LTS: : Nhân dịp năm học mới 2015 - 2016, VNTN giới thiệu đến bạn đọc bài viết 2 kì của tác giả Lê Đình Cúc về giáo dục Mỹ. Bài viết cung cấp những thông tin căn bản về cơ cấu tổ chức - hoạt động, mục tiêu giáo dục đào tạo cũng như chiến lược phát triển… của hệ thống giáo dục này.
Hệ thống giáo dục Mỹ
Giáo dục là một trong những thành tựu lớn nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, là đóng góp lớn nhất cho văn hóa Mỹ và thế giới. Con số 353 người được giải thưởng Nobel (trên tổng số 889 nhà khoa học thế giới được trao giải) là minh chứng cụ thể cho thành tựu nổi bật của giáo dục.
Dân số nước Mỹ có 350.000.000 người (theo thống kê năm 2014), trong đó hơn 60.000.000 người theo học các cấp, các chương trình giáo dục. Như vậy là 1/5 dân số Mỹ đi học. Một nửa số thanh niên tốt nghiệp trung học vào học các trường đại học. Trường đại học lớn nhất - California University có đến 12 vạn sinh viên. Các em nhỏ ở lứa tuổi 5 - 8 tuổi theo học ở các trường công lập do các Bang tổ chức. Một số theo học các trường tư thục.
Hệ thống tổ chức giáo dục của Mỹ rất đa dạng và phong phú. Được phân cấp và chịu trách nhiệm đến từng cơ sở. Bang là đơn vị chịu trách nhiệm lớn. Liên bang chỉ quản lý về nhà nước. Nội dung và chất lượng giảng dạy, kinh phí và hoạt động giáo dục là do các cơ sở, các trường chịu trách nhiệm. Đồng thời, hệ thống còn có các chương trình đặc biệt (cho người thiểu số, người tàn tật, người bị rủi ro, gặp tai nạn thiên nhiên hoặc chiến tranh…).
Mãi năm 1979 nước Mỹ mới có một cơ quan liên bang tương tự như Bộ giáo dục. Từ khi ra đời cho đến nay, cơ quan này vẫn luôn luôn bị đe dọa giải thể, bởi tuy đã hoạt động hơn 30 năm nhưng nó cũng không có tác dụng gì lớn đến giáo dục Mỹ. Nó được pháp luật Mỹ quy định:
- Không được phép thành lập trường (kể cả trường mẫu giáo, phổ thông, đại học).
- Không được thiết kế chương trình giảng dạy.
- Không được lập các quy định đăng ký nhập học và tốt nghiệp (của học sinh và sinh viên, nghiên cứu sinh).
- Không được quyết định các chuẩn mực giáo dục của các tiểu bang.
- Không được phép thiết lập và áp dụng hình thức thi cử và quyền đánh giá chuẩn mực giáo dục của các tiểu bang.
Cơ quan này chỉ có quyền:
- Lập chính sách quản lý và điều phối các trợ giúp liên bang dành cho giáo dục.
- Phục vụ học sinh, sinh viên.
Hệ thống giáo dục của Mỹ có nhiều cấp: Mẫu giáo (nhà trẻ), Tiểu học, Trung học, Đại học (Cao học và trên đại học), Giáo dục kỹ thuật (các trường dạy nghề). Những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống giáo dục từ xa, giáo dục liên thông, đào tạo liên tục rất phát triển.
Những lớp mẫu giáo được dạy cho học sinh phát triển tự do, phát huy cá tính và không bắt buộc. Thực tế nhiều em nhỏ ở lứa tuổi này, từ 3-5 tuổi không đi học mà ở nhà với bảo mẫu hoặc bố mẹ.
Đến 6 tuổi các em phải đi học lớp 1 đến hết tiểu học là lớp 6 (bắt buộc). Bậc tiểu học Mỹ mất 6 năm.
Trung học ở Mỹ được chia làm 2 giai đoạn. Sơ trung và Cao trung. Thời gian học mất 6 năm. Sơ trung từ lớp 7 đến lớp 9 và Cao trung từ lớp 10 đến hết lớp 12. Như vậy học hết chương trình phổ thông ở Mỹ cũng mất 12 năm.
Hết chương trình phổ thông có một kỳ thi tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp là cơ sở xét tuyển vào đại học và các trường học nghề cho tất cả mọi học sinh có nguyện vọng học tiếp.
Đại học Havard - một trong những trường đại học nổi tiếng của Mỹ
Trường Đại học và Viện Đại học
Bậc Đại học và giáo dục Đại học ở Mỹ cuối thế kỷ XX có những thành tựu vô cùng to lớn, là đóng góp quan trọng nhất đưa nước Mỹ trở thành cường quốc số 1 của thế giới.
Có nguồn gốc từ châu Âu, bậc Đại học Mỹ đã phát triển và vượt khuôn mẫu những trung tâm Đại học Anh, Đức và Pháp. Không giống hệ thống Đại học của Liên Xô (trước đây), Đại học ở Mỹ có một tổ chức đặc thù để đạt được kết quả. Nếu đầu thế kỷ XX, xếp 10 trường Đại học danh giá nhất thế giới, nước Mỹ có 2, thì cuối thế kỷ có đến 8 trường.
Sinh viên vào hệ Đại học Mỹ phần nhiều ở lứa tuổi 17 - 18 (sau này cũng có sinh viên 30 - 40 tuổi, vì nhiều trường có sinh viên tự đóng kinh phí theo học nhưng vì lý do nào đó mà không thi hết tín chỉ (hoặc không thi được) thì vẫn cứ theo học, không kể thời gian, miễn là đóng học phí (rất cao - 12.000 USD/năm).
Có khoảng 50% học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học tiếp Đại học, còn lại đi học chuyên nghiệp, học nghề và đi làm, nhiều người lao động giản đơn hoặc buôn bán, không có bằng cấp chuyên môn.
Học Đại học có nhiều loại hình: học tập trung, học từ xa. Nói chung là không phải thi đầu vào Đại học, đóng học phí là có thể theo học các chương trình khác nhau (vài tháng, 2 - 7 năm, hoặc lâu hơn). Nhưng, đầu ra tốt nghiệp đòi hỏi chất lượng nên không phải ai theo học cũng có bằng. Rất nhiều người phải bỏ dở chương trình Đại học để kiếm sống, để đi làm hoặc lấy vợ lấy chồng..., rồi khi ổn định, nếu muốn lại tiếp tục học Đại học. Một xã hội lúc nào cũng học, ai cũng có thể học nếu muốn, học suốt đời.
Đại học Mỹ có thể tạm phân thành các nhóm Đại học với tên gọi như sau:
College: Các trường Đại học độc lập, lẻ, chuyên ngành, nghề: y, dược, nha khoa, chế tạo máy, luật, doanh nghiệp, quân sự, nghệ thuật…
Institute: Các trường Đại học về giáo dục, doanh nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường.v.v…
University: Viện và Trường Đại học dạy các khoa học cơ bản, khoa học nhân văn, khoa học xã hội và các khoa học khác…
Đại học ở Mỹ có hai hệ thống chính: Trường đại học Công lập và Trường đại học Tư. Có đến 58% trường Đại học Tư. Hệ thống bằng cấp cũng khá phức tạp. Hệ thống cán bộ giảng dạy, giáo sư, tiến sĩ cũng khá nhiêu khê. Hệ thống chức danh người đứng đầu trường, khoa và bộ môn cũng rất lý thú.
Giáo dục Mỹ là một phương tiện ưu việt, tạo điều kiện cho mọi công dân Mỹ, bất kể chủng tộc, màu da, địa vị xã hội có cơ hội bình đẳng để được đào tạo cơ bản làm cơ sở cho cuộc sống tương lai, việc làm, thăng tiến về mọi mặt. Giáo dục tạo điều kiện cho hàng triệu thanh niên Mỹ vươn lên để có công ăn việc làm, làm chủ cuộc sống và giúp cho nước Mỹ phát triển. Giáo dục phổ thông tạo cho con người có văn hóa, có nhân cách và phát huy được mọi tiềm năng trong ứng xử dân chủ, văn hóa trong cộng đồng xã hội.
Để hiểu được các Trường đại học và Viện Đại học Mỹ chúng ta cần thống nhất các thuật ngữ và chức danh các tổ chức của nó. Trước hết là tên gọi các danh xưng tiếng Anh (khó chuyển dịch sang các thứ tiếng Trung, Pháp và tiếng Nga).
Viện Đại học: School, College, Faculty.
Khoa, Ngành: Department (nằm trong trường Đại học).
Người đứng đầu (Quyền hạn và trách nhiệm không giống nhau, bởi các cơ sở Viện, Trường được phân cấp triệt để. Chủ yếu là các bang phân quyền tuyệt đối cho cơ sở. Chính quyền Liên bang chỉ quản lý về chương trình và kết quả đào tạo).
1. Viện trưởng Viện Đại học: President hoặc Chancellor.
2. Hiệu trưởng Trường Đại học: Dean
3. Trưởng khoa: Department Chair
4. Faculty, có khi cũng là trường Đại học, thực chất là lớn hơn khoa (department) nên chủ nhiệm Faculty cùng gọi là Dean.
5. Đối với một trường Đại học độc lập, đứng riêng, không nằm trong Viện Đại học (University) thì Hiệu trưởng (người đứng đầu) vẫn gọi là President.
Bên cạnh Viện Đại học, Trường Đại học là một hệ thống đa dạng các Trường chuyên nghiệp dạy nghề (Professional School).
Hệ thống giáo dục này của Mỹ tạo ra giáo dục bậc cao (Higher Education) tức là hệ thống giáo dục sau trung học (Post secondary) ở các Trường Đại học, Viện Đại học, Trường chuyên nghiệp dạy nghề, Học viện kỹ thuật (Technical Institute) và Trường Đào tạo giáo viên (Teacher Training School). Nội dung học tập, nghiên cứu và giảng dạy là giáo dục Đại học. Nhiều Trường Đại học có nội dung đào tạo và tổ chức giống nhau kết hợp lại thành Viện Đại học.
Theo con số của ACE (American Council on Education) - Hội đồng giáo dục Hoa Kỳ cho biết, đến nay ở Mỹ có 1.800 trường và viện Đại học, có chương trình đào tạo cấp bằng và đã được kiểm định chất lượng cao trong tổng số 4.096 trường và viện Đại học của Mỹ, trong đó 58% là tư thục và có đến 6.737 cơ sở dạy nghề khắp các bang nước Mỹ. Trong đó, các Trường Đại học và Viện Đại học là lực lượng chủ yếu, cả về nội dung, tổ chức và chất lượng khoa học, trong việc đào tạo và giáo dục trực tiếp cho một nửa dân số Mỹ và giáo dục gián tiếp cho một nửa dân số còn lại.
Trường Đại học và Viện Đại học không vạch ra chính sách đường lối cho chính phủ Mỹ, nhưng là nơi qua nghiên cứu và giảng dạy đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực to lớn có chất lượng tri thức và văn hóa để tổ chức và phục vụ nhu cầu của xã hội và đất nước. Nó đưa ra những dữ liệu phong phú cho các nhà hoạt động nhà nước hoạch định chính sách. Các Trường Đại học và Viện Đại học không trực tiếp xuất bản báo chí, in ấn sách vở, sản xuất ra hàng loạt ngành nghề hốt bạc tỷ và những chương trình truyền hình cũng như mạng internet phủ sóng khắp năm châu bốn biển, lên tận mặt trăng và các hành tinh xa xôi. Nhưng chính các Trường Đại học và Viện Đại học đã tạo nên nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu đó bởi đã đào tạo nên nguồn nhân lực sáng tạo và sản xuất ra các phạm trù trên đây. Các Trường Đại học và Viện Đại học đã đào tạo ra các nhà báo, nhà văn, các nhà biên kịch đạo diễn, các kỹ sư và nhà quản lý…
Thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI cho thấy sự năng động và thường xuyên gắn chặt việc nghiên cứu giảng dạy của các Trường và Viện Đại học với đời sống thực tế. Việc trực tiếp giải quyết những vấn đề do thực tế cuộc sống đặt ra đã đưa Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ ra khỏi tháp ngà của kinh viện mà trực tiếp lăn xả vào cuộc sống. Với các đề tài, dự án về môi trường sinh thái ở các vùng hoang mạc xa xôi, việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, việc phát triển nguồn năng lượng và chống ô nhiễm của khí thải, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người…, các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ thực sự là nơi sử dụng trí tuệ để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra. Cũng vì vậy, không chỉ thanh niên Mỹ mà đông đảo thanh niên tài năng khắp nơi trên thế giới đang đến Mỹ để học tập hoặc theo học các chương trình của các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ cung cấp, nhất là thời đại hiện nay, khi sự giao lưu của toàn cầu hóa, của internet tạo ra không gian lý tưởng cho việc phổ cập tri thức, khi tri thức đã trở thành động lực kinh tế và mọi hoạt động kinh tế phải chấp nhận nguyên tắc của lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh tri thức.
Các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ không đặt mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận lên hàng đầu nhưng quy luật kinh tế đã chi phối đời sống của nó trong hoạt động truyền bá tri thức và đào tạo tri thức, do đó việc đổi mới phương pháp giáo dục được đặc biệt coi trọng ở Mỹ.
Các thư viện khổng lồ, các phòng thí nghiệm không còn chỉ có ở các Trường Đại học và Viện Đại học nữa mà mạng internet đã chuyển tải khắp thế giới cho bất cứ ai quan tâm. Những sinh viên muốn theo học các chương trình của các Trường Đại học và Viện Đại học Mỹ không còn là những thí sinh ghi danh và đóng học phí để theo học ở một trường đại học nào đó cho toàn bộ thời gian. Khóa học 2,3,4,5 năm và nội trú cùng thời gian tương tự như vậy, phải lên giảng đường nghe giảng và dự seminar theo một chương trình có sẵn đang bị thay thế theo một mô thức mới.
Học theo nhu cầu của người học (on - demand) vào bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào người đóng học phí, có thể học từ xa, không tập trung và chỉ học từng phần mà không phải toàn bộ chương trình do nhà trường hoạch định.
Chính vì vậy ở Mỹ có nhiều hình thức học Đại học mà ở những nước khác không có, không hình dung được. Nhiều chương trình giảng dạy và các lớp học ở ngoài khuôn viên của các trường Đại học, qua vệ tinh, qua truyền hình và radio, với chi phí thấp hơn nhiều, lượng người theo học không chỉ là con số chục, số trăm như trong giảng đường mà có thể học là con số nghìn, chục nghìn, hàng vạn người theo học. Trường Đại học nội trú (residental college) sẽ không còn tồn tại nữa? Đó là vấn đề tương lai của giáo dục Đại học Mỹ?
Hệ thống giáo dục Mỹ, các trường đại học và viện đại học (Kì II)
Lê Đình Cúc
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...