Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:33 (GMT +7)

Giới thiệu sách: Gió thổi từ “Mặt hồ phẳng lặng”

VNTN - Chi hội Văn xuôi - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên vừa cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn “Mặt hồ phẳng lặng” (NXB Hồng Đức, 2020), với sự góp mặt của 9 tác giả và 21 tác phẩm.

Nhiều tác phẩm trong tập truyện đã được đăng tải trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, có tác phẩm đã được giải cao tại cuộc thi Sáng tác văn học trên báo Văn nghệ Thái Nguyên.

Là tập truyện của nhiều tác giả, từ những nhà văn quen thuộc với độc giả như Phạm Đức, Minh Hằng, Phạm Quý, Phan Thái, Nguyễn Văn, đến những tác giả trẻ như Trinh Nguyên, Bích Hồng,… nên điều dễ dàng cảm nhận khi đọc “Mặt hồ phẳng lặng” là sự đa dạng về đề tài, sự phong phú về giọng điệu, ngôn ngữ. Mỗi tác giả, qua những lát cắt nhỏ, đã giúp người đọc được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng các ngẫm ngợi về cuộc sống, con người…

*

Mảng đề tài nổi bật được các tác giả quan tâm thể hiện trong tập truyện này là những câu chuyện về thân phận con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, yếu thế trong xã hội.

Đó là người đàn bà suốt 30 năm cam chịu tiếng xấu là có con với bố chồng trong “Mặt hồ phẳng lặng” (Trinh Nguyên). “Nhà ấy dâu chả ở được đâu, dớp rồi. Mẹ nó trụ được chẳng qua là đánh đổi phẩm giá, mà sát tới hai người đàn ông trong nhà ấy thì sao mà chẳng trụ được”. Nỗi đau, nỗi oan khuất quá lớn khi phải sống trong tủi cực, trong miệng lưỡi cay độc của người đời đã khiến người đàn bà đáng thương ấy chỉ còn biết lặng câm và chấp nhận. Bà sống gỗ đá, cam chịu: cứ quần quật làm việc quanh năm, thu vén gia đình, chăm con chăm cháu mà chẳng bao giờ… khóc.

Không chỉ viết về những khổ đau của người phụ nữ, những thăng trầm trong cuộc đời của những người đàn ông cũng được khắc họa trong tập truyện. “Sóng bên kia trời” (Phan Thái) tái hiện sinh động cuộc đời nhiều giông gió của ông Khính, một con người cương trực, ngay thẳng, sẵn sàng tỏ thái độ bất bình với những điều trái tai gai mắt. Trước những biến cố của đời người, ông sống đầy bản lĩnh, lặng thầm hy sinh cho lợi ích chung. Hoặc như, cuộc đời nhiều bất hạnh của Lắc - một người đàn ông phải chết trong tủi cực, cô đơn trong “Cái chết của chàng Lắc” (Phạm Đức) cũng khiến người đọc phải suy ngẫm nhiều hơn về tình người, về cách sống của con người với nhau.

Thông qua những câu chuyện và nhân vật của mình, các tác giả đã khơi gợi lên bao niềm mong ước tốt lành về hạnh phúc cho phận người trong đời sống vốn nhiều bất trắc này.

Điều đáng chú ý ở tập truyện này là sự phản ánh, miêu tả chân thực những diễn biến sinh động trong đời sống nội tâm của con người, qua đó bày tỏ một quan điểm, một cách nhìn của tác giả trước vấn đề được đặt ra.

Truyện ngắn “Mong manh” (Minh Hằng) đã phác họa lại tâm trạng của một người vợ khi bất ngờ phát hiện ra những nhắn tin tán tỉnh của chồng mình với một người phụ nữ khác. Ranh giới giữa thật và giả, giữa phản bội và chung thủy thật mong manh. Biết tin vào điều gì đây? Song cuộc sống là như vậy, không phải lúc nào cũng xuôi chiều. Nó luôn có những cái cớ, những đưa đẩy, đặt tình cảm con người trước những thử thách, mà nếu không bình tĩnh và tỉnh táo. Vội vã hành động theo cảm xúc thì có lẽ sẽ dễ dàng đánh mất hạnh phúc. Và “hạnh phúc, đôi khi phải chấp nhận cả những điểm mờ nhòe”, chứ không thể lúc nào cũng truy nguyên đến tận cùng trắng đen, đúng sai. Điểm “mờ nhòe” ấy, chính là chỗ của lòng vị tha, bao dung và yêu thương tận cùng. Thông điệp hiện ra nhẹ nhàng, bình dị mà cũng thấm thía biết bao.

Ở một khoảnh khắc khác, “Hồn quê” (Phạm Quý) lại mang đến cho độc giả những phút giây thư thái, những xúc cảm nao lòng cùng nhân vật khi được đắm mình trong hương sắc, hồn vía làng quê. Đó là nỗi niềm, tâm tư của hai người đàn ông trung tuổi khi chợt ngộ ra những món quà vô giá mà quê hương đã ân tình dành tặng cho tâm hồn mình. Nó mới dịu ngọt, êm đềm, khoan khoái làm sao! Vậy mà lắm lúc, vì mải miết trong cuộc mưu sinh, người ta như đã vô tình lãng quên…

Câu chuyện khá ly kỳ của hai nhân vật vợ chồng người em (muốn nẫng tay trên con chim quý từ anh mình) trong truyện ngắn “Con chim quý” của Nguyễn Văn lại cho ta một hình dung rõ hơn về lòng tham cũng như khả năng chế ngự nó của con người.

Bên cạnh đó, những chủ đề khác như tình đồng đội, niềm đam mê dấn thân nghề nghiệp, trách nhiệm và nhiệt huyết của người trẻ… trong các truyện ngắn của Mai Linh Lan, Bích Hồng, Hoàng Thao cũng góp phần làm nên bức tranh đời sống thường nhật phong phú, nhiều màu sắc hơn.

Để chuyển tải thông điệp đến với người đọc, chủ yếu các tác phẩm sử dụng lối kể chuyện truyền thống nhuần nhuyễn, chắc tay. Tuy nhiên, người đọc còn mong đợi nhiều hơn nữa những mạch truyện bất ngờ, những cách kết cấu mới mẻ, những hình thức kể chuyện hiện đại, cuốn hút. Ở một số tác phẩm, dường như vấn đề bút pháp nghệ thuật vẫn chưa được tác giả đầu tư, dụng công một cách xứng đáng. Điều này khiến cho tập truyện ít những mảng màu độc đáo để có thể tạo được những ấn tượng mạnh cho bạn đọc.

*

Nếu hình dung cả tập truyện như một mặt hồ thì mỗi tác phẩm đem đến một ngọn gió, với những cảm xúc khác nhau. Dù tưởng như mặt hồ “phẳng lặng”, nhưng khi mở lòng ra thì mỗi người đọc có lẽ sẽ đón nhận được những ngọn gió theo cách riêng của mình.

Xin chúc mừng các tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!.

MINH KHUÊ

 

 

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy