Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
16:12 (GMT +7)

Hình phạt và sự ngộ nhận quyền lực

VNTN - Nhiều năm trở lại đây, những chuyện tai tiếng của ngành giáo dục ngày càng dày lên, hậu quả của các “scandal” thì cũng theo đó mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi một sự việc được khui ra, là một lần dư luận lại bùng lên tranh cãi. Niềm tin, sự trọng thị đối với nghề đưa đò cao quý vốn đã nhiều biến động tiêu cực, nay càng thêm tuột dốc không phanh.

Nghe chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng (Hải Phòng), nhiều người hẳn sẽ chực cơn buồn nôn, ghê sợ. Chuyện phạt học sinh phạm lỗi là cần thiết, nhưng hình thức phạt lại vô cùng phản giáo dục. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta được nghe/biết về những “lệnh trừng phạt” có phần… man rợ. Ví như vụ một học sinh lớp 4 ở Thái Bình đã bị cô chủ nhiệm bắt đứng trước lớp để 32 bạn học tát vào mặt, chỉ vì em quên sổ theo dõi thi đua khiến lớp bị trừ điểm (2007); cô giáo ở Vĩnh Phúc đã bắt học sinh súc miệng bằng nước xà phòng vì vi phạm nội quy nhiều lần (2015); thầy giáo ở Bình Định bắt học sinh nằm ngửa trên bục giảng và lấy nước đổ vào miệng chỉ bởi cậu học sinh này nhắc cả lớp im lặng. Năm 2014, các giáo viên ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Bình Phước) đã phạt học sinh ăn ớt… Và còn nhiều những hình thức phạt đáng sợ khác như tạt tai, bịt miệng học sinh bằng băng dính, phạt đứng dưới trời nắng gắt…

Người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Chúng ta coi nghề giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý, con cái thành tài được hay không đều “trăm sự nhờ thầy”. Chính điều đó đã vô tình khiến các nhà giáo ngộ nhận về quyền lực và nhận thức sai lệch giữa “quyền uy” và “quyền lực”.

“Quyền uy” là thứ mà học sinh tự nguyện tạo ra rồi trao cho người giáo viên (ít nhất phải có những đặc tính ưu tú về tài năng và nhân cách), cho dù người thầy có ý đồ hay không có ý đồ đối với những lời nói, hành động của mình thì học trò vẫn lắng nghe và có thái độ vâng lời. “Quyền lực” là thứ mà bản thân người giáo viên có thể đơn phương quyết định. Khi tạo dựng quyền lực, người ta không hề chú ý đến người xung quanh nhìn mình thế nào? Đánh giá ra sao? Họ coi hành động, lời nói của mình là tuyệt đối và duy nhất đúng. Họ cũng luôn có tham vọng ép người khác phải tuân lệnh.

Theo nghiên cứu của nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, người đã có thời gian làm việc ở Việt Nam trong vai trò cố vấn giáo dục về mối quan hệ thầy trò, đại ý có nói rằng: “trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, tại các lớp học, học sinh đều ngồi yên, ngoan ngoãn và lắng nghe giáo viên giảng bài. Mỗi khi giáo viên đưa ra câu hỏi thì nhiều em giơ tay trả lời với cánh tay đặt vuông góc trên mặt bàn. Trong lớp học, người giáo viên đã trở thành người có quyền lực tuyệt đối; giờ học diễn ra hoàn toàn theo kiểu giao tiếp một chiều, bởi trước thái độ, hành động và những chỉ dẫn mang tính mệnh lệnh của giáo viên, học sinh đã không thể phát biểu ý kiến hay ý tưởng của mình. Điều duy nhất có thể làm là nghe theo mệnh lệnh và tìm cách trả lời các câu hỏi có đáp án mà người giáo viên mong muốn”.

Thầy cô không bao giờ có sẵn điểm để cho học sinh, những điểm số đều thuộc về học sinh, thầy chỉ đánh giá và chọn ra một con số gọi là điểm cho phù hợp. Vì vậy, khi nói ra lời đe dọa "Em có tin là tôi cho em 0 điểm ngay lập tức không?" là thầy đã sai, bởi không thể mang điểm số ra để tạo dựng niềm vui cho cá nhân thầy. Học sinh nhuộm tóc xanh đỏ, thầy chỉ có quyền phân tích, giảng giải để học sinh hiểu ra vấn đề mà tự thay đổi chứ không thể lôi trò lên bục giảng để làm nhục trò, kiểu “các em xem, nhìn cái đầu có giống con khỉ không? Các em thấy có giống con khỉ không?”… Quyền của giáo viên là được truyền tải kiến thức và quyền được yêu thương học sinh của mình chứ không phải quyền được nổi giận và làm bất chấp.

Khách quan mà nói, sự ngộ nhận quyền lực của giáo viên là điều đáng chê trách. Song một khía cạnh khác mà chúng ta cũng phải xét đến, đó là kỹ năng phản kháng của học sinh. Các bậc cha mẹ sẽ nói gì với con sau khi nghe về vụ việc uống nước giẻ lau bảng? Tâm lý chung sẽ là những lời căn dặn, kiểu như: nếu cô đánh hay ép thì tìm cách gọi điện cho bố mẹ. Dù bất cứ giá nào cũng không được sợ mà uống, nghe chưa? ”. Chúng ta thường không đặt để con mình trong tình cảnh bị ép, bị dọa, bị trấn áp bằng cả một tập thể mà đã áp ngay vào con một đáp án. Mấy ai sẽ dạy con cách xử lý tình huống rằng: “nếu con sai cô chỉ phạt con đứng thôi, còn nếu bắt con uống nước từ giẻ lau bảng thì con sẽ đi méc thầy hiệu trưởng”. Hay “Con mà làm theo cô như vậy có thể sẽ bị ngộ độc. Cô làm như vậy là xúc phạm con”…

Nói với con những kỹ năng phản kháng và ý thức về phẩm giá bản thân, hẳn là điều các bậc cha mẹ cần lưu tâm nhiều hơn nữa, nhằm tránh trường hợp đáng tiếc như vừa qua.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước