địa bàn tỉnh.
Bà Hương phân tích thêm: Căn cứ kết quả khảo sát về tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng trong 3 năm từ 2018 - 2020 cho thấy: Một số địa phương vùng trung tâm như thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công có tỷ lệ hỏa táng cao hơn hẳn là 63% và 44%. Tiếp đến là thị xã Phổ Yên, tỷ lệ hỏa táng chiếm 24%. Các huyện còn lại như Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương có tỷ lệ hỏa táng thấp hơn, chỉ dao động từ khoảng 10 - 20%. Đặc biệt, 2 huyện miền núi là Võ Nhai và Định Hóa, tỷ lệ hỏa táng chỉ đạt 4,5%. Tỷ lệ trung bình toàn tỉnh là 28,7%.
Thêm một căn cứ nữa để xây dựng mức hỗ trợ là chúng tôi dựa trên vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người/tháng và quy định về mức lương tối thiểu vùng. Do đó đối với vùng khó khăn được hỗ trợ cao hơn. Thứ nữa là chúng tôi căn cứ trên quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, cần ưu tiên nhóm đối tượng là người có công với cách mạng và người yếu thế trong xã hội.
Từ những căn cứ trên, mức hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua với 4 mức khác nhau.
Đối với người chết là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cô đơn (người cao tuổi cô đơn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người sống đơn thân không có người nuôi dưỡng), người được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh Thái Nguyên; người vô gia cư, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người không quốc tịch mà không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng vì lý do bất khả kháng mà chết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mức hỗ trợ 6.000.000 đồng/01 ca hỏa táng.
Đối với người chết không thuộc đối tượng trên có đăng ký thường trú trên địa bàn huyện Định Hóa, Võ Nhai, mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/01 ca hỏa táng; Có đăng ký thường trú trên địa bàn huyện Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, mức hỗ trợ 4.500.000 đồng/01 ca hỏa táng; Có đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/01 ca hỏa táng.
Thời gian hỗ trợ được tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí thực hiện đối với các cơ sở trợ giúp xã hội sẽ do ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 100%. Đối với các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại ngân sách địa phương bảo đảm. Đối với thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên: Ngân sách địa phương bảo đảm.
Hỏa táng là một hình thức văn minh, hiện đại. Việc tỉnh có chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn chuyển đổi từ hung táng sang hình thức hỏa táng mà còn làm giảm sức ép cho các nghĩa trang, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Và, quan trọng hơn cả, đây chắc chắn sẽ là Nghị quyết đúng, trúng với mong muốn và nguyện vọng của đông đảo các bậc cử tri.
Ông Nguyễn Văn Thành, xã Tân Thái, huyện Đại Từ bày tỏ: Chúng tôi rất đồng tình với Nghị quyết hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người dân mới được các đại biểu HĐND tỉnh thông qua. Hỏa táng sau khi nằm xuống, con cháu chỉ phải lo hậu sự cho mình một lần, không phải đào lên lấp xuống vất vả và tốn kém nữa. Hơn nữa, hỏa táng rồi mới chôn sẽ tiết kiệm được đất nghĩa trang. “Tấc đất tấc vàng”, đất ở đâu cũng chỉ có giới hạn, chôn mãi cũng phải hết nên tiết kiệm được vẫn tốt hơn.
Còn khi được hỏi về quan niệm hình thức táng sẽ ảnh hưởng như thế nào sau khi khuất núi, bà Nguyễn Kim Lan, phường Hoàng Văn Thụ cho rằng: Nếu coi sau khi chết đi là tiếp tục đi đến một thế giới khác hay có luân hồi tái sinh đi chăng nữa thì cũng không phụ thuộc vào việc được táng thế nào. Thân xác này chết là hết, phúc phận là do chính bản thân ta tạo sự lành ác khi còn sống mà thôi...
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...