Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:53 (GMT +7)

Giỗ Tổ Hùng Vương – nghĩ về văn hiến dân tộc

VNTN - Có một dân tộc trên thế giới này bị đô hộ một nghìn năm nhưng vẫn giữ được văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc mình: Đó là dân tộc Việt của chúng ta. Một dân tộc bị đô hộ mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa thiêng liêng ấy, dân tộc ấy chắc chắn sẽ trường tồn.

Lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh minh họa, nguồn: hcma1.hcma.vn 

Núi sông bờ cõi đã chia

Năm 968, với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư do vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) tổ chức xây dựng là dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự kiện vĩ đại này đánh dấu một thời kỳ lịch sử đất nước Việt Nam sánh vai ngang hàng với các triều đại phương Bắc.

“Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Đó là những dòng chữ đầy tự hào dân tộc trong Bình Ngô đại cáo, một áng thiên cổ hùng văn, được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của đất nước Việt Nam.

Lỗ Tấn có một tác phẩm nổi tiếng, đó là “Thuốc”. Đó là câu chuyện về một người Trung Quốc bị ho lao tên là Hoa Thuyên. Theo truyền tụng dân gian của người Trung Quốc, những người bị ho lao nếu ăn bánh bao chấm máu của tội nhân bị tử hình sẽ khỏi bệnh. Bữa ấy, có một người bị tử hình là chiến sĩ cách mạng tên gọi Hạ Du. Người mẹ của Hoa Thuyên đã đi từ tờ mờ sáng đến nơi xử tử hình Hạ Du và chấm bánh bao vào máu Hạ Du mang về cho con ăn với hi vọng Hoa Thuyên sẽ khỏi bệnh. Nếu ghép hai chữ đầu tiên trong Hoa Thuyên và Hạ Du sẽ ra từ Hoa Hạ. Hoa Hạ tức núi Hoa, sông Hạ tức sông Hán Thủy, đó chính là khởi nguồn của dân tộc Trung Hoa. Vì vậy, người Trung Quốc tự nhận mình là dân tộc Hoa. Vùng đất ấy, vốn là vùng đất phía mà người Trung Quốc gọi là Trung Nguyên.

Bởi vậy, khi nhà Hạ (khoảng thế kỷ 21 TCN, hoặc 16 TCN), triều đại quân chủ phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc được thành lập, trong chín châu của nhà Hạ không hề có đất Việt Nam. Không những vậy, cả vùng phía nam dãy Ngũ Lĩnh vốn là đất của các tộc Việt mà lịch sử Trung Quốc gọi đó là Bách Việt. Đến cả Ly Tao, Sở Từ của Khuất Nguyên (340-278 TCN), các nhà nghiên cứu văn học cho biết những tác phẩm này vẫn mang âm hưởng của người Việt (tất nhiên, đó không phải là Lạc Việt-Tổ tiên của dân tộc chúng ta).

Năm 1793, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) đi sứ sang nhà Thanh Trung Quốc, ông sáng tác tập Hoàng Hoa đồ phả - một tập thơ có cả những bức vẽ. Trong tập đó có một bài nhan đề Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao), Ngô Thì Nhậm cho biết có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng ở phía Nam Trung Quốc. Tại phía Nam của Trung Quốc hiện nay vẫn còn rất nhiều dấu tích đền thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Bởi, ngay từ đầu công nguyên, lãnh thổ hoạt động của Hai Bà vốn rất rộng. Bằng xâm lược và nô dịch, đồng hóa, dần dần các nhóm Bách Việt đã bị đồng hóa, lãnh thổ các tộc Việt đã bị sáp nhập vào lãnh thổ của người Hán. Chỉ có duy nhất một nhóm người Việt, đó là Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta đã không bị đồng hóa và dù sau này chịu sự cai trị một nghìn năm nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Vậy nên, bản đồ của Trung Quốc mà cực Nam đến đảo Hải Nam chỉ là bản đồ sau này, còn trước đó nó cũng không phải của Hán tộc. Lịch sử còn ghi nhận, khi làm vua nước Việt, hoàng đế Quang Trung đã từng gửi văn bản xin lại đất Quảng Đông và Quảng Tây với lý do vốn là đất cũ của nước Việt.

Cha ông chúng ta, trải qua bao thăng giáng phế hưng đã “Đem dòng máu thắm bón từng gốc cây/ Làn không khí giờ đây ta thở/ Đường ta đi nhà ở nơi này/ Tổ tiên từng chịu đắng cay/ Mới mong truyền lại đêm ngày cho ta”.

Bao đời gây nền độc lập

“Cùng với giang sơn gấm vóc và kho tàng văn hiến của cha ông để lại, chúng ta may mắn được hằng ngày gọi hai chữ Việt Nam”. Đó là những dòng trong bài viết Tên nước ta của Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Hoàng Quân. Năm 968, với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư do vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) tổ chức xây dựng là dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Không phải đến Đinh Bộ Lĩnh với nhà nước Đại Cồ Việt mà trước đó, năm 544, Lý Bí đã lên ngôi hoàng đế với niên hiệu hiệu Thiên Đức, dựng nước Vạn Xuân, định đô và thiết lập triều đình ngang hàng với phương Bắc. Thế nhưng, vì thời gian ngắn ngủi ấy chỉ trong một năm, nên đất nước ta lại lệ thuộc vào phương Bắc. Phải tới chiến thắng của Ngô Quyền chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, dân tộc ta mới chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Ngô Quyền lên ngôi nhưng chỉ xưng vương và đất nước vẫn trong tình trạng cát mà đỉnh điểm là loạn 12 sứ quân sau khi Ngô Quyền qua đời (944).

Sau khi Ngô Quyền mất, nội bộ triều đình rối ren, các hào trưởng, thổ tù khắp nơi nổi lên xưng hùng, xưng bá chống lại triều đình trung ương. Sau khi các con Ngô Quyền mất, đất nước chính thức không những bị chia năm xẻ bảy mà thật sự loạn, sử cũ gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Giữa bối cảnh đất nước rối ren ấy thì ở phương Bắc, nhà Tống của Trung Quốc thành lập (960) và bắt đầu nhòm ngó nước Nam, đất nước đứng trước những giờ phút thử thách khắc nghiệt. Trong thời điểm lịch sử ấy, từ đất Hoa Lư, người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ, tập hợp dân chúng, dẹp loạn 12 sứ quân (967), lên ngôi hoàng đế (968), bỏ niên hiệu nhà Tống, đặt niên mới của người Việt là Thái Bình. Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, với sự kiện vĩ đại này, đất nước Việt Nam mới thật sự ngang hàng với phương Bắc bằng việc thiết lập chính phủ trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt. Vì vậy, dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn 12 năm (968-980), nhưng nhà nước Đại Cồ Việt thực sự đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng, tượng trưng cho sự đoàn kết tập hợp toàn dân vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất đất nước. Về sự kiện lịch sử vĩ đại này, nhà sử học Lê Văn Hưu nhận định: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết”.

Kể từ năm 968, đất nước Việt Nam thật sự bước vào giai đoạn mới của sự phát triển. Bằng việc đặt nền móng ban đầu vững chắc này, các thế hệ người Việt Nam đã đoàn kết một lòng truyền lại cho con cháu cả một giang sơn gấm vóc hôm nay.

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Trong khi hàng loạt hàng loạt các nhóm Bách Việt bị đồng hóa và nô dịch, nhóm Lạc Việt – tổ tiên của dân tộc chúng ta vẫn trụ vững và phát triển. Có một số luận điệu của những kẻ xâm lược từ phương Bắc cho rằng dân Việt không có văn hóa, văn minh và chỉ từ khi Sỹ Nhiếp thời Tây Hán sáng cai trị nước ta (187), dân tộc ta mới được giáo hóa để có lễ nghĩa, văn minh. Dân tộc này kỳ lạ lắm, cho dù là ai, có thể cả kẻ cai trị nhưng có công tích với dân ta, NHÂN DÂN đều thờ phụng. Vậy nên, cho dù là quan cai trị nước Việt ta, nhưng Sỹ Nhiếp vẫn được dân ta tôn sùng gọi là Sỹ Vương. Ở đời Đường, Vương Bột (650-676) một thi nhân nổi tiếng của Trung Quốc, được xếp vào hàng “Tứ đại sơ kiệt” đầu đời Đường, tác giả của “Đằng vương các” với những câu thơ được liệt vào hàng hay nhất: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Tản Đà dịch: Ánh chiều cùng với ráng sa/ Thu xanh nước lẫn trời thu một màu). Khi ấy, cha ngài làm quan cai trị dân ta ở đất Nghệ An, Hà Tĩnh (ngày nay). Tháng 8 năm 676, trong chuyến thăm cha từ đất Việt trở về, Ngài bị sóng đánh lật thuyền và chết đuối ở biển Nghi Lộc Nghệ An. Nhân dân trong vùng đã làm tang lễ, lập miếu thờ Ngài tại Nghi Lộc – Nghệ An. Sau này, khi người Pháp đô hộ dân ta, toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) cũng được dân ta kính trọng bởi ông có công xây dựng đường sá, cầu cống… Còn những kẻ cai trị bạo tàn như Tô Định, Nhâm Diên, Tích Quang…thì dù thế và lực chưa đủ dân tộc này cũng quyết đứng lên.

Có lẽ, là người Việt, không ai không biết câu chuyện Chử Đồng Tử. Cha con Chử Đồng Tử chỉ có mỗi cái khố. Mỗi khi ai ra ngoài thì người ấy đóng. Người cha mất, gọi con tới bên giường dặn dò hãy chôn cha trần truồng và để lại cái khố mà đóng. Lời dặn của người khi lâm chung bao giờ cũng đầy thiêng liêng và da diết. Thế nhưng, Chử Đồng Tử đã không nỡ để cha mình trần truồng mà chôn nên đã lấy chiếc khố duy nhất này đóng cho cha. Cũng là cãi lời cha, nhưng lại trở thành đại hiếu. Câu chuyện này diễn ra dưới thời Hùng Vương. Vì vậy, trong văn hóa của người Việt, Chử Đồng Tử đã được suy tôn là “Tứ bất tử” (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Chỉ riêng câu chuyện này đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của những kẻ cho rằng nhờ họ mà dân ta mới có lễ nghĩa. Nên nhớ, mãi tới năm 187, Sỹ Nhiếp mới được bổ nhiệm cai trị đất Việt Nam, nó là minh chứng hùng hồn bác bỏ các luận điệu xuyên tạc nêu trên và khẳng định một điều rằng dân tộc ta là một dân tộc có lễ nghĩa, văn minh trước khi người Hán đô hộ.

Trong “Bình Ngô Đại cáo” nổi tiếng, Nguyễn Trãi đã thể hiện niềm tự hào dân tộc khi viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta tưởng nhớ Tổ tiên, cội nguồn dân tộc, cùng nhau ôn  lại lịch sử oai hùng và nền văn hiến lâu đời của nước Việt sẽ tiếp thêm sức mạnh để dân tộc chúng ta mãi mãi trường tồn, hướng tới tương lai.

VŨ TRUNG KIÊN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy