Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:25 (GMT +7)

Ghé thăm cuộc rượu của Võ Sa Hà với núi

VNTN - Cuộc rượu không rôm rả, không ồn ã, náo nhiệt, nhưng dẫu sao thì cuộc gặp gỡ giữa họ cũng mang lại cho ta sự ấm lòng, xóa tan đi nỗi hiu quạnh, cô đơn của tình cảnh không có bạn hiền như tình cảnh mà Cụ Nguyễn Khuyến đã gặp...


(Nhân đọc bài thơ Chiều xuân uống rượu với núi của Võ Sa Hà)

Nỗi cô đơn mang bản thể người nghệ sĩ

Bài thơ Chiều xuân uống rượu với núi là lời đối thoại ngầm của thi sĩ Võ Sa Hà với Cụ Yên Đổ. Tác giả nhằm vào, hướng vào mấy câu thơ sau của Cụ:“Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua, không phải không tiền không mua/ Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa...”. Thấu hiểu nỗi lòng của Cụ Nguyễn Khuyến, nhưng chính Võ Sa Hà cũng chẳng biết uống cùng ai, nên thi sĩ đặt ra tình huống uống với Núi, tức là uống với chính mình. Võ Sa Hà đồng cảm sâu sắc với nỗi cô đơn của người xưa. Không có bạn, thiếu bạn, vắng bạn, đó là nỗi khắc khoải muôn đời của các thi nhân.

 “Xếp bằng trên đá/ Bắt tay nhau/ Nào cạn chén đầu!/ Núi kể gì đi/ Hình như mọi chuyện đều rất cũ.../ Ta cũng thế!/ Thêm chén nữa!/ Chưa chi đã thở phì phò…/ Thôi uống đi!/ Rượu ngô trong vắt/ Men lá đấy!/ Ta ủ mấy năm rồi!/ Ngọt thơm như hồn sương/ Chắt ra từ ruột đá”. Trên văn bản, 14 dòng thơ này được tác giả xếp đặt, chia thành 3 khổ. Những ai đã ít nhiều uống rượu, đều cảm nhận đây như là một Cuộc Rượu thực giữa đời của hai người bạn thân thiết. Họ cũng có màn chào hỏi của cuộc rượu. Chuyện trò giữa họ rất ít, vì họ đã quen biết nhau lâu, hiểu nhau, đồng cảm với nhau, nên không cần nhiều lời. Hình bóng thực ngoài đời của tác giả ùa vào thơ. Văn bản cung cấp cho ta những dữ liệu này. Điều đó được coi là văn bản ghi lại, phản ánh được điều mà tác giả muốn nói ra, đã nói ra. Nhưng đối với một số người đọc thơ, họ quan tâm nhiều hơn tới việc dựa vào văn bản, đi tìm điều mà tác giả chưa nói ra, có thể nói ra, sẽ nói ra. Việc tìm kiếm này mới quan trọng, vì kết quả của việc tìm kiếm sẽ làm lộ ra vẻ đẹp của thi ca ẩn chứa trong bài thơ. Vẻ đẹp này phần lớn lại nằm ngoài dự kiến, ngoài dụng ý, ngoài sự chủ tâm của người sáng tạo ra nó.

Cuộc rượu không rôm rả, không ồn ã, náo nhiệt, nhưng dẫu sao thì cuộc gặp gỡ giữa họ cũng mang lại cho ta sự ấm lòng, xóa tan đi nỗi hiu quạnh, cô đơn của tình cảnh không có bạn hiền như tình cảnh mà Cụ Nguyễn Khuyến đã gặp. Ngẫm lại, sự tình này còn buồn thảm hơn. Bởi sự ấm lòng kia, sự gặp gỡ với đầy đủ thủ tục của cuộc rượu, chẳng qua chỉ tồn tại trong mơ, trong mộng ước mà thôi. Trong mơ càng có (cuộc rượu) thì tỉnh lại lòng càng buồn thảm thêm. Không có bạn, Cụ Yên Đổ không mua rượu, nên chẳng uống, nỗi buồn tạm dừng ở đó. Thi sĩ Võ Sa Hà đã gặp bạn, uống với bạn, nhưng chỉ trong mơ, trong mộng ảo, nên trong đời thực, thi sĩ còn ê chề hơn, buồn hơn, cô đơn hơn, lạnh lẽo hơn, và đương nhiên là… sẽ bẽ bàng, đớn đau! Hơn nữa, người bạn rượu này, không phải là con người của nhân sinh, mà là Núi. Hai lần của sự mộng ảo chất ngất vào nhau. Nỗi cô đơn sâu thẳm, khôn cùng. Nằm ngoài dự kiến tỉnh táo của thứ tư duy đã cấu trúc nên tác phẩm, thảng qua một chút ấm lòng của sự gặp gỡ, trong miền của vô thức này, tác giả đưa ta về nơi sâu thẳm của tâm thức, dẫn ta gặp nỗi buồn sơ khởi trong đáy sâu của cõi lòng. Đó là nỗi buồn bản thể của người nghệ sĩ khi không tìm được sự sẻ chia để dịu bớt nỗi đơn thương trong cuộc đời dâu bể đang cần có một sự sum vầy để tìm một sức mạnh nào đó, mà - với một số lượng người phải nhiều hơn một, mới thực thi được.

Ở cuộc rượu này, lượng rượu sử dụng được đo tính bằng chai: làm chai nữa. Hẳn những chai nên người ở cuộc rượu phải say là sự đương nhiên. Họ mấp mé một đôi tri kỷ trong không gian rượu, nhưng, vẫn tỉnh táo để nhận ra sự cô đơn. Họ nhìn vào chén rượu mà thấy cả bầu trời, nhìn chén rượu đầy vồng lên mắt rượu mà nhận ra, nhìn thấy khuôn mặt mình, mắt mình trong chén rượu: “Làm chai nữa!/ Ta còn nhiều mà!/ Núi gật gù vuốt râu/ Ta bâng khuâng sờ đầu/ Ơ lơ thơ tóc bạc?/ Có đám mây bay lạc/ Rơi vào chén mình đây!/ Róc rách suối lay/ Chiu chít chim chào/ Thì thào lá gọi?/ Nảy tưng tưng mắt rượu/ Sóng sánh trong mắt ta/ Núi nhìn thấy chưa ???”.

Một đoạn thơ nhiều thi ảnh lạ và đẹp. Thi sĩ uống rượu, uống cả đám mây bay lạc, uống cả tiếng “róc rách suối lay/ chiu chít chim chào/ thì thào lá gọi”, vì tất cả đang “nảy tưng tưng mắt rượu”. Một cái chén nhỏ, rượu đầy cong vượt qua cả miệng chén, gói đựng cả đất trời quê núi. Núi và nhà thơ uống tất. Một sáng tạo mới của thơ rượu Thái Nguyên.

Nhà thơ Võ Sa Hà

 

“Cảm thức Mẹ” trong thi phẩm

Bốn câu trong khổ cuối của bài thơ, tác giả viết: “Sao Núi sớm lơ mơ?/ Ta ngả lưng chút đã!/ Đá ấm thế/ Núi ôm ta bay bay… ”.

Núi nào mà chẳng to lớn, vĩ đại so với con người. Con người thật nhỏ nhoi, bé bỏng trong không gian của núi, của rừng.

“Đá ấm” - cụm từ này xác nhận rằng chủ thể phát ngôn đã ở trong đá, được bao bọc trong đá với cảm giác ấm áp. “Núi ôm” - ôm ấp một con người, một sinh linh mà chúng ta gọi là nhân vật trữ tình trong văn bản thơ. Trong khuôn khổ của tư duy luận lý đơn thuần (lý trí thuần túy), thì đá núi trong tự nhiên ở xứ ta không khi nào có thể “ấm”. Cho nên, chúng ta hãy đi vào một miền khác, nơi không có sự ngự trị của lý trí tỉnh táo để xem xét các biểu tượng thi ca… Trong thơ Võ Sa Hà, “Rừng” là Mẹ rừng, “Núi” là Mẹ núi. Cho nên “Núi ôm” cũng là Mẹ ôm. Ở đây, “Đá” là Ruột núi, là Bụng núi. Mang cảm giác “Đá ấm” tức là nhân vật trữ tình đã tồn tại, đã được bao bọc trong “đá”, nằm trong bụng núi, trong ruột núi, như nằm trong lòng mẹ, trong bụng mẹ. “Núi ôm ta” cũng là Mẹ ôm ấp ta. Lời lẽ trở nên đầy tự hào trong niềm hạnh phúc, trong niềm vui khôn cùng. Thì ra, trong tâm thức, nhà thơ của chúng ta đã lạc ngay vào thế giới mà chỉ có cảm xúc nguyên sơ ngự trị. Thi sĩ rơi vào thế giới tiền sử của đời mình. Thi sĩ đã trở về thời hỗn mang của sinh linh mình, thuở còn trong bụng mẹ, chưa ra đời. Trong miền vô thức, chưa có lý trí ngự trị, thì “Núi ôm ta bay ...”. Nhưng khi đã vượt lên trên để thoát ra thành lời giao tiếp xã hội, thì có thể có một thông điệp là Mẹ ôm ta bay.

Chúng ta vẫn biết Núi to lớn như thế nào so với con người. Núi đang bay và tiếp tục bay, bay nữa. Cho nên, Núi không thể bay trong không gian của người trần thế được. Quãng đường Núi bay thông suốt như vậy, nó phải bay trong không gian vũ trụ, không gian của trời mây và trăng sao. Mẹ Núi tồn tại trong vũ trụ, trong không gian ảo, chứ không phải trong cuộc sống ở trần gian này, cho nên, chúng tôi gọi người mẹ trong thơ Võ Sa Hà là Người Mẹ thần thiêng. Người Mẹ thần thiêng ấy đã ôm sinh linh nhỏ bé, mong manh mà Bay, để đưa dẫn Hòn Máu - hài nhi của Người, tuổi mới được tính bằng ngày. Người bọc nó trong bụng, trong lòng, trong anh linh của mình. Nó đã sống sót trong đời sống thế gian, lớn lên, trưởng thành, thành đạt trong sự bảo trợ của anh linh Người. Nó cảm nhận được sự thần thiêng nơi Người, ánh sáng bảo trợ nơi Người, nên dù đã được lớn lên, trưởng thành, thành đạt, và ngay đến khi tóc đã bạc, nó vẫn thấy mình mãi còn thơ bé. Đúng là “Dù sống 100 năm chưa thành kiếp con người” (thơ Võ Sa Hà), nó vẫn muốn được Người ôm ấp, chở che, vẫn muốn thơ bé, hàng ngày bước chân líu ríu quanh quẩn bên Người.

Cảm thức Mẹ - sự nhận thức, cảm xúc lọt lòng, tình cảm ấu thơ về người mẹ của nhà thơ là cội nguồn sâu thẳm, vô hình đã cung cấp năng lượng để tạo nên sự lung linh vượt ra ngoài lý trí tỉnh táo, để tạo nên cả một không gian về những điều sẽ nói ra, có thể được sáng lên, lấp lánh từ những hình ảnh thơ đã được xác lập cụ thể trong tác phẩm. “Ôm” - sự ôm ấp ở cuối bài thơ là hình ảnh lưu đọng lại khá ấn tượng trong tâm tưởng của người đọc. Hình ảnh này trong không gian của hình tượng người mẹ trong thơ Võ Sa Hà, với tuyên bố rõ ràng của nhà thơ rằng “Ta mãi còn thơ bé”, đã xác lập nên cảm thức về mẹ trong thơ ông, tạo nên vẻ đẹp khá riêng của thi phẩm.

“Quê núi”- linh hồn thơ Võ Sa Hà

Linh hồn thơ Võ Sa Hà đậu trên chốn quê núi non, núi đá của thi sĩ. Tách  khỏi chốn quê này, thơ Võ Sa Hà mất sức sống. Văn bản bài thơ này cho phép ta liên tưởng, suy tư rằng “núi”, “đá” là hình bóng của biểu tượng Mẹ, và rộng hơn, nó là biểu tượng của quê hương, xứ sở.

Trong thực hành thơ của mình, với vốn tri thức văn hóa dày dặn, Võ Sa Hà đã nhận thức được rằng: sự biểu đạt cái bề nổi của tình cảm cũng như các biểu tượng thơ về quê hương, đất nước, thì Thơ Mới 1932 - 1945, thơ Kháng chiến và ca khúc Việt đã có những thành tựu rực rỡ; nhưng nếu cứ biểu đạt tình yêu quê hương theo cách thức đó, thì cũng chỉ là sự nối dài, cụ thể hóa thêm một phương thức biểu đạt mà nhiều loại hình nghệ thuật đã khám phá ra rồi mà thôi; cần tìm một phương thức biểu đạt khác, mới hơn, khác với phương thức đã được phát hiện. Võ Sa Hà đã từ bỏ cái bề nổi dễ thấy của cảm xúc và biểu tượng thơ. Thi sĩ lặn sâu xuống tận “đáy hồn” (chữ dùng trong thơ Võ Sa Hà) mình, nơi còn đang u minh giữa sáng và tối, nơi của vô thức, để tìm tình cảm ấy trong cõi sâu thẳm của bản thể người. Bản thể - bởi vì, với loài vật thì đấy là hang ổ, với loài người thì đấy là quê hương, xứ sở.

Thơ Võ Sa Hà chỉ dẫn cho chúng ta thấy rằng, chỉ không gian núi cao, rừng sâu, không gian của quê núi mới có thể cho ta cái nguyên sơ, sự tinh khiết của mọi sự vật, mà từ đó tâm hồn ta mới trở nên sáng trong, lành mạnh. Đó là gốc rễ để tạo nên vẻ đẹp của thơ. Khác biệt, tức là đối lập với quê núi này chính là chốn thị thành, phố phường, nơi mà đời sống tự nhiên tươi đẹp của con người đã bị biến hình, đổi dạng đi. Nói một cách khác, con người ngày nay, họ không được sống theo bản thể tự nhiên nguyên sơ, tốt đẹp của mình. Họ đã phải gồng mình lên trong đời sống xã hội hiện thực, chịu rất nhiều áp lực của nhịp đời. Thử nhìn vào một ví dụ sau đây. Thi sĩ Võ Sa Hà cho phép ta nhìn rõ một màn tối đen ở thời điểm “Giữa đêm”. Những gì đây: “giãy dụa”, “cắn”, “đau điếng”, “đuổi”, “chạy”, “tung tóe khắp nơi”, ”bò lê”, “rũ rượi”. Ai có đủ tư cách đứng ra để xét đoán, phán quyết những sự thể này trong đời sống nhân sinh? Ai sẽ là quan tòa? Ai sẽ là trọng tài đây? Nhà thơ của chúng ta trông cậy vào Núi. Thi sĩ khẩn cầu, thúc giục, nhờ cậy để Núi đưa ra nhận định và lên tiếng. Xin được trích dẫn nguyên văn bài thơ này để minh chứng:“Những mái nhà giãy dụa/ Trăng cắn từng miếng đêm đau điếng/ Gió đuổi sương tung tóe khắp nơi/ Hàng cây gật gù rũ rượi/ Con đường bò lê theo ánh trăng tà/ Núi lặng phắc ngắm ta/ Núi nghĩ gì?/ Nói gì đi chứ!” (Giữa đêm - thơ Võ Sa Hà). Trái lại, ở không gian quê núi, sự thể khắc hẳn. Rượu thì “trong vắt”, lại được ủ trong thời gian dài những “mấy năm”, cùng với “men lá” rất lành, biểu hiện ra trong hương, trong vị “ngọt thơm” của nó, nên rượu như là sự tinh túy của “hồn sương”, tinh hoa trong “ruột đá”. Không gian Núi là không gian của những thứ nguyên sơ thuở ban đầu, của sự tinh khôi nơi đất trời, thiên địa vừa được xác lập. Ở đây, mọi tồn tại và hoạt động đều diễn ra tự nhiên như nhiên, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến bản thể của nó. Suối cứ “róc rách” mà “lay”, chim cứ “chiu chít” mà “chào”, lá cứ tha hồ “thì thào” mà “gọi” đất trời, tạo nên sự vận hành hài hòa, nhịp nhàng trong trời đất, vũ trụ.

Nếu có thể chỉ được nói đôi lời về bài thơ này sao cho thật đơn giản và ngắn gọn, chúng tôi cho rằng, đây là Nỗi cô đơn cố hữu của người nghệ sĩ khi không thể sẻ chia nỗi niềm, suy tư cùng ai, nhất là trong thời khắc hết năm, dịp Tết Nguyên Đán - dấu ấn xác nhận thời gian đã trôi chảy đi được 365 ngày (một năm). Nhà thơ tìm về quê hương, Quê Núi thiêng liêng, nơi Người Mẹ thần thiêng yên nghỉ, mà ông tâm niệm rằng, nơi đây là nguồn cội để nuôi dưỡng tâm hồn, giữ gìn bản thể tốt đẹp của con người, nơi là cội nguồn của những giá trị, những chuẩn mực của đạo đức và lẽ phải, cội nguồn của thi ca.

Tất cả những điều đó đã tạo nên Vẻ đẹp thơ độc đáo của thi phẩm Chiều xuân uống rượu với Núi. Vẻ đẹp đó đã ám ảnh người viết suốt những ngày qua, thúc giục người viết tìm tòi, giải mã cội nguồn, mong được đối thoại với nhà thơ Võ Sa Hà và bạn đọc.

Trân trọng!

Cao Xuân Thử

Chiều xuân uống rượu với núi

Xếp bằng trên đá

Bắt tay nhau

Nào cạn chén đầu!

Núi kể gì đi!

Hình như mọi chuyện đều rất cũ …

Ta cũng thế!

Thêm chén nữa!

Chưa chi đã thở phì phò…

Thôi uống đi!

Rượu ngô trong vắt

Men lá đấy!

Ta ủ mấy năm rồi!

Ngọt thơm như hồn sương

Chắt ra từ ruột đá…

Làm chai nữa!

Ta còn nhiều mà!

Núi gật gù vuốt râu

Ta bâng khuâng sờ đầu

Ơ lơ thơ tóc bạc?

Có đám mây bay lạc

Rơi vào chén mình đây!

Róc rách suối lay

Chiu chít chim chào

Thì thào lá gọi

Nảy tưng tưng mắt rượu

Sóng sánh trong mắt ta

Núi nhìn thấy chưa???

Sao núi sớm lơ mơ?

Ta ngả lưng chút đã!

Đá ấm thế

Núi ôm ta bay bay…

Võ Sa Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy