Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:11 (GMT +7)

Hạn chế phát tán virus trong môi trường, những thói quen cần thay đổi

VNTN - Trong bối cảnh virus ở khắp nơi, những biến thể không ngừng gia tăng, bên cạnh việc tự nâng cao ý thức cá nhân thì những biện pháp phòng ngừa tập thể là rất cần thiết như đeo khẩu trang, khử trùng, tránh tụ tập đông người, tránh những tiếp xúc gần, ở nhà, hạn chế đi ra đường khi có thể… Nhưng chúng ta không thể cứ mãi ở yên trong nhà, một lúc nào đó, chúng ta vẫn phải ra đường, vẫn phải tham gia vào các hoạt động tập thể. Làm thế nào để ra khỏi nhà mà vẫn giữ được an toàn vào mùa dịch?

Chuyện tưởng đơn giản nhưng trên thực tế nó rất cần thời gian để mỗi chúng ta thay đổi những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại vô cùng độc hại.

Tiện đâu ném đó, một thói quen độc hại

Hãy nhìn xung quanh cuộc sống hàng ngày, các bạn sẽ thấy chúng ta có những thói quen rất kỳ quặc đối với rác thải của chính bản thân. Hãy thử hỏi bất cứ một người khách du lịch đến từ nước ngoài cảm nghĩ của họ về cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam. Ngoài những cảm nhận tốt đẹp, chắc chắn sẽ có rất nhiều những cảm nhận phản cảm liên quan đến thói quen “tiện đâu ném đó” của chúng ta.

Trên một chuyến tàu tham quan vịnh Hạ Long bao gồm khách người nước ngoài và người Việt Nam vào một ngày trời xanh trong, mặt biển êm đềm, những làn gió mát vuốt ve những gợn sóng lăn tăn, đoàn tàu thả neo giữa dòng nước để khách tận hưởng khung cảnh lãng mạn. Một cậu bé chừng năm tuổi uống xong một chai nước nhựa. Cậu bé đưa lại chiếc vỏ rỗng cho người mẹ trẻ. Người mẹ ngồi cạnh cửa sổ đưa tay lấy lại chiếc chai từ tay đứa con bé bỏng. Trong vòng một tích tắc, người mẹ ném thẳng vỏ chai nhựa ra ngoài cửa sổ. Chiếc vỏ rỗng lao vèo xuống mặt nước, nổi lềnh phềnh trước sự ngỡ ngàng của những cặp mắt mở to của các vị khách nước ngoài. Không khí trên tầu bỗng nhiên ồn ào. Bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, những người khách tỏ ra bất bình với người mẹ trẻ. Cậu bé cúi mặt, nép vào người mẹ. Người mẹ trẻ vẫn thản nhiên chụp ảnh mà không hề nhận ra đó là những lời mỉa mai dành cho hành động hủy hoại môi trường của mình. Đối với chị, đó chỉ đơn giản là hành động “ném rác”. Tất cả những gì không còn sử dụng nữa đều trở thành rác, cần phải vứt bỏ.

An toàn thực phẩm, chuyện của mọi nhà

Không cần phải một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào, chỉ cần liếc qua các đoạn video nấu ăn nhan nhản trên các website, chúng ta có thể nhận ra một đặc điểm chung vô cùng khó hiểu của các đầu bếp “không chuyên”, rất nhiều trong số họ chuẩn bị các món ăn với những chiếc găng tay bằng plastic mỏng. Họ trộn rau, củ, quả, họ cắt thịt, họ nặn bột… bất kể là loại thức ăn nào, họ đều dùng găng tay như một tiêu chuẩn về sự sạch sẽ.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), ước tính trung bình một người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa (microplastic) và trẻ em là 40.000 hạt mỗi năm. Một con số khổng lồ.

Nguồn nhựa đó đến từ đâu?

Nó đến từ khắp nơi. Đó là chất liệu của các găng tay trong khi chúng ta cho rằng chúng mang lại vệ sinh cho các món ăn nhưng trên thực tế chúng đang đầu độc chúng ta. Đó cũng là chai đựng nước bằng nhựa mà cậu bé kia vừa uống. Đó là những túi xách hàng ngày chúng ta đựng rau củ quả mua ngoài chợ… Chúng ta đang bội thực nhựa. Môi trường đang bội thực nhựa.

Những thói quen cần thay đổi

Đại dịch chính là một thách thức cho loài người nhìn lại hành động, thói quen của mỗi cá nhân. Tại sao không tận dụng những khoảnh khắc bình yên để thay đổi lại cách sống của chúng ta?

Một chiếc khẩu trang đứt quai đeo, một chiếc khăn mùi xoa vừa lau mũi, một chai nhựa vừa đưa lên miệng uống và tay chúng ta đã chạm vào… tất cả đều trở thành vật trung gian gây truyền nhiễm và phát tán virus trong môi trường. Tất cả những gì do chính chúng ta thải ra, tại sao không nhét vào túi xách mang về nhà và ném vào thùng rác gia đình?

Những hạt dưa ăn ngày tết, vui tai và thơm miệng, là món ăn ưa thích của giới trẻ. Nhưng chúng trở thành nỗi ám ảnh của những người có lối sống vệ sinh bởi thói quen nhằn vỏ bất cứ ở đâu, dưới chân, trên nền đất, trên xe… Giả sử chúng ta nhằn vỏ vào lòng bàn tay rồi cho vào một chiếc túi giấy nhỏ và ném vào thùng rác. Thực ra, chúng ta không mất nhiều công sức hơn so với việc dọn dẹp những vỏ hạt bị dẫm nát bét dưới nền đất.

Để làm điều đó, có hay chăng cần phải phát triển nhiều hơn những thùng rác công cộng. Ở mỗi góc phố, mỗi chặng đường hay những nơi có sự giao thoa đông đúc của con người. Chúng ta cũng có thể giáo dục những đứa trẻ về lòng tự trọng trước môi trường và thông qua những đứa trẻ để giáo dục lại cha mẹ vốn đã quen với thói quen “tiện đâu ném đó”.

Trong cuộc đại dịch toàn cầu lần này, một trong những biện pháp được sự ủng hộ của tất cả các nhà khoa học, các y bác sĩ chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Việc rửa tay bằng xà phòng là cách thức khử khuẩn an toàn, hiệu quả nhất trong việc loại bỏ vi khuẩn. Và một điều chắc chắn mà ai cũng phải thừa nhận đó là việc rửa tay bằng xà phòng rẻ hơn nhiều so với việc mua những chiếc găng plastic. Lợi ích chồng lợi ích. Chúng ta có thể thử làm một phép toán đơn giản. Nếu mỗi gia đình dùng một đôi găng để nấu ăn, với số lượng gần một trăm triệu dân như hiện nay, trung bình mỗi ngày, chỉ tính riêng Việt Nam, sẽ có không dưới mười triệu chiếc găng được thải vào môi trường trở thành những vật truyền nhiễm virus. Một con số khủng khiếp.

Cuộc đấu tranh chống đại dịch trên toàn thế giới còn dài nếu virus vẫn mãi tự do trôi dạt trong không khí. Tự mỗi chúng ta cũng nhận ra những tác hại tức thời và lâu dài lên cuộc sống. Ừ thì chúng ta đã có vaccin. Ừ thì chúng ta đã quen với việc con số người bệnh và nạn nhân tăng lên mỗi ngày. Nhưng có hơn chăng, thay vì chấp nhận, chúng ta hãy tìm cách hạn chế những hậu quả ở mức tối thiểu bằng việc thay đổi một vài thói quen nhỏ. Một sự thay đổi với nhiều lợi ích mang lại cho môi trường.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước