Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:24 (GMT +7)

Hiểu thêm về Dương Tự Minh qua sử sách

VNTN - Nói đến Dương Tự Minh, chắc hẳn người dân Thái Nguyên đều ít nhiều biết đến ông là một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương, một người thẳng thắn, trung trực, có tài an dân; một thủ lĩnh tài ba, có công giữ yên một vùng biên cương phía Bắc đất nước trong nửa đầu thế kỷ XII. Ông quê gốc ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên), được vua Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương; 2 lần được nhà Lý gả công chúa; nhân dân suốt dải sông Cầu, từ “thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu (giang)” lập đền, đình để thờ phụng…

Vậy nhưng, Dương Tự Minh có tham gia “đánh đuổi quân Tống sang xâm lược nước ta”? Có thể gọi ông là “Anh hùng dân tộc”? công chúa Thiều Dung (vợ ông) có phải là con gái vua Lý Anh Tông?... cùng một số vấn đề khác nữa đang có những lý giải khác nhau trong một số tài liệu, cuốn sách lịch sử khiến người đọc hiểu nhầm. Bài viết này, tác giả cố gắng phân tích để làm rõ.

HIỂU THẾ NÀO VỀ VIỆC DƯƠNG TỰ MINH “ĐÁNH ĐUỔI QUÂN TỐNG”?

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Động Đạt (1945 - 2015)”, Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản năm 2016, trang 23 ghi “...Đi theo Dương Tự Minh đánh đuổi phỉ tặc, đánh đuổi quân Tống sang xâm lược nước ta (thế kỷ XII);...”. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Lương (1946 - 2015)” tái bản có chỉnh lý, bổ sung năm 2017, trang 20 ghi: “Bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhân dân Phú Lương tích cực tham gia vào cuộc chiến chống quân xâm lược Tống, góp phần vào chiến công chung của dân tộc. Tiêu biểu cho sự đóng góp của nhân dân các dân tộc Phú Lương thời gian đó là Dương Tự Minh”. Một vài cuốn sách lịch sử khác cũng viết gần tương tự.

 

Lễ cúng thần - Lễ hội Đền Đuổm( xã Động Đạt, huyện Phú Lương)

Viết “đánh quân xâm lược Tống” hay “đánh giặc Tống” khiến người đọc nghĩ ngay đến 2 lần nhà Tống đưa quân sang xâm lược nước ta (lần thứ nhất vào năm 981, bị quân dân Đại Cồ Việt do Lê Hoàn chỉ huy đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng; lần thứ hai vào năm 1077, dưới thời nhà Lý, bị quân dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, đánh thắng nhiều trận và bao vây tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, khiến quân Tống phải giảng hòa, rút về nước). Thực ra, Dương Tự Minh không tham gia chống quân xâm lược Tống trong 2 lần trên.

Mặc dù đến nay vẫn chưa xác định được chính xác năm sinh và năm mất của Dương Tự Minh, nhưng căn cứ vào năm ông được vua Lý Nhân Tông gả cho công chúa Diên Bình là 1127; đồng thời, các tài liệu (truyền thuyết và thần phả) có ghi: “Vào năm ông ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh, hàng trăm trai tráng trong vùng gia nhập,... chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình. Do vậy, vua Lý đã mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng và gả cho công chúa”. Như thế, có thể ước tính rằng, Dương Tự Minh lập đội dân binh là vào khoảng đầu thế kỷ XII, khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần 2 đã xảy ra trước đó vài chục năm.

 

Rước lễ vào Đền

Sở dĩ, một số tác giả bị nhầm sự kiện trên, theo tôi cũng có lí do. Đó là vào năm 1144, Dương Tự Minh làm chủ tướng chỉ huy quân sĩ, dẹp được Đàm Hữu Lượng, một kẻ yêu thuật người nước Tống đưa đồ đảng vào cướp phá ở châu Quảng Nguyên (thuộc Cao Bằng ngày nay). Sách “Địa chí Thái Nguyên”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 2009, trang 1056 ghi lại nội dung văn bia ở đình Quang Vinh (phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên), dựng năm 1784 (triều Lê):

“Có lẽ, cái thần khí của núi thiêng, đã tụ lại vào cây tùng cao mà giáng sinh ra thần. Quả là như vậy, nơi đây đã chung đúc nên một ngọn núi đẹp. Kê cứu trong Quốc sử biết rằng: Thần họ Dương, húy Tự Minh, là bậc anh hào trong đám thổ tù Phú Lương. Thần làm quan dưới triều vua Lý Nhân Tông và được trao giữ chức Thủ lĩnh phủ Phú Lương, lại được nhà vua gả công chúa Diên Bình cho làm vợ, về sau làm quan dưới triều Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, cả thảy ba triều vua Lý.

Năm Đại Định thứ 3 (1142), triều Lý Anh Tông đặc sai Thần đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy. Năm Đại Định thứ 4 (1143) vua xuống chiếu cho Thần cai quản công việc các khe động dọc biên giới về đường bộ. Năm Đại Định thứ 5 (1144), Thần được nhà vua gả công chúa Thiều Dung và phong cho làm Phò mã lang. Năm Đại Định thứ 6 (1145) kẻ có yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang (vùng Trùng Khánh, Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng ngày nay - tác giả chú thích), tự xưng là Lữ tiên sinh nói dối là vâng mệnh đi sứ để dụ An Nam. Các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo, Hữu Lượng bèn đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên.

 

Chính hội Đền Đuổm vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm

Bấy giờ, Kinh lược súy ty lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ đuổi bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho Phò mã lang (Dương Tự Minh) và văn thần là Nguyễn Mậu Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Đuổi tới ải Lũng Đổ, châu Thông Nông, Hữu Lượng trốn thoát, bắt được bè đảng của Hữu Lượng là bọn Bá Đại 21 người, sau đó áp giải chúng trả về nước Tống”. Theo cuốn “Huyện Phú Lương - Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ Tổ quốc (1945 - 2000)”, Đàm Hữu Lượng chạy trốn về Ung Châu (Quảng Tây - Trung Quốc) cũng bị quan quân nhà Tống bắt.

Như vậy, sử sách chỉ ghi lại duy nhất sự kiện: Dương Tự Minh làm chủ tướng chỉ huy quân sĩ, dẹp được bè đảng của Đàm Hữu Lượng là một người nước Tống vào cướp phá, không có sự kiện nào khác về việc ông tham gia “chống quân Tống”. Nhóm của Đàm Hữu Lượng khi đó cũng đang bị chính quyền Quảng Tây (nước Tống) truy đuổi, không đại diện cho “nước Tống” sang xâm chiếm Đại Việt.

DƯƠNG TỰ MINH LÀ ANH HÙNG DÂN TỘC?

Phần lớn các cuốn lịch sử của quốc gia, của tỉnh như “Lịch sử Việt Nam”, “Địa chí Thái Nguyên”, “Từ điển Thái Nguyên”... đều ghi danh xưng của Dương Tự Minh là “Thủ lĩnh phủ Phú Lương”. Tuy nhiên, có một số cuốn sách, bài viết lại gọi ông là “Anh hùng dân tộc”. Vậy gọi Dương Tự Minh là “Anh hùng dân tộc” có chuẩn xác?

 

Trò chơi dân gian trong Lễ hội Đền Đuổm

Theo nghiên cứu, danh hiệu “Anh hùng dân tộc” hiện chưa có văn bản nào của Nhà nước quy định, mà chỉ là cách gọi trong nhân dân để biểu lộ sự mến phục, biết ơn với những người có công đối với đất nước. Theo “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”: “Anh hùng dân tộc Việt Nam là những người có công kiệt xuất trong cuộc đấu tranh cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, được nhân dân suy tôn làm anh hùng và ghi danh vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Anh hùng dân tộc thường xuất hiện ở bước ngoặt lịch sử của dân tộc, trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của dân tộc. Như vậy, Anh hùng dân tộc là danh hiệu cao quý hơn Anh hùng (là người tài năng xuất chúng, công to, đức cả khiến mọi người đều kính phục)... Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm bảo vệ và phát triển, đất nước ta đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc tiêu biểu. Năm 2013, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam để tôn vinh Anh hùng dân tộc theo thứ tự thời gian, gồm: Hùng Vương; Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị); Lý Nam Đế; Ngô Quyền; Đinh Tiên Hoàng; Lê Đại Hành; Lý Thái Tổ; Lý Thường Kiệt; Trần Nhân Tông; Trần Hưng Đạo; Lê Thái Tổ; Nguyễn Trãi; Quang Trung (tức Nguyễn Huệ); Hồ Chí Minh.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng công lao của Dương Tự Minh đối với đất nước, với vương triều Lý, là rất to lớn, đã được ghi vào sử sách, được đông đảo người dân (nhất là ở vùng Thái Nguyên - quê hương ông) lập đình, đền thờ cúng. Tuy nhiên, dùng danh xưng “Anh hùng dân tộc” trong trường hợp này là chưa phù hợp.

CÔNG CHÚA THIỀU DUNG CÓ PHẢI LÀ CON GÁI VUA LÝ ANH TÔNG?

Một số bài viết ghi “Vua Lý Anh Tông gả con gái Thiều Dung công chúa cho làm vợ”. Một số cuốn sách lịch sử cũng ghi Dương Tự Minh “được vua Lý gả cho công chúa”. Thực ra, công chúa Thiều Dung không phải là con gái của vua Lý Anh Tông, do vậy viết “Nhà Lý gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh” như trong “Từ điển Thái Nguyên” hoặc “Địa chí Thái Nguyên” sẽ chính xác hơn.

 

Toàn cảnh Đền Đuổm

Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) trước khi mất, Lý Nhân Tông xuống chiếu gả công chúa Diên Bình cho Dương Tự Minh. Đến đời vua Lý Anh Tông (cháu gọi Lý Nhân Tông là ông họ), triều đình càng coi trọng Dương Tự Minh. Năm Giáp Tý (1144) Dương Tự Minh được hưởng ân sủng đặc biệt, đó là việc nhà Lý gả công chúa Thiều Dung (có sách chép là Hồng Liên) cho Dương Tự Minh và phong ông làm Phò mã lang. Vậy là Dương Tự Minh hai lần được làm phò mã dưới hai triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) và Lý Anh Tông (1138 - 1175).

Về thân thế hai nàng công chúa lấy chung chồng, sử sách không ghi chép cụ thể nên khó biết rõ họ là con vua nào. Chính sử cho biết Lý Nhân Tông không có con trai nên phải nhận cháu gọi bằng bác ruột, đưa vào cung nhận làm con nuôi để có người thừa tự, kế vị ngôi báu. Ông không có con trai nhưng có lẽ có con gái, công chúa Diên Bình phải chăng là con của Lý Nhân Tông, nếu không cũng là con gái nuôi của vua?

Còn công chúa Thiều Dung tuy được gả chồng dưới triều Lý Anh Tông nhưng công chúa không thể là con của vị vua này, bởi khi nàng “hạ giá” vào năm Giáp Tý (1144), khi đó Lý Anh Tông mới lên 8 tuổi.

Hai công chúa thuộc hai thế hệ lấy chung một chồng nhưng cách nhau 17 năm, đây cũng là một điều hiếm thấy trong lịch sử. Họ có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp lẫy lừng và công tích to lớn của phò mã Dương Tự Minh.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy