Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:25 (GMT +7)

Góa phụ thành Ê-phê-sô – Petronius (Italia)

VNTN - Cách đây lâu rồi, ở thành phố Ê-phê-sô có một người đàn bà đã lấy chồng, tấm lòng trung trinh của nàng đối với chồng nức tiếng gần xa. Bao nhiêu người phụ nữ ở các thôn làng và các thị trấn lân cận thường tổ chức thành từng đoàn tìm đến thành Ê-phê-sô, chỉ để mắt thấy tai nghe chuyện lạ này.

Một ngày nọ, chồng người đàn bà Ê-phê-sô qua đời. Nguời ta thấy người góa phụ theo tục lệ thông thường, để đầu bù tóc rối, đấm vào ngực mình và đi theo sau đoàn người đưa tang, biểu lộ lòng đau thương của nàng. Nàng khăng khăng đòi sống trong hầm mộ dưới lòng đất theo nghi thức Hy Lạp để trông coi thi thể của chồng và thương khóc ngày đêm.

Mặc dù nàng sống trong đau buồn tột độ, rất có thể bị chết đói, nhưng cha mẹ nàng không có cách nào khuyên giải nổi, hay thuyết phục nàng từ bỏ ý định của mình. Ngay cả các ngài thẩm phán, lần cuối cùng đến thuyết phục cũng đã bị nàng từ chối, đuổi đi. Thế là suốt cả ngày đêm người đàn bà kỳ lạ của thành Ê-phê-sô này cứ đau buồn. Đã năm ngày nàng không ăn uống một chút nào. Người đàn bà yếu ớt ở cùng người nữ tỳ trung thành của mình. Cô nữ tỳ túc trực ở bên để chia sẻ nỗi buồn của bà chủ, đồng thời thắp lại đèn, nến khi nó bị tắt, hết dầu.

Cả thành phố xôn xao bàn tán về sự kiện này. Tất cả mọi người già trẻ, trai gái đều đồng tâm nhất trí rằng đây là một cặp vợ chồng mẫu mực về tình yêu và lòng chung thủy! Đúng dịp này, quan Thống đốc đã ra lệnh mang một số tên trộm ra tử hình, đóng đinh trên cây thập ác, ở một nơi gần ngay khu hầm mộ của chồng người đàn bà nọ. Vì vậy, đêm hôm sau, có một anh lính được giao nhiệm vụ đứng gác không cho ai lẻn vào lấy trộm xác chết trên cây thập tự để mang đi chôn cất. Anh ta đột nhiên nhìn thấy trong hầm mộ có ánh đèn le lói và nghe thấy những tiếng rên rỉ. Do bản tính tò mò thúc giục, anh ta bước xuống hầm mộ để xem cho rõ là ai hoặc cái gì đã phát ra ánh sáng và âm thanh ấy. Nhìn thấy một người đàn bà xinh đẹp, anh ta sợ hãi gần như muốn thét lên, vì tưởng rằng đó là con ma từ địa ngục chui ra. Nhưng sau đó, khi nhìn thấy xác chết và những giọt nước mắt trên khuôn mặt của người đàn bà, cả những vết tay cào xước trên khuôn mặt của nàng, anh ta hiểu ra rằng: Một góa phụ, trong nỗi buồn thương không có ai an ủi.

Anh ta ngay lập tức mang suất ăn tối ít ỏi của mình đi vào hầm mộ, van xin người đàn bà hãy kiềm chế đau buồn, đừng quá xót thương mà vật vã vô ích như vậy. Như tất cả mọi người, anh ta đã an ủi, khuyên nhủ nàng, nhưng rồi đều có một kết quả như nhau. Bởi anh ta đã dùng những lời khuyên cũ rích mà tất cả mọi người chúng ta thường dùng để an ủi các nạn nhân, mong họ trở lại với cuộc sống. Lời an ủi của anh ta không những không được hoan nghênh, mà còn làm cho người đàn bà góa này càng đau đớn thêm. Nàng đấm vào ngực, liên tục bứt tóc rồi rắc trên thân thể người chết. Thế nhưng, người lính không nản chí, anh ta lặp đi lặp lại những lời khuyên nhủ, cố ép nàng ăn một chút thức ăn. Người nữ tỳ bị sự kích thích của men rượu, cô ta đã chìa tay ra khuất phục. Sau khi có chút đồ ăn và rượu, sức sống được hồi phục, cô ta bắt đầu chỉ trích sự bảo thủ của bà chủ.

“Đối với việc này, nếu bà bị đói xỉu rồi, bà thấy có lợi ích gì không?” - cô ta hỏi bà chủ của mình, “Vì cái gì mà bà phải tự chôn sống chính mình, vị thần hộ mệnh sẽ nói với bà những gì trước khi bà chết? Virgil(*) nói những gì? Bà vì hồn ma và nắm xương tàn của người chết mà bị cảm động bi thương? Không, phải làm mới cuộc sống lại một lần nữa. Quẳng đi những lời ngu ngốc của mấy mụ đàn bà, khi bà còn có thể hưởng thụ một tương lai xán lạn. Thấy bà thương xót cái xác chết của chồng, nhưng nó đâu có lời cảm động lòng người để nói với bà cần phải sống tiếp nữa, phải không?”.

Tất nhiên, không có bất cứ ai là thực sự không thích khi mọi người bảo rằng phải ăn để mà sống tiếp nữa. Người đàn bà này cũng không ngoại lệ, vì tuyệt thực đã lâu nên cơ thể suy nhược, không còn đủ sức để kháng cự lại lời khuyên của cô nữ tỳ. Giống như người nữ tỳ trước đó, nàng đã ăn những đồ ăn mà người lính mang tới. Còn người lính, anh ta mang lời khuyên giải của mình để người đàn bà này ăn những thức ăn, quyết giành lấy tiết tháo kiên trinh của nàng. Người đàn bà trinh tiết này phát hiện ra sức hấp dẫn vô cùng của người lính, với những lời giải thích của anh ta khiến lòng người tin phục. Đến nỗi người nữ tỳ đã làm hết sức mình để giúp đỡ người lính, lặp đi lặp lại một câu thơ của Virgil: “Phải là ái tình khiến lòng em vui vẻ, thưa phu nhân, xin hãy đầu hàng trước ái tình”. Thế là cơ thể của người đàn bà này sớm từ bỏ cuộc đấu tranh. Nàng đã chịu khuất phục rồi, cho nên người lính của chúng ta hân hoan vì chiến thắng. Vào buổi chiều, họ đã kết hôn. Đêm hôm sau và những đêm sau nữa, đôi uyên ương đều cẩn thận đóng cánh cửa của hầm mộ và ngủ với nhau. Bạn bè qua lại hay hành khách qua đường sẽ nghĩ rằng người đàn bà tiết tháo trung trinh nổi tiếng ấy rốt cuộc sẽ chết theo xác chết của chồng.

Như bạn có thể tưởng tượng, người lính của chúng ta hạnh phúc đến thế nào. Vì ma lực đặc biệt của tình yêu bí mật và khuôn mặt người tình xinh đẹp mà anh ta cảm thấy sung sướng vô ngần. Mỗi buổi tối, khi mặt trời lặn sau dãy núi, anh ta đem số lương ít ỏi của mình để mua một số đồ ăn đến hầm mộ.

Một đêm, vì mải buông lơi không chú ý, bố mẹ một tên trộm bị đóng đinh chết trên cây thập ác, nhân lúc người lính của chúng ta không ở đó đã đánh cắp thi thể đứa con của họ mang đi chôn cất. Sáng hôm sau, người lính nhìn thấy trên những cây thập ác thiếu một thi thể và rất hoảng sợ. Anh ta chạy đến nói với người tình, chờ đợi hình phạt khủng khiếp về sự lơ là nhiệm vụ của mình. Trong tình thế ấy, anh ta nói với nàng, thay vì chờ đợi bị phán quyết và trừng phạt, anh ta thà dùng lưỡi kiếm của mình tự trừng phạt mình cho xong. Đối với nàng, anh ta chỉ có yêu cầu, nàng dành một chỗ để cho thi thể ở đó, khiến hầm mộ u ám này chứa cả thi thể chồng và của người tình. Tuy nhiên, trong lòng phu nhân của chúng ta, dịu dàng và không kém phần trong sáng. “Chúa không thể tha thứ cho tôi". Nàng kêu khóc: “Cùng một lúc phải nhìn thi thể của hai người đàn ông tôi đã yêu trên đời này ư? Không, thà mang người chết treo lên còn hơn mang người sống để giết đi”.

Nói xong, nàng ra lệnh mang thi thể của chồng mình từ trong quan tài treo lên giá thập tự. Người lính răm rắp nghe theo một ý tưởng tốt này. Sáng hôm sau cả thành phố đều kinh ngạc là có phép lạ gì mà làm cho kẻ chết sống lại rồi leo lên giá chữ thập.

(*) Virgil: tên tiếng Anh của Publius Vergilius Maro (70 - 19 TCN) , nhà thơ lớn của La Mã cổ đại, người sáng tạo ra thể loại thơ sử thi, tác giả của Bucolics, Georgics, Aeneid (Bucolica, Georgica, Eneide) - những thiên sử thi ca tụng nguồn gốc huyền thoại của dân tộc La Mã.(ND).

Phạm Thanh Cải dịch

Theo bản tiếng Trung

Nguồn: www.rocidea.com

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước