Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
04:49 (GMT +7)

Ghi từ phiên chất vấn Bộ trưởng “chưa bao giờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

VNTN - Trong tổng số 477.834 công chức đang làm việc, có đến 132.700 người được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, song Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói, từ khi làm lãnh đạo ông không khi nào tự xếp mình vào trong số này.

Tuần làm việc thứ ba của Quốc hội khóa 14 vừa khép lại với ba ngày chất vấn bốn vị Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định bản thân chưa khi nào dám nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Theo báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề này được Bộ trưởng gửi đến Quốc hội trước thềm phiên chất vấn trực tiếp thì tính đến ngày 30/9/2019, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 người.

Cập nhật đến ngày 30/10/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 32 bộ, ngành ở Trung ương và 63 địa phương.

Kết quả tổng hợp trong tổng số 477.834 công chức, được phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 132.700 người, chiếm tỷ lệ 27,77%, hoàn thành tốt nhiệm vụ có 326.138 người, chiếm 68,25%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 10.847 người, chiếm 2,27%. Không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 3.013 người, chiếm tỷ lệ 0,63%.

Dẫn lại con số 0,63% này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng cho biết con số đó có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Và nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay đến từ có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại?

Trả lời đại biểu Thủy, Bộ trưởng Tân khẳng định đánh giá và phân loại như trên là chưa chính xác.

Sự đánh giá chưa dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc được phân công mà chỉ dựa trên tình cảm đánh giá một cách chung chung là chủ yếu. Trong thời gian qua việc xây dựng tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ít nơi làm nên đánh giá còn cảm tính và nể nang, Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng thì thường các lãnh đạo ít khi đánh giá là hoàn thành hay hoàn thành tốt nhiệm vụ mà toàn là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng "hơn 10 năm tôi làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên chưa có bản tự kiểm điểm nào tôi đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng anh em nói nếu Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng mà không hoàn thành xuất sắc thì chúng em sao được hoàn thành xuất sắc", Bộ trưởng phân trần.

Người đứng đầu ngành nội vụ còn băn khoăn ở chỗ, trong khi bên Đảng quy định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20%, mà công chức lại có 27%-30% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là thế nào?

Cho rằng sắp tới cần chấn chỉnh, phân loại cán bộ cho nghiêm túc, chứ như hiện nay thì "đánh giá cán bộ đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Nói tinh giản biên chế theo nghị định 108 của Chính phủ mà khó quá, không có đối tượng nào để tinh giản biên chế, trong khi đó dư luận xã hội nói là chỉ có 30% công chức làm việc được", Bộ trưởng so sánh.

Chuyện 70% công chức "sáng cắp ô đi tối cắp về" đã nhiều lần xuất hiện tại các phiên chất vấn, song khẳng định con số từ chính báo cáo do Bộ mình tập hợp là không chính xác, khẳng định bản thân chưa khi nào dám nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bởi "đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc" như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân vẫn khiến nghị trường có đôi chút ngỡ ngàng.

Nhưng ngỡ ngàng hơn là lúc Bộ trưởng quả quyết sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng vì khuyết điểm của chính ông "phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn".

Đó là khi ông trả lời chất vấn của một vị đại biểu về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện quyết định 402 của Thủ tướng về chính sách đối với cán bộ người dân tộc từ tháng 3/2016.

"Xin thưa với đại biểu, đây là lần thứ hai tôi thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng trả lời đại biểu.

Sau đó, ông nói rõ hơn rằng từ tháng 3/2016 Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ mà đến nay Bộ này còn 4 nhiệm vụ chưa làm.

"Tôi xin báo cáo với Thủ tướng là tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này, đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ và trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng", ông Tân nói. Khi đó ống kính VTV hướng về hàng ghế đầu của Hội trường Diên Hồng, nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chăm chú lắng nghe và ghi chép.

Tiếp đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân "tự phê": một quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ chính sách như thế mà đến nay chưa ban hành chương trình hành động, chưa phối hợp với Bộ Tài chính để lập kinh phí thực hiện, cũng chưa tổng hợp báo cáo hàng năm và đề án xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc cũng chưa có. "Khuyết điểm này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xin nhận trách nhiệm hay xin nhận khuyết điểm thì không còn là chuyện hiếm ở Quốc hội, nhưng cách "nhận" của Bộ trưởng Tân thì đúng là có hơi "lạ". Chỉ có điều, điều cử tri mong đợi có lẽ không phải là Bộ trưởng sẽ bị "kiểm điểm đến nơi đến chốn" mà là sau phiên chất vấn này, tình trạng công chức, viên chức nhũng nhiễu, hành dân và doanh nghiệp như nhận xét của các vị đại biểu thì đang diễn ra phổ biến sẽ giảm đi rõ rệt. Và nếu trước Quốc hội các vị Bộ trưởng đều không phải sử dụng đến ba chữ “nhận trách nhiệm” thì còn đáng mừng hơn nữa.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy