Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
11:02 (GMT +7)

Henna – Những họa tiết hạnh phúc

Với phụ nữ Ấn Độ, Nam Á, Trung Đông và nhiều nước Phi châu, Henna là một phần không thể thiếu trong sắc đẹp, sự tươi trẻ và hạnh phúc của họ do Henna chứa đựng rất nhiều họa tiết phong phú, hấp dẫn và gắn bó lâu dài với cơ thể cho dù mưa nắng.

Quan điểm của người Hindu là cô dâu vẽ càng nhiều Henna càng đẹp, càng thu hút và nhận được tình cảm yêu thương của chồng

Henna là một loại thuốc nhuộm được điều chế từ cây lawsonia trơ, còn được gọi là cây henna, cây mignonette, và cây sơn tra Ai Cập, loài duy nhất của chi lawsonia. Vốn dĩ người xưa chỉ định dùng nhựa cây lawsonia để nhuộm vải, sơn móng, hay đôi khi là bôi tóc làm đẹp, rực rỡ. Song, vì những họa tiết, màu sắc trên vải ấy in dấu bền vững lên người với nhiều mức độ kỳ ảo, hơn thế còn giúp da dẻ mịn màng, mát mẻ, đặc biệt chúng còn giúp làm việc gì cũng phấn chấn, tinh tấn nhờ được ngắm cả một thế giới hoa cỏ, muông thú sinh động nên mọi người đã quyết định vẽ Henna lên tay chân và thực hiện trong mọi sự kiện, nhất là trong lễ mừng, lễ cưới và lễ hội.

Tại Ấn Độ, Henna hay được vẽ nhất là trong ngày thành hôn, gặp gỡ giữa hai cô dâu - chú rể và khi mẹ chồng chào đón nàng dâu mới vào nhà. Lúc đó, bạn bè, gia đình cô gái sẽ dành cả ngày, đặc biệt là buổi tối trước hôm rước dâu để trang điểm bằng các họa tiết diêm dúa, sặc sỡ. Một khi nó được vẽ thì trên hai bàn tay, cá biệt cánh tay, rồi hai bàn chân, cẳng chân của cô gái đó sẽ chi chít những hình, chỗ cụ thể, chỗ trừu tượng hoặc đa dạng và thường có màu nâu đỏ, đôi khi xanh đen, vàng tím,…

Những họa tiết này tồn tại tới ba, bốn tuần mới phai. Cô gái sẽ phải giữ gìn những hình vẽ trên càng lâu càng tốt như giữ mãi tuổi xuân, sắc đẹp, tình yêu và sự vui vẻ, đầm ấm cho gia đình. Cũng kể từ đây, cô gái được công nhận là phụ nữ đã có chồng, ai khác ngoài phu quân sẽ không được đụng vào. Không chỉ có ngày cưới, phụ nữ còn vẽ Henna khi mới sinh hay thực hiện các nghi lễ cúng tế cần sự xinh đẹp - đoan trang. Họ cũng vẽ nó để trảy hội, hòa nhập cùng với thần thánh do các thần linh, như ở Ấn Độ từ các thần Hindu lẫn các vị Bồ Tát Phật giáo đều vẽ Henna. Bởi vì theo tín ngưỡng dân gian, Henna là thể hiện cho những gì tinh tế nhất, xinh đẹp nhất của mọi sinh linh, vật thể trong vũ trụ.

Người Hindu gọi nghệ thuật vẽ Henna là họa Mehndi, tức vẽ các biểu trưng an lành và để dành cho các chị em đã có chồng. Ai đã có gia đình đều vẽ Henna, ai chưa có chưa vẽ. Vẽ càng nhiều Henna càng đẹp, càng thu hút và nhận được tình cảm yêu thương của chồng. Nó cũng cho anh biết trước sự khéo léo, tài đảm, tỷ mỉ và kiên trì của vợ do hôn nhân xưa kia chủ yếu là nhờ sắp đặt, nhiều khi hai người không biết mặt nhau và nam nữ thụ thụ bất tương thân. Thế nhưng qua bàn tay, bàn chân khoe ra, cô gái vẫn có thể cho anh thấy được sự yêu kiều, duyên dáng, nết na của mình. Henna vì thế là một cách trang điểm cuốn hút khi mà người khác còn chưa rõ mặt bạn, cũng như gửi gắm những lời chúc phúc (Barakah) đến cả tân nương lẫn tân lang. Họa tiết càng đậm, phức tạp thì cuộc sống càng có nhiều thi vị, niềm vui, may mắn. Bình thường, mỗi cô dâu chỉ cần vẽ Henna vài tiếng cho tới một buổi song vì sự cầu toàn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, lúc nào cũng đẹp như thơ, tranh họa, cô gái hoặc thợ trang điểm thường kéo dài thời gian vẽ mà như ở Yemen đến năm ngày. Tuy vậy, dù vẽ thế nào, hoặc chỉ một hình thôi, Henna đó cũng được gọi là solah shringar - một dấu ấn thụ phúc.

Đêm trước ngày cưới, cả nhà gái sẽ vây quanh cô dâu để làm lễ Mehndi. Đây là một buổi tiệc vui vẻ, có nhạc, múa, hát với mỗi ca khúc đều mang những lời chúc cho cô dâu, chú rể cùng nhiều lời lẽ nhắn nhủ mẹ chồng. Trong khi tất cả các phụ nữ ca hát quanh tân nương lúc này đang che phủ kín mít, thì một nghệ nhân Mehndi sẽ trang điểm tay chân - Slyomovics cho chị. Giữa rất nhiều hình thù đan xen, móc nối huyền ảo, thợ trang điểm sẽ khéo léo, bí mật điền tên của chú rể vào trong và chỉ tiết lộ vị trí chính xác của nó cho chủ nhân hay. Người thợ này phải là người phúc hậu, có gia đình tử tế, đông con lắm cháu, cũng giàu có - phú quý để sau này cô dâu được sung sướng. Mực vẽ Henna thường là mực nâu đỏ, giúp thu hút tình yêu, hạnh phúc, tài lộc, tuổi thọ cùng những điều mong muốn trong đời sống hôn nhân.

Ngày xưa chỉ cô dâu mới vẽ Henna, song hôm nay nhiều chú rể cũng vẽ Henna nhằm hướng tới sự đồng điệu - hoàn hảo.

Henna Ả Rập

Ở mỗi nước, mỗi vùng sẽ có một hay nhiều kiểu Mehndi từ Ả Rập Mehndi, áp dụng cho các nước Hồi giáo tới Ấn Độ Mehndi, Pakistan Mehndi sử dụng trong khu vực. Với Arabic Henna, mỗi hình thường trừu tượng, tuy thưa thớt song móc ngoặc ly kỳ dạng dây cuốn trong khi Rasm- e- Henna của Pakistan vẽ cụ thể hơn, đường nét mảnh khảnh, nhiều chấm dày đặc…

Mặc dù có hàng trăm họa tiết được thực hiện trên đôi tay, đôi chân song lôi cuốn nhất vẫn là hình Mạn đà la - biểu trưng của sự thái hòa, cân đối, tròn đầy, cùng sự phát triển, đẹp tươi về muôn mặt. Kế tiếp là hình chim công ngụ ý về sự duyên dáng, song cũng rạng ngời, sang quý không đâu bằng. Hình hoa sen lại tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết, thoát tục, vươn lên khỏi mọi hoàn cảnh. Hình chim chóc thì mang tới sự tự do, hoan hỷ, vô ưu cùng sự đông đúc, thanh bình. Hình Krishna - Radha thể hiện cho tình yêu đắm say, chung thủy, không thể bị chia lìa, quên lãng. Hình mặt trăng sẽ cho sự dịu dàng, sinh sôi, bảo vệ trong khi hình mặt trời cho sự tái sinh, hồi phục mau chóng. Hình xoắn ốc hay hình ngọn lửa là một dấu hiệu của nữ thần, quyền năng tạo ra sự sống… Ngoài ra là hình bươm bướm, chuồn chuồn, con rắn, con rùa, con cá, chim vẹt, chim ngỗng, đôi mắt, cái chìa khóa, làn sóng nước, các loại hình học…

Henna Pakistan

Tựu trung, dù là hình vẽ gì, Henna cũng là những họa tiết xinh đẹp, đem tới phúc, đức, hỷ, tài, an, lạc. Lấy cảm hứng từ những gì xung quanh, Henna và nghệ thuật vẽ tay cầu kỳ Mehndi không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ xưa và nay, mà trước tiên là sự nhẫn nhịn, dung hòa, biết vun vén, sáng tạo vì gia đình. Kế tiếp là sự chung tình, yêu thương, thậm chí với người chồng chưa biết mặt. Sự trang điểm công phu với hàng nghìn, hàng triệu nét vẽ trên một đôi bàn tay, bàn chân cùng nghi lễ rước dâu hàng giờ trong đám cưới của họ chính là để đảm bảo một cuộc sống vợ chồng dài lâu và khó phai mờ như những họa tiết sắc sảo kia. Bên cạnh việc vẽ tay chân, Henna còn có thể vẽ trên nhiều điểm khác của thân thể và đều mang ý nghĩa quan trọng, có lợi cho tinh thần và tâm hồn.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy