Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
04:33 (GMT +7)

Hình tượng người phụ nữ dân tộc thiểu số trong truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan

VNTN - Bùi Thị Như Lan là một nữ nhà văn quân đội hiếm hoi của làng văn dân tộc thiểu số Việt Nam. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Bùi Thị Như Lan khá phong phú và toàn diện, bao gồm các thành phần xã hội, các lứa tuổi khác nhau (người lớn, trẻ em, phụ nữ, nam giới, trí thức, nông dân, người lính vùng dân tộc, miền núi…). Nhưng nổi bật và luôn chiếm một tỷ lệ cao trong các sáng tác của nhà văn là 2 loại nhận vật: nhân vật phụ nữ và nhân vật người lính. Tác giả đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm của mình để xây dựng hình tượng nhân vật này (trong 8 tập truyện ngắn của chị với 66 truyện thì có đến 60 truyện viết về người phụ nữ và hơn 30 truyện viết về người lính). Và cũng chính những truyện này đã đem lại những thành công đáng ghi nhận trong sự nghiệp sáng tác của chị.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan nhận Giải Ba Cuộc thi

viết về ngành than và khoáng sản (2016)

PGS.TS Trần Thị Việt TrungTrong bài viết này, chúng tôi muốn tập trung nói đến hình tượng nhân vật phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan. Có thể nhận thấy các nhân vật phụ nữ xuất hiện một cách đậm đặc trong các tác phẩm của nữ nhà văn Tày này với những số phận, những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có một điểm chung: họ đều là những người phụ nữ miền núi đẹp người, đẹp nết - một vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, một vẻ đẹp khỏe mạnh, phồn thực đầy khả năng làm vợ, làm mẹ, làm chủ một gia đình miền núi. Nhưng hầu hết, họ lại đều là những người có số phận vất vả, kém may mắn. Song điều đáng quí ở những người phụ nữ đáng trân trọng này là: dù luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của cuộc sống lạc hậu, đói nghèo, đầy bất trắc… nhưng họ chưa bao giờ mất đi niềm tin vào cuộc sống, họ vẫn luôn cố vượt qua, vươn lên với mong muốn, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Một đặc điểm nổi bật về nghệ thuật miêu tả vẻ đẹp (cả ngoại hình lẫn nội tâm) những người phụ nữ miền núi của tác giả Bùi Thị Như Lan là: Chị thường lấy vẻ đẹp tươi tắn, rực rỡ, trong trẻo, mát lành… của thiên nhiên núi rừng để so sánh, ví von với vẻ đẹp của họ. Vì vậy, hình ảnh những người phụ nữ trong tác phẩm của chị thường được hiện lên với vẻ đẹp rất tự nhiên, gần gũi, bình dị, thậm chí còn mang vẻ hoang dã - nhưng cũng rất rực rỡ, tươi tắn, ngọt ngào và đầy sức hấp dẫn. Ví dụ như: vẻ đẹp của cô Xay (truyện Bạn Toồng): "Xay đẹp, cái đẹp tỏa ra từ dáng người giống như con ong, đến làn da trắng như mầu bột nếp"; vẻ đẹp của Seo Mây (Hoa mía): "Seo Mây đẹp như con chim công, đẹp cả bộ lông lẫn tiếng hót. Cái miệng của Seo Mây hút hồn ông từ mùa mía này đến mùa mía khác"; vẻ đẹp của cô Dín (Ngày mé trở về): "nước da Dín mịn màng, trắng như hoa mơ, hoa mận đến độ nở rộ… khi cười Dín khoe hàm răng trắng đều như bắp nếp để lại trên má hai đồng xu duyên dáng, mặn mà"; hay vẻ đẹp của Mé Ngần (Trăng mọc trong thung lũng): "Đôi mắt mé to đen, trong vắt như nước hồ Nặm Poọc. Mái tóc đen mượt, óng ả, ôm lấy tấm lưng ong mềm mại. Khi gội đầu, tóc xõa ra, dài như dòng suối Lùng cuối bản"…

Đặc biệt, Bùi Thị Như Lan thường nhấn mạnh đến "vẻ đẹp bên trong" của người phụ nữ miền núi - một vẻ đẹp "bền vững" trước thời gian, ẩn chứa trong tâm hồn, trái tim và đôi tay của người phụ nữ. Họ là những người mẹ, người vợ, người thiếu nữ vùng sơn cước giầu lòng yêu thương, giầu đức hy sinh, chăm chỉ, nhẫn nhịn, lo toan mọi công việc gia đình từ trong bếp lửa đến ngoài nương rẫy. Họ luôn tay, luôn chân lên rừng, xuống suối bắt cá, tìm lá nhuộm sợi, dệt vải, thêu hoa… làm chăn, làm gối, làm áo… cho cả gia đình. Họ là chủ các bếp trong những ngôi nhà sàn, là chủ nương rẫy (gieo hạt, tỉa lúa, vun cây, gặt hái, gùi ngô, gùi lúa cùng sắn, khoai, rau, bí… về nhà). Bàn tay khéo léo, tài hoa của họ đã tạo nên những "bức tranh" nghệ thuật đầy bản sắc văn hóa tộc người: "Mẹ lên rừng tìm lá cây, nhuộm sợi nhiều mầu đựng đầy các quẩy tấu. Mẹ dệt con hươu, con nai, con chim noộc só uống nước suối Nậm Só; Mẹ dệt con gấu ngồi trên cây tìm mật ong, mẹ dệt hình ông mặt trời, chị mặt trăng đậu trên ngọn núi Phia Sao và cả hình người cưỡi ngựa đi săn ở trong rừng" (Núi đợi). Họ như "con ong cần mẫn", ngày đêm chăm chỉ để có những "nương ngô xanh mướt mát, mập mạp rủ nhau trổ cờ, tung phấn trồi bắp mẹ, bắp con. Lúa nặng trĩu bông, trĩu hạt từ gốc lên ngọn đến độ vàng óng chụm đầu vào nhau, lắc lư theo điệu nhảy của ngọn gió rừng, dắt tay nhau về búi chặt xà ngang xà dọc" (Ngày mé trở về).

Những người phụ nữ ấy không chỉ đảm đang, khéo tay, chăm chỉ - mà ở nơi họ còn ngời lên những phẩm chất cao quí - đó là lòng thủy chung, là tình yêu say đắm, nồng nàn đầy sự hy sinh; là sự dũng cảm vượt qua mọi rào cản của mọi tục lệ cổ hủ, mọi thử thách… để đến với tình yêu, để được yêu, gìn giữ và bảo vệ tình yêu. Hầu hết các nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Bùi Thị Như Lan đều là những người có chồng, có người yêu hoặc có con, có em là bộ đội (đây cũng là một đặc điểm riêng trong sáng tác của nữ nhà văn quân đội này). Vì vậy, trong đời sống tình cảm, đời sống gia đình - họ luôn phải đối mặt với những khó khăn, thiệt thòi, đầy thử thách và khổ đau nhưng cũng đầy niềm tự hào, đầy sự tự nguyện. Họ sẵn sàng hy sinh hết thẩy (cả tuổi trẻ, nhan sắc và đôi khi cả lòng tự trọng và danh dự của mình) đề gìn giữ, bảo vệ, để yêu thương, chăm sóc chồng, con trước "búa rìu" dư luận, trước sự phũ phàng của cuộc sống. Hình ảnh người mẹ trẻ trung xinh đẹp có một tình yêu nồng cháy với một người trai bản nhưng sớm gặp nỗi bất hạnh khi chưa kịp chính thức làm dâu họ Hoàng thì anh đi bộ đội và đã hy sinh ở chiến trường - khiến cho người đọc phải xa xót, thương cảm và có cả một phần nể phục. Người mẹ trẻ cứ lặng lẽ nuôi con trong sự từ chối nhận dâu, nhận cháu của gia tộc họ Hoàng; trong sự xì xầm, chê cười, hắt hủi của bản làng, người thân, nhưng người mẹ trẻ ấy không bi lụy, chị tin ở tình yêu nồng nàn, say đắm của mình và tin anh sẽ trở về với mẹ con chị. Hai mươi năm sau, con trai chị đã thi đậu vào trường Sĩ quan Chính trị, và rồi chính cậu con trai hiếu thảo đó đã đi tìm và mang hài cốt người cha về quê hương để người mẹ giầu đức hy sinh và một lòng chung thủy được gần gũi, được chăm sóc phần mộ của chồng sau bao năm đợi chờ xa cách (Hoa gắm). Hình ảnh chị Ngải (Mùa mắc mật) - người chị yêu thương em hết mực, đã thay cha (đi bộ đội hy sinh), mẹ (buồn đau, bệnh tật mất sớm) nuôi nấng, chăm sóc em ăn học nên người dù phải ăn đói, mặc rét, dù phải quên đi cả tuổi xuân, cả hạnh phúc của riêng mình. Chỉ đến khi người em trai đi vào học trường Thiếu sinh quân, chị mới có thể nghĩ đến người con trai trong bản đã thầm yêu chị, chờ đợi chị từ lâu…; cùng bao hình ảnh những người vợ bộ đội, những người mẹ bộ đội (trong các truyện: Cọn nước đôi, Cây thiêng trong lũng núi, Trăng mọc trong thung lũng, Gió thổi qua rừng, Mây trôi…) của Bùi Thị Như Lan luôn khiến người đọc rung động và rưng rưng niềm cảm xúc.

Có một điều đáng trân trọng ở những người phụ nữ miền núi này là: Cho dù có vất vả hy sinh, có số phận không may mắn, thậm chí còn gặp bao cảnh ngộ phũ phàng nhưng họ không bao giờ đầu hàng số phận, không bao giờ yếu đuối, nhu nhược, hoặc u uất tìm đến cái chết để trốn chạy khỏi hoàn cảnh khó khăn cùng những bi kịch của cuộc đời. Có lẽ đây cũng là một nét đặc trưng "chất lính" của cây bút nữ quân đội Bùi Thị Như Lan chăng?

Những người mẹ trẻ (trong Chiếc vòng bạc hình đôi chim Noộc Phầy, Hoa gắm và Trăng mọc trong thung lũng…) đã trao tặng tình yêu nồng nàn, say đắm của mình cho người yêu, cho người chồng tương lai trước khi anh lên đường nhập ngũ. Rồi khi các anh hy sinh, hoặc trở về với một cơ thể không lành lặn - sau suốt thời gian đằng đẵng đợi chờ, đằng đẵng nhớ thương, đằng đẵng nuôi con một mình, trong sự chê trách, phê phán, ghẻ lạnh của cả người trong gia đình và người trong làng bản, nhưng những người mẹ trẻ ấy vẫn kiên cường, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, vượt qua nỗi cô đơn… - "Tôi nhận ra sự thiếu vắng đàn ông trong ngôi nhà của mình… máng dẫn nước từ đầu nguồn về cây đổ xiêu vẹo, tạm bợ. Cái chuồng ngựa xộc xệch tưởng chừng như một cơn gió chạy qua là đổ ụp xuống… Trong nhà đã khổ rồi, nhưng đối với người cùng họ hay người trong bản cái khổ mế tôi cõng trên lưng dường như nặng gấp trăm ngàn lần" - để nuôi nấng, dạy dỗ con nên người, trở thành những người lính nối tiếp bước chân của cha. Người mẹ cứ hàng năm đến mùa ngô nếp mẩy hạt đều chọn một bắp non ngon nhất, mẩy nhất, cho lên bếp nướng vàng, thơm phức, đặt lên bàn thờ (bởi vì đây là món ăn mà chồng của mẹ thích nhất), và "quì ở đó rất lâu, miệng lẩm bẩm trò chuyện", rồi "mùa bắp này qua mùa bắp khác, đôi thạ đựng đầy bắp non khô hút hơi bồ hóng đen óng như tóc người con gái, cao dần lên"… Trời như thấu hiểu lòng người, chồng của mẹ vẫn còn sống sau chiến tranh khốc liệt, mẹ như "hồi sinh": "Mế đứng dậy từ lúc nào, bỏ bắp ngô nướng trên bàn thờ xuống, với tay lấy cây đàn tính so dây" (Chiếc vòng bạc hình đôi chim Noộc Phầy). Hình ảnh Mế Ngần (Trăng mọc trong thung lũng) một tay nuôi cả 3 đứa con nhỏ (con của anh rể đã hy sinh, chị gái mất sớm - và con của mình) khi chúng còn đang ở tuổi bú mớm: "ngày ngày dì ôm tôi đi khắp bản xin sữa… Dì Ngần héo hắt đi để chị em tôi phổng phao, lớn lên trong vòng tay yêu thương của dì. (…) Dì đã đảm đương tất cả, gánh vác phần việc của người mẹ và đảm đương nỗi lo của người cha. Cuộc sống hàng ngày với bao vất vả, nhọc nhằn, lam lũ, nghèo khổ. Có bao thứ ngon miếng ngọt đều dành hết cho con, còn lại bao nhọc nhằn, gian khổ - dì đều gánh trọn vẹn trên đôi vai của mình"… là những hình ảnh đẹp - vẻ đẹp của sự hy sinh, vẻ đẹp của trái tim và tình yêu của những người phụ nữ miền núi trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của đất nước. Tác giả Bùi Thị Như Lan không có ý cố gắng "tô hồng", hoặc "bi kịch hóa" cuộc đời và số phận của những người phụ nữ là người yêu, là vợ, là mẹ của những người chiến sỹ. Họ là những con người bình thường nhưng cũng thật vĩ đại, họ đối mặt và âm thầm vượt qua bao khó khăn, thử thách, bao chông gai… của cuộc sống nơi miền núi cao còn nhiều thiếu thốn, đói nghèo và lạc hậu. Những đứa con của họ, dù có vắng thiếu cha, nhưng với sự yêu thương đùm bọc, sự dạy dỗ vừa nghiêm khắc vừa tràn đầy tình thương của họ - chúng đã lớn lên một cách mạnh mẽ như những cây nghiến, cây lim trên rừng núi quê hương. Và phần lớn chúng đã trở thành những người con trai, con gái có tri thức (giáo viên, kỹ sư, cán bộ lâm nghiệp, nông nghiệp…), trở thành những người lính trong thời đại mới (học trường Thiếu sinh quân, trường Sỹ quan Chính trị) để lại tiếp nối sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của thế hệ ông cha mình. Đọc những tác phẩm viết về số phận và cuộc đời của những người phụ nữ miền núi của Bùi Thị Như Lan - trong sâu thẳm trái tim mình, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ dựng lên một tượng đài Bà mẹ miền núi như tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở một số vùng miền xuôi khác trên đất nước ta - bởi sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của những người mẹ miền núi trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Vốn là một người phụ nữ DTTS, lại là một người lính, là nhà văn, nhà báo quân đội khu vực miền núi - Bùi Thị Như Lan đã có một sự am hiểu sâu sắc về con người và môi trường sống ở vùng cao, bên cạnh đó là sự tâm huyết đối với đề tài viết về người phụ nữ nên nữ nhà văn dân tộc Tày đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật phụ nữ trong quá trình sáng tác của mình. Nói một cách khác, qua ngòi bút của Bùi Thị Như Lan hình tượng người phụ nữ vùng cao (đặc biệt là những người mẹ, người vợ lính) đã được hiện lên với tất cả những vẻ đẹp (về cả hình thức lẫn tâm hồn) cùng những nỗi niềm, những thân phận, những hoàn cảnh… mà họ đã phải đối diện, vượt qua trong sự nỗ lực hết mình, hy sinh hết mình… để có thể làm chỗ dựa, làm tổ ấm, làm hậu phương vững chắc cho những người lính ở chiến trường. Cũng chính vì những giá trị về nghệ thuật và ý nghĩa về tư tưởng ấy ở hình tượng nhân vật này mà tác giả Bùi Thị Như Lan đã tạo nên một nét đặc sắc riêng, đã có một đóng góp riêng đáng trân trọng đối với văn xuôi Thái Nguyên nói riêng, với văn học các DTTS Việt Nam nói chung thời kỳ đầu thế kỷ XX.

PGS.TS Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy