Hẹn tươi non trổ mầm
(Đọc bài thơ “Dây tơ hồng” của Nguyễn Minh Trọng)
VNTN - Dây tơ hồng theo nghĩa đen là một loài thực vật sống ký sinh trên các loài cây khác, không có cành lá, chỉ có thân hình sợi quấn lấy cây chủ, trên thân có các rễ nhỏ để hút chất dinh dưỡng từ thân cây. Chúng có khá nhiều màu như xanh, nâu nhạt, đỏ... nhưng thường gặp nhất là màu vàng. Còn theo nghĩa bóng dây tơ hồng là sợi dây do trời se nhằm kết nối tình yêu nam nữ. Có lẽ vì thế mà trong kho tàng văn hóa của người Việt Nam ta có khá nhiều câu hát, câu ca dao, tục ngữ nói về dây tơ hồng theo nghĩa này với tình cảm thiết tha, trìu mến. Chẳng hạn: “Dây tơ hồng chưa se đã mắc/ Rượu quỳnh tương chưa nhắp đã say”; hoặc: “Có chồng thì mặc có chồng/ Ở đây vắng vẻ dây tơ hồng ta cứ se”. Cũng như rất nhiều người khác, tôi yêu những câu ca dao cổ ấy và yêu luôn hình tượng đẹp đẽ về dây tơ hồng... Cho đến một ngày, sau khi được đọc bài thơ Dây tơ hồng của tác giả Nguyễn Minh Trọng đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên, tôi chợt rùng mình...
Bài thơ không dài, vỏn vẹn năm cặp lục bát, song ẩn bên trong đó ngồn ngộn xúc cảm, ngồn ngộn ngôn từ:
Dây tơ hồng
Vàng tươi óng ả buông lơi
Bám cây...
chim cũng một thời véo von
Trời cao
trái đất vẫn tròn
Mà bao ngăn ngắt chẳng còn là xanh
Vin rằng: “Chốn ấy đất lành...”
Khoét tháng năm
hóa bức mành
cuồng điên
Lây lan
luồn...
hút...
triền miên
Cây gầy, dây tránh đâu thềm héo hon
Còn may rễ cắm mạch nguồn
Gạn đất đen
hẹn tươi non
trổ mầm.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh rất đẹp, rất đáng yêu của dây tơ hồng với màu vàng bắt mắt - không phải vàng nhạt, không phải vàng sẫm cũng không phải vàng rực mà “vàng tươi”, hơn thế còn “óng ả” nuột nà và “buông lơi” nữa chứ. Hai từ “buông lơi” một mặt là sự mềm mại, quyến rũ về hình thể, mặt khác gián tiếp gợi cho độc giả liên tưởng tới tính cách của dây tơ hồng: Dễ tính và vô hại - minh chứng là chim vẫn “véo von” trên tán cây đấy thôi - có lẽ cây chủ nghĩ về dây tơ hồng như thế nên vui vẻ và vô tư cưu mang nó. Còn tôi, chẳng hiểu sao ngoài hai mặt dễ thấy như trên, tôi lại nhìn ra cái mặt thứ ba của “buông lơi”: mặt nạ. Linh cảm của tôi sai hay đúng? Đúng hay sai?
Trời cao
Trái đất vẫn tròn
Mà bao ngăn ngắt chẳng còn là xanh.
Câu thơ nghe xót xa, ai oán đến nghẹn ngào. Không cuồng phong dông bão, không hỏa hoạn đốt rừng thế mà hôm nao còn tràn trề sức sống, phơi phới hoan ca cùng nắng gió mây trời, hôm nay cây đã tàn tạ tới mức “chẳng còn là xanh”. Do đâu? Vì đâu? Thương thay, thủ phạm gây ra thảm cảnh lại chính là dây tơ hồng. Lòng hào hiệp và thánh thiện của cây đã bị nó lừa gạt, lợi dụng, chà đạp một cách thậm tệ. Từ chỗ “bám cây” để sống, dần dà nó ngấm ngầm “Khoét tháng năm/ hóa bức mành/ cuồng điên”. Tôi rợn người với động từ “khoét” của Nguyễn Minh Trọng. Khoét nghĩa là dùng dao hoặc những dụng cụ bén nhọn tương tự ngoáy, cắt, nạo rất nhiều lần vào vật chủ; Miệng vết khoét không nhỏ như vết cắt, vết cứa mà hở toang hoác và sâu hun hút rất khó lành. Trở lại với bài thơ, dây tơ hồng hút dinh dưỡng từ cây bằng rất nhiều rễ nhỏ mọc theo thân hình sợi của nó nghĩa là bao nhiêu rễ là bấy nhiêu “con dao” đêm ngày “khoét” vào thân thể cây - một vật chủ sống- mới biết cây đau đớn nhường nào... Sức chịu đựng có hạn, cây sẽ chết dần chết mòn. Biết vậy mà cây không thể kêu cứu, không thể tố cáo bởi dây tơ hồng thâm hiểm đã “hóa bức mành”, hơn thế còn là “bức mành cuồng điên” che mắt thiên hạ, bưng bít tất cả sự thật. Nguy hại hơn, nó như đại dịch “lây lan” với tốc độ chóng mặt. Nó lách, nó “luồn” như rắn tới từng ngóc ngách lén lút rình mò, chực chờ cơ hội. Nó hệt vòi bạch tuộc “hút” đến kiệt cùng kiệt quệ những gì có thể hút... Nhưng thật nực cười, do mắc chứng “cuồng điên” hay bởi giấc mơ “ăn trên ngồi trốc” khiến nó mê mụ mà quên rằng nó hoàn toàn sống phụ thuộc vào cây, một khi “cây gầy” số phận nó cũng “tránh đâu thềm héo hon”. Ở cặp lục bát thứ tư này ta cảm nhận rõ hai thái cực tình cảm trái ngược của tác giả: Câu lục chất chứa phẫn uất, hờn căm, còn câu bát tràn trề niềm vui sướng, hả hê. Đến đây tôi ngờ ngợ... dừng lại ngẫm nghĩ... và chợt hiểu: bài thơ có tiêu đề Dây tơ hồng, nhân vật chính cũng là dây tơ hồng, song cái đích thực sự tác giả muốn nhằm đến không phải dây tơ hồng mà là... con người! Nói chính xác đó là những kẻ xưng danh người nhưng mang tâm địa của loài thực vật ăn bám kia, thậm chí xét về độ tham lam, tàn độc còn gấp trăm gấp ngàn lần và nếu mở cuộc thi “khoét” chắc chắn lũ ấy chiếm giải quán quân. Tuy nhiên, “gieo gió ắt gặt bão”- cũng giống dây tơ hồng - chúng không thể có một ngày mai tốt đẹp - hay nói như các cụ nhà ta: Ăn ở bất nhân bất nghĩa nhất định sẽ bị trời tru đất diệt!
Vậy còn số phận cây của chúng ta? Phải chăng cây đã chết? Không! Không thể như thế!
Còn may rễ cắm mạch nguồn
Gạn đất đen
Hẹn tươi non
Trổ mầm.
Ơn trời! Nhẹ bỗng cả người.
Cái kết đẹp với nhiều từ ngữ đắt, giàu hình ảnh làm bừng sáng cả bài thơ. “Còn may rễ cắm mạch nguồn” - Tôi đọc đi đọc lại câu thơ, muốn diễn giải thật rành mạch ý nghĩa của “mạch nguồn” mà ngôn từ bay đi đâu hết, đành ghi ra mấy lời thô thiển thế này: “mạch nguồn” là chốn thanh sạch đẹp đẽ, là miền đất thiêng liêng, là nguồn cội sự sống cho nên khi cây “cắm” rễ đúng mạch nguồn sẽ được “mạch nguồn” truyền sức mạnh, giúp cây tránh được độc hại xâm nhập, từ đó luôn giữ vẹn bản ngã của mình. Động từ “cắm” quả là hay! Vừa biểu hiện sự lao động vất vả vừa biểu hiện tính tự lập tự chủ mà vẫn gắn kết với “mạch nguồn” lại vừa toát lên phong thái can trường, gan góc, vững vàng của cây. Ta hãy đến với câu thơ kết: “Gạn đất đen/ hẹn tươi non/ trổ mầm”. Nếu tách bạch “đất đen” và “tươi non” rõ ràng đối lập nhau (Một bên gam màu tối, cũ kỹ, u buồn, còn một bên gam màu sáng, tươi mới, trẻ trung) nhưng “gạn đất đen” đặt cạnh “hẹn tươi non/ trổ mầm” lại rất thuận, rất hài hòa. Ta có thể hiểu “gạn đất đen” là chắt gạn, sàng lọc chất dinh dưỡng ra khỏi tạp chất trong đất, hoặc cũng có thể hiểu là tinh thần lạc quan, dẫu hiện tại đầy rẫy bất trắc, khổ đau vẫn tìm ra niềm vui sống, vẫn tin ở ngày mai tốt lành. Dẫu hiểu theo cách nào thì “hẹn tươi non/ trổ mầm” vẫn là lời khẳng định hoàn toàn có cơ sở - một giấc mơ có thực. Nhất định một ngày không xa nữa, những chồi biếc mơn mởn, tràn trề sức sống sẽ kiêu hãnh trỗi dậy từ thân cành trơ trụi khẳng khiu của cây và chẳng mấy đỗi sẽ thấy lại màu xanh “ngăn ngắt” với tiếng chim “véo von” trong tán lá sum suê. Và trời cao. Và gió lộng. Nhất định là thế.
Đọc xong bài thơ, tôi ngồi lặng với bao cảm xúc dâng trào... Không biết các độc giả khác thế nào còn tôi khi soi vào con chữ trên trang giấy trắng tôi thấy cây, khi soi vào cây tôi thấy con người. Vẫn là con người nhưng là người lương thiện. Lương thiện nên dễ tin người, dễ bị kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng. Người lương thiện hay bị thua thiệt trong cuộc sống, có khi còn bị đẩy đến đường cùng. Tuy nhiên, dây tơ hồng không “giết” nổi cây thì bọn người “đồng hạng” dây tơ hồng cũng không bao giờ “triệt” được người lương thiện. Truyền thống tốt đẹp của cha ông với những bài học về đạo lý làm người là “mạch nguồn” có sức mạnh vô biên giúp cho người lương thiện nhận rõ những “mầm bệnh” độc hại, đứng vững trong “bão dông”, vượt qua mọi “thác ghềnh”, ngẩng cao đầu đi đến với bến bờ hạnh phúc.
Đề tài “nhân tình thế thái” là một trong những đề tài khó, viết mà để lại ám ảnh trong lòng độc giả đã là thành công. Tôi không dám nhận bài viết trên là bài bình, đơn giản chỉ là ghi chép lại những suy nghĩ, những cảm nhận của cá nhân khi đọc một bài thơ đa tầng ý nghĩa, giàu hình ảnh, nhiều ngôn từ “đắt giá” của nhà thơ Nguyễn Minh Trọng. Hy vọng, bằng cảm xúc thật sự xuất phát từ đáy lòng, bài viết nhỏ này chuyển tải được phần nào cái hay, cái đặc sắc của bài thơ đến với độc giả xa gần, thế là mãn nguyện lắm rồi. Nếu trong bài có gì sơ suất cũng mong tác giả và người đọc lượng thứ.
Ngô Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...