Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:19 (GMT +7)

Hệ thống giáo dục Mỹ, các trường đại học và viện đại học (kỳ II)

Trường Đại học và Viện Đại học 

VNTN - Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ là nơi gìn giữ kinh nghiệm của loài người, nghiên cứu và truyền thụ văn hóa và tri thức cho các thế hệ, cũng là nơi tạo ra những trí thức hàng đầu. Các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ được đào tạo ở đây đã phê phán chính vốn kiến thức mà họ đã bảo tồn cũng như xã hội, nhà nước đã sinh ra và nuôi dưỡng mình chỉ với mục đích phát triển lành mạnh, liên tục xã hội này của con người.

Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ cung cấp những kỹ năng, kỹ thuật tốt nhất cho sinh viên, thanh niên để chuẩn bị bước vào cuộc sống, đối mặt với những thách thức của thời đại và cung cấp cho họ những kinh nghiệm của lịch sử để họ có thể đóng góp vai trò năng động nhằm giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Những yêu cầu đó của giáo dục Đại học Mỹ đã tạo ra một sắc thái riêng của hệ thống giáo dục Mỹ. Nhiệm vụ trọng tâm của các Trường Đại học và Viện Đại học là giáo dục sinh viên, nghiên cứu sinh (sau Đại học) và sinh viên chuyên nghiệp hoạt động, học tập và nghiên cứu học thuật, tạo ra kết quả mới và độc đáo phục vụ cộng đồng, trong đó có vốn văn hóa tạo nên con người có nhân cách. Trường Đại học và Viện Đại học ra đời, tồn tại và phát triển là do nhu cầu của xã hội, nhu cầu của sinh viên Mỹ phải được đào tạo. Không có người theo học (sinh viên, nghiên cứu sinh) thì chỉ là Viện nghiên cứu chứ không phải là Đại học. Do đó, sinh viên là yếu tố quyết định của Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ.

Giáo dục bậc đại học chiếm nhiều thời gian của một đời người. Lứa tuổi rực rỡ nhất của đời người (17 tuổi đến 30 tuổi) liên quan đến nhiều người (một nửa dân số Mỹ) tiêu thụ nhiều nguồn lực, đòi hỏi nhiều phương diện vật chất và kỹ thuật, tốn nhiều tài chính của xã hội. Nó tác động lớn lao tới xã hội. Nó đào tạo ra những thế hệ trí thức, chuyên gia và những nhà thực hành, giáo dục những chính khách và những nhà lãnh đạo quyết định sự vững mạnh của nước Mỹ.

Giáo dục bậc Đại học coi phục vụ công chúng như một bổn phận xã hội. Ở tất cả các Trường Đại học Mỹ, giảng dạy là phương tiện truyền bá kiến thức và giáo dục văn hóa, nhân cách con người để tạo nên những công dân cho tương lai. Giảng dạy là phương pháp tiện lợi nhất có hiệu quả để chuyển giao công nghệ cung cấp cho nền kinh tế những thế hệ nối tiếp những cử nhân tốt nghiệp trong tất cả các khoa. Họ là những người đã phát triển kỹ năng và tri thức của mình được thể hiện qua tấm bằng do nhà trường trao cho sau một quá trình học tập và nghiên cứu… Các Viện Đại học và các Trường Đại học Mỹ gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, việc giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động Đại học phục vụ trực tiếp cho xã hội.

Nước Mỹ không có lịch sử nhưng Đại học Mỹ thì có. Sau khi nước Mỹ đã cơ bản ổn định lãnh thổ và dân cư của một quốc gia, dù mới chỉ có 13 bang, thế kỷ XVII các trí thức Mỹ dù có nguồn gốc ở châu Âu đã nhìn thấy phải độc lập không chỉ chính trị - thoát khỏi thuộc địa của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, chủ yếu là đế quốc Anh - mà cần phải độc lập trong văn hóa. Tại bang Massachusetts bên bờ sông Charles, ở thành phố Boston cách New York chừng 600 km, năm 1636 Hội đồng Lập pháp và Tư pháp của bang đã biểu quyết cấp 400 bảng Anh để xây dựng một trường học (School) hoặc một Trường Đại học (College). Mục sư John Harvard đã ủng hộ kinh phí, góp 800 bảng Anh và 260 cuốn sách cho nhà trường, và Trường Đại học đầu tiên của Mỹ mang tên ông: Harvard University, sau này là Viện Đại học Harvard. Năm 1642, lớp sinh viên đầu tiên ra trường, có 9 cử nhân được nhận bằng tốt nghiệp BA (Bachelor of Arts). Nhà trường lúc đó có 1 hiệu trưởng, 1 thủ quỹ và 5 ủy viên.

Do nhu cầu về tăng trưởng dân số và mở rộng lãnh thổ đòi hỏi phải có một đội ngũ trí thức đông đảo để quản lý và yêu cầu nâng cao tri thức và văn hóa của một dân tộc non trẻ, các Trường Đại học tiếp tục ra đời, rồi sau khi có nhiều Trường Đại học độc lập ra đời mới có nhu cầu tổ chức thành các Viện Đại học. Phần lớn trong số các Viện Đại học này là tư thục, là những trung tâm Đại học danh tiếng không chỉ ở nước Mỹ mà là của thế giới. Các bang Virgirina North Carolina, Michigan từ thế kỷ trước đã cung cấp kinh phí cho các Trường Đại học. Viện Đại học Jefferson được thành lập năm 1819, khi mới hoạt động chỉ có 8 giảng viên (1825) nhưng hiện nay là Viện Đại học danh giá, chỉ đứng sau Viện Đại học Harvard mà thôi.

Đại học Mỹ phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao từ sau Đạo luật Morrill do tổng thống Abrabam Lincoln ban hành năm 1862. Đạo luật này cho phép các bang và liên bang cấp đất để xây dựng các trường và viện Đại học công lập.

Và mô hình Viện đại học Mỹ đầu tiên - một tổ hợp các trường đại học có đủ mọi ngành, khoa của nhiều kiểu trường ở các tiểu bang khác nhau là Viện đại học Cornell University. Tên tuổi của Cornell đã được đặt cho tên Viện Đại học đầu tiên, ông là một trong những người xây dựng nên Viện Đại học đầu tiên ở nước Mỹ.

Bổ sung cho Đạo luật Morrill 1862 là Đạo luật Hatch 1887 và Đạo luật Smith - Lever 1914 lấy ngân sách Nhà nước Liên bang cấp cho các trạm nghiên cứu, thí nghiệm và chương trình phổ biến kiến thức toàn quốc nhằm phục vụ cộng đồng dân cư và các tiểu bang, tức là đem kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện Đại học ứng dụng vào đời sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Sự phong phú, đa dạng của các Trường Đại học đã phản ánh rất rõ nét trong các Viện Đại học. Nhiều Viện hướng mục tiêu vào giáo dục là chính, nhưng nhiều Viện lại coi trọng mục tiêu đào tạo. Có nhiều cơ sở chú ý giảng dạy và nghiên cứu các khoa học cơ bản nhưng nhiều cơ sở lại tập trung vào các khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều ngành khoa học mới, rất mới xuất hiện. Sự liên ngành đòi hỏi phải phối hợp và hợp tác đã thúc đẩy các Trường Đại học và các Viện Đại học liên kết với nhau trong các chương trình đào tạo. Diện mạo mới của hệ thống Đại học Mỹ đã thay đổi so với quá khứ. Đào tạo xuyên quốc gia, phối hợp với các tập đoàn kinh tế để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa.

Những năm đầu thế kỷ XXI, Viện Đại học ở Mỹ đã trở thành một cộng đồng học tập có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh nội trú; có các trường đại học giảng dạy và nghiên cứu các khoa học cơ bản bậc đại học và cả những trường chuyên nghiệp, sau đại học. Ngoài ra, công tác giảng dạy và nghiên cứu bằng các hệ đào tạo từ xa, liên tục… cho mọi thành phần lứa tuổi (không chỉ ở nước Mỹ mà cả thế giới) cũng được chú trọng. Điều này tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong các chương trình giáo dục thường xuyên (continuing education) và học tập từ xa (distance learning) - với số lượng và quy mô ngày càng mở rộng bởi các cơ sở ở các Viện Đại học.

Năm 1900 có 237.592 sinh viên Đại học, tức là 4% dân số Mỹ, đến 1940 đã có 1,5 triệu sinh viên, tức là gần 12% người Mỹ. Năm 1998 có đến 2/3 trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học theo học bậc đại học. Ở Mỹ, việc ghi danh học đại học vừa khó, vừa dễ. Dễ vì không có kỳ thi vào đại học mà chỉ xét đỗ, chỉ cần học sinh tốt nghiệp trung học có điểm SAT và được thông qua một hội đồng xét tuyển của trường Đại học, ứng viên ghi danh là được (SAT - Schoolastic Aptitudine Test, bài thi tốt nghiệp trung học). Việc xét tuyển có dựa trên cơ sở xét các bài luận, thứ hạng trong lớp bậc trung học, báo cáo hay nhận xét của giáo viên về hoạt động phục vụ cộng đồng xã hội, tư cách công dân, hoàn cảnh kinh tế, hoạt động ngoại khóa.

Nhờ có chính sách khuyến khích và mở rộng “đầu vào” nhưng lại thắt chặt “đầu ra”, phải bảo đảm chất lượng, phải qua các học phần và các kỳ thi ra mới được tốt nghiệp, nên sinh viên phải có chất lượng mới có tấm bằng. Hơn nữa, người học phải nộp học phí khá cao (12.000 USD/năm), nên có hiện tượng nhiều sinh viên học không chỉ 2 - 5 năm mà có thể là 7 - 8 năm, hoặc thậm chí nghỉ, đi làm, xây dựng gia đình rồi lại ghi danh học tiếp. Kết quả các học phần được bảo lưu, miễn là người ghi danh nộp học phí. Vì vậy có sinh viên tuổi 30 - 40.

Thế kỷ XVIII, Đại học Harvard tuyển được 57 sinh viên mỗi khóa. Thế kỷ XIX, tuyển được 3.373 người. Hiện nay số sinh viên tuyển hàng năm là 18.700.

Viện Đại học Michigan có 3.303 sinh viên lúc mới khai trường (thế kỷ XIX) học ở cơ sở Ann Arbor, nay Viện Đại học này có 3 cơ sở là Flint, Dearborn và Ann Arbor với số lượng 50.000 sinh viên.

Viện Đại học nào ở Mỹ cũng có con số sinh viên tăng chóng mặt. Trung bình một cơ sở Đại học Mỹ hàng năm có 4.034 sinh viên, nhưng thực tế có tới 53 Viện Đại học có trên 25.000 sinh viên.

Điều đặc biệt nhất của các Viện Đại học Mỹ và hệ thống giáo dục Mỹ là chính phủ không có kế hoạch quốc gia hay điều tiết của chính phủ, không có sự can thiệp của chính phủ hay Bộ nào giám sát mà hoàn toàn độc lập, được phân quyền tuyệt đối, mang tính chất đa nguyên. Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ giàu sáng tạo, biết tận dụng thời cơ, dễ thích nghi với hoàn cảnh của từng tiểu bang để các trường hoạt động phù hợp. Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ không nhận kế hoạch trung ương trong sử dụng lực lượng giảng dạy và nghiên cứu. Các Trường Đại học và Viện Đại học lớn hoạt động bằng kinh phí tự có, kinh phí hỗ trợ của các tiểu bang và sự đóng góp to lớn của các nhà tư bản và các tập đoàn kinh tế. Học phí là nguồn thu cố định và chủ yếu để phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. Tất nhiên ở các Trường Đại học công lập thì kém độc lập hơn các trường tư thục, bởi bộ máy quản trị của nhà trường được bầu ra hay bổ nhiệm thông qua những thủ tục chính trị. Hội đồng quản trị trong các Viện Đại học Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc phân nguồn tài chính và cung cấp tài chính cho các Trường Đại học riêng lẻ của viện. Vì được phân quyền triệt để và tự chịu trách nhiệm, lại sát với thực tế của các trường đại học, nên Hội đồng quản trị rất nhạy bén và linh hoạt trong việc quản lý. Điều này tạo nên cạnh tranh ráo riết và linh động giữa các Viện Đại học và nó thúc đẩy sự phát triển liên tục của hệ thống đại học Mỹ. Chính nhờ điều kiện đó mà những Viện Đại học lớn như Stanford Chicago, Caltech (Học viện công nghệ California) hay MIT (Học viện công nghệ Massachusetts) và nhiều Viện Đại học khác là những cơ sở đại học có nhiều thành tựu nhất và trở thành lực lượng tiên phong cho sự phát triển Đại học Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Chính quyền liên bang không tổ chức, giám sát và quy định hoạt động của hệ thống giáo dục Mỹ nhưng vẫn cung cấp tài chính, đặc biệt là kinh phí trong hoạt động nghiên cứu. Các cơ quan liên bang như Viện y tế quốc gia, Quỹ khoa học quốc gia, Bộ quốc phòng, Bộ nông nghiệp, Bộ thương mại,.. hàng năm đã hỗ trợ hàng triệu đôla cho việc nghiên cứu từ vũ khí đến chăm sóc sức khỏe con người, từ sản xuất nông nghiệp, giống, cây trồng, thuốc trừ sâu, bảo quản nông phẩm đến phát triển thương mại. Có điều thú vị là các cơ quan này không có đơn đặt hàng, chỉ tài trợ cho các đề tài, dự án khoa học do các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sỹ đề xuất. Kinh phí tài trợ dựa trên giá trị của đề xuất nghiên cứu, được một hội đồng gồm những chuyên gia trong ngành thẩm định độc lập.

Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của giáo dục Đại học Mỹ, chúng ta thấy sự năng động và quyết đoán cũng như sự cạnh tranh ghê gớm của các cơ sở đào tạo. 4096 Trường Đại học và Viện Đại học là con số gấp đôi thế kỷ trước.

Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ cũng phát triển cả quy mô cơ sở vật chất và số lượng sinh viên.

Hiện nay hàng năm trung bình có 14,6 triệu sinh viên theo học các Trường và Viện Đại học. Có 5 triệu sinh viên theo học ở Trường Đại học cộng đồng. Cũng thể coi hệ thống giáo dục cộng đồng như là dự bị Đại học. Đây là hệ thống trường công lập, thời gian học 2 năm sau khi học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Nó là sau trung học và là tiền Đại học. Sinh viên ra trường được cấp Chứng chỉ và Bằng cao đẳng. Sau khi có chứng chỉ hoặc bằng của trường này, sinh viên có thể chuyển tiếp vào một Trường hoặc Viện Đại học hệ 4 năm tiếp theo. Ở hệ 4 năm, sinh viên có thể chỉ mất 2 đến 3 năm là thi lấy Bằng cử nhân. Hệ các trường này cũng được gọi là Junior College Tehnical College, hay City College.

Hệ thống các Trường giáo dục cộng đồng (Community College) là cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi người được học, học suốt đời. Nó là hệ bổ túc, mở rộng cho những ai không có điều kiện học liên tục để vào ngay các Trường hay các Viện Đại học, cho những người chưa hoàn thành chương trình phổ thông chính quy hoặc vì lý do nào đó phải nghỉ học, sau khi học xong 2 năm ở trường này lại tiếp tục học cao hơn. Năm 1996 có 5,5 triệu người theo học các Trường Đại học cộng đồng, chiếm 38% sinh viên vào các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ.

Hệ thống Giáo dục Mỹ được tổ chức và hoạt động đa dạng và đa nguyên. Lớn và nhỏ, công lập và tư thục, thành thị và nông thôn, cơ sở tập trung và phân tán, chương trình phong phú, giảng dạy và nghiên cứu giáo dục và đào tạo, cơ bản và kỹ thuật, tôn giáo và thế tục (dù là hiến pháp quy định nhà nước không can thiệp vào tôn giáo và tôn giáo không được dạy ở nhà trường, trừ trường dòng). Sinh viên nam và nữ có trường học chung, có nơi học riêng. Có nhiều loại hình đào tạo. Đại học hệ 2 năm, có hệ 3 - 5 năm. Có Đại học chỉ dành riêng cho nữ giới. Có Đại học được Liên bang cấp đất, có Trường Đại học, Viện Đại học có nhiều khuôn viên và cơ sở ở nhiều nước trên thế giới, có cơ sở chỉ có một ở nước Mỹ.

***

Người ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao nước Mỹ mới có lịch sử hơn 200 năm, nhưng đã trở nên một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới? Có nhiều lý do, trong đó, yếu tố quyết định có lẽ là nước Mỹ là một quốc gia Tôn giáo với văn hóa đa nguyên, tự do, dân chủ và bình đẳng - trong một thể chế nhà nước pháp quyền lấy cạnh tranh làm động lực phát triển. Điều đó thể hiện rõ rệt nhất và có hiệu quả nhất ở giáo dục.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy