Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
09:56 (GMT +7)

Hệ lụy của đề thi môn Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và 2016

VNTN - 1. Đề thi môn Văn ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và 2016 có cấu trúc giống nhau: Đề thi gồm 2 phần: Phần đọc hiểu và phần làm văn. Mỗi phần lại có hai phần nhỏ. Phần đọc hiểu gồm đọc hiểu một đoạn thơ, có 4 câu hỏi và đọc hiểu một đoạn văn trích có 4 câu hỏi. Phần làm văn gồm hai câu, câu 1 yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội, câu 2 yêu cầu viết một bài văn nghị luận văn học.

Cấu trúc đề thi như trên đã cho ta thấy rõ định hướng đổi mới của chương trình môn Ngữ Văn ở trường trung học phổ thông. Chương trình môn Ngữ Văn hướng tới hình thành ở học sinh hai năng lực: năng lực đọc hiểu văn bản văn chương và năng lực tạo lập văn bản. Đề thi còn yêu cầu học sinh vận dụng những kiến thức về làm văn và kiến thức về Tiếng Việt vào việc đọc hiểu (tích hợp kiến thức ba phân môn: đọc hiểu, Tiếng Việt, làm văn).

 

Đề thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2016.

2. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của từng phần ở đề thi có thể gây hệ lụy đến việc dạy và học môn Ngữ Văn trong các trường phổ thông trung học trong những năm học sắp tới và lâu dài về sau.

Hệ lụy thứ nhất là hạ thấp yêu cầu về năng lực đọc hiểu văn bản ở học sinh. Nói tới năng lực đọc hiểu văn bản văn chương là nói tới năng lực cảm thụ thẩm mĩ - năng lực đặc thù của môn học Ngữ văn. Biểu hiện cụ thể của năng lực cảm thụ thẩm mĩ ở một học sinh phổ thông khi đọc hiểu một văn bản văn chương là:

- Biết cảm nhận và rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc sống được nhà văn, nhà thơ tạo dựng lại trong tác phẩm và hiểu được những tình cảm, tư tưởng của tác giả gửi gắm qua hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật.

- Từ đó mà biết sống và hành động vì cái đẹp, nhận ra cái xấu, cái thấp hèn và dũng cảm phê phán những cái đó, không vô cảm trước niềm vui và nỗi đau của con người…

- Biết cách đọc, cách tiếp cận, khám phá nội dung và nghệ thuật của văn bản, bằng sự tích hợp những kiến thức, kỹ năng của các phân môn và kinh nghiệm sống của bản thân.

Nếu cứ ra đề đọc hiểu với 4 câu hỏi vụn vặt như trong đề thi năm 2015 và 2016 thì sẽ dẫn đến hệ lụy tới phương pháp dạy học đọc hiểu ở nhà trường phổ thông là: dạy học đọc hiểu văn bản văn học một cách sơ lược, nông cạn, vụn vặt, khô khan, thiên về lí trí, coi nhẹ cảm xúc. Dạy học đọc hiểu như vậy thì làm sao có thể hình thành ở học sinh năng lực cảm thụ thẩm mĩ?

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống bình văn, bình thơ. Ông cha ta đọc văn, đọc thơ: “Đâu phải chỉ có phán đoán, suy luận, phân tích, tổng hợp, tưởng tượng tái tạo và sáng tạo mà còn lắng mình nghe cho được nhịp đập của sự sống nằm im trong chữ nghĩa, đề tim mình rung cảm trở lại cái rung cảm của tác giả, cũng vui buồn, căm giận, thương nhớ, đợi chờ, nâng mình lên xúc cảm với cái đẹp trong hình tượng thơ văn…Tóm lại, đi vào thế giới tinh vi của thơ văn bằng cả con người thông minh, nhạy cảm, tinh vi của mình” (Lê Trí Viễn - Những bài giảng Văn ở đại học - NXB Giáo dục 1982 - tr.12).

Đọc đến đây, chắc những người ra đề thi môn Văn năm 2015 và 2016 có thể phản bác: “Đề thi còn phải vừa sức với học sinh và phải có yêu cầu phân hóa nữa chứ”. Nếu ngụy biện như vậy thì thật là tai hại! Sức đọc văn bản văn học của tuổi trẻ Việt Nam không thấp đến mức chỉ cần trả lời một cách ngắn gọn, cộc lốc như trong đáp án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Nếu có những học sinh khi đọc đoạn thơ viết về những người lính đảo (trong đề thi Văn 2015) mà có những cảm xúc chân thành trước hình tượng thơ về cuộc sống và thế giới nội tâm của những người lính đảo thì bộc lộ bằng cách nào? Ở đoạn thơ trong đề bài, đâu chỉ nói về cuộc sống gian khổ và hiểm nguy của những người lính đảo. Cả đoạn thơ là thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của những người lính đảo: sống trong hoàn cảnh đầy những gian khổ, hiểm nguy nhưng họ vẫn sống rất yêu đời, rất yêu thương nhau, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc, nhân dân và đặc biệt là lòng yêu nước, yêu biển đảo…

Bởi vậy, nếu như thay bốn câu hỏi vụn vặt trói chặt cảm thụ của học sinh là một đề bài giàu sức khơi gợi cảm xúc và khám phá của học sinh thì mở ra một khoảng trống rộng rãi để các em tha hồ bày tỏ cảm nhận của mình. Chẳng hạn: “Đọc đoạn thơ trên, em có những cảm xúc gì, nhận biết được những gì về cuộc sống và tâm hồn của những người lính đảo?”. Ra đề như vậy thì từ học sinh kém văn đến học sinh giỏi văn đều làm được và từng người có thể tự do thổ lộ những cảm nhận của mình. Người chấm bài có thể căn cứ vào mức độ nông sâu trong cảm nhận và mức độ lưu loát trong diễn đạt của từng học sinh mà đánh giá. Đó chính là sự phân hóa rất đặc thù của môn Văn. Năng lực Văn học của học sinh được thể hiện ở 3 mặt: kiến thức, năng lực suy nghĩ, năng lực diễn đạt. Qua bài thi của thí sinh, người chấm văn có thể căn cứ vào trình độ của từng em về ba mặt đó mà đánh giá.

Hệ lụy thứ hai là khuyến khích cách dạy Văn theo lối dạy học áp đặt. Ở đề thi năm 2015, đề thi áp đặt một nhận định của người ra đề rồi bắt thí sinh tìm dẫn chứng minh họa cho nhận định đó: “Câu 2. Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?”. Ở đề thi năm 2016 lại vẫn áp đặt một nhận định rồi bắt thí sinh tìm dẫn chứng minh họa cho nhận định đó: “Câu 1. Sự mượt mà và tinh tế của Tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?”. Câu 1 đã chỉ rõ nội dung chính của đoạn thơ rồi, vậy mà câu 3 lại yêu cầu thí sinh: “Nêu nội dung chính của đoạn trích”. Ở đây người ra đề thi đã để lộ ra một sự yếu kém về tư duy của mình.

Từ khi chương trình môn Ngữ Văn thay thuật ngữ “Giảng văn” bằng thuật ngữ “Đọc hiểu” là đã chỉ ra phương hướng đổi mới phương pháp dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường. Cách dạy học tác phẩm văn chương trước đây thường là thầy giảng trò nghe, thậm chí có nơi thầy đọc trò chép, giáo viên thường truyền thụ cho học sinh những cảm nhận của mình về văn bản được học, thường là đưa ra những nhận định rồi yêu cầu học sinh tìm dẫn chứng trong văn bản để làm sáng tỏ nhận định đó. Chương trình mới dùng thuật ngữ “Đọc hiểu” là nhằm thay đổi cách dạy đó để làm cho học sinh trở thành chủ thể cảm thụ các tác phẩm văn chương. Trong giờ học “Đọc hiểu”, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn học sinh khám phá những vấn đề nội dung và nghệ thuật của văn bản, từ đó hình thành ở học sinh năng lực tự đọc hiểu văn bản văn học một cách tích cực, chủ động, có sắc thái cá nhân. Giáo viên dạy cho học sinh cách đọc, cách tiếp cận văn bản theo từng thể loại, khơi gợi cho họ cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy nghĩ,… và bộc lộ những cảm nhận riêng của mình khi đọc văn bản. Bởi vậy, nếu cứ ra đề văn theo kiểu áp đặt như đề thi năm 2015 và 2016 thì đi ngược lại đường hướng đổi mới phương pháp dạy học Văn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra và phổ biến rộng rãi mấy năm nay.

Hệ lụy thứ ba là khuyến khích cách dạy học Văn theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”. Đề thi môn Ngữ Văn ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và 2016 dàn trải đủ mọi kiến thức của các phân môn thuộc môn học Ngữ Văn, chứ không ra đề theo yêu cầu tích hợp. Phần đọc hiểu gồm 2 đề: một đề đọc hiểu văn bản thơ, một đề đọc hiểu văn bản văn xuôi. Phần làm văn cũng gồm có 2 đề: một đề về nghị luận văn học, một đề về nghị luận xã hội. Chỉ trong 3 tiếng đồng hồ mà thí sinh phải suy nghĩ đến 4 vấn đề đó. Nét đặc thù của năng lực văn học là biết suy nghĩ và biết diễn tả những suy nghĩ đó bằng lời văn. Thí sinh cần phải có thời gian để cùng một lúc vừa suy nghĩ, vừa diễn tả từng vấn đề một, vậy cho nên không thể ra đề văn như đề thi của các môn học khác (ra thật nhiều câu hỏi để học sinh “gỡ điểm”, để phân hóa trình độ). Trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam, một thời kỳ dài, đề thi môn văn chỉ có 1 đề và kết quả rất khả quan. Ra đề như vậy là phù hợp với đặc thù của môn Văn. Bởi vì, từ năm 1973, trong một lần nói chuyện với những người dạy Văn cấp 3 trong toàn quốc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dạy: “Tôi nghĩ rằng mục đích của việc dạy văn là phải rèn luyện cho học sinh có ý thức, từ đó cố gắng, rồi có khả năng tự mình suy nghĩ, suy nghĩ nhiều, suy nghĩ sâu về những điều mình muốn nói, muốn viết và lúc nói lúc viết phải diễn tả ý của mình làm sao cho chúng thật sáng sủa, chặt chẽ và hay” (Dạy Văn là một quá trình rèn luyện toàn diện - Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục - số 28 - 1973).

Từ đó đến nay, nhiều người dạy Văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam đã dạy văn theo lời dạy đó của cố Thủ tướng và đã đào tạo ra biết bao thế hệ học sinh có năng lực, suy nghĩ nhiều, suy nghĩ sâu về những điều mình muốn nói, muốn viết và biết diễn tả một cách trung thành, sáng sủa những điều mà mình suy nghĩ. Dạy văn theo hướng đó đòi hỏi dạy đọc hiểu một văn bản nào thì dạy đến nơi đến chốn, không dạy theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”. Còn khi dạy học sinh tạo lập văn bản thì dạy cho họ trước hết là phải suy nghĩ, suy nghĩ nhiều, suy nghĩ sâu về vấn đề mà mình sẽ nói, sẽ viết. Bởi vậy, theo chúng tôi, đề thi môn Ngữ Văn chỉ cần ra 2 đề: một đề đọc hiểu văn bản - chỉ đưa ra một văn bản và yêu cầu thí sinh khám phá được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm; và một đề làm văn để thí sinh suy nghĩ sâu vấn đề mà đề bài yêu cầu làm sáng tỏ. Ra đề theo hướng đó sẽ hình thành ở thế hệ trẻ thói quen suy nghĩ kỹ khi nói hoặc viết bất cứ một điều gì và tìm cách diễn tả những điều suy nghĩ đó cho gãy gọn, lưu loát. Môn Ngữ Văn là một môn học công cụ, nên ra đề như vậy là phù hợp với đặc thù đó của môn học.

3. Là một người dạy môn Ngữ Văn nhiều năm ở bậc phổ thông, bậc đại học và bậc cao học, tôi rất băn khoăn trước đề thi môn Ngữ Văn ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và 2016. Tôi lo lắng cho sự nghiệp đào tạo con người nói chung và sự nghiệp dạy học Văn nói riêng. Bởi vậy, tôi đã viết ra những điều tâm huyết nói trên.

TS. Hoàng Hữu Bội

(Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn Trường ĐHSP Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy