Hãy giữ họ lại bằng những động thái cụ thể, “có thực mới vực được đạo”
VNTN - Vài ngày qua, nói một cách hình ảnh, là có những dòng thác người đang cuồn cuộn từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chảy về các miền quê.
Đến nỗi, nhiều địa phương trở nên quá tải ở khâu tổ chức cách ly. Và nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương có đông người trở về là rất lớn.
Lượng người di cư khổng lồ lần này phần lớn là công nhân ở các khu công nghiệp.
Dòng người nườm nượp đổ về quê (Nguồn: Internet)
Khi được phóng viên hỏi vì sao dịch bệnh đã giảm, nhà máy đã hoạt động trở lại mà họ vẫn quyết định về quê, thì phần lớn đồng bào trả lời, về quê do đói, do cạn tiền. Ít người nói về quê vì sợ con covid.
Người lao động khi đã muốn về quê thì việc chính quyền bằng cách này hay cách khác mà giữ họ lại là rất khó. Họ sẽ vẫn nuôi ý định về quê, và đợi cơ hội, hễ có lệnh nới bỏ giãn cách là họ lên đường.
Không có phương tiện thì họ đi bộ, vài chục cây số cũng đi bộ, mà tới hai nghìn cây số cũng đi bộ, đồ đạc vứt dần lại bên đường.
Thanh niên đi bộ, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ cũng lếch thếch dắt díu nhau đi bộ. Trông rất thương tâm.
Quyết tâm về quê bằng mọi giá (Nguồn: Internet)
Di dân và dân di là hai sự việc hoàn toàn khác nhau.
Những ngày qua, và cả hôm nay, chứng kiến những đoàn người chạy xe máy có cảnh sát giao thông dẫn đường đi xuyên qua Phú Thọ để về Yên Bái, Lào Cai, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Thế là họ về thật. Hành trang tuy cồng kềnh nhưng lại chả mấy giá trị.
Tại sao, dịch bệnh đang ngày một suy yếu, mà công nhân lại nhất định hồi hương?
Câu trả lời hết tiền, cạn tiền có hẳn là nguyên nhân không? Hay còn nguyên nhân nào khác?
Khi họ quyết về thì không còn cách nào nữa, chính quyền địa phương phải tổ chức đưa đón người chu đáo.
Tôi biết, trên các diễn đàn, người ta nhắc nhiều tới hai chữ ‘niềm tin”. Dân hình như đã mất niềm tin vào chính quyền sở tại.
Tôi hiểu điều này. Trong lúc cả đất nước đắm chìm với đau thương, tang tóc vì dịch bệnh, con người, nhẽ ra phải trở nên mạnh mẽ hơn, thì đằng này lại mong manh, yếu đuối hơn, tinh thần dễ thương tổn hơn.
Đã vậy, trong lúc rối ren, nước sôi lửa bỏng, áp lực đè nặng, chính quyền và đội ngũ chống dịch cũng thiếu sáng suốt, thiếu linh hoạt mềm mỏng, gây ra những va chạm, mâu thuẫn không đáng có với nhân dân. Khi phải dồn toàn bộ lực lượng để cùng ngành y tế cứu người và ổn định đời sống của đồng bào trong khu cách ly, trong vùng phong tỏa thì những đại diện chính quyền, những con người bằng xương bằng thịt cũng không thể nào tránh được những sai sót trong ứng xử. Dẫn tới nhiều người dân hoang mang, mất niềm tin.
Nên khi công ty đã rục rịch đi vào hoạt động, họ cũng vẫn quyết liệt muốn về quê.
Họ dường như cũng biết, quê của cái ngày họ dứt áo ra đi, hăm hở ra đi, cơ bản là khác xa quê của bây giờ rồi. Nhiều địa phương bây giờ cũng có nhà máy xí nghiệp, công việc nhiều hơn, thu nhập cao hơn, đời sống ổn định, kinh tế khá hơn trước.
Việc dân chạy từ các thành phố về quê ồ ạt như những ngày qua, hiển hiện hai nguy cơ lớn.
Đó là nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương. Và nguy cơ thiếu nhân lực sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp.
Việc chống dịch thì chính quyền địa phương đã có những phương án đón người, tổ chức cách ly để dần ổn định đời sống. Còn nguy cơ giảm hụt nhân lực cho sản xuất thì cả doanh nghiệp và nhà nước phải ngay lập tức cùng nhau tìm cách để tháo gỡ.
Doanh nghiệp nào cũng vậy. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư vào trang thiết bị, kỹ thuật, thương hiệu và thị trường, thì nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất là yếu tố tiên quyết.
Dịch bệnh xảy ra, nhiều công ty ở vùng tâm dịch đã phá sản. Nhiều công ty đã đóng băng hoạt động sản xuất và không còn điều kiện trả lương công nhân.
Nhiều công ty đã có quyết định hỗ trợ công nhân một phần lương trong giai đoạn khó khăn nhất. Tất nhiên, người lao động không bao giờ là kẻ vô ơn. Những công ty hỗ trợ lương công nhân dù ít dù nhiều, thì giờ, khi được hoạt động trở lại, nhân lực không còn là bài toán quá khó.
Nhưng với các doanh nghiệp khác, thì đây là vấn đề nan giải.
Khi các doanh nghiệp thiếu hụt nhân lực, sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Khủng hoảng kinh tế vĩ mô ở Việt Nam sau giai đoạn này là không thể tránh khỏi. Vì Bình Dương, Đồng Nai và thành phố HCM là nơi tập trung những khu công nghiệp lớn nhất toàn quốc, có thể coi là đầu tầu kinh tế.
Sẽ khủng hoảng, nhưng khủng hoảng ở mức nào thì một phần là do những chính sách kịp thời của nhà nước và doanh nghiệp quyết định. Nếu để khủng hoảng kinh tế diễn ra nghiêm trọng thì ắt dẫn đến lạm phát. Mà lạm phát là cái đầm lầy, rút chân ra là vô vàn khó.
Đời sống toàn thể xã hội sẽ điêu đứng khi giá cả leo thang, hàng hóa khan hiếm, đồng tiền mất giá.
Người lao động kéo nhau về quê sẽ gây nên tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng tại các nhà máy (Nguồn: Internet)
Trở lại chuyện thiếu nhân lực. Tới đây, một phần lao động chạy từ các thành phố lớn về quê sẽ quay trở lại. Vì tôi biết, ở một số tỉnh miền núi, lao động vẫn dư thừa. Chưa kể, những lao động có tay nghề trong công xưởng, giờ về quê lại bắt tay vào gà vịt, cua ếch, khoai lúa, hoặc những công việc trong nhà máy họ chưa từng làm, thì cũng không hiệu quả và mất thời gian để thích nghi.
Ở góc độ phân bố lao động, gọi đó là "lãng phí nhân lực". Tuy nhiên, khi họ đã về đến quê hương sau bao nhiêu khó khăn cách trở và hoàn thành cách ly, hòa nhập cộng đồng thì việc trở lại thành phố không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Mai đây, khi dịch bệnh lui, những người trong độ tuổi lao động muốn trở lại thành phố sẽ phải cân nhắc rất nhiều về vấn đề gia đình. Vì họ đang là những gia đình trẻ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, con thơ nheo nhóc. Không thể “Nam tiến” mà chồng nơi vợ ngả được.
Các cụ bảo "an cư lạc nghiệp". Cư là cái chỗ ở. Ở quê "an cư" thì dễ nhưng lại khó "lạc nghiệp". Còn ở thành phố lớn, an cư là xa xỉ. Vì nội cái việc thuê nhà thôi đã nhọc nhằn rồi chứ không nói chuyện mua nhà.
Vừa qua, cái cụm từ "tiền nhà trọ", "tiền thuê nhà" dày đặc trên các trang nhóm, mặt báo. Đến là nhức nhối. Lo ăn từng bữa, lo thuốc men từng ngày, lo mạng sống mong manh, còn thêm khoản lo tiền trọ nữa, thì những cái đầu không nhăm nhăm nghĩ đến chuyện về quê mới lạ.
Giờ các doanh nghiệp muốn thu hút, muốn gọi người lao động trở lại làm việc, cho dù có hứa hẹn chế độ lương cao, bảo hiểm, tiêm đủ vắc xin… cũng không chắc đã "lay động" được người lao động xa, thêm một lần dứt áo đâu. Vì chính doanh nghiệp cho họ nghỉ việc và tạm thời nghỉ việc không có hỗ trợ còn gì.
Dù doanh nghiệp bất đắc dĩ làm thế, nhưng theo thống kê, thì có tới 90% số người lao động bị cho nghỉ việc, sẽ ngừng việc luôn. Chỉ số ít phần trăm tìm kế mưu sinh khác tại thành phố, còn lại là họ quyết định về quê. Họ tin, niềm tin chính đáng, rằng họ còn trẻ, còn khỏe thì dù ở quê, họ cũng vẫn có thể sống tốt.
Theo tôi, doanh nghiệp phải làm gì đó, có thứ gì đó như là sự đảm bảo khiến người lao động, nhất là những người ở xa và có gia đình nhỏ yên tâm hơn nữa.
Thứ đó, theo tôi là một căn phòng nhỏ đủ cho một tổ ấm hai vợ chồng hai đứa con. Nếu có những thiết bị cơ bản nữa như giường, bếp ga, quạt điện, tivi thì càng tốt.
Tất nhiên, doanh nghiệp không cho không họ. Mọi chi phí có thể khấu trừ vào lương tháng trong bản hợp đồng lao động có thời hạn hoặc tính vào chế độ tiền thưởng.
Tiền đầu tư xây phòng ở cho công nhân và bảo dưỡng định kỳ thì ắt phải nằm trong chiến lược lâu dài của doanh nghiệp. Có như thế, mối quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động mới có sự gắn bó lâu dài.
Tôi biết nhiều doanh nghiệp đã làm tốt việc lo cho công nhân nơi ăn chốn ở. Nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc này.
Khi gặp khó khăn, không thể gượng dậy, dù công ty phải tuyên bố phá sản là việc làm không mong muốn, thì đó cũng là một sự buông tay, bỏ rơi người lao động.
Công ty không phá sản nhưng cho công nhân nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng, cũng là bỏ rơi người lao động.
Nếu bình thường, khi bị cho thôi việc ở công ty này, họ có thể bắt đầu một công việc khác, ở môi trường khác. Dù lại hành trình thử việc, chuyển phòng trọ và trường học cho con, để thuận lợi công việc. Nhưng vào buổi dịch giã, thì bị cho nghỉ việc là một đòn mạnh giáng vào tinh thần người lao động khiến họ tổn thương dài lâu.
Và niềm tin của người lao động đối với người sử dụng lao động cứ bị xói mòn. Và họ trở nên cố chấp. Dẫn đến, chính quyền nói gì, hứa hẹn gì họ cũng sẽ hoài nghi, làm gì giúp họ, họ cũng nghĩ đó là việc làm chiếu lệ.
Những ngày tới, công nhân sẽ vẫn tiếp tục từ bỏ thành phố để trở về. Họ đã bị doanh nghiệp từ bỏ từ ba, bốn tháng, trước khi họ từ bỏ thành phố, nơi không thuộc về họ. Thì chúng ta, không ai có quyền trách cứ họ. Càng không có quyền cấm đoán. Càng cấm đoán, họ càng ức chế và muốn về thật nhanh, không bao giờ ngoảnh lại cái nơi họ đã rời khỏi.
Vậy thì, giữ họ bằng cách nào đây?
Doanh nghiệp có thể mời họ quay lại công ty, tạm ứng lương cho họ trang trải tiền nhà, mua lương thực, mua thuốc men không?
Ngành điện lực có thể giảm bớt tiền điện sinh hoạt cho họ không?
Ngành giáo dục có thể giảm học phí cho con họ không?
Chính quyền có đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ khi ra đường, đến chỗ làm không?
Chính quyền, nếu muốn cứu nền kinh tế thì hãy cứu lấy doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản vì không có nguyên liệu sản xuất, bị đối tác hủy hợp đồng, không tiếp cận được khách hàng...
Cứu doanh nghiệp bằng cách nới lỏng những quy định giãn cách, phong tỏa để giao thương dần dần trở lại bình thường.
Chính quyền phải cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Mà trong lúc này, theo tôi, còn quan trọng không kém phần chống dịch.
Chính quyền đừng giữ người lao động ở lại thành phố bằng luật định, quy chế hay những kêu gọi suông, hứa hẹn suông khi niềm tin đã nhiều ít lung lay mai một. Hãy giữ họ lại bằng những động thái cụ thể. Có thực mới vực được đạo. Các nhà quản lý doanh nghiệp cũng vậy, trước khi nghĩ đến sự hài lòng của đối tác, khách hàng, hãy làm vừa lòng người lao động của mình trước đã.
Tôi hoan nghênh những anh chị em công nhân kiên cường bám trụ thành phố, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Hoan nghênh những doanh nghiệp còn giữ được người, đủ bản lĩnh khởi động an toàn hệ thống sản xuất sau bao ngày đóng cửa, sau bao tổn thất nặng nề.
Tôi tôn trọng những người lao động chọn con đường về quê, tìm chốn bình yên mà nương náu trong giai đoạn này, tôn trọng quyết định ở lại sinh sống, lao động làm giàu cho quê hương.
Và tôi đặc biệt ủng hộ những người lao động trở lại nhà máy nếu họ còn cần mình, tiếp tục công việc để góp phần ổn định sản xuất và ổn định xã hội./.
Nhà văn Tống Ngọc Hân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...