Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
08:17 (GMT +7)

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn: tại sao khó?

VNTN - Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Sau hơn 3 năm thực hiện, tình trạng tảo hôn ở Thái Nguyên giảm thiểu không đáng kể…

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh về tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2018, trong số 1.987 xóm thuộc 124 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thì có 466 cặp tảo hôn/tổng số 21.532 cặp kết hôn, chiếm tỉ lệ 2,16%. Trong đó, 140 cặp là dân tộc Kinh, 118 cặp là dân tộc Mông, 61 cặp dân tộc Tày, 60 cặp dân tộc Dao, 32 cặp dân tộc Nùng, 29 cặp Sán Dìu, 01 cặp dân tộc Hoa và 04 cặp các dân tộc khác. Như vậy, tỉ lệ tảo hôn của dân tộc Kinh là cao nhất. Điều này cũng khiến cho chính các cán bộ Ban Dân tộc tỉnh bị bất ngờ, bởi theo đánh giá chung trên toàn quốc thì tình trạng tảo hôn ở khắp các địa phương thường chỉ tập trung vào đồng bào các dân tộc thiểu số. Để trả lời cho câu hỏi này, theo lãnh đạo Ban Dân tộc thì phải tổ chức hội thảo mới đủ cơ sở kết luận.

Vậy điều gì đã làm cho tình trạng tảo hôn trở nên khó khắc phục như vậy? Theo Ban Dân tộc tỉnh thì có những nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất là do sự phát triển quá nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng (internet, phim ảnh, băng đĩa…), kèm theo đó là các thiết bị điện tử thông minh cũng được sử dụng rộng rãi, nên giới trẻ cập nhật dễ dàng, dẫn đến việc tiếp cận với các phim ảnh đồi trụy, quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên, có thai ngoài ý muốn, buộc gia đình phải tổ chức cưới. Thứ hai, là do trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc và miền núi còn thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật; kinh tế khó khăn dẫn đến việc bỏ học sớm. Đồng thời, do phong tục tập quán lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức, như đồng bào Mông sợ nếu không lấy chồng sớm thì sau này sẽ khó lấy chồng. Thứ ba, một số gia đình thiếu sự chặt chẽ trong quản lí, thiếu quan tâm đến tâm tư tình cảm, đời sống tâm - sinh lí của con em mình; một số khác do bố mẹ li hôn, gia đình bất hòa cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lí, tạo sự bất cần, buông thả trong lối sống. Thứ tư là do vấn đề quản lí đăng kí kết hôn của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo; công tác tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền về chống nạn tảo hôn còn chưa được quan tâm đúng mức; những trường hợp vi phạm chưa được xử lí kiên quyết, đủ mạnh để răn đe. Trao đổi thêm với phóng viên Văn nghệ Thái Nguyên, ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: những quan niệm, hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân, đơn thuần chỉ là lấy người về làm, hoặc để sớm có cháu cho dòng họ, hoặc không lấy chồng sớm thì sẽ khó lấy được chồng vv…, có ảnh hưởng nặng nề đối với việc giảm thiểu tỉ lệ tảo hôn, nhưng sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể chưa chặt chẽ, không thường xuyên và chậm trễ trong việc cập nhật thông tin về tình trạng tảo hôn ở địa phương mới là nguyên nhân chính. Bởi Ban Dân tộc, với vai trò là cơ quan chủ trì, nhưng dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ có thể tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, chứ không thể làm thay tất cả các ngành giáo dục, y tế, tư pháp… được. Nói rõ thêm về điều này, ông Nam cho biết, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ra quyết định 3429/QĐ-UBND ngày 07/12/2015 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020”, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình; Tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Kế hoạch cũng yêu cầu các cấp, các ngành nêu cao vai trò trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp, tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành: y tế, tư pháp, văn hóa… cùng các đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, phối hợp với Ban Dân tộc xây dựng, tổ chức, thực hiện các nội dung nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay do nguồn kinh phí trung ương chưa cấp về, nên nhiều phần việc hầu như chưa được thực hiện. Với quyết tâm cao, Ban Dân tộc mới thực hiện xong việc điều tra, khảo sát, thu thập số liệu về thực trạng tảo hôn trên 1.987 xóm thuộc 124 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Đây mới là kết quả bước đầu để Ban nắm tình hình thực tiễn. “Để giải quyết bài toán này, không thể một sớm một chiều, và cũng không thể đơn thuần một ngành, một cấp thực hiện được. Nó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao thì mới mong có một kết quả như mong đợi” - ông Nguyễn Thái Nam nhắc lại một lần nữa với chúng tôi như thế.

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy