
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Nhiều năm nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta không còn xa lạ trước việc ngày càng có nhiều những tin tức về các vụ xâm hại, tự tử, tội phạm… mà đối tượng là những “nam thanh nữ tú” ở độ tuổi mới vào đời. Cách đây không lâu, thông tin một nữ sinh viên năm 4 trường Đại học Văn hóa ném đứa con cô vừa sinh hạ từ tầng 31 chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống đất, thực khiến người nghe rùng mình. Sinh linh bé bỏng bị chối bỏ, cô gái ấy bị lên án dữ dội vì sự ngu ngốc, tàn nhẫn, vô nhân tính của cô... Hành động ấy tựa như cảnh tượng trong phim kinh dị vậy. Nhưng truy xét đến cùng bản chất sự việc, ta sẽ thấy vấn đề thực sự nằm ở một chỗ khác, nó đánh động đến tất cả những ai có con/em đang độ tuổi mới lớn.
Cha mẹ của cô gái hẳn đã sốc và đau đớn lắm. Lặn lội từ Quảng Bình ra chăm sóc con, người cha tâm tư nặng trĩu: “sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn và quá đường đột. Bản thân tôi cũng đang vô cùng rối bời”.
Đường đột, rối bời…, vậy là không ai trong gia đình biết việc cô gái có thai. Lẽ nào vì sợ cha mẹ sẽ có những phản ứng tiêu cực, bản thân cũng chưa chuẩn bị tâm lý để đối diện và chịu trách nhiệm với đứa trẻ, cô sợ cảnh sẽ bị gia đình bỏ rơi bởi lầm lỡ này nên chọn im lặng chăng? Cô giấu giếm vì sợ những lời đàm tiếu, dè bĩu, miệt thị… của người xung quanh? Nếu không thế thì sao ở trường, các thầy cô, bạn bè cũng không ai biết cô có thai! Gia đình không biết, đồng nghĩa với việc đó không còn là chỗ đáng tin cậy để cô dựa vào?
Truyền thống người Việt ta vốn coi tiết hạnh là phẩm giá lớn lao của người phụ nữ. Xưa kia, chuyện con gái “không chồng mà chửa” sẽ khiến gia đình, dòng họ mang tiếng xấu, ê chề nhục nhã. Họ phải chịu phạt cạo đầu bôi vôi, bỏ rọ dìm sông... Ngày nay, mặc dù xã hội hiện đại có nhiều tư tưởng tiến bộ, song nhiều gia đình, làng xã vẫn chưa thể dễ dàng chấp nhận việc “xé rào” này.
Sự chối bỏ của người thân là điều tồi tệ nhất đối với cá nhân người phạm lỗi lầm. Vài năm trước, câu chuyện của một bà mẹ đơn thân bất đắc dĩ ở Thanh Hóa cũng gây “ồn ào” trên mạng xã hội. Trót yêu rồi lỡ làng, bạn trai trốn tránh, cô không dám nói với ai trong gia đình ở quê, vì không có đám cưới mà có chửa là bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ, cả họ sẽ xấu hổ. Cô đành im lặng, nỗ lực làm lụng tự nuôi thân, nhiều ngày ăn mì tôm qua bữa. Những cơn nhợn ói thai nghén, đau nhức xương cốt, khó nhọc và bức bối tâm lý khi mang bầu chẳng thể chia sẻ cùng ai. Nhưng khi không thể một mình gồng gánh được nữa, cô quyết định thú nhận mọi việc. Bố cô không chấp nhận “vết nhơ” này, ông không muốn nhìn mặt, một mực muốn đuổi cô đi.
Bị gia đình chối bỏ, hoặc cha mẹ vì bận bịu chẳng quan tâm cũng đều tạo ra những hậu quả khó lường với con trẻ. Nhiều năm trước, cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) đã bắt được một băng cướp nhí trên địa bàn, chuyên cướp tài sản lúc nửa đêm. Đối tượng cầm đầu chưa tròn 20 tuổi, đàn em choai choai từ 14 đến 16 tuổi, ăn chơi lêu lổng. Trong số đó có tên từng có 2-3 tiền sự trộm cắp. Chúng gầy gò, đen nhẻm, tóc dài, nhuộm vàng đầy vẻ phong trần, bất cần. Hỏi chuyện thì biết, cha mẹ các em phần lớn lo việc mưu sinh, ít thời gian để ý đến con cái. Cũng có gia đình biết con theo “bang nhóm” nhưng cũng bỏ mặc, nên việc chúng tụ tập, làm chuyện phi pháp cứ tiếp diễn. Có đứa còn chua chát: “Đi ăn cướp dễ kiếm tiền mà còn vui!”. Nghe mà đau xót.
Đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra chỉ vì sự chối bỏ yêu thương của người thân. Tự tử vì áp lực khi trót “ăn cơm trước kẻng”; có người ly hôn mang tiếng bị chồng bỏ, xóm giềng dèm pha, gia đình trách móc đã buông xuôi, sống không hồn phách. Lại có trường hợp cha mẹ vì kỳ vọng nhiều ở con cái mà áp đặt, so sánh với “con nhà người ta”, khiến trẻ căng thẳng, rối loạn đến mức muốn được “giải thoát”... Nhà - gia đình khi ấy chẳng còn là chốn bình yên nữa.
Có một bộ lạc da đỏ ở Châu Mỹ, khi ai đó trong bộ lạc phạm sai lầm, tộc trưởng sẽ ra lệnh đưa người ấy ra giữa làng, tất cả những người còn lại đứng xung quanh, liên tục nói về những điều tốt, những điểm mạnh của người đó. Họ tin rằng, đó là cách để người phạm lỗi được cứu rỗi; và từ những điều tốt đẹp của bản thân được mọi người chỉ ra kia mà sống tốt hơn.
Chuyện đọc được cũng đã lâu trên mạng xã hội, không nhớ rõ là của bộ lạc nào cụ thể, song nó khiến ta phải suy ngẫm nhiều. Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân lên ngôi như ngày nay, nếu gia đình không sát sao quan tâm, chia sẻ, không sẵn sàng chìa vòng tay ấm áp khi con/em cần nhất, thì những người thân chính là kẻ gián tiếp đẩy chúng vào tuyệt vọng, và rồi bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...