Hồ Chí Minh và văn bản quốc tế đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
VNTN - Văn bản đó chính là Hiệp định sơ bộ 6/3/1946.
Với thời gian hơn nửa thế kỷ, qua tài liệu được giải mật, qua hồi ký của những người trực tiếp tham gia, qua các công trình nghiên cứu lịch sử và chính trị của Việt Nam, Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc…, chúng ta có thể thấy ở Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 những nội dung và giá trị mới.
Một cuộc mít tinh tại Hà Nội năm 1945. (Ảnh tư liệu)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không được một nước nào công nhận. Các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu cũng không công nhận.
Đến thời điểm thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam (1946) cùng với Trung Hoa tìm cách tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì ông Phó Thủ tướng nước Pháp (một lãnh đạo đảng Cộng sản Pháp, bạn của Hồ Chí Minh, cùng Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1923) là Maurice Thorez đã dõng dạc tuyên bố: “Quốc kỳ của chúng ta là trên hết! Vậy nếu cần đánh cứ đánh, nện cho nặng vào”1. Hồ Chí Minh cũng đã 6 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ, gửi thư cho Liên Hợp Quốc (Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc - trừ Pháp) nhưng không đâu trả lời. Thực dân Pháp sau khi cùng quân đội các nước Đồng Minh chiến thắng Phát xít đã có chủ trương trở lại xâm lược Việt Nam. Tướng De Gaulle đã quên mất thân phận của người dân mất nước, làm nô lệ cho phát xít Đức đã trở lại bản chất của một kẻ xâm lược. Ông ta đã vạch sẵn kế hoạch và thực hiện tái chiếm Đông Dương.Đó là Tuyên ngôn 24/3/1945. Đến chuyến đi Mỹ của De Gaulle, ông ta cụ thể hóa Tuyên ngôn này với Tổng thống Mỹ và tuyên bố “Sẽ thiết lập chế độ mới ở Đông Dương. Chính phủ mới Đông Dương gồm cả người bản xứ (5 quốc gia Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam), Miên và Lào do người Pháp cầm quyền với một nghị viện và một nền kinh tế tự do. Điều này cắt nghĩa cho việc vì sao thực dân Pháp từ đầu đến cuối luôn luôn ngoan cố và cuộc chiến tranh Pháp - Việt là không thể tránh khỏi. Thời gian đó cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã nổ ra.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta gấp rút, chạy đua với thời gian thành lập Chính phủ. Và việc đầu tiên là bầu cử Quốc hội để bảo đảm tính hợp pháp của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Miền Nam đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tiến công của thực dân Pháp. Miền Bắc, quân đội Trùng Khánh gây áp lực tối đa. Lực lượng Việt Quốc - Việt Cách ra sức chống phá Cách mạng đến cùng.
Thực dân Pháp và chính quyền Trùng Khánh biết uy tín của Việt Minh và Hồ Chí Minh rất lớn trong nhân dân Việt Nam. Bầu cử tự do, công khai thì chắc chắn Việt Minh sẽ thắng. Quốc hội mới, thành lập chính phủ mới thì bọn tay sai của họ phải ra rìa. Vì vậy họ chủ trương ép buộc, thương lượng với Hồ Chí Minh phải có một chính phủ mà họ có những vị trí quan trọng trong đó; trước khi bầu cử họ ép buộc Hồ Chí Minh chấp nhận những thành viên là người của họ trong chính phủ mới.
Tuy vậy cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đã được tổ chức vào ngày 6/1/1946. Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội. Người của “Đảng Quốc gia” (Lời Người tự nhận, chứ không phải là đảng viên Đảng cộng sản) đã trúng cử với số phiếu cao nhất (169.222 phiếu trên tổng số 172.765 cử tri đi bầu). Và như đã thỏa thuận trước ngày 19/12/1946, Quốc hội có 356 đại biểu thì dành cho Việt Cách và Việt Quốc 70 ghế.
Nước Việt Nam đã có Chính phủ Liên hiệp, có Quốc hội, đã chính danh, nhưng cuối tháng 2/1946 tình báo Pháp phát hiện ra chính quyền Trùng Khánh “đang có kế hoạch thay chính phủ của ông Hồ Chí Minh bằng lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội với sự tiếp tay của lực lượng Đại Việt thân Nhật. Mục đích của Trung Hoa là loại bỏ Hồ Chí Minh và thành lập một chính phủ không cộng sản”2. Hà Nội cuối năm 1945 đến đầu năm 1946 là hết sức căng thẳng. Nhiều lực lượng và phe phái chính trị có vũ trang cùng hoạt động, đe dọa nền độc lập non trẻ của chúng ta.
Hà Nội gần như do quân Trùng Khánh quản lý. Họ bố trí quân đội, cảnh sát, giành quyền cấp giấy phép đi lại cho xe cộ. Sau khi thành lập Chính phủ Liên hiệp, Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng đã bị quân Tưởng khám xét, bắt giữ cả ngày. Hàng đêm Hồ Chủ tịch phải thay đổi chỗ ở ngủ qua đêm khi ở nơi này khi ở nơi khác. Tài liệu giải mật cho biết cụ thể hơn: “Thời gian này thượng tướng Chu Phúc Thành, tư lệnh quân đoàn 53… Chu chống cộng và ủng hộ nhóm Nguyễn Hải Thần - Nguyễn Trường Tam - Vũ Hồng Khanh. Đầu tháng 12/1945, Chu từng tra vấn Hồ Chí Minh trọn một ngày”3.
Trước dư luận thế giới e dè với nhà nước Việt Nam bởi họ ngại và sợ chủ nghĩa cộng sản, để xoa dịu tình hình, Cụ Hồ đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Cụ tự nhận là “Đảng Quốc gia”, “ Đảng Việt Nam” để tránh sự nhòm ngó và xuyên tạc của các lực lượng chống phá cách mạng.
Trên cơ sở kết quả kỳ họp Quốc hội thứ nhất, ngày 2/3/1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập, sau khi đã thông qua danh sách 70 đại biểu của Việt Quốc và Việt Cách (không phải qua bầu cử), thay thế và kế tục Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam ngày 1/1/1946, với chỉ 3/12 thành viên là của Việt Minh (Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến) còn tất cả là người của các đảng phái Việt Quốc, Việt Cách, Dân chủ và không đảng phái.
Vì sao có Hiệp định sơ bộ 6/3/1946
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 không phải là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất mà nguyên nhân sâu xa là do nhu cầu của Pháp và chính quyền Trùng Khánh của Trung Hoa. Cụ Hồ là người tận dụng nhu cầu đó và với tài năng uyên bác và nghệ thuật ngoại giao tài tình của Người mà lái vấn đề có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 với đại diện Pháp Sainteny. Ông Hoàng Minh Giám đọc bản hiệp định. (Ảnh tư liệu)
Dã tâm của Pháp
Pháp ráo riết thực hiện chủ trương và chiến lược tái chiếm Đông Dương bất chấp thực tế là đã có một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa từ 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, dân tộc Việt Nam đã là dân tộc tự do và độc lập.Để thực hiện mục đích tái lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, De Gaulle chọn D'Argenlieu một vị tướng khoác áo thầy tu đã phá giới được giữ vị trí Cao ủy và được đặc cách đề bạt lên Phó Đô đốc trước khi đi nhậm chức. Ông ta vừa hiếu chiến vừa ngoan cố, bất chấp dư luận nhân dân Pháp khi cố níu kéo quá khứ để thực hiện âm mưu của De Gaulle. Ông ta sang Đông Dương với thái độ tự tin “Sự hiện diện của tôi ở đây là nhằm thực hiện Tuyên ngôn ngày 24/3/1945” (báo cáo gửi de Gaulle ngày 18/11/1945). Sang Đông Dương một thời gian ngắn, D'Argenlieu gấp rút thiết lập Hội đồng Liên bang (Conseil Federal) tiền thân của Chính phủ Liên bang Đông Dương (gồm 3 kỳ của Việt Nam, Lào và Cao Miên).
Nhân dân Nam Bộ kiên quyết chống lại cuộc xâm lược của Pháp bằng súng đạn và lòng yêu nước. Cả nước “Nam tiến” ủng hộ đồng bào miền Nam. Quân Pháp sa lầy ở miền Nam. Ở miền Bắc, chính quyền của Cụ Hồ đang khẩn trương ổn định và chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nếu chiến tranh xảy ra. Pháp không ra được miền Bắc. Trong khi đó hơn 5000 lính Pháp khi Nhật đảo chính (3/1945) chạy trốn sang Trung Quốc đang rất muốn an toàn tính mạng và kéo về Việt Nam.
Với chiêu bài quyền lợi kinh tế xí nghiệp, đồn điền, ngân hàng, mỏ than, đường sắt… của Pháp và cuộc sống của hàng nghìn kiều dân Pháp ở miền Bắc Việt Nam cần bảo vệ…, quân đội Pháp phải có mặt ở miền Bắc. Đó chỉ là lý do, đằng sau đó là dã tâm xâm lược nước ta như Tuyên ngôn 24/3/1945 đã vạch sẵn: Tiêu diệt chính phủ Hồ Chí Minh. Pháp tìm mọi cách để kéo quân ra miền Bắc, tái chiếm toàn bộ nước Việt Nam.
Ngày 15/10/1945 Sainteny đã gặp Cụ Hồ để thương lượng về những xung đột và chiến sự đang nổ ra dữ dội với quân Pháp. Đầu tháng 12/1945, Cụ Hồ, ông Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp đã gặp Sainteny, Salan, Pignon và Louis Caput. Vấn đề cơ bản Cụ Hồ yêu cầu là chính phủ Pháp phải chấp nhận nguyện vọng độc lập của Việt Nam như Tuyên ngôn độc lập đã công bố ngày 2/9/1945. Cuộc thương lượng có kết quả nhất định. Bản dự thảo Hiệp ước có vấn đề công nhận nền độc lập của Việt Nam, và Việt Nam nhìn nhận quyền lợi chính đáng của Pháp tại viễn Đông và Thái Bình Dương, Việt Nam trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và khối Liên Hiệp Pháp4.
Hiệp ước chưa ký vì D'Argenlieu chờ kết quả bầu cử Quốc hội của Việt Nam xem Chính phủ của Cụ Hồ ra sao. Ngay lúc đó thiếu tá phi công Vĩnh San - cựu hoàng Duy Tân (1907-1916) chống Pháp bị bắt đi đày, đã tham gia chiến tranh thế giới thứ II trong quân đội Pháp. De Gaulle và D'Argenlieu âm mưu lợi dụng vua Duy Tân, đưa ông về Đông Dương để thực hiện âm mưu của chúng, thành lập một chính phủ, loại bỏ chính phủ của ông Hồ Chí Minh. Nhưng chưa kịp thực hiện thì máy bay của thiếu tá Vĩnh San bị rơi, ông bị chết. Thế là hai kẻ xâm lược ngoan cố này vứt bỏ mọi ý tưởng mà trở lại lập trường: Không độc lập gì cả mà chỉ tìm cách khuất phục nhân dân Việt Nam, phải đưa quân ra miền Bắc bằng mọi giá.
Một khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi được ghi lại đầu năm 1946: Cảnh người dân Hà Nội tập trung tham gia lễ tưởng nhớ chiến thắng Đống Đa năm xưa của vua Quang Trung. (Nguồn: LSVN).
Nhu cầu của Trung Hoa
Việc chính quyền Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch đưa quân vào miền Bắc Việt Nam lúc đầu không nằm trong chiến lược của họ. Họ ưu tiên các khu vực Trung Hoa lục địa, Triều Tiên, Mãn Châu và Đài Loan. Khi được Đồng minh ủy nhiệm vào Đông Dương tước vũ khí quân Nhật, thì họ coi như là cơ hội trời cho. Máu Đại Hán có tự ngàn xưa thôi thúc, họ cho đó là dịp may hiếm có, và trước hết - coi đây là chiến lợi phẩm. Họ tận dụng cơ hội và có chủ trương kịp thời để khai thác. Chính quyền Trùng Khánh đưa quân vào Việt Nam với mục đích rõ ràng: Tiêu diệt chính phủ Hồ Chí Minh, chiếm đóng lâu dài Việt Nam với một chính phủ do họ dựng nên mà lực lượng thì không thiếu. Việt Nam quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội đã được họ nuôi dưỡng từ trước, có tổ chức, có lực lượng quân sự ngay từ năm 1942 trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”.
Giải quyết vấn đề từ các Hiệp ước Pháp - Thanh để lại mà Trùng Khánh cho là bất bình đẳng, là quyền lợi to lớn trên 500km đường sắt do Pháp xây nối Lào Cai với Côn Minh (Trung Quốc) và giao thương với cảng Hải Phòng. Hàng năm Pháp thu lợi hàng chục triệu.
Quan trọng hơn cả là chính quyền Trùng Khánh chuẩn bị cơ sở vật chất và hậu phương to lớn, vững chắc ở phía Nam để đối đầu với Mao Trạch Đông trong việc tranh giành quyền lực sau chiến tranh “Quốc Cộng hợp tác” đang tan rã.
Vì vậy chính quyền Trùng Khánh đã đưa vào Đông Dương một số lượng quân lính khổng lồ, xấp xỉ 20 vạn để thu vũ khí của 16.000 quân Nhật. Ở Lào không có quân Nhật mà Trùng Khánh vẫn đưa vào cả sư đoàn quân Vân Nam trong đó có cả mục đích tiến qua đường Lai Châu để bóp chết chính phủ của Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Hơn nữa do lãnh thổ Trung Quốc to lớn, chính quyền cát cứ, các địa phương có nhiều mâu thuẫn với trung ương Trùng Khánh. Tưởng muốn dịp này “điệu hổ ly sơn”, phái các tướng cứng đầu cứng cổ kéo quân rời khỏi bản doanh để trị từng người một.
Một mặt ở thời điểm đó, Tưởng không lật đổ chính phủ của Hồ Chí Minh ngay, mượn lực lượng Việt Minh để kiềm chế các tướng Trung Hoa và kiềm chế Pháp với mục đích mặc cả với Pháp, kiếm thêm tiền. Nhưng mặt khác, họ lại không công nhận chính phủ hợp hiến, hợp pháp của Hồ Chí Minh.
...Công văn giao dịch của họ chỉ ghi là “Gửi tiên sinh Hồ Chí Minh” mà không bao giờ ghi chức danh “Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Họ lập đồn bốt cảnh sát quản lý việc đi lại của viên chức Việt Nam. Họ tự in và cấp giấy thông hành. Ngay đến Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, hay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị chúng bắt giữ hàng giờ đồng hồ.
Long Vân rời khỏi Trung Quốc, vào Việt Nam chưa lâu thì bị Tưởng đánh úp. Các tướng khác thì ăn mảnh, trả thù cá nhân, buôn lậu…
Hồ Chí Minh đã lợi dụng tình trạng đó để khoét sâu mâu thuẫn giữa Pháp và Trung Hoa, giữa tướng lĩnh Trung Hoa ở Hà Nội và Trùng Khánh.
Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, có 5000 lính Pháp tháo chạy qua Vân Nam. Đây là quân bài mà Trùng Khánh vòi tiền của Pháp. Trùng Khánh đòi 95,8 triệu tiền Đông Dương mỗi tháng. Thanh toán xong mới cho trở lại Việt Nam qua ngả Mường La - Lai Châu. Pháp chỉ trả 25-27 triệu. Tháng 11/1945 hai bên ngả giá 60 triệu.
Những sự kiện cho ta thấy vì sao cả Pháp và Trung Hoa đều muốn có một Hiệp ước ở Việt Nam.
Pháp và Trung Hoa đã mặc cả với nhau sau lưng Chính phủ Cụ Hồ trong khi cả hai cùng hợp lực, thống nhất dồn Hồ Chí Minh vào đường cùng. Chúng hy vọng Hồ Chí Minh hết cách chống đỡ.
Hòa ước Trùng Khánh giữa Pháp và Trung Hoa đã được ký kết ngày 28/2/1946 giữa ngoại trưởng Vương Thế Kiệt và Meyrier.
Trong Hòa ước Pháp - Hoa này có điều khoản Trung Hoa sẽ rút hết quân khỏi Việt Nam từ ngày 15/3 đến 31/3 cho quân Pháp thay thế.
Nghĩa là việc Pháp thay thế quân Trung Hoa đã được quyết định. Chính phủ của Hồ Chí Minh bị đặt vào hoàn cảnh đã rồi.
Nhưng chính quyền Trùng Khánh vốn tham lam lại đang trong phe Đồng minh chiến thắng. Họ biết Pháp cần gấp rút vào chiếm miền Bắc Việt Nam trước ngày 2/9/1946 - ngày lá cờ tam tài đế quốc Pháp không còn bay trên Bắc Bộ phủ, nên kiếm cớ gây khó khăn cho Pháp. Ngày 1/3, khi Meyrier gặp đại diện Trùng Khánh để triển khai việc đổ bộ lên Hải Phòng ngày 5/3 và đổ bộ vào Hà Nội ngày 8/3 thì được trả lời là Hiệp ước phải được tướng Mỹ Mc Arthur (Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương) phê chuẩn. Và với lý do bảo đảm an toàn cho quân đội Trung Hoa khi rút về và quân Pháp đổ bộ mà trong thực tế quân đội của ông Hồ Chí Minh đang chiến đấu rất dũng mãnh nên Pháp phải được sự thỏa thuận của Việt Nam.
Thế là cơ hội ngàn vàng đã đến. Pháp phải liên hệ với Chính phủ Cụ Hồ bàn bạc và thỏa thuận. Và Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 đã ra đời như thế.Có thể nói, Hiệp ước này là sản phẩm của Trùng Khánh. Họ thu lợi nhiều, phục vụ cho mục đích của họ. Nhưng Cụ Hồ với sự tài ba, khéo léo đã giành được thắng lợi to lớn.
Ý nghĩa to lớn của Hiệp định sơ bộ 6/3/1946
Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 gồm hai phần: Hiệp định sơ bộ [Convention préliminaire] và Phụ ước [Accord Annexe] về quân sự.
Hiệp định sơ bộ đặt ra một số vấn đề lớn: Chính phủ Pháp nhìn nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính, là một thành viên Liên bang Đông Dương, và Liên hiệp Phá. Chính phủ Việt Nam tuyên bố đón tiếp quân đội Pháp khi thay thế quân Trung Hoa trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế; Các phe giao kết sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngưng chiến, giữ binh sĩ tại nguyên vị trí và tạo bầu không khí thuận lợi cần thiết để mở ngay những cuộc thảo luận thân hữu và ngay thẳng.
Trong Phụ ước [Accord Annexe] về quân sự, 10.000 quân Việt Nam và 15.000 quân Pháp sẽ giữ nhiệm vụ “tiếp phòng” [thay thế] 180.000 quân Trung Hoa.
Đây là văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Cộng hòa Pháp tại Đông Dương. Nó công nhận sự hiện hữu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước thế giới. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một “nước tự do” có “Quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng”. Qua đây, vừa đuổi được 20 vạn quân Trung Hoa ra khỏi đất nước, vừa giữ được Nam bộ trong Tổ quốc Việt Nam, đánh tan âm mưu của thực dân Pháp thành lập “Nam Kỳ tự trị”, trực tiếp đánh bại âm mưu thành lập một “Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”. Đồng thời, nó giúp ta giành được thời gian để tổ chức, củng cố lực lượng chính trị và quân sự để kháng chiến sau khi đã loại bỏ được các lực lượng đối lập và nhất là hiểm họa Trung Hoa.
Để thực hiện Hiệp ước này, chính phủ Pháp đã nhiều lần mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris. Người đã nhận lời và lá cờ đỏ sao vàng trên tàu thủy đi từ Hải Phòng sang Paris tung bay đi khắp thế giới, cho thấy có một quốc gia mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, trong sự ngạc nhiên của thế giới
(1), (4) Chính Đạo, Hiệp định sơ bộ 6/3946 - Bài mới, Hợp Lưu ngày 16/10/2011.
(2), (3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tập Hồi ký.NXB Quân đội Nhân dân, H. 2011.
Lê Đình Cúc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...