Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
06:43 (GMT +7)

Giải pháp đột phá cho ngành “công nghiệp không khói”

VNTN - Từ nhiều năm gần đây, du lịch - ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã có dấu hiệu ấm áp hơn. Cùng với các thị trường du lịch ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... thị trường du lịch của Thái Nguyên đang trở nên sôi động bởi lượng du khách và nguồn thu từ du lịch đã tăng đáng kể. Nhiều du khách trong nước, quốc tế sau tour tham quan tại các điểm đến, đã gửi lại thông điệp: “See you again” - hẹn gặp lại.

Với ngành “công nghiệp không khói” thì đây là một dấu hiệu tốt. Bởi chỉ cách nay gần 10 năm về trước, lượng khách của ngành du lịch Thái Nguyên chỉ dừng ở con số từ 1,5 đến 1,7 triệu lượt/năm, nhưng cơ bản là các đoàn công tác từ Trung ương và các tỉnh đến làm việc, tranh thủ đi tham quan, nên hầu hết các chi phí dịch vụ liên quan đến hoạt động vui chơi, giải trí cơ bản do cơ quan Nhà nước của tỉnh tiếp đón, bao trả. Nhưng từ 3 năm gần đây, lượng du khách trong, ngoài nước đến với Thái Nguyên đã tăng nhanh, từ 2 triệu lượt năm 2016 lên 2,5 triệu lượt năm 2018, cơ bản là tự tìm đến tham quan, trải nghiệm và tự chi trả các dịch vụ sử dụng. Theo đó, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch tăng mạnh, từ khoảng 200 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 400 tỷ đồng năm 2018.

 

Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương.

Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sang những tháng đầu năm 2019, ngành “công nghiệp không khói” của Thái Nguyên tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả tích cực cả trên tiêu chí về số lượng khách và tiêu chí doanh thu. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, ngành du lịch Thái Nguyên đã đón tiếp khoảng 1,9 triệu lượt du khách, trong đó có gần 30.000 lượt khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú đón tiếp, phục vụ hơn 410.000 lượt du khách. Các điểm tham quan đón tiếp gần 900.000 lượt khách, tăng 50% so với cùng kỳ. Các công ty lữ hành phục vụ hơn 55.000 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt khoảng 230 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, chúng tôi trao đổi với ông Trần Văn Đạt, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ: Tôi biết đến Thái Nguyên qua bài hát “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương... Giây lát dừng lời, ông phóng mắt nhìn ra mặt hồ nước mênh mang, đoạn tiếp: Lần đầu tôi đến thăm Thái Nguyên nhân Festival trà quốc tế năm 2011. Dịp này là lần đến thứ 5, chuyến đi nào tôi cũng rủ thêm người thân, bè bạn cùng đi. Tôi thích uống chè Thái Nguyên, thích lên ATK Định Hóa. Lần đi này tôi được biết thêm một điểm di tích lịch sử mới, đó là Khu Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, thành phố Thái Nguyên. Một điểm đến mới được nâng cấp, rất đẹp nữa là hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, huyện Võ Nhai. Chúng tôi đã đến 2 điểm này rồi mới về Hồ Núi Cốc. Theo lịch trình, ngày mai chúng tôi về thăm vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Mới được đầu tư nâng cấp, đưa vào sử dụng từ gần 1 năm nay, nhưng Khu Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái và hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà trở thành điểm đáng đến trong hệ thống các điểm đến ở Thái Nguyên. Bình quân đạt lượng khách hơn 1.000 lượt/ngày. Cá biệt có ngày đạt 7.000 lượt/ngày. Cũng điểm đến ấy, nhưng chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đã tạo dựng nên khung cảnh tươi mới, trở nên hoành tráng, bề thế, uy nghi ví như một sự lột xác ngoạn mục. Có được kết quả này phải kể đến sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các nhà đầu tư và cơ chế phát triển du lịch của Thái Nguyên đã phù hợp, thông thoáng hơn rất nhiều so với ít năm trước đây. Đặc biệt là từ sau Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp đột phá quan trọng, từng bước mở ra cho ngành “công nghiệp không khói” một hướng đi mới.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để du lịch có đóng góp tích cực với ngân sách địa phương và an sinh xã hội, tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá quan trọng, như: Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch về phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của từng địa phương và gắn với quản lý quy hoạch đô thị; Tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tài nguyên du lịch là Hồ Núi Cốc và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng chè Tân Cương; Lập dự án Dịch vụ văn hóa, du lịch tại trung tâm thành phố Thái Nguyên (theo mô hình tổ chức Chợ đêm) với các hoạt động văn hóa, dịch vụ, quảng bá giới thiệu văn hóa trà và các sản phẩm đặc trưng của địa phương làm điểm nhấn thu hút khách du lịch; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh có môi trường sống thân thiện... Đây là lý do ngành du lịch Thái Nguyên thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến làm ăn, điển hình như: Tập đoàn T&T; Công ty cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam; Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và công nghiệp Việt Nam…

Bàn về phát triển du lịch ở Thái Nguyên, nhiều chuyên gia kinh tế có nhận định: Thái Nguyên ở vị trí trung tâm các tỉnh vùng Đông Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi. Từ Thái Nguyên có thể kết nối các tour, tuyến tham quan, du lịch với các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Nhất là gần đây, các dịch vụ xã hội phát triển mạnh như: Viễn thông, vận tải, hệ thống các nhà hàng ẩm thực và điểm mua sắm… được xây dựng khang trang, có hàng hóa phong phú phù hợp với thị hiếu mua sắm của nhân dân, du khách. Hơn thế, trên địa bàn của tỉnh sở hữu hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia. Cùng với đó là hệ thống các làng nghề và gần 100 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc được tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Tất cả các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh tạo thành một nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển lâu dài và bền vững, tạo nguồn thu đáng kể cho địa phương.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên chia sẻ: Từ nhiều năm gần đây, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên nghiệp hơn. Với gần 400 cơ sở lưu trú phục vụ du khách, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 39 khách sạn từ 1 đến 3 sao, còn lại là các nhà nghỉ được cấp phép hoạt động, với công suất phòng buồng đạt gần 70%. Về chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của du khách.

Bà Mai cũng cho biết thêm: Trên lộ trình đưa du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 3,6 triệu lượt/năm. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đạt hơn 3.500 người. Du lịch đóng góp 3,5% GRDP của tỉnh. Hướng phấn đấu đến năm 2030, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh sẽ tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động, và đủ năng lực đón tiếp vị khách thứ 5 triệu của năm và có 6% đóng góp của ngành vào tổng GRDP của tỉnh.

Chí Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy