Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:43 (GMT +7)

Formosa: Từ cuộc sống đến nghị trường

VNTN - Chiều 29/7, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 đã bế mạc sau 9 ngày làm việc.

Trước đó ba ngày, báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, từ Chính phủ. Dù, đây là vấn đề nóng hừng hực trong đời sống xã hội suốt từ đầu tháng Tư năm nay, và yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị báo cáo này được đưa ra trước ngày khai mạc kỳ họp cả tháng trời.

Chính vì thế, ngay cả khi chưa nhận được báo cáo đó, những vị đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng không thể yên lặng.

Từ sáng khai mạc cho đến ngày bế mạc, đại biểu đều nhận được câu hỏi từ báo chí về Formosa.

Cuộc gặp gỡ báo chí của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi tái đắc cử, Formosa cũng xuất hiện trong nhiều câu hỏi - đáp.

Rồi từ thảo luận về dự kiến chương trình giám sát tối cao 2017 cho đến thảo luận về kinh tế xã hội ở ngày họp cuối cùng, Formosa cũng xuất hiện đầy quan ngại.

Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị nên có uỷ ban lâm thời giám sát dự án của Formosa.

Chưa nói đến những con số thiệt hại về kinh tế,  hậu quả về môi trường, chỉ riêng những "thiệt hại" định tính về xã hội được nêu trong chính báo cáo của Chính phủ cũng đủ lý giải vì sao Formosa - thủ phạm gây ra sự cố - lại là từ được nhắc đến dày đặc, cả trong phòng Diên Hồng và hành lang Nhà Quốc hội, như thế.

Chính phủ khái quát, sự cố môi trường này ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe của người dân trong khu vực cũng như người tiêu dùng ở các khu vực khác trước mắt và lâu dài, đã gây tâm lý bức xúc, bất an trong Nhân dân, gây ra tác động tiêu cực xã hội. Cụ thể hơn là giảm lòng tin của các tầng lớp Nhân dân. Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường trước khi xây dựng nhà máy, quá trình giám sát của các cơ quan chức năng về quá trình các nhà máy vận hành ở Hà Tĩnh và cả ở những địa phương khác, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Nhân dân cũng nghi ngờ những biện pháp hữu hiệu, bền vững  mà các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đưa ra...

Có thể những "thiệt hại" này còn lớn hơn gấp nhiều lần con số 100 tấn hải sản chết, 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng bởi sự cố được nêu trong cùng bản báo cáo.

Nhân dân bức xúc, bất an, lo lắng thì đương nhiên các vị đại diện cho nhân dân phải phản ánh. Cử tri nghi ngờ, nghi vấn thì đương nhiên đại biểu Quốc hội phải có câu trả lời, dù không dễ có hồi âm thoả đáng.

Bởi, nói như ông Vũ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội đương nhiệm, thì khi Formosa muốn đầu tư vào Hà Tĩnh, không bộ nào không đồng ý chọn Formosa, cũng không bộ nào nói việc Formosa gây vấn đề về môi trường ở các nước khác.

Và, báo cáo dài đến 23 trang của Chính phủ, cũng chỉ vẻn vẹn có 9 dòng nói kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước.

Nội dung của đoạn 9 dòng này là: "Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nếu phát hiện có thiếu sót, dẫn đến vi phạm".

Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm: "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".

Formosa sẽ "chạy lại" thế nào, câu trả lời còn quá sớm. Giám sát công ty này thực hiện đầy đủ cam kết, đó là yêu cầu từ cử tri đã được báo cáo trước Quốc hội nhiệm kỳ mới. Đã đành, Quốc hội phải giám sát. Nhưng có lẽ đòi hỏi cao hơn từ cử tri với cơ quan lập pháp là những kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường phải được bịt một cách căn cơ. Đồng thời, chế tài trách nhiệm cũng không thể mập mờ, khiến sợi dây kinh nghiệm càng rút càng dài như với không ít sự việc thời gian qua.

Phát biểu nhậm chức ngay sau khi tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn".

Người đứng đầu Chính phủ cũng thêm một lần nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.

Song, điều quan trọng, theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) là ý chí của Thủ tướng phải được chuyển thành ý chí của cả tập thể Chính phủ, của cả bộ máy công quyền thì sự việc như Formosa mới không tái diễn.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy