Góp ý Dự thảo Chương trình và hoạt động dạy – học môn Văn trong trường phổ thông
1. Góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn
1.1. Tán thành với cấu trúc tổng thể, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, yêu cầu cần đạt của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 1 năm 2018. Với chương trình này, một số ưu điểm lớn cần được khẳng định là: Có tính khoa học, hợp lí, hiện đại. Vừa tránh được cách dạy “đọc - chép” trong giờ Văn, vừa dành những phạm vi nhất định cho sự sáng tạo, chủ động, tích cực của người giáo viên. Ngoài một số ít tác phẩm bắt buộc, một số tác phẩm văn học đưa vào phần gợi ý, người giáo viên có thể tìm chọn, soạn giảng những tác phẩm văn học khác phù hợp với mục tiêu của chương trình đưa vào giảng dạy. Sự bó buộc, khuôn mẫu của chương trình cũ bước đầu bị phá bỏ.
Bên cạnh đó, còn một số bất cập cần trao đổi thêm:
* Dù dự thảo chương trình đã nêu ra nguyên tắc lựa chọn ngữ liệu “bảo đảm tỉ lệ hợp lí (…) giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số”, nhưng phần phụ lục “Danh mục văn bản (ngữ liệu) gợi ý” thì thấy không thực hiện như vậy. Xét riêng về phần văn học Việt Nam hiện đại thì chỉ có ba bài thơ của ba tác giả là người dân tộc thiểu số: Phố Núi của Dương Thuấn, Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn và Nói với con của Y Phương. Số lượng ấy vừa quá ít vừa không tiêu biểu, tạo ra sự mất cân đối. Chúng tôi đề nghị bổ sung những tác giả, tác phẩm tiêu biểu hơn (có cả thơ và truyện ngắn) của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Ví dụ: Thơ: Cây hai ngàn lá của Pờ Sảo Mìn; Gọi vía của Mai Liễu; thơ Mã A Lềnh; Nếu tôi chết hãy đưa tôi về núi của Triệu Kim Văn.v.v.. Truyện ngắn: Đường về với mẹ chữ của Vi Hồng; Hoa bay cuối trời của Cao Duy Sơn. Lý luận phê bình văn học: Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại của Lâm Tiến.v.v.).
* Đặc biệt lưu ý về phương pháp giảng dạy môn Ngữ Văn trong nhà trường phổ thông. Chương trình Ngữ Văn với mục tiêu, yêu cầu cần đạt đổi mới đòi hỏi phải có một phương pháp giảng dạy đổi mới tương ứng. Trong suốt nhiều năm qua dạy Văn trong nhà trường thực chất đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Dạy Văn truyền thống lấy phương pháp thuyết trình của giáo viên làm chủ đạo, cực đoan trở thành phương pháp “đọc - chép”. Nhưng khi đổi mới phương pháp giảng dạy Văn, khi phê phán cách dạy Văn truyền thống, chúng ta lại đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Nghiêm cấm những giáo viên thuyết trình, để lấy người đọc làm trung tâm, đề cao tính tích cực, chủ động của người học, phương pháp đàm thoại, gợi mở, thảo luận nhóm… được đề cao quá mức. Giờ dạy Văn bị “băm nát” bởi những hệ thống câu hỏi, bản chất nghệ thuật với những tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ của văn chương không còn nữa. Cả giáo viên và học sinh đều “chán” môn Văn là vì thế. Những giờ thao giảng, những cuộc thi giáo viên dạy giỏi thực ra là tìm xem ai “diễn” giỏi hơn, như con vẹt nói theo những giáo án mẫu hay hơn, khi trái tim người dạy rất ít hoặc đã bị triệt tiêu cảm xúc. Nếu cho một tác phẩm mới tinh, chưa có giáo án mẫu ở đâu, giáo viên soạn giáo án trong một ngày rồi lên bục giảng thao diễn ngay, thì hầu hết sẽ không thể làm được. Bởi vậy, thước đo quan trọng nhất cho một phương pháp giảng dạy là hiệu quả đạt được sau một giờ dạy bằng phương pháp đó. Văn chương là một loại hình nghệ thuật, ngoài tri thức đem đến cho học sinh thì phải có cảm xúc, tình cảm thẩm mĩ khơi dậy cho học sinh. Thiếu vế thứ hai này thì giờ dạy Văn cùng phương pháp giảng dạy Văn đang được sử dụng nhiều năm qua đã thất bại, và khi đó văn chương không còn là văn chương nữa. Theo suy nghĩ của tôi, phương pháp giảng dạy môn Văn là tổng hòa các phương pháp, hãy dành cho phương pháp thuyết trình một thời lượng thích hợp bên cạnh các phương pháp giảng dạy khác. Mong nhóm tác giả biên soạn dự thảo chương trình lưu ý đến quy trình:
* Việc đào tạo mới sinh viên Sư phạm và đào tạo lại giáo viên dạy Văn trên toàn quốc để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới phải được thực hiện trước khi sách giáo khoa mới ban hành.
Sau khi Dự thảo Chương trình mới được phê duyệt, việc đầu tiên cần làm là phải đào tạo lại toàn bộ giáo viên dạy Văn trên toàn quốc. Học 4 năm mới có bằng Đại học, dạy 10 năm - 20 năm theo chương trình cũ, phương pháp giảng dạy cũ. Vậy phải tập huấn thế nào để giáo viên đáp ứng được những nhu cầu mới? Về phương diện khoa học thì đây là công việc cực kì khó khăn. Nếu sa vào căn bệnh hình thức chủ nghĩa vốn rất phổ biến ở nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó có ngành giáo dục thì kết quả sẽ thế nào, chúng ta có thể đoán trước được.
* Song song với công tác đào tạo lại giáo viên dạy Văn là đổi mới chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy môn Ngữ Văn trong các trường Sư phạm. Có một thực tế đáng buồn, đôi khi các trường Sư phạm lại đi sau các trường Phổ thông về đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy.
* Vấn đề giáo viên tự khai thác, chọn giảng ngữ liệu mới là rất tích cực. Nhưng sẽ xuất hiện ba khó khăn khi thực hiện công việc này trong thực tế giảng dạy.
Khá nhiều giáo viên trẻ giảm nhiệt huyết với nghề bởi nhiều lí do, trong đó có chế độ đãi ngộ thấp mà sức ép công việc lớn, họ có thói quen “ăn sẵn”, sao chép các giáo án trên mạng, về “chế biến” rồi dạy như “con vẹt” bởi không phải đào sâu tìm tòi, trăn trở với nó.
Căn bệnh thành tích vốn nặng nề và có nhiều biến tướng rất khéo léo sẽ khiến một số trường, một số Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc chỉ bám sát vào các học liệu đã gợi ý trong chương trình, hoặc cho giáo viên “tự do sáng tạo trong khuôn khổ” với một danh mục tác phẩm văn học được bí mật quy định, việc ấy sẽ khiến học sinh chỉ phải học một số tác phẩm nhất định, lúc thi cử điểm thi sẽ cao hơn. Và như vậy, sự tự do tìm tòi sáng tạo của người giáo viên cũng sẽ bị triệt tiêu về thực chất chỉ còn cái “vỏ” hình thức.
Văn chương vốn có tính mơ hồ đa nghĩa, vậy khi người giáo viên chọn một tác phẩm văn học đưa vào giảng dạy hoặc vào đề thi các cấp, sau đó mới phát hiện ra tác phẩm ấy rất kín đáo, có vi phạm về an ninh chính trị, văn hóa, tư tưởng… Vậy khi đó giải quyết hậu quả sẽ rất khó khăn và nặng nề.
* Một số sai sót về tri thức trong Dự thảo Chương trình:
Trong Dự thảo có nhận định: “Từ đó hiểu và đánh giá được những giá trị tư tưởng và cảm hứng nhân văn của tác giả”. Nhận định trên không chính xác vì “nhân văn” là một tư tưởng, nó đã thuộc giá trị tư tưởng rồi. Còn khi nói đến “cảm hứng nhân văn” thì cảm hứng nhân văn ấy phải của tác phẩm chứ không phải của tác giả.
Dự thảo phân chia thành ký trữ tình và ký tự sự. Theo chúng tôi nên phân chia thành ký báo chí và ký văn học như các giáo trình lý luận văn học đã phân chia.
Trong Dự thảo có nhận định: “Đặc điểm của ký tự sự: tính phi hư cấu”. Thực ra tác phẩm ký nào cũng phải sử dụng hư cấu có hạn chế…
* Trong Dự thảo Chương trình thiếu phần văn học địa phương. Nên bổ sung thời lượng cho một số tiết dạy tích hợp và phần văn học địa phương, lịch sử địa phương, địa lý địa phương.
1.2. Một số kiến nghị
* Đề nghị bổ sung thời lượng và tác phẩm văn học dân gian, văn học hiện đại dân tộc thiểu số Việt Nam vào chương trình, từ 20 - 30%, với đủ các thể loại tương ứng với văn học của các tác giả dân tộc Kinh.
* Việc giới thiệu ngữ liệu có tính gợi ý nhìn chung là tốt, nhưng vẫn để sót những tác giả, tác phẩm xuất sắc, vẫn đưa vào phụ lục những tác giả, tác phẩm chưa phù hợp, bởi vậy phải:
Xây dựng bộ tiêu chí khoa học để tuyển chọn, giới thiệu (tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước, hoặc các giải thưởng văn học uy tín của Trung ương; Tác phẩm phải phù hợp với tâm sinh lý và trình độ tiếp nhận của học sinh phổ thông; Tác giả phải có nhân thân tốt, không vi phạm về chính trị, tư tưởng, văn hóa; Tác phẩm thuộc văn học nước ngoài cũng phải được tuyển chọn theo một bộ tiêu chí phù hợp).
Giới thiệu ngữ liệu có tính gợi ý nên mở rộng, bổ sung gấp 2 - 3 lần số lượng tác giả, tác phẩm đã có. Mỗi tác giả được chọn nên được gợi ý 2 - 3 tác phẩm. Trong tình hình văn hóa đọc “xuống cấp” hiện nay, phần gợi ý này có tính định hướng rất hữu ích cho giáo viên, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
* Song song với việc xây dựng Dự thảo Chương trình, từ đó biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới. Xây dựng lại những quy chuẩn về phương pháp giảng dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông theo hướng linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả đạt được từ người học làm thước đo cuối cùng, phù hợp với tính “động” và “mở” của chương trình giảng dạy môn Ngữ Văn. Chương trình và sách giáo khoa đã “động” và “mở” thì phương pháp giảng dạy phải “động” và “mở”, không thể khuôn mẫu, quy phạm, cứng nhắc như hiện nay.
2. Hoạt động dạy và học môn Văn trong trường phổ thông hiện nay
Môn Ngữ Văn là một trong những môn học quan trọng nhất trong nhà trường các cấp. Nhưng hiện nay, đánh giá về công tác dạy và học môn Ngữ Văn trong nhà trường có những ý kiến trái chiều, thậm chí chê nhiều hơn khen. Theo kinh nghiệm trên 30 năm dạy và học từ trung học phổ thông, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm, sau đại học, tôi xin mạnh dạn nêu một số ý kiến cá nhân có thể chưa toàn diện, chưa hoàn toàn chính xác của mình, với hi vọng đóng góp thêm một tiếng nói tâm huyết để đánh giá nhược điểm, đề xuất giải pháp, hi vọng phần nào gửi một thông điệp tới các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới, và các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường phổ thông.
Theo tôi hiện trạng dạy và học môn Ngữ Văn trong nhà trường hiện nay có nhiều bất cập, cần giải quyết một cách toàn diện, có hệ thống và lấy tính hiệu quả sau mỗi giờ dạy là thước đo cuối cùng. Bất cập ấy thể hiện ở một số lĩnh vực sau đây:
Thứ nhất, bất cập trong chương trình giảng dạy và sách giáo khoa Ngữ Văn (từ thời điểm thay sách trở về trước)
Chương trình giảng dạy gắn với sách giáo khoa cũ được xây dựng theo quan điểm “tĩnh” và “đóng khép”. Năm này qua năm khác, cũng chỉ có bằng ấy tác phẩm, tác giả lặp đi lặp lại dù có hay đến đâu, lặp lại nhiều năm cũng sẽ trở thành sáo mòn, quy phạm đến cứng nhắc. Cũng bởi thế, đề thi cũng quanh quẩn với “Dậu - Phèo - Tràng - Xuân”.
Dự thảo Chương trình giảng dạy của sách giáo khoa mới đã đi ngược lại “lối mòn” ấy, theo quan điểm “động” và “mở”, đó là điều tích cực, đáng vui mừng, nhưng đọc “dự thảo”của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì còn nhiều hạn chế cần sửa chữa và hoàn thiện.
Thứ hai, bất cập ở phương pháp giảng dạy môn Ngữ Văn
Phương pháp dạy Văn truyền thống lấy phương pháp thuyết trình của giáo viên làm chính, học sinh thụ động, dù vẫn mang lại cho trái tim người học có rung động mãnh liệt, và khi đó, bản chất và đặc trưng của loại hình nghệ thuật ngôn từ được gìn giữ và phát huy. Phương pháp dạy hiện đại lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực chủ động của người học, sử dụng công nghệ thông tin làm phương tiện hỗ trợ. Đó là lý thuyết và nghe rất hay. Nhiều giáo viên, học sinh đang chán dạy Văn, học Văn, các giờ thao giảng, các giờ dạy trong các cuộc thi giáo viên giỏi - giáo viên “buộc” phải “diễn” thật khéo, dù không nhiều người rung động trái tim. Một tác phẩm văn học như một “người đẹp” bị “chặt nát” ra bằng vô số câu hỏi, nghiêm cấm dùng phương pháp thuyết trình, bắt buộc phải có thảo luận nhóm và sử dụng công nghệ thông tin thì mới được coi là một giờ dạy thành công. Rất nhiều giờ dạy giáo viên thành con vẹt, tác phẩm như “người đẹp” bị băm nát, bản chất nghệ thuật của văn học bay đi mất. Vì thế đã từng có ý kiến cho rằng: trong các kì thi môn Văn vẫn có thể áp dụng thi trắc nghiệm? So sánh phương pháp dạy Văn truyền thống và hiện đại, chúng ta đã và đang đi từ cực đoan này đến cực đoan khác, rồi “căn bệnh” hình thức chủ nghĩa, bệnh thành tích... Chỉ cần Bộ Giáo dục & Đào tạo sử dụng điều tra xã hội học bằng phương diện công nghệ thông tin, cho phép người trả lời được ẩn danh, chúng ta sẽ biết ngay chất lượng thực sự của các giờ dạy và học môn Ngữ Văn hiện nay ra sao, và đáng báo động đến mức nào? Hoặc chỉ cần cử một số chuyên viên của Bộ Giáo dục & Đào tạo xuống công tác một năm tại các trường phổ thông, Bộ sẽ có cái nhìn chính xác nhất về thực trạng nền giáo dục của chúng ta hiện nay, trong đó có thực trạng dạy và học môn Văn.
Thứ ba, bất cập ở năng lực hành nghề của người giáo viên dạy Văn
Trong các trường Đại học Sư phạm, môn phương pháp giảng dạy Văn và phương pháp giảng dạy tiếng Việt là môn quan trọng, có số lượng tín chỉ thuộc hàng cao nhất, rồi sinh viên được “học nghề” qua hai đợt thực tập sư phạm ở trường phổ thông. Nhưng điều quan trọng và quyết định nhất cho việc dạy nghề này lại chưa được quan tâm đúng mức: Ai là người dạy sinh viên môn phương pháp giảng dạy trong trường Đại học Sư phạm? Có phải là những người dạy giỏi nhất? Không hẳn! Ở đây có yếu tố may rủi, thi thoảng có một vài giáo viên giỏi, còn lại chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình khá bởi khá nhiều giảng viên giảng dạy môn này đều có bằng cấp tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nhưng chỉ giỏi dạy lý thuyết, nếu mời thầy cô dạy một giờ cụ thể ở trường phổ thông thì phần lớn lại thất bại. Vì sao? Vì thầy cô chỉ “nói” được mà không “làm” được, vậy thì sinh viên học nghề từ ai, học như thế nào để thực sự trở thành người giáo viên dạy Văn giỏi hội tụ phần nào bốn phẩm chất sống còn: tri thức giàu có của một nhà khoa học; rung cảm tâm hồn của một nghệ sĩ; ngôn ngữ giọng điệu, “diễn xuất” của một diễn viên sân khấu; khả năng tổ chức giờ dạy và học của một nhà sư phạm. Đào tạo giáo viên Văn như hiện nay, bao giờ và ở đâu sẽ rèn luyện được đội ngũ giáo viên có bốn phẩm chất như thế?! Vì không có chất lượng thực sự nên việc giáo viên “chạy” bằng đủ cách để vào biên chế, để thi giáo viên dạy giỏi... sẽ là một hệ quả tất yếu. Đầu vào của khoa Ngữ Văn các trường sư phạm ngày càng yếu, điểm chuẩn ngày càng thấp, chất lượng chuyên môn của cả thầy và trò có chiều hướng đi xuống như vậy thì làm sao đào tạo ra giáo viên giỏi? Tất nhiên, vẫn có một số giáo viên giỏi, một số sinh viên có năng khiếu và đam mê văn học, tiếc thay, giờ đây đó chỉ là hiện tượng cá biệt.
Thứ tư, bất cập ngoài xã hội với cái nhìn lệch lạc của một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh
Tại sao phụ huynh và học sinh chủ yếu tập trung vào các trường ngành quân đội, công an, kinh tế, ngoại thương...? Tại sao các trường sư phạm, đặc biệt ngành Văn, ngày càng khó tuyển sinh? Ngay cả trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn mấy năm gần đây không cao như trước? Câu trả lời tùy thuộc vào quý vị!
Nguyễn Đức Hạnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...