Góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững
VNTN - Những năm gần đây, việc tái cơ cấu và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tỉnh chú trọng, quan tâm với những chính sách, định hướng cụ thể, nhờ đó, ngành nông nghiệp đã có những bước tiến đáng kể. Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là một giải pháp cần thiết để nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng nhãn Phúc Thuận (Phổ Yên) - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên được trưng bày phục vụ Đại hội Đảng bộ TX. Phổ Yên nhiệm kỳ 2020 2025. Ảnh: H.T.
Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND, xác định 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (chè, lúa gạo, rau quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, cá nước ngọt, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cây quế, cây dược liệu), nhằm tập trung nguồn lực và vận dụng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển các sản phẩm có lợi thế. Ngay sau đó, nền nông nghiệp tỉnh đã tiếp tục có những bước phát triển tích cực.
Điển hình nhất có thể kể đến cây chè. Năm 2020, diện tích chè đạt gần 22.500 ha, tỷ lệ giống mới có năng suất chất lượng tốt đạt gần 80%, sản lượng 245.000 tấn. Diện tích chè an toàn tăng nhanh, đã có gần 2.600ha được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Giá trị sản phẩm trên một ha đạt bình quân từ 370 đến 475 triệu đồng, ở một số vùng chè đặc sản đạt từ 600 đến 700 triệu đồng.
Tỉnh đã rà soát chuyển đổi trên 6.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như rau, hoa, chè, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Tại các vùng sản xuất rau tập trung ở TP. Thái Nguyên, Sông Công, TX. Phổ Yên, huyện Đại Từ, nông dân đã tích cực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cho giá trị thu nhập đạt 400 - 450 triệu đồng/ha. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau quả trái vụ đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha. Đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 1.500ha như Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân (Phổ Yên), La Hiên, Tràng Xá (Võ Nhai), Tiên Hội, Quân Chu (Đại Từ)…; xây dựng được thương hiệu, chất lượng tốt như nhãn Khe Đù, bưởi Tiên Hội và Tràng Xá, na La Hiên, ổi Linh Sơn, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất với thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi gia cầm cũng có xu hướng tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu giá trị sản phẩm thịt gia cầm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất chăn nuôi, trong đó, các sản phẩm từ gà chiếm ưu thế. Năm 2020, đàn gà của toàn tỉnh có 13 triệu con, tăng 35,1% so với năm 2015, sản lượng thịt gà đạt 45.300 tấn, chiếm 98,5% tổng sản lượng thịt gia cầm, tăng 52,2% so với năm 2015; sản lượng trứng gà 405 triệu quả; giá trị sản phẩm gà đạt 4.578,3 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành).
Tuy nhiên trong quá trình phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh còn có một số hạn chế; còn thiếu định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển đối với một số sản phẩm chủ lực; nguồn lực ưu tiên tập trung cho phát triển các sản phẩm chủ lực còn hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có chất lượng sản phẩm với giá trị gia tăng cao; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn chậm...
Đầu tư trọng điểm vào các sản phẩm thế mạnh
Xuất phát từ thực tế đó, Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII vừa qua là giải pháp cần thiết trong giai đoạn tới. Mục tiêu của Đề án là xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Trên cơ sở rà soát các tiêu chí, các tiềm năng, lợi thế, Đề án lựa chọn 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển là chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đối với những cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đặc sản; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây ăn quả tập trung ở các vùng Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên, bố trí hơn 2.700ha đất từ đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả khác hiệu quả thấp, vườn tạp, đất rừng sản xuất chuyển đổi sang chuyên canh na, bưởi, nhãn; đẩy mạnh liên kết sản xuất các loại quả đặc sản theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, xây dựng website, kênh bán hành trực tuyến kết nối người sản xuất với người tiêu dùng… Đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới rừng gỗ lớn 2.000ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000ha, rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất nhằm phát triển kinh tế rừng.
Theo Đề án, đối với từng lĩnh vực, tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ liên kết sản xuất… Đối với cây chè và cây ăn quả tập trung: hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học; hỗ trợ 1 lần 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ 50% giá mua máy móc, thiết bị chế biến đóng gói, bảo quản. Đối với phát triển chăn nuôi lợn, gà: hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn, cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm khác cho các trại giống và các cơ sở chăn nuôi nông hộ có quy mô dưới 10 đơn vị vật nuôi…
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nhân dân. Tỉnh sẽ cụ thể hóa chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, trước mắt tỉnh rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phục vụ kế hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có cơ chế chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng sang trồng chè và cây ăn quả.
Mặt khác, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các trung tâm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường...
Với những định hướng, mục tiêu, chính sách hỗ trợ cụ thể, tin và mong rằng trong thời gian tới, nền nông nghiệp tỉnh ta sẽ có những bước phát triển vượt bậc, mang tính bền vững, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cạnh tranh hàng hóa cao… Thái Nguyên sẽ xứng tầm với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền núi phía Bắc.
Một số tiêu chí cụ thể của Đề án:
Đến năm 2025 tổng diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ ha; Xây dựng vùng cây ăn quả có diện tích cây na 1.530ha, hơn 2.300ha cây nhãn, khoảng 2.370ha trồng bưởi; Phát triển diện tích trồng quế đạt 6.500ha, giá trị của cây quế đạt trên 2.700 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất đạt 420 triệu đồng/ ha/ chu kỳ; Phát triển đàn lợn đạt 750.000 con, sản lượng 110.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 4.400 tỷ đồng;...
Phú Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...