Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
19:23 (GMT +7)

Giải mã biểu tượng Cây từ góc độ văn hóa

VNTN - Lịch sử hình thành ngôn ngữ của loài người trải qua ba bước đi quan trọng: kí hiệu, biểu tượng và chữ viết. Trong đó, có một thành phần năng động không chịu bó mình trong cái vai trò sơ khởi - biểu thị những ý niệm trừu tượng, khắc phục sự hạn chế của kí hiệu - mà còn trở thành một yếu tố tự sinh của văn hóa, một chất liệu của tưởng tượng (nói như Gaston Bachelard - “tưởng tượng vật liệu”), và do vậy, đương nhiên, cũng là một chất liệu của nghệ thuật. Đó chính là biểu tượng.

“Biểu tượng là những hình tượng vô hình hay hữu hình làm môi giới hay là ngôn ngữ trung gian nhằm giúp con người nhận biết về một nội dung văn hóa nào đó”(1). Biểu tượng rất phong phú, dồi dào và có sức sống, sức biến hóa mãnh liệt trong các nền văn hóa từ cổ sơ cho đến hiện đại. Nhưng mỗi nền văn hóa lại có thể có những biểu tượng khác nhau hoặc phát triển khác nhau những ý nghĩa của cùng một biểu tượng.

Trong các biểu tượng văn hóa nói chung và trong văn học nói riêng, biểu tượng Cây chiếm một vị trí khá đặc biệt. Đây là một biểu tượng đa nghĩa, năng sản và xuất hiện với tần số lớn trong văn hóa, văn học mọi dân tộc. Dựa trên những đặc điểm sinh học cơ bản của loài cây và mối quan hệ của chúng với đời sống con người, biểu tượng Cây thường diễn hóa thành một số dạng thức chính dưới đây (tuy nhiên, biểu tượng có tính đa nghĩa và thường được suy tưởng theo lối nguyên hợp, nên sự phân loại này cũng chỉ là tương đối).

Cây liễu và vô vàn các cây hoa đẹp đã đi vào văn học nghệ thuật như những ẩn dụ đầy sức biểu cảm cho những cô gái đẹp.                Nguồn: Internet

Mô hình ba tầng của cây với sự sinh thành biểu tượng Cây Thế giới - Cây Đời; Cây Chúa; Cây Nhận thức 

Với hình dáng đặc biệt - ngọn vươn lên trời, rễ cắm sâu xuống lòng đất, thân cành tỏa rộng, giao tiếp với mặt đất - một cách tự nhiên, cây luôn gợi ý niệm về mô hình vũ trụ, sự giao lưu và thống nhất giữa ba tầng: Trời - Đất - Người hay thiên giới - địa giới - âm giới. Có thể nói, giải thích và mô hình hóa bí ẩn của vũ trụ và sự sáng tạo thế giới, đó là một trong những ý nghĩa cổ sơ nhất của biểu tượng Cây. Gắn bó với biểu tượng Cây Vũ trụ là các loại cây đặc biệt kì vĩ, vững chãi, sống lâu như cây sồi, cây tần bì, cây tùng, cây oliu, tùy theo sự xuất hiện và gắn bó của chúng với từng vùng đất, từng dân tộc. Đó là mô hình lí tưởng để chuyển tải các ý niệm về vũ trụ như là sự chuyển hóa và nối kết (theo chiều dọc) cũng như sự bền vững (theo chiều ngang)(2) trong nhận thức sơ khai của con người.

Biểu tượng Cây Vũ trụ trong nhiều trường hợp thường đồng nhất với biểu tượng Cây Đời. Hành trình cuộc đời của con người tuần hoàn biến hóa giữa ba cõi sống - chết - bất tử được mô hình hóa bằng hình dạng tam phân của Cây Đời. Cái thang của thánh Jacob trong Kinh Thánh, cây đa trong cổ tích Sự tích chú Cuội cung trăng, cây thần Smuk trong sử thi Đam Săn của Việt Nam thực chất là những diễn hóa của biểu tượng Cây Vũ trụ, Cây Thế giới thành con đường nối kết tam giới, nối kết sinh tử, còn lưu lại trong nghệ thuật sơ kì. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Cây Đời trong thần thoại và tín ngưỡng nhiều dân tộc thường có hình dạng cây mọc ngược. Trong biểu tượng độc đáo đó có hàm ẩn quan niệm về nguồn gốc sự sống của người xưa: sự sống đến từ trời xuống. Biểu tượng Cây Đời còn hàm chứa quan niệm về sự bất tử, sự tuần hoàn miên viễn của sự sống ứng chiếu với đặc điểm chu kì sinh trưởng, tái sinh và tính trường cửu của những loài đại thụ thường được mượn để biểu thị. Do đó, Cây Đời còn được diễn hóa thành biểu tượng Cây Bất tử và biểu tượng Chúa.

Hình tượng Chúa với tính chất thông tỏ ba cõi, thống lĩnh không gian thời gian, sự bất tử và quyền năng vô hạn được đồng nhất, biểu thị bằng hình ảnh một thân cây có thể gặp trong nhiều nền văn hóa. Chúa Dammazi của người Sumer, thần Brahman của đạo Hindu nhiều khi được hình tượng hóa bằng hình ảnh cây, trong Thiên chúa giáo, hình ảnh Jesus gắn bó mật thiết với hình ảnh cây Thánh giá, nhiều khi nội hình ảnh Thánh giá cũng tượng trưng cho Chúa, cho đạo Kitô.

Tính minh triết tiềm tàng trong hình tượng Cây Đời còn khiến cho biểu tượng này được diễn hóa thành biểu tượng Cây Trí tuệ, Cây Nhận thức. Thích Ca Mâu Ni đốn ngộ và thành Phật dưới một gốc Bồ đề, Chúa Odin của người Na Uy đã nhận được món quà ngôn ngữ khi treo mình lơ lửng dưới cây tần bì Thế giới, Adam và Eva đã đánh mất sự ngây thơ và phạm tội khi ăn quả từ cây trí tuệ trong vườn Eden, chàng dũng sĩ Hercules phải liều mình để trộm được ba quả táo vàng thông thái từ khu vườn do tên khổng lồ canh giữ - đó đều là những biểu tượng điển hình về Cây Trí tuệ, Cây Nhận thức. Đặc biệt, một ví dụ sáng rõ hơn: biểu tượng Cây mọc ngược của người Do Thái ngoài hàm nghĩa mô hình hóa vũ trụ (rễ mọc trên thiên đàng, cành lá là tạo vật dưới trần thế) còn có hàm nghĩa khác - bộ rễ tượng trưng cho những dây thần kinh trên đầu và lá cành là sự lan tỏa phân nhánh của những dây thần kinh khắp cơ thể(3). Biểu tượng này mang quan niệm về sự trưởng thành tinh thần và sự tổ chức hoạt động tâm linh của con người. Đây là một biểu tượng hàm chứa những yếu tố duy vật khá sớm của con người.

Phái sinh từ những ý nghĩa đó, cây còn trở thành biểu tượng của quyền năng, uy quyền. Không phải ngẫu nhiên mà trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện ba nữ thần Athena, Hera và Aphrodite tranh nhau quả táo vàng - đó là biểu tượng của quyền lực, danh tiếng. Nhành dương liễu trong tay Quan Thế Âm Bồ Tát cũng mang trong nó những năng lực thanh tẩy, giác ngộ và ban phúc kì diệu. Cây hoa hồng quấn quanh chân Đức Mẹ Maria trong những bức tranh thánh cổ cũng xuất phát từ những ý nghĩa đó.

Chất lưỡng tính và sức sinh trưởng của cây với sự sinh thành ý nghĩa biểu tượng cho sự phồn thực, cái chết và sự phục sinh, sự bất tử

Trong tự nhiên tồn tại không ít loài cây lưỡng tính có khả năng tự sinh sản, duy trì loài. Bên cạnh đó, con người có thể đọc ra trong hình ảnh cây những đặc điểm, sắc thái đối nghịch cùng tồn tại: cây với những hoa trái sum suê, những hốc, ụ dung chứa muôn loài gợi hình ảnh người mẹ, tính nữ; mặt khác dáng hướng thẳng của cây lên trời, sự vững chãi lại gợi ý niệm về nam tính, về hình ảnh người cha. Thêm vào đó, loài cây với sức sinh sản và sinh trưởng mãnh liệt, bất chấp sự khắc nghiệt của tự nhiên đã đi vào tâm thức con người và trở thành biểu tượng phồn thực: không ít các dân tộc có tục thờ cúng cây, sử dụng cây trong những lễ cầu cúng cho mùa màng, chăn nuôi. Nhiều dân tộc còn có tục đám cưới giữa người với cây để cầu mong đông con nhiều cháu. Cây cỏ trong tâm thức con người thường được diễn giải như biểu tượng của ánh sáng, của những tia nắng mặt trời đem sự sống cho muôn loài hay như biểu tượng về sự sinh sản(4). Trong huyền thoại Thiên chúa giáo, quả táo Adam chính là cội nguồn cho sự sinh thành của loài người. Chú bé trong quả đào, nàng tiên trong ống tre trong truyện cổ Nhật Bản, hồng cốm trong các lễ dẫn cưới của người Việt cũng là những biểu tượng xuất phát từ ý nghĩa cây - biểu tượng phồn thực.

Chất lưỡng tính và sức sinh trưởng, vòng đời của cây còn dẫn đến một ý nghĩ biểu trưng khác: cây rụng lá, khô khỏng, héo hon trong mùa thu, mùa đông và tái sinh, tràn trề sức sống vào mùa xuân, mùa hạ khiến cho chúng đồng thời trở thành biểu tượng cho cái Chết, sự Phục sinh, sự Bất tử(5). Hình ảnh cây Thánh giá chịu nạn đâm nhánh trổ hoa trong lễ Phục sinh, cây sồi trong tâm tưởng nhân vật Andrey Bolcolski của tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình đều có cơ sở từ những đặc tính tự nhiên đó của cây cối. Trong văn hóa phương Tây còn lưu giữ được những ý nghĩa hết sức tốt đẹp và thơ mộng xuất phát từ ý nghĩa biểu trưng cho sự trường cửu của cây: những cây thông Giáng sinh rực rỡ mang trên mình những món quà, ánh sáng, vật trang trí xinh đẹp như biểu tượng về niềm vui, hạnh phúc vĩnh cửu tràn trề trong mỗi mái nhà, xua tan băng giá mùa đông và khởi đầu một năm mới tốt lành; những lễ kỉ niệm đám cưới Sồi, đám cưới Tùng Bách… đều biểu thị một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu.

Những cây thông Giáng sinh rực rỡ mang trên mình những món quà, ánh sáng, vật trang trí xinh đẹp như biểu tượng về niềm vui, hạnh phúc vĩnh cửu tràn trề trong mỗi mái nhà.    Nguồn: Internet

Sự gắn bó mật thiết của cây với đời sống con người - cây như biểu tượng cho sự che chở, vẻ đẹp, tâm hồn con người

Ở bất kì một vùng đất nào có con người cư trú, dẫu đặc thù kinh tế là chăn nuôi hay trồng trọt, đời sống con người đều gắn bó chặt chẽ với cây cối. Cây là nguồn sống, sự ấm no, sự che chở bảo vệ và cả vẻ đẹp, niềm vui sống. Những cây sồi già cao lớn, mạnh mẽ, trầm ngâm trong văn học Mỹ gợi nhớ đến miền Tây, đến mái nhà, đến quê hương. Hình ảnh cây sồi với dải ruy băng màu vàng trong bản nhạc đồng quê Hãy treo một dải lụa vàng lên cây sồi già nua (Tie A Yellow Ribbon Round The Ole Oak Tree, Irwin Levine) của Mỹ cũng cùng gợi ý nghĩa ấy: sự tha thứ, đùm bọc yêu thương của quê hương và những người thân đối với người lầm lỗi muốn quay trở về. Cây dương, cây phong, cây liễu và vô vàn các cây hoa đẹp đã đi vào văn học nghệ thuật như những ẩn dụ đầy sức biểu cảm cho những cô gái đẹp. Đặc biệt, trong những nền văn hóa nông nghiệp, sức sống của những biểu tượng Cây càng tràn trề. Cây là tâm hồn con người, con người thở cùng cây, nghe được nhạc cây - coi nhạc cây là nhạc của trời đất, suy nghiệm, mong ước, thở than cùng cây. Nói khác đi, họ mượn cây, lẩn sau hình ảnh của cây để bộc bạch tâm hồn mình. Hình ảnh cây trở thành điểm tựa cho tâm hồn, thành biểu trưng cho vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn con người. Con người tìm được sự bình an trong hình ảnh tràn trề sức sống và gần gũi ấy. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng tràn ngập hình ảnh của cây. Khi Kiều còn là nàng thiếu nữ trong sáng, sống trong cảnh êm ấm, thì cảnh vật cũng được miêu tả xiết bao thơ mộng, tươi đẹp: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, hay “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”. Khi Kiều bắt đầu bước vào cuộc đời lưu lạc phong trần, cảnh vật cũng lập tức “đeo sầu”: “Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?/ Buồn trông nội cỏ rầu rầu,/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.

Không có gì mâu thuẫn khi hình ảnh cây còn thấm đượm nhiều sắc thái tình cảm khác: nỗi buồn, sự cô đơn… hay tượng trưng cho những loại người vô cùng khác nhau - quân tử, tiểu nhân, phụ nữ, nam giới, trẻ thơ, người già - bởi một lẽ, cây đã gắn bó mật thiết đến mức nhiều khi được đồng nhất với con người, con người trong tổng thể phức tạp của nó. Ta nhìn thấy dấu ấn biểu tượng Cây trong cây phả hệ, trong ngôn ngữ nói (cây số, cây kem, cây vàng, cây thuốc, cây đàn, lá phổi, mày lá liễu, ngọn bút, vỏ hộp, v.v..) và trong vô vàn thành tố khác của văn hóa nghệ thuật.

***

Phong phú như chính thế giới loài cây, các biểu tượng Cây đã sinh thành, diễn hóa trong văn hóa của các dân tộc và loài người nói chung. Xuất phát từ chính những đặc điểm nội tại và từ sự gắn bó mật thiết, hữu cơ với đời sống con người của thế giới thực vật mà ý nghĩa của biểu tượng Cây giữa các nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng, gặp gỡ. Tuy nhiên, khi giải mã biểu tượng Cây trong mỗi nền văn hóa không thể gượng ép lấy cái chung để quy chụp cái riêng. Biểu tượng là đa nghĩa và có sự diễn hóa thường xuyên, một biểu tượng có thể có nhiều hàm nghĩa phong phú, thậm chí có những ý nghĩa đối nghịch nhau, xuất phát từ nhiều tính chất khác nhau của hình ảnh mà nó làm phương tiện ẩn dụ. Đi vào văn học với tư cách là một chất liệu của tưởng tượng, chất liệu mang đầy dấu ấn lịch sử, truyền thống, kí ức cộng đồng, biểu tượng Cây còn được gia tăng nhiều sắc thái ý nghĩa phong phú dựa trên ngữ cảnh mà nó được sử dụng

Chú thích

(1)Bài giảng chuyên đề “Giải mã văn học từ mã văn hóa”, PGS.TS Trần Lê Bảo, tr.2.

(2)Các phạm trù văn hóa trung cổ, A.JA. Gurêvich, NXB Giáo dục, 1998, tr.16.

(3)Thi pháp của huyền thoại, E.M.Meletinski, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.134.

(4), (5) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alan Gheerbrant, NXB Đà Nẵng, 1997, tr.559.

Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy