Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Giai điệu Thái Nguyên

VNTN - Đã thành thói quen, mỗi khi nhớ nhắc đến quê hương hay một vùng đất nào đó, người ta thường âm thầm ôn lại “chuyện xưa tích cũ”, đặc biệt là những điều đã để lại ấn tượng sâu sắc. Và để thể hiện nỗi nhớ, đồng thời cũng làm vơi đi nỗi nhớ đó thì cách dễ nhất và nhanh nhất là tự hát một ca khúc quen thuộc viết về quê hương hoặc những vùng đất này.

Dĩ nhiên, không thể lúc nào cũng có thể cất lên tiếng hát được, mà nhiều khi chỉ cần huýt sáo hoặc ê a một phần giai điệu của những ca khúc đó. Ca khúc càng phổ biến (được cả nước biết đến) thì nỗi nhớ càng dễ được chia sẻ do có sự đồng cảm của những người chung quanh. Chẳng hạn, nhớ Thủ đô thì có Người Hà Nội (Nguyễn Đinh Thi), hay Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Hoa sữa (Hồng Đăng), khi nhớ Thái Bình thì nghĩ ngay đến bài Nắng ấm quê hương của Vĩnh An, nói đến Hải Phòng là nhớ Thành phố hoa phượng đỏ (Nhạc Lương Vĩnh, lời thơ Hải Như), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc) hoặc nhớ Đồng Hới thì Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân) phải là đầu bảng.

 

Không nằm ngoài “qui luật” và tâm lý chung ấy, những người Thái Nguyên đi làm ăn xa quê và những ai đã từng gắn bó với Thái Nguyên nhưng nay đã chuyển đi nơi khác mỗi khi nhớ đến vùng đất này cũng có những ca khúc “địa phương và cục bộ” để thể hiện và làm vơi đi nỗi nhớ của mình: Nếu là người thành phố thì có bài Hát về thành phố Thái Nguyên (Nguyễn Đức Toàn), Thành phố bên sông Cầu (Thuận Yến - Ba Luận); người Định Hóa có Về Phú Đình quê em (Thế Tuấn); người Võ Nhai có Khúc ru Thần Sa (Cát Vận)… Ngoài ra còn có những Người đẹp Thái Nguyên, Bến Nam Phương khúc nhạc chiều, Đôi bờ sông Công… Đó là chưa kể đến một loạt bài hát ca ngợi khu Gang thép ra đời từ hồi chưa tách tỉnh. Riêng lớp người “U70”, hẳn vẫn còn cảm thấy bâng khuâng man mác bởi những ca từ “Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều…”, khúc mở đầu ca khúc Nhớ chiến khu của Đỗ Nhuận.

Tuy nhiên, nếu có một ca khúc về Thái Nguyên đủ tầm để lan tỏa ra các nước thì đó chính là Huyền thoại hồ Núi Cốc của nhạc sỹ Phó Đức Phương. Không nhất thiết là tác phẩm đạt giải trong các cuộc vận động sáng tác của tỉnh hoặc làm theo “đơn đặt hàng”; trong ca từ cũng không hề có hai chữ “Thái Nguyên” nhưng rõ ràng là cho đến hôm nay, Huyền thoại hồ Núi Cốc vẫn được coi như một “tượng đài bằng âm nhạc” của tỉnh. Và vì vậy, mỗi khi nhớ về Thái Nguyên, nhắc đến Thái Nguyên, hẳn rất nhiều người sẽ liên tưởng đến, mượn giai điệu bài hát này để “nói hộ” tâm tư cũng là điều dễ hiểu.

Trong lịch sử âm nhạc nước ta một thời từng có bài hát vốn đang “ngự trị” ở vị trí số một nhưng đã bị một ca khúc khác soán ngôi. Đó là: từ tháng 5/1975, “Như có Bác trong ngày Đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên không những đã thay thế mà còn “loại bỏ” bài “Kết đoàn” - một nhạc phẩm của người Trung Quốc. Dẫn chứng câu chuyện này, âu cũng là muốn bày tỏ sự tin tưởng rằng: cùng với thời gian và sự phát triển về mọi mặt của tỉnh Thái Nguyên hôm nay, hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ có thêm nhiều bài hát được cả nước biết đến, có thể soán ngôi “Huyền thoại hồ Núi Cốc” chẳng hạn (?!); góp phần làm ấm lòng những người yêu quý vùng đất Thái Nguyên dù sinh sống tại đây hay đã và đang xê dịch

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy