Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
03:38 (GMT +7)

Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại

(Nhìn từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945)

VNTN - Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại lễ tang Bác Hồ ngày 9 tháng 9 năm 1969 có 4 lần khẳng định Hồ Chủ tịch vĩ đại.

1. Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.

2. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.

3. Hồ Chủ tịch chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế.

4. Hồ Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng ta, của dân tộc ta, đời đời sống mãi (1).

Đây là những khẳng định và ca ngợi công lao và vị trí của Bác Hồ trong lịch sử dân tộc.

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong suốt thế kỷ XX đến nay đã có nhiều công trình viết về Bác Hồ, trong đó đã đi sâu vào nhiều vấn đề về sự nghiệp, cuộc đời và đạo đức của Bác.

Bài viết này tôi chỉ dừng lại, thử tìm hiểu vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại để hiểu thêm sự vĩ đại của Người. Bởi người anh hùng dân tộc vĩ đại là bao gồm tất cả người thầy vĩ đại, người yêu nước vĩ đại và lãnh tụ vĩ đại.

Vĩ đại: Có tầm cỡ và giá trị to lớn đáng khâm phục (Từ điển Tiếng Việt, Nxb KHXH, 1988). Như vậy tính từ vĩ đại dùng cho Bác không phải là một ngoa ngữ mà phản ánh phẩm chất "Có tầm cỡ và giá trị to lớn" và "đáng khâm phục".

1. Lịch sử hàng nghìn năm lập quốc và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã có biết bao nhiêu anh hùng dân tộc. Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… nhưng đến Hồ Chí Minh lại là người anh hùng dân tộc vĩ đại. Vì sao?

Chúng ta biết cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tất cả dành cho dân tộc Việt Nam từ tuổi thanh niên đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác không có gì là của riêng mình. Cuộc đời đầy gian lao vất vả và hiểm nguy, Bác chấp nhận tất cả tù đày và cái chết vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc nhân dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 Bác đã thực hiện được mục tiêu đó với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Cho đến thời điểm ấy nước Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm sống dưới chế độ phong kiến. Phong kiến (phong tước và kiến địa) lãnh địa, đất đai do cha truyền con nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân dân chỉ là thần dân, vua có toàn quyền quyết định, kể cả sinh mạng con người. Phong kiến ra đời từ Ai Cập cổ đại, Babylon, Ba-tư, Athena trước công nguyên đến 5-6 thế kỷ. Ở phương Đông, từ thời phong kiến huyền thoại là Nghiêu - Thuấn và trong thực tế lịch sử cổ đại Trung Hoa có từ thời Tây Chu. Lịch sử loài người đã phải đấu tranh suốt hàng chục thế kỷ mới rũ bỏ được chế độ phong kiến.

Châu Âu tiên tiến với những tư tưởng và triết học tiên tiến cũng mãi sau thế kỷ XV với các phong trào Phục Hưng và Thế kỷ Ánh sáng mới thoát ra được. Nước Anh với cách mạng tư sản 1642, nước Pháp (1789-1799) với các chế độ cộng hòa. Với Napoleon Bonaparte làm đảo chính và lật đổ Đệ nhất cộng hòa Pháp thì nước Pháp mới chôn vùi được chế độ phong kiến và từ đây là Ba Lan, Hà Lan, Italia... tiếp bước. Muộn mằn nhất ở châu Âu là nước Nga, chế độ phong kiến cũng đã tan rã vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX.

Ở châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, chế độ phong kiến cũng đã tan rã từ đầu thế kỷ XX. Cách mạng Tân Hợi và Tôn Trung Sơn đã làm triều đình phong kiến nhà Mãn Thanh rung chuyển và sụp đổ. Chỉ có ở Việt Nam chế độ phong kiến của nhà Nguyễn với sự bảo hộ của chế độ thực dân Pháp là tồn tại, đè nặng lên vai, lên cổ người dân Việt Nam.

Cơ cực hơn là đến tận năm 1945 người dân Việt Nam lại còn bị thêm ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật thống trị bóc lột tận xương tủy và đàn áp đến cùng cực.

Chỉ có đến tháng 8 năm 1945 cuộc cách mạng do Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo bùng nổ mới lật nhào được chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám đã lật đổ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, đập tan chế độ thuộc địa, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và ách xâm lược của phát xít Nhật.

Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nhà nước kiểu mới của nhân loại. Đây là một chế độ chính trị của một quốc gia hoàn toàn khác với chế độ phong kiến của triều đình nhà Nguyễn, thay thế bằng chế độ cộng hòa. Chế độ cộng hòa là thể thức mà ở đó nhiều người cùng tham gia điều hành Nhà nước, Nhà nước có bộ máy phân quyền ở ba nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp hoàn toàn khác với Nhà nước phong kiến chuyên chế và độc tài. Dân chủ là thể thức mà ở đó người dân là công dân có khả năng và điều kiện tham gia chính sách của quốc gia, tham gia thành lập bộ máy nhà nước.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh khai sinh đáp ứng tất cả những nguyên tắc đó. Đó là một Nhà nước phản ánh khát vọng nghìn đời của con người trong tiến trình phát triển của nó, là nhà nước dân chủ do người dân làm chủ, quản lý và điều hành. Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Phải hiểu như thế về Cách mạng tháng Tám 1945 mới thấy tầm vóc và lịch sử của nó, mới thấy vai trò và vị trí của Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, mới thấy sự vĩ đại của Người.

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không phải là nhà nước đầu tiên trên thế giới. Trước đó đã có nhiều ở châu Âu, châu Mỹ. Nhưng xét kỹ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… để có được Nhà nước cách mạng này các dân tộc ấy đã có đầy đủ các yếu tố của một nhà nước của một quốc gia: Bộ máy nhà nước, quân đội, chính quyền. Họ chỉ phải làm cách mạng để thay thế chế độ chính trị qua cuộc khởi nghĩa. Ngay cả Cách mạng tháng Mười Nga 1917 cũng vậy.

Để tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 Cụ Hồ không có gì cả. Cụ Hồ chỉ có tay không và duy nhất là lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam đã bị thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn làm cho thui chột và đàn áp dã man trong suốt một thế kỷ.

Ở đây không nói đến sự tài tình của Bác trong việc chớp thời cơ cho Cách mạng tháng Tám. Đại chiến thế giới lần thứ hai tạo điều kiện cho Đông Dương có khoảng trống quyền lực. Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật. Lực lượng quân Đồng Minh tiêu diệt phát xít Nhật. Triều đình nhà Nguyễn thối nát và phản động đến cùng cực, không còn có sức mạnh để chống lại nhân dân. Thời cơ đó được Cụ Hồ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (dù mới 15 tuổi) cùng nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi. Đặc biệt là cuộc cách mạng nổ ra không đổ máu. Khác với cách mạng Pháp, cách mạng Anh, cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc… Tất cả đều xảy ra trong bạo loạn và đổ máu không ít. Cách mạng tháng Tám năm 1945 không xẩy ra bắt bớ, trả thù, tất cả thành phố, làng mạc, các công trình văn hóa, tôn giáo đều được bảo vệ nguyên vẹn. Những người theo chế độ cũ được bảo vệ tính mạng và tài sản. Nhiều người được mời tham gia chính quyền mới dù họ ở phía đối lập như Bảo Đại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… và đông đảo trí thức, quan lại của triều đình Bảo Đại đi theo cách mạng và được trọng dụng: Nguyễn Khắc Hòe, Phan Kế Toại…

Thậm chí cả vương triều nhà Nguyễn đều được bảo vệ chu đáo: Kinh thành Huế, lăng tẩm của các vị trong Hoàng tộc cũng như cung điện, nhà cửa, dinh thự quan lại khắp cả nước được Cách mạng bảo vệ, giữ gìn. Chỉ trong khoảng thời gian 10 ngày chính quyền cách mạng được thành lập trên toàn bộ Việt Nam (2).

Đây không phải là một cuộc đảo chính, cướp chính quyền chuyển sang một chế độ chính trị khác mà đúng nghĩa là Cách mạng, khai sinh ra một nhà nước kiểu mới chấm dứt chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế đã tồn tại ở Việt Nam suốt 2.000 năm.

Hồ Chí Minh đã làm được sự kiện đó mà trên thế giới chưa ai làm. Hồ Chí Minh vĩ đại là vì vậy.

Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng. Ảnh tư liệu

2. Với lịch sử mấy nghìn năm xây dựng và giữ gìn độc lập của Tổ quốc, đến Hồ Chí Minh cũng là trường hợp đặc biệt, trước và sau không có.

Không bàn đến nước Việt Nam từ thời cổ Lạc Việt, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt… khi nhà nước còn sơ khai đã phải đương đầu liên tục với quân xâm lược phương Bắc. Các triều đình Tùy, Đường... với trình độ, nhân lực, kinh tế cũng không có gì quá vượt trội khi đưa quân xâm lược và đặt ách đô hộ lên nước ta. Chỉ tính từ khi Nhà nước tập quyền và phát triển thời nhà Lý đến nhà Nguyễn, trong 10 thế kỷ đã có 4 cuộc kháng chiến chống lại quân giặc ngoại xâm đến từ phương Bắc. Không kể trong đó có các cuộc kháng chiến chống quân Chăm Pa, Ai Lao, Xiêm…

Nhà nước Việt Nam tập quyền và hoàn chỉnh từ thời nhà Lý (1010-1225), với quốc hiệu Đại Cồ Việt kéo dài 215 năm. Nhà Lý không những đã tổ chức được một nhà nước vững chắc, có một quân đội vững mạnh đủ để Lý Thường Kiệt đánh tan quân xâm lược nhà Tống vào năm 1077 dưới sự chỉ huy của "Quách Quỳ và Triệu Tiết dẫn 10 vạn bộ binh tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến cùng 20 vạn quân phu ồ ạt tiến vào xâm lược nước ta" (3).

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống toàn thắng với Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Người anh hùng Lý Thường Kiệt chiến đấu và chiến thắng nhờ có một triều đình vững chắc tiến bộ, một nhà vua anh minh là Lý Nhân Tông (1072 - 1127), một quân đội vững mạnh có từ trước đó, thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) "Việc binh chính thì ngài định quân hiệu và chia ra làm tả hữu tiền hậu 4 bộ, hợp lại là 100 đội, mỗi đội có lính kỵ và lính bắn đá. Còn những phiên binh thì lập ra thành đội riêng, không cho lẫn với nhau. Binh pháp nhà Lý bây giờ có tiếng là giỏi. Nhà Tống bên Tàu đã phải bắt chước” (4).

Xung quanh Lý Thường Kiệt là những nhân tài như Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Lê Văn Thịnh (Trạng nguyên đầu tiên của nước ta (1075), Lý Đạo Thành… cùng góp công sức và trí tuệ cho chiến thắng của ông và vương triều nhà Lý.

Thời nhà Trần phải ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, một đế quốc lẫy lừng đã xâm lược nhiều quốc gia Á - Âu, chỉ phải dừng vó ngựa trước dân tộc Việt Nam, với tài năng xuất chúng và khí phách của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Nhà Trần là triều đại phong kiến đạt đến độ hoàn chỉnh và thịnh trị trong lịch sử Việt Nam với 175 năm trị vì (1225-1400) với quốc hiệu Đại Việt, đã có một quân đội "Từ khi Thái Tông lên ngôi vua thì việc binh lính một ngày một chỉnh đốn thêm. Bao nhiêu những người dân tráng trong nước đều phải đi lính cả. Các thân vương ai cũng có quyền mộ tập quân lính. Vì cớ ấy cho nên đến sau người Mông Cổ sang đánh, nước Nam ta có hơn 20 vạn quân để chống với quân nghịch(5). Ở thời điểm thế kỷ XV, một quân đội chính quy có đến 20 vạn người là một quân đội hùng mạnh. Chưa nói đến quân địa phương khi quân chính quy gặp khó khăn, thất bại đã kịp thời chi viện, tham gia chiến đấu. Vì vậy khi quân đội nhà Trần phải rút bỏ kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần vẫn bình tĩnh vì "Hoan Diễn do tồn thập vạn quân" (Châu Hoan, Châu Diễn (Thanh Hóa, Nghệ An) ta vẫn còn có 10 vạn quân). Lần thứ hai quân Nguyên kéo quân sang xâm lược nước ta đem tất cả hơn 30 vạn quân sang đánh nước Nam (6) cũng bị quân dân ta và người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đánh bại bởi quân đội thiện chiến của nhà Trần.

Đến triều đại nhà Lê hiện diện trong lịch sử Việt Nam đến hơn 3 thế kỷ (1428-1788) với những người anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Để có triều đại nhà Lê rạng rỡ Lê Lợi cũng đã phải tổ chức khởi nghĩa chống lại quân Minh từ đầu, bởi trước đó khi Hồ Quý Ly giành vương triều từ nhà Trần thì đã bị quân Minh đưa quân sang xâm lược và chiếm đóng nước ta. Dù hết sức tàn bạo và dã man nhưng quân xâm lược nhà Minh chỉ có 14 năm (1414-1427) thống trị đất nước ta. Với thời gian chưa dài, chúng chưa kịp dập tắt ý chí và tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi và Nguyễn Trãi dù bắt đầu từ việc tổ chức khởi nghĩa nhưng chỉ không có sẵn chính quyền nhà nước mà thôi. Quân đội do nhà Trần và nhà Hồ để lại dù bị thất bại trước quân Minh thì vẫn tồn tại trong nhân dân cả nước. Chính vì vậy mà sau này, trong quân đội của Lê Lợi có rất đông những danh tướng tài ba của triều Trần và nhà Hồ. Ngay Nguyễn Trãi cũng là danh nhân do nhà Trần, và nhà Mạc đào tạo nên (lại là cháu ngoại Hoàng tộc Trần Nguyên Đán).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh tư liệu

Với trường hợp của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, trước khi quân xâm lược nhà Thanh kéo sang, ông cũng đã có một vương triều, một đất nước thống nhất lãnh thổ, có quân đội hùng mạnh đã từng đánh tan quân đội của vua Lê, chúa Trịnh ở miền Bắc, chúa Nguyễn và quân Xiêm ở miền Nam. Nguyễn Huệ đánh bại quân xâm lược nhà Thanh đông tới 29 vạn binh lính chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Chỉ việc trên đường hành quân từ Huế ra Bắc để chiến đấu với chống quân nhà Thanh, Nguyễn Huệ "Ra đến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thủy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi"(7).

Nhưng Cụ Hồ với Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ có 2 bàn tay trắng. Chưa nói, bi đát hơn nữa, sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, nước Việt Nam đã bị chia cắt thành 3 kỳ nằm trong Liên bang Đông Dương gồm cả Lào và Miên. Với 5 khu vực hành chính khác nhau. Vừa chế độ thuộc địa và phong kiến thuộc địa, Việt Nam không còn là một nhà nước, chính quyền thống nhất như các triều đại Lý, Trần, Lê trước đó. Lịch sử 100 năm chia cắt đất nước của Trịnh - Nguyễn đã góp phần cho đất nước phân ly. Triều đình nhà Nguyễn có nhiều ông vua, ông quan yêu nước nhưng cũng nhiều ông vua, ông quan hèn hạ, phản nước hại dân. Không chỉ có quân đội xâm lược Pháp đàn áp các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa của nhân dân ta mà đàn áp các nghĩa quân Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ có mặt cả quân đội triều đình. Nghĩa là triều đình nhà Nguyễn lúc này đã coi nhân dân là kẻ thù.

Để có thể giành thắng lợi cho cách mạng Cụ Hồ đã phải tổ chức lực lượng. Vì vậy Cụ đã phải bắt đầu từ con số không. Cụ vận động, tuyên truyền cách mạng. Cụ ra đi tìm con đường cứu nước khi còn rất trẻ (1911). Cụ nhìn thấy những thất bại của các phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, các phong trào của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nên Cụ cố gắng tìm ra còn đường mới để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân theo một phương sách mới.

Cụ Hồ đã tìm ra con đường cứu nước. Đặt cách mạng Việt Nam vào trong trào lưu cách mạng thế giới, Cụ vận động thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam qua phong trào cộng sản của Quốc tế Cộng sản III. Cụ tuyên truyền, vận động cách mạng từ nước ngoài và tổ chức huấn luyện cho thanh niên Việt Nam và tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng (6-1-1930) (8). Sau đó 1941 Cụ về nước trực tiếp tổ chức Mặt trận Việt Minh, bắt đầu tuyên truyền quần chúng nhân dân đoàn kết từ những "sợi chỉ mong manh" đến "Hòn đá to hòn đá nặng. Một người nhắc, nhắc không đặng". Và đồng thời Cụ tổ chức lực lượng vũ trang tuyên truyền giải phóng quân.

Lực lượng vũ trang quân đội của Cụ Hồ để làm Cách mạng tháng 8 năm 1945 bắt đầu chỉ với 34 người lính (trong đó có 3 phụ nữ) không được trang bị vũ khí đầy đủ do Cụ thành lập mới từ ngày 22 tháng 12 năm 1944!

Đối diện với Cụ là đế quốc Pháp hùng mạnh, giàu có tiền bạc và vũ khí, đứng hàng đầu trong những đế quốc lúc bấy giờ.

Đối diện với Cụ là chính phủ Nam triều đã ngự trị hàng trăm năm cùng với chế độ phong kiến ngự trị gần 2000 năm, với một nhà nước, một hệ thống quan lại từ trung ương xuống tận làng xã và quân đội Nam triều sẵn sàng đàn áp cách mạng để bảo vệ ngai vàng.

Đối diện với Cụ là phát xít Nhật, đã từng làm mưa làm gió trên thế giới. Quân Đồng minh Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ đã từng bị quân đội Nhật cho sứt đầu mẻ trán nhất là ở vùng Đông Nam Á, Viễn Đông và trận thủy chiến Trân Châu Cảng làm cho nước Mỹ kinh hoàng. Nhật thua là thua quân đội Đồng minh đã đánh tan quân phát xít Đức, Ý ở châu Âu và Nhật ở châu Á. Ngay lúc này đội quân thiện chiến của Nhật ở Đông Dương còn đầy đủ trang bị vũ khí hiện đại, máy bay, xe tăng, đại bác và đang giam cầm quân Pháp trong các trại binh lính. Nếu để họ động binh, nổ súng thì dễ gì Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã có thể giành thắng lợi.

Đối diện với Cụ là 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa vào Việt Nam giải giáp quân Nhật nhưng âm mưu xâm lược và chiếm đóng Việt Nam. Cùng với chúng, ở miền Nam là quân đội Anh từ Ấn Độ tràn sang.

Đối diện với Cụ là không ít những bọn tay sai của các lực lượng ngoại quốc, theo gót bọn xâm lược tràn vào phá hoại.

Cụ Hồ đã chiến thắng tất cả bọn xâm lược Pháp, Nhật, Tàu Tưởng, triều đình nhà Nguyễn và bè lũ tay sai Việt Quốc, Việt Cách… bằng trí tuệ uyên thâm, tinh quái và sắc bén của mình với sức mạnh của lòng yêu nước của nhân dân ta.

*

Năm 1967 một nhà văn Mỹ viết cuốn sách "Bên lề huyền thoại, từ Viniut đến Hà Nội" (Beyond the Borders of Myth: From Vinius to Ha Noi) có một so sánh thú vị. Lúc này ông Mao Trạch Đông đang là "lãnh tụ" của thế giới thứ ba được nhiều người ca ngợi là "người cầm lái vĩ đại". Philip Bonoxky viết rằng "Người ta vẫn so sánh ông Mao Trạch Đông và ông Hồ Chí Minh rằng ai vĩ đại hơn nhưng nói cho cùng thì Mao Trạch Đông cũng chỉ đánh bại người Trung Quốc (chỉ quân Tưởng Giới Thạch vào năm 1949) trong khi đó ông Hồ Chí Minh đã đánh bại những đội quân xâm lược sừng sỏ là Pháp, Nhật, Tàu và (bây giờ 1967) đang đánh bại quân Mỹ" (9).

Như vậy Bác Hồ thật xứng đáng với lời xưng tụng của Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Bác Hồ không chỉ là người anh hùng dân tộc mà là "Người anh hùng dân tộc vĩ đại" là vì vậy.

Chú thích:

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2006

2. Chỉ còn một vài địa phương giành được chính quyền muộn như Hà Tiên ngày 28/8, Hà Giang ngày 29/8, Lạng Sơn quân Tưởng Giới Thạch chiếm giữ đến tháng 10/1945, Hải Ninh, Móng Cái và Đà Lạt đến ngày 3/10 quân Nhật mới hoàn toàn hạ vũ khí.

3. Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Tóm tắt niên biểu lịch sử nước Việt Nam. Nxb. Văn hóa Thông tin, 2001, tr.64.

4.Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb. Văn hóa Thông tin, H.2002, tr.107.

5. Trần Trọng Kim, Sđd, tr.130.

6. Trần Trọng Kim, Sđd, tr.155.

7.Trần Trọng Kim, Sđd, tr.397.

8. Tiểu sử Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2015, tr.94.

9.Philip Bonosky (7/3/1916-2/3/2013) nhà văn nhà báo Mỹ, đã gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1960 tại Hà Nội.

Xem: Beyond the Borders of Myth: From vinius to Hanoi. Publisher, Praxis, Press NY, 1967 - Original From, the University of Michigan.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy