Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Hành lang pháp lý cho đặc khu: Vẫn ngổn ngang trăm mối

VNTN - 16h57 chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang giải trình một số vấn đề về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (một số vị đại biểu đề nghị gọi là đặc khu) thì được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu từ vị trí điều hành phiên họp đề nghị dừng lời.

Trước đó, đã có 24 vị đại biểu phát biểu, 6 vị tham luận, và bảng điện tử vẫn đang hiện danh tính của 45 vị đã đăng ký nhưng không còn thời gian đăng đàn. Con số cao hơn hẳn nhiều phiên thảo luận khác thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội với một đạo luật rất quan trọng, lớn, mới và có những nội dung phức tạp - như nhấn mạnh của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Đại biểu Lê Thanh Vân nói quy định về tổ chức chính quyền địa phương tai dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khôn hợp Hiến.

Và có lẽ cũng chính vì thế mà chỉ mới qua 30 ý kiến cả tham luận và tranh luận, hành lang pháp lý cho đặc khu đã ngổn ngang trăm mối.

Đầu tiên, quan điểm va nhau chan chát ngay từ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Theo điều 1 dự thảo luật thì "Luật này quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc".

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng không nên quy định chỉ áp dụng cho 3 đơn vị kể trên, vì như vậy sẽ mang tính cá biệt, không thể linh động đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác sau này nếu có thành lập.

Đồng ý thành lập các đặc khu song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) nói ông thấy lạ vì Quốc hội ra một luật và đưa vào ba đơn vị cụ thể.Ông Nghĩa đề nghị đưa ba đơn vị cụ thể này vào ba nghị quyết, bởi khi thành lập đặc khu thì ba nơi này cũng chẳng giống nhau, nơi thì 100 nghìn dân, nơi thì 50 nghìn dân, nơi đầu ghềnh, nơi cuối bãi, nơi có biển, nơi có đảo....những yếu tố địa chính trị cũng không giống nhau. Quan điểm của đại biểu Nghĩa là ban hành luật chung, sau này nếu một trong ba đặc khu không thành công thì có thể dùng nghị quyết để thay đổi.  Còn nếu như xuất hiện một đặc khu hứa hẹn đầy triển vọng cần thành lập thêm thì cũng có thể dùng nghị quyết Quốc hội mà không cần không sửa luật này. Phân tích của ông Nghĩa được đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) tán đồng.

Tuy nhiên, một số vị có ý kiến khác. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng Việt Nam chưa có đủ thực tiễn để có thể ban hành luật chung cho các đặc khu. Làm luật riêng cho ba đơn vị tốt hơn luật chung cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lập luận: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề cấm quy định một luật đề cập luôn tới ba đặc khu.

Phần giải trình, đại diện ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: đối với Việt Nam, đặc khu là một mô hình mới và cần phải triển khai thực hiện từng bước vững chắc, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách có hạn của nhà nước. Cho nên phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng cho 3 đơn vị như dự thảo luật là phù hợp.

Ngoài phạm vi điều chỉnh thì từ quy hoạch, chính sách đầu tư kinh doanh, cho đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, ngân sách, ưu đãi thuế, đấy đai... cũng còn khá ngổn ngang trong các ý kiến thảo luận.

Đặc biệt, tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề khá cam go.Đề xuất chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là thiết chế Trưởng Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính của Chính phủ nhận được sự đồng thuận khá cao của đại biểu.

Song, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định quy định này không phù hợp với Hiến pháp.

Điều 111 Hiến pháp quy định:

  1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  2. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

Theo đại biểu Vân thì điều này đã minh định rất rõ ràng. Quốc hội  trước hết phải tuân thủ Hiến pháp - ông Vân nhấn mạnh.

Cũng viện dẫn điều 111 Hiến pháp, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) nói "Tôi quan niệm là chính quyền của nhà nước ta là 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không nằm trong hệ thống cấp chính quyền địa phương này".

Trước việc đại biểu còn có ý kiến khác nhau, ông Thân cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật. Thẩm quyền giải thích Hiến pháp thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải thích được điều này thì bảo đảm ban hành luật này sẽ không vi Hiến.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội , vào giữa năm 2018.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy