Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
06:29 (GMT +7)

Hạ chí ngày dài – hội vui

Lễ hội Midsommar vào ngày Hạ chí tại Thụy Điển

Không có ngày nào lại dài bằng ngày hạ chí vì mặt trời dường như không ngủ, cứ ở mãi trên đỉnh đầu, buông những tia nắng vàng rực, đánh thức cỏ hoa - chim thú, vì thế đây là một ngày đẹp nhất mà cũng sôi động nhất trong năm.

Sở dĩ như vậy vì vào ngày này, một trong hai cực của trái đất sẽ nghiêng hẳn về phía mặt trời, hay nói cách khác mặt trời sẽ đạt đỉnh cao nhất với kinh độ là 90, và nó thường xảy ra mỗi năm hai lần, mỗi lần ở một đầu của trái đất. Khi ấy ở Bắc bán cầu vào đầu mùa hè, thì ở Nam bán cầu sẽ sang đầu đông và ngược lại. Do vào hạ chí, Cực Bắc sẽ nghiêng sát nhất với mặt trời, và dĩ nhiên Cực Nam đối diện với nó cũng bị kéo nhanh ra khỏi mặt trời, thành thử nếu nơi này là mùa hè thì nơi kia sẽ là mùa đông.

Ở châu Á, hạ chí là tên gọi của một trong 24 tiết khí quan trọng trong nông lịch và ứng với nó ở châu Âu phương Tây là thời điểm Solstice hay còn gọi là Midsummer mà bắt đầu vào ngày 21 hay 22 tháng Sáu khi hết tiết Mang Chủng và kết thúc vào ngày 7 hay 8 tháng Bảy lúc bắt đầu tiết Tiểu Thử. Vào năm 2022, hạ chí sẽ rơi vào thứ ba ngày 21 tháng 6 dương lịch, tức 23 tháng 5 âm lịch.

Từ Solstice xuất phát từ tiếng La tinh, gồm có sol - mặt trời và sister - sự đứng yên do đúng giữa trưa, mặt trời lên cao nhất và gần như không xê dịch nữa. Tại phía bắc của Iceland - Anh, người ta có thể ngồi trên vách đá trông ra biển mà ngắm mặt trời không lặn. Nó cứ bồng bềnh, loang loáng từ xa như một quả cầu lửa khổng lồ, hễ chạm xuống đường chân trời lại lập tức ngoi lên. Do đó, Iceland là nơi duy nhất hiện nay ngoài vòng Bắc Cực xảy ra hiện tượng này.

Hạ chí Ivan Kupala ở Ukraine

Vì cả ngày tràn đầy ánh sáng ấm áp, nên trên khắp thế giới có rất nhiều lễ hội vui tươi để mọi người chơi đùa, thi thố hội họp và cúng tế. Mặc dù buổi đầu, nó dính líu tới những nghi lễ dị giáo, cực đoan chẳng hạn như đã có thời người xưa tôn thờ mặt trời, coi đây là một vị thần và cứ đến hạ chí khi ông nóng nảy hừng hực trên cao liền hiến sinh bao nhiêu con người và vật cho mặt trời, trong đó người Viking thường có tục treo, vắt thi thể ở trên cây nhằm cúng tế ông. Song tới giờ, hạ chí đã trở thành một ngày lễ có ý nghĩa thanh tẩy, rửa tội và gắn với ngày sinh của thánh St. John. Có nơi xem nó là một ngày hội cuối xuân đầu hè, song cũng có nơi coi đã vào giữa hè nên thường tổ chức nhiều hoạt động nghỉ dưỡng thú vị song hành với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa mà đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực.

Phần lớn các ngày hội trong hạ chí hay thời điểm này đều để cầu mong đất đai màu mỡ, cuộc sống sáng tươi, tốt đẹp, có được tình yêu, hạnh phúc, tuổi xuân, sự hồi sinh… Và một trong đó là lễ hội Klidonas tại Hy Lạp, khi mà các thiếu nữ rủ nhau uống một thứ nước giếng, có thể tăng cường sắc đẹp, sự sinh sản và đặt một số tư trang của mình trong những hốc cây bí mật cũng được xem là biểu tượng của tuổi xanh, tài năng, vận hội nhằm mơ sẽ gặp ý trung nhân, một chàng trai nào để ý, yêu mến và lấy mình. Và để thêm phần may mắn, tốt lành, trai gái còn nhảy qua các đống lửa bập bùng giúp đốt sạch những điều xấu.

Tương tự trên, lễ hội Midsommar - Thụy Điển lại cần một cây cột âm dương và nam nữ dắt tay nhau đi vòng quanh nó nhằm có được sức khỏe dồi dào, niềm vui chan hòa. Nhân dịp này nam nữ gặp nhau cầm tay hò hẹn. Những cô gái chưa có người yêu thì đặt dưới gối một cọng lá thần kỳ giúp mau có bạn trai. Việc dùng lá còn phổ biến để đuổi tà và người dân thường đội hay treo trước cửa nhà những vòng hoa, lá cỏ có tác dụng xua tan hắc tinh và thu hút những điều tốt lành. Nhân đây, mọi người cũng thực hiện một điệu múa vui nhộn ca ngợi tự nhiên, ấy là vũ con ếch quanh cây cột, khiến cho khắp nơi vang tiếng thình thịch và tiếng ộp ạp của một cánh rừng xao động.

Người Nga, Ukraine lại đón hạ chí với một lễ hội gọi là Lễ hội Cánh buồm đỏ thắm và đêm trắng, Ivan Kupala, cũng liên quan đến tín ngưỡng Slav trong đó phụ nữ tết các vòng hoa thả trôi sông và nhằm cầu duyên, mong ở bên kia sẽ có chàng trai nào vớt được chúng mà nhớ tới mình. Vì đêm trắng, ai nấy cũng đi thuyền dạo chơi, đánh đàn, thổi sáo, làm thơ...

Lễ hội Cánh buồm đỏ thắm và đêm trắng đón Hạ chí ở Nga

Cũng trong đêm ấy, người Áo ở Tirol sẽ đốt những đống lửa trại ở nhiều nơi trên sườn núi trông như những vầng mặt trời nhỏ huyền bí lần lượt ló lên mang tới hơi ấm và sự sống trong khi người Iceland ở Reykjavik ba ngày liền chơi những bản nhạc tưng bừng đón chào mặt trời giữa đêm trong một lễ hội mang tên Solstice bí mật.

Tuy nhiên, lễ hội có số người tập trung đông nhất vào hạ chí có lẽ là hội Solstice Stonehenge - Anh, bên một công trình bằng đá - một đài thiên văn đã có từ cách đây 5.000 năm và được tin mọc lên nhằm ca ngợi hè về. Cứ hạ chí, hàng nghìn người đều trảy hội về đây để theo dõi những tia nắng đầu tiên nhấp nháy qua những cột đá trung tâm và làm đủ mọi nghi lễ dân gian nhằm hằng dương, tế bái mặt trời.

Hạ chí Santa Barbara ở nước Mỹ

Tại một số nơi như Trung Quốc, tuy, không ngắm mặt trời nhưng người ta lại đi thuyền rồng nhằm mang tới những năng lượng tốt, sự thái bình - yên ấm, cầu mong ngày nào cũng đầy niềm vui, hoan hỷ.

Ngoài hạ chí ở trái đất, tất cả những hành tinh trong hệ mặt trời cũng xuất hiện hiện tượng này, như ở sao Hỏa là hạ chí chỉ sau trái đất vài ngày, ở sao Thiên vương thì sau 84 năm/lần mà trong lần tới là ngày 9/10/2069, và nếu có người alien (người ngoài hành tinh) thì trước cảnh tượng huy hoàng, có lẽ họ cũng mở tiệc linh đình.

(Ảnh: theo Culture Trip)

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy