Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025
14:23 (GMT +7)

Giảm nghèo bền vững, cuộc chiến gian nan

VNTN - Hai tám năm trước, khi vấn đề xóa đói giảm nghèo được nêu ra trên một số diễn đàn, ngay sau đó được triển khai thành phong trào. Năm 2000, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lấy ngày 17/10 là "Ngày vì người nghèo", trùng với ngày "Thế giới chống đói nghèo" của Liên hợp quốc. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo". Từ đó, hàng loạt chính sách, chương trình vì người nghèo được triển khai, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Cuộc vận động "Chung tay vì người nghèo"… Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020” và kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

 

Ảnh minh họa

Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%. Cả nước hiện còn 90 huyện có tỷ lệ nghèo cao, 2.139 xã đặc biệt khó khăn, 3.121 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2016 đến nay giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm nhưng đáng buồn là tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bằng 30% so với tổng số hộ thoát nghèo. Nghĩa là cứ 3 hộ thoát nghèo thì 1 hộ bước vào danh sách nghèo. Có 22 huyện thoát nghèo thì bổ sung 29 huyện nghèo mới, cao hơn số huyện thoát nghèo.

Có nhiều nguyên nhân để cuộc chiến chống đói nghèo gần 30 năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan đáng lên án là chính cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo lại sử dụng nhiều thủ đoạn để vơ vét tiền của nhà nước dành cho người nghèo. Chưa có con số thống kê sai phạm là bao nhiêu, chỉ xin nêu một số vụ việc đã bị phanh phui thời gian qua: Cán bộ địa chính tỉnh Đắk Lắk nhờ các hộ nghèo đứng tên để trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ đối với hộ nghèo, đồng bào thiểu số bị thu hồi hết đất sản xuất. 12 con dê dành cấp cho hộ nghèo lại đưa về trang trại của lãnh đạo huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Ông bí thư Đảng ủy xã ở Phú Thọ, ông chủ tịch UBND xã ở Quảng Bình và Đồng Tháp có gia cảnh bề thế, nhưng vẫn “gửi” vợ và con vào hộ khẩu gia đình nghèo khác, nhằm hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ hộ nghèo của nhà nước. “Noi gương” ông bí thư, chủ tịch nói trên, hàng loạt đối tượng không thuộc diện hộ nghèo cũng có tên trong danh sách hộ nghèo để được “ăn” hỗ trợ. Những cán bộ thoái hóa này làm mất lòng tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, nhà nước dành cho người nghèo và khiến người nghèo càng nghèo hơn.

Ở Thái Nguyên, đã từng có trường hợp hàng chục hộ nghèo ở 3 xã Kim Phượng, Kim Sơn và Quy Kỳ (Định Hóa) lao đao bởi những con bò giống nhận về từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đổ bệnh lở mồm, long móng và lây lan sang các loại vật nuôi khác, khiến nhiều gia đình phải mang đi tiêu hủy.

Còn nguyên nhân khác cũng kéo chậm tiến trình giảm nghèo là tâm lý không muốn thoát nghèo của không ít người dân. Hầu hết chính sách dành cho người nghèo là “cho không” khiến người nghèo trông chờ, ỷ lại, không muốn lao động, phấn đấu thoát nghèo. Thấy người nghèo không làm vẫn có ăn, một số người không nghèo cũng muốn đứng vào hàng ngũ người nghèo. Từ đó nảy sinh tiêu cực như “chạy” hộ nghèo, bình xét hộ nghèo luân phiên theo kiểu “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”. Ở bình diện rộng hơn, có cán bộ địa phương tìm cách “xin được nghèo” cho địa phương mình để hưởng lợi từ chính sách.

Ảnh minh họa

Đến nay khái niệm nghèo không còn “đơn chiều” căn cứ vào tiêu chí thu nhập, mà chuyển sang khái niệm nghèo “đa chiều”, dựa vào những điều kiện thiết yếu của con người như ăn, ở, giáo dục, y tế, thông tin… Vì thế, cuộc chiến giảm nghèo bền vững còn rất gian nan.

Muốn thoát nghèo, thì chính người nghèo phải tự vươn lên. Bởi vậy, nhà nước cần trao cho người nghèo chiếc “chìa khóa” là kiến thức, vốn, hướng dẫn để họ “tự làm tự ăn” là chính; đồng thời mở mang đường sá, xây dựng trường học, bệnh viện… ở vùng tập trung nhiều người nghèo. Hơn nữa là siết chặt quản lý, trừng trị nghiêm khắc kẻ trục lợi chính sách dành cho người nghèo… Có như vậy việc giảm nghèo mới mang lại giá trị bền vững.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước