Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
15:57 (GMT +7)

Hay, nhưng khó thực thi

VNTN - Ở thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, chuyện nhân viên hành chính tại một số bộ phận được làm việc từ xa thông qua mạng điện tử, viễn thông đã phổ biến tại các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Đan Mạch, Ấn Độ... Có lẽ chính sự tiến bộ đáng kinh ngạc được nghe (thấy) khi “nhìn ra thế giới”, phần nào đã thu hút cộng đồng xã hội quan tâm đến đề xuất giải pháp “thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1 - 2 lần” của Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Hà Nội trong thảo luận Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV những ngày qua.

Thu hút sự quan tâm là bởi, việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… là việc mà Việt Nam chúng ta hiện nay đang hướng tới, nhằm hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. Đề xuất được đánh giá là hay, và cũng nên được lắng nghe một cách nghiêm túc, bởi có một số lĩnh vực có thể thí điểm được đề xuất này như: lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản trị phần mềm, xây dựng chương trình dự án, chính sách… Song bàn chuyện thực hiện thì đa phần các ý kiến đều nhận định là… còn xa vời.

Hay thì hẳn là hay, bởi nó được kỳ vọng có thể là giải pháp khắc phục những hệ lụy khi người lao động phải ra đường như: ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, tốn kém khoản đi lại, chi phí điện nước cơ quan, ngăn ngừa trộm cắp… Nhưng phần bất hợp lý được chỉ ra nhiều hơn. Theo thống kê, thì Việt Nam có đến hơn 30% cán bộ công chức trong tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Làm việc ngay tại cơ quan, có người quản lý là thủ trưởng, rồi đồng nghiệp giám sát nhau, nhưng vẫn chẳng thiếu chuyện “ăn cắp” giờ công, trốn việc đi chơi, nhậu nhẹt, làm chuyện riêng; nào “cày game”, lướt facebook, tụ tập thưởng trà và “buôn dưa lê” cả giờ đồng hồ… Nếu để họ ở nhà làm việc thì chẳng phải nhiều người nghiễm nhiên sẽ trốn việc một cách công khai, và nhà nước thì sẽ trả lương cho những người ở không(!?)

Xoay quanh đề xuất này, các ý kiến bày tỏ, nếu theo xu hướng chung về cải cách hành chính của thế giới (không có văn phòng lớn với đông người, họ làm việc qua mạng), thì ý tưởng trên đáng được xem xét, có triển vọng. Nhưng đó là chuyện trong tương lai 10 - 20 năm sau mới có thể tính đến, khi Việt Nam có hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, con người được đào tạo đạt chuẩn để sử dụng. Và chỉ khi chúng ta xây dựng được Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thì mới có thể áp dụng được đăng ký làm việc tại nhà.

Thực tế cho thấy, chúng ta hiện vẫn chưa hết khó khi thực hiện “chính quyền điện tử” hay liên thông điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị vẫn còn nhiều lúng túng. Chưa kể có những vị trí đòi hỏi phải làm việc với phần mềm chuyên biệt về mặt tài chính, kế hoạch, đầu tư…, mà những phần ấy chỉ cho phép truy cập khi ở công sở. Rồi thì chuyện phát sinh vấn đề tiêu cực thì phát hiện, giải quyết thế nào… Xa hơn là chuyện ở vùng sâu vùng xa, nhiều nơi còn chưa có sóng điện thoại thì làm gì có mạng internet để liên lạc, chuyển tài liệu; thế nên cán bộ phải được phân giao nhiệm vụ trực tiếp, đi đến tận nơi mà còn chưa nắm bắt được hết nội dung, tinh thần… Chừng ấy hạn chế đủ thấy rằng, chuyện quản lý con người qua công nghệ hẳn là khó mà thực thi.

Ở Việt Nam, hình thức làm việc trực tiếp ở trụ sở dù rằng cũng đã có nhiều giải pháp về quản lý, ví như ở một số các công ty tư nhân có quy định rõ ràng, chỉ những người có công việc liên quan cần dùng internet mới được kết nối, còn những ai không liên quan không được truy cập; đi làm đúng giờ, nghỉ đúng giờ, có chấm vân tay theo dõi; quy định thời hạn hoàn thành nhiệm vụ…, thì cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thiển nghĩ, các cơ quan hành chính nhà nước phải làm thế nào để tác động vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân, để họ quản lý chặt chẽ thời gian rảnh rỗi của chính mình; hoặc là cứ giao việc có thời hạn, nghiệm thu theo cam kết chất lượng sản phẩm, có chế tài rõ ràng, nghiêm khắc phạt khi sai phạm… Nếu làm đúng và làm nghiêm được như thế, mới mong thời gian cán bộ chuyên tâm vào việc chính sẽ đảm bảo ở mức tối đa. Bởi suy cho cùng thì vẫn rất cần cái “khung” cơ quan để rèn tính kỷ luật, trách nhiệm, tự chủ…

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước