Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:21 (GMT +7)

Góc khuất doanh nhân đáng sợ

(Đọc tiểu thuyết “Sóng bên ngày nắng” của Phan Thái, NXB Hồng Đức)

Yến Thanh

VNTN - Đó là cảm giác mạnh mẽ của tôi khi đọc đến trang cuối cuốn tiểu thuyết “Sóng bên ngày nắng” mà tác giả Phan Thái được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hỗ trợ cho ra mắt bạn đọc tháng 10/2015. Đây là tiểu thuyết thứ hai sau “Cơm áo chợ đời” tác giả công bố năm 2014.

Là một cán bộ quản lý điều hành tại doanh nghiệp, Phan Thái viết về mảng công việc mình am hiểu là sản xuất kinh doanh. Cũng như “Cơm áo chợ đời”, cuốn sách dày gần 250 trang này đề cập đến mặt tối của một số doanh nhân và công việc kinh doanh của họ.

Nguyễn Thấn, Tổng Giám đốc Công ty Đông Á trưởng thành từ một công nhân bốc xếp vật tư cho nhà máy, nhờ lấy được con gái “sếp” mà Thấn được cất nhắc, leo dần lên ghế giám đốc công ty. Khi đơn vị cổ phần hóa, Thấn trở thành chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, nắm giữ trên 65% vốn điều lệ nhà nước. Ở cái thế “vững như bàn thạch” ấy, Thấn không lo phát triển doanh nghiệp vững mạnh, không quan tâm chăm sóc đời sống người lao động mà chìm vào chơi bời trác táng, ban phát hợp đồng, chức tước, đánh bóng tên tuổi, dành “miếng ngon” cho người nhà, cánh hẩu của mình. Lợi dụng Thấn trước mặt, chơi đểu Thấn sau lưng là Hoán, giám đốc một công ty tư nhân; là Thảo, nhân viên kiêm nhân tình của Thấn; là những kẻ xun xoe khúm núm xin ký hợp đồng, xin chút lộc rơi lộc vãi từ Thấn.

Đối lập với cuộc sống xa hoa, chỉ lo làm vừa lòng cấp trên, đe nẹt cấp dưới như Thấn là hai kỹ sư có tinh thần trách nhiệm, lo lắng công việc và giàu lòng tự trọng là Lâm và Thạch. Họ giỏi chuyên môn, nhưng cách sống không chịu “lùn đi một tí” của họ khiến Thấn ngứa mắt. Hắn huỵch toẹt: “trình độ năng lực không làm bố người ta được. Tôi nhún nhường cả đời còn chưa ăn ai nữa là (trang 79). Người tốt, lòng thẳng ngay trung trực nhiều lúc bị cái xấu đè bẹp. Chính Lâm và Thạch cũng hiểu tình thế của mình: “Khi kiểu làm ăn tiêu tiền nhà nước giống như phóng tay đốt nhà tang giấy và xếp đặt chức tước như một sự hàm ơn, cốt để củng cố quyền lực và phân chia lợi ích, làm xói mòn lòng tin cũng như nhân cách đã trở thành vấn nạn, thì chúng ta khó có cơ hội thăng tiến, không bị mượn cớ chặt chém là may…”(trang 34).

Tác giả “Sóng bên ngày nắng” đã bộc lộ vốn sống phong phú về lĩnh vực kinh doanh. Những mánh khóe để trúng thầu dự án, thành lập công ty con, liên doanh nhập hàng hóa… được “ô kê” bên bàn nhậu. Những tập đô - la xanh lét, những ả gái non tơ là vật hiến tế để không ít kẻ bước lên bậc chức tước, lại trở thành mục đích của những cuộc đổi chác kín đáo mà trắng trợn.

Nhưng rồi, cái gì phải đến đã đến, tiền của phung phí mãi rồi cũng hết. Sự độc đoán, ban ơn, kéo bè kéo cánh của chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Nguyễn Thấn cùng bộ sậu đã phải trả giá. “Giữa một ngày nắng nhẹ, gió đẹp mơn man vắt làn sương mỏng mảnh như lụa lên mái phố. Thông tin mọi ngân hàng thương mại chính thức ngừng giao dịch với Đông Á như một cái tát trời giáng vào bộ mặt đầy mưu lược của Nguyễn Thấn…Chưa bao giờ Thấn muốn nghe ý kiến trái chiều. Giờ đây cần có người chung lưng đấu cật thì hầu như không còn nữa…Dường như một cơn bão đang cuồn cuộn lao tới để cuốn phăng mọi thứ, kể cả vị thuyền trưởng trên con tàu Đông Á” (trang 230).

Những dòng chữ cuối cùng này của cuốn sách đã lý giải vì sao tác giả lại đặt tên cho tiểu thuyết của mình là “Sóng bên ngày nắng”.

Cũng như “Cơm áo chợ đời”, tác giả đã sử dụng cách viết đơn giản nhất là tả thực để tái hiện cuộc sống chân thực, sinh động như nó vốn có. Mỗi người đọc có thể tìm cho mình một thông điệp nào đó từ “Sóng bên ngày nắng”, nhưng điều tác giả gửi gắm vào tác phẩm, theo tôi nghĩ là mong muốn cháy bỏng cuộc sống có nhiều hơn những người dũng cảm đối mặt với thử thách khó khăn, lên án những thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ có chức có quyền. Đặc biệt, những doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để quản lý tốt phần vốn nhà nước, chống các biểu hiện xuống cấp đạo đức, tệ nạn tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ.

Như nhiều cốt truyện thông thường khác, kẻ xấu, ác trong tiểu thuyết đã phải chịu hậu quả đích đáng; người tốt, người yếu thế trong xã hội đã có cơ hội sống tốt đẹp hơn. Đó là tiếng nói của trái tim người viết nhân hậu, đồng thời cũng là nhân - quả cuộc đời.

Đọc đến trang cuối của cuốn sách này, tôi thoáng giật mình khi nghĩ Phan Thái dường như đang lặp lại chính mình. Bởi bút pháp, kết cấu của “Sóng bên ngày nắng” có nét tương tự “Cơm áo chợ đời”. Phải chăng vì hai cuốn cùng nói về đề tài công nghiệp, lại cùng được ông sử dụng bút pháp tả thực nên người đọc có cảm giác như vậy? Tuy nhiên, đọc kỹ lại, tôi lại thấy, trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, cách hành văn, bối cảnh, sự kiện… tác giả đã tạo ra sự đa dạng, các chương mở hơn, các tình tiết linh hoạt hơn, bớt đi phần lý luận hay độc thoại, vì vậy tác phẩm thanh thoát, nhẹ nhàng hơn.

Là người làm thơ khá nổi tiếng, Phan Thái gần đây “lấn sân” sang cả lĩnh vực văn xuôi và nhanh chóng cho ra mắt bạn đọc nhiều truyện ngắn, 2 tiểu thuyết về đề tài công nghiệp - lĩnh vực chuyên môn của anh. Tuy nhiên, anh tiếp tục mang đến cho bạn đọc bất ngờ nữa khi chuẩn bị cho ra mắt tiểu thuyết “Đèn giời”, viết về nông thôn, nông nghiệp.

Mong sao những đứa con tinh thần của ông bố “đẻ khỏe” Phan Thái tiếp tục cứng cỏi, đằm thắm, chân thật, đầy tình người như những tác phẩm ông đã từng xuất bản.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy