Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
03:37 (GMT +7)

Gửi Quốc hội gần 3 ngàn kiến nghị, cử tri chất chồng lo lắng

VNTN - Vẫn là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng... nhưng mức độ lo lắng, bức xúc của cử tri dường như đã sâu hơn rất nhiều.


Quốc hội khóa XIV, sáng 20 tháng 10 vừa qua đã khai mạc kỳ họp thứ hai tại Thủ đô Hà Nội.

Phiên khai mạc, như thường lệ, sau báo cáo về kinh tế - xã hội của Thủ tướng là tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày.

2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội chất chứa âu lo. Ở diện rộng, đó là băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế đất nước phát triển chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp và tăng chậm; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; ùn tắc giao thông và ngập úng nặng khi có mưa lớn tại thành phố Hà Nội, mưa lớn và triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.

 

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo

tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ hai của Quốc hội.

Đi vào chiều sâu, những kiến nghị của cử tri cho thấy mức độ trầm trọng về các vấn đề đang "tồn kho", không chỉ ở một lĩnh vực. Chẳng hạn, qua nhiều kỳ họp,  cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh việc nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 3 năm liên tiếp 2013, 2014, 2015 kiến nghị trước Quốc hội nhưng đến nay Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Một kiến nghị khác có "thâm niên" không kém, đó là tình trạng khai thác bừa bãi khoáng sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng báo cáo trước Quốc hội về tình trạng này: Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên.

Đáng chú ý là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.

"Cử tri và Nhân dân cho rằng, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng lại không sợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng", ông Nguyễn Thiện Nhân báo cáo Quốc hội, trong phiên khai mạc được truyền hình trực tiếp.

Quốc hội, Chính phủ đều mới bước sang nhiệm kỳ mới, nhưng như nhiều vị đại diện cho dân đã nói, trách nhiệm thì không có nhiệm kỳ. Cử tri đã thẳng thắn chỉ ra không chỉ là biểu hiện mà còn cả địa chỉ của "lợi ích nhóm". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi báo cáo trước Quốc hội đã nhấn mạnh: Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Như vậy, đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, có thể Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân sẽ không phải nhắc lại rằng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, về một vấn đề nào đó được cử tri nêu.

Nhưng đó là câu chuyện ở phía trước. Còn hôm nay, sau nửa năm xảy ra thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra, cử tri vẫn băn khoăn khi mà nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước Nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Câu trả lời cho băn khoăn này, chắc chắn cả Chính phủ và Quốc hội không thể "nợ" cử tri quá dài như những vấn đề Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn ở trên. Bởi, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc này.

Trước Quốc hội và đồng bào cả nước, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ quyết liệt bảo vệ môi trường, triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án gây ô nhiễm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát bảo đảm việc tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.

Chính phủ nói đi đôi với làm, lo lắng, bức xúc của cử tri sẽ dần vơi.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy