
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Câu chuyện của nông dân xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) phải vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng do không bán được, đã nhận sự quan tâm từ cộng đồng xã hội trong nhiều ngày qua. Một lần nữa, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại phải lên tiếng kêu gọi chung tay mua củ cải. Sự vào cuộc của các hệ thống siêu thị tại Hà Nội và TP HCM, phần nào đã giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. 2 siêu thị Lotte tại Hà Nội đã tiến hành thu mua với mức giá 3.000 đồng/kg (gấp 3 lần giá bán tại ruộng), giúp nông dân gỡ vốn. Siêu thị Co.opmart cũng chung tay với mức giá mua từ 2.500 - 7.000 đồng/ kg (tùy loại). Big C thu mua với giá 3.900 đồng/kg. Các siêu thị đã thu mua và lượng tiêu thụ ước tính gần 50 tấn.
Theo ước lượng, thì số củ cải bị thiệt hại do không tiêu thụ được từ Tết Nguyên đán đến thời điểm phải nhổ bỏ là 2.000 tấn, diện tích tồn đọng chưa tiêu thụ được còn 30 ha, tương đương 3.000 tấn, ước tổng thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Sự chung tay “giải cứu củ cải” cũng tương tự như giải cứu chuối, giải cứu dưa hấu… đã diễn ra trong những năm gần đây. Động thái “giải cứu” tích cực, nhưng suy cho cùng đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, tùy vào lòng “trắc ẩn” của các chủ siêu thị, doanh nghiệp, cá nhân mà thôi.
Từ lâu, người Việt có thói quen mua hàng bằng… niềm tin, nhưng niềm tin nay cũng thật bấp bênh. Thấy củ cải to thì cho rằng đây là củ cải Trung Quốc chứ không tin rằng giống cải mà nông dân xã Tráng Việt trồng là giống to, quy trình trồng đảm bảo sạch 100%. Thực tế đáng buồn hơn, là chúng ta đã, đang sản xuất không theo nhu cầu thị trường mà chỉ theo phong trào, cứ thấy cây gì, con gì có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng. Không quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu, nên cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, “dội chợ” cứ tiếp diễn hết lần này qua lần khác.
Cũng khoảng thời gian này năm ngoái, chúng ta đã “giải cứu” chuối ở Đồng Nai. Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Võ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đã đề cập đến một giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới mong giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.
Rõ ràng là, một nông dân (cá thể) chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hóa thì phải kết hợp nhau lại (tập thể) để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm và cạnh tranh giá cả. Hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, dựa trên mô hình hợp tác xã sẽ giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, có thể ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Thêm vào đó, việc giải bài toán nông sản dư thừa không thể không nói đến sự liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì mặc dù chúng ta có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp. Việt Nam cũng đã có nhiều sản phẩm được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Qua đó thì thấy một vấn đề quan thiết khác, đó là việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, giải pháp được coi là phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp cần nghiên cứu và thực thi.
Thương người nông với nỗi buồn nông sản ế, nhiều người không khỏi thắc mắc, rằng vai trò của ngành chế biến nằm ở đâu trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, thì công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, ngay cả một số tỉnh trọng điểm của vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cũng không có bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia trong lĩnh vực này. Phải chăng đã đến lúc Nhà nước cần xem xét lại, đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn?
Giải cứu tầm nhìn, có lẽ là việc làm quan trọng hơn cả vào lúc này. Bởi theo Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018, thì từ năm 2018 sẽ có hàng trăm mặt hàng, đặc biệt rau quả Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam với thuế suất 0%, khi đó nguy cơ nông sản Việt sẽ bị chèn ép là rất lớn!
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...