Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
19:58 (GMT +7)

Dương Tự Minh – từ lịch sử đến truyền thuyết

VNTN - Dương Tự Minh quê gốc ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Ông là một thủ lĩnh tài ba, có công giữ yên một vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt thời nhà Lý ở thế kỷ XII. Với những công lao to lớn, ông được vua Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương; hai lần được nhà Lý gả công chúa; được nhân dân quý mến, lập đền, đình để thờ phụng… Tên tuổi, công trạng của ông chẳng những được ghi trong sử sách, mà còn được truyền miệng qua những truyền thuyết, hoặc ghi chép qua những cuốn thần tích, thần phả, từ đó đi vào đời sống văn hóa của đông đảo người dân Thái Nguyên.

Đã có nhiều tài liệu viết hoặc đề cập đến Dương Tự Minh trong lịch sử (tác giả có bài “Hiểu thêm về Dương Tự Minh qua sử sách” đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên số Xuân Canh Tý 2020), vì vậy, trong bài viết này chỉ xin được đề cập về hình ảnh Dương Tự Minh trong một số truyền thuyết dân gian và trong các cuốn thần tích được lưu giữ.

 

Ông Dương Nghĩa Biên (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với tác giả về cuốn thần tích

Thần tích (sự tích của các vị thần thánh được ghi chép, lưu truyền lại, còn gọi là thần phả, ngọc phả, phả lục...) là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Mặc dù một số sự kiện liên quan đến Dương Tự Minh ghi trong thần tích không chính xác, nhưng đối chiếu với các cuốn sách lịch sử cho thấy, về cơ bản diễn tiến sự việc là thống nhất. Cuốn “Địa chí Thái Nguyên” tóm tắt như sau: Năm 1127: Nhà Lý gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh; Năm 1142: Triều đình nhà Lý cử thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh đi trấn áp bọn phản loạn, phủ dụ dân chúng vùng Quảng Nguyên (thuộc đất Cao Bằng ngày nay). Năm 1144: Nhà Lý lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh phong ông làm Phò mã lang (Phò mã Đô úy). Năm 1144: Tháng 8 (âm lịch), nhà Lý cử Phò mã lang Dương Tự Minh cùng các quan văn Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh mang quân đánh tan bọn giặc người nước Tống là Đàm Hữu Lượng xâm lấn châu Tư Lang (vùng Trùng Khánh, Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng ngày nay), giữ yên một vùng biên ải phía Bắc Đại Việt. Năm 1150: Dương Tự Minh cùng một số tướng lĩnh, tông thất triều đình nhà Lý bắt giữ “quyền thần” Thái úy Đỗ Anh Vũ. Sau Đỗ Anh Vũ trả thù, giết chết nhiều người. Dương Tự Minh bị đi đầy ở nơi xa độc và chết ở đó.

Có nhiều văn bia, thần tích ghi chép về Dương Tự Minh, nhưng đáng chú ý là văn bia ở đình Quang Vinh (phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên), dựng năm 1784 (triều Lê) và cuốn thần tích “Bản thôn thần thành hoàng sự tích” (Sự tích thần thành hoàng của bản thôn) được tìm thấy ở tại nhà cụ Dương Nghĩa Phùng, làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (cụ Dương Nghĩa Phùng đã mất, cuốn thần tích hiện do ông Dương Nghĩa Biên là con trai cụ lưu giữ).

Qua những câu chuyện truyền miệng rồi được ghi chép lại trong truyền thuyết, truyện cổ tích, Dương Tự Minh trở thành hình tượng trong văn học. Một số truyền thuyết được nhân dân xây dựng như: Chiếc áo tàng hình, Sự tích ao chuông lăn, Thánh Đuổm trị tà thần,... mà ở đó, Dương Tự Minh trở thành một huyền thoại đẹp để lưu truyền qua các thế hệ.

Sự tích Chiếc áo tàng hình đã được kể lại đầy đủ trong cuốn thần tích được tìm thấy ở tại nhà cụ Dương Nghĩa Phùng đã nêu trên (do Suất đội Dương Như Đôn, người địa phương sao lại vào ngày 26 tháng 3 năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) và cụ Dương Nghĩa Phùng dịch nghĩa):

Từ đời vua thứ 6 triều nhà Lý, Lý Anh Tông làm vua, đóng đô tại thành Thăng Long, tại xã Quan Triều, huyện Phú Lương có một người họ Dương tên Tự Minh, nhà nghèo, làm nghề câu cá nuôi mẹ. Một đêm câu cá ở bến nước dưới cầu, nằm ở trên cầu bỗng nhiên được một vị tiên cho áo. Nhận được áo ấy có thể tàng hình dấu thân, người ngoài nhìn vào không thấy. Ngày ngày ông vào kho lấy trộm của cải vàng bạc. Quan trấn coi kho thấy mình mắc tội nặng với triều đình bèn tăng thêm quân lính canh giữ 3, 4 lớp vòng vây. Hằng ngày vào giờ Thìn Tỵ ông vào kho, giờ Ngọ Mùi đi ra, không có người nào biết được chuyện ấy. Một đêm sơ ý để côn trùng cắn rách một chỗ ở vai áo. Mẹ ông lấy lụa trắng vá vào chỗ rách, từ đó người ngoài nhìn vào thấy hình, như con bướm trắng. Sau đó ông lại vào kho lấy trộm vàng bạc. Người canh ở ngoài kho trông thấy con bướm bay đi bay lại mà vàng bạc trong kho mất trộm khá nhiều. Quan trấn dâng sớ tấu tường tận với triều đình. Việc tra xét càng thêm chặt chẽ, như vậy việc đó ngày càng sáng tỏ không phải do người. Quan binh trong trấn có người nào thấy việc gì lạ không? Quan trấn chiếu theo sớ tấu đã đốc thúc quan binh báo cáo lên: “Các người ngày đêm canh giữ, có thấy việc gì lạ không?” Một tên lính canh ngoài kho thành đáp rằng: “Cứ 3, 4 hôm lại thấy hình như một con bướm trắng hàng ngày khoảng giờ Thìn Tỵ bay vào, giờ Ngọ Mùi bay ra, ngoài ra không thấy gì khác”. Quan trấn biết được ý trung quân đó tung quân binh phản hồi canh giữ, và lệnh rằng hễ người nào thấy bướm trắng vào thì bẩm báo ngay. Quan trấn thúc các cơ đội chuẩn bị lưới giăng, bất cứ ngày đêm, khi nghe thấy 3 tiếng trống trong dinh thì 10 đạo quân binh đều xông ra vây bắt bướm trắng vào dinh. Các cơ đội nghe được lệnh đó, quan lính trở về. Hôm sau bướm trắng lại vào kho, quân lính trông thấy vào dinh bẩm báo. Quan trấn đánh 3 tiếng trống, các cơ đội 10 đạo mang lưới xông ra vây bắt được bướm trắng. Cởi áo ra thì thấy một thanh niên to lớn. Người đó khai rằng: “Tôi là người xã Quan Triều, huyện Phú Lương, trấn Thái Nguyên, vì nhà nghèo đi câu cá nuôi mẹ. Có một đêm được tiên cho áo, khi nhận áo này để có thể tàng hình dấu thân”. Quan trấn nghe rõ đầu đuôi, dâng sớ tâu lên thành Thăng Long. Vua Lý Anh Tông truyền lệnh: “Giam lại để rồi sẽ tra sau”. Lý Anh Tông phán rằng: “Người này không phải là loại người thường”…

Quả thực như vậy, sau đó, Dương Tự Minh xin đi dẹp giặc và lập công lớn, được nhà Lý gả công chúa, ban sắc, giao ấn và giao cho cai quản một vùng rộng lớn từ Cao Bằng tới Lục Đầu giang (vùng Bắc Giang ngày nay), được khoảng 20 năm thì Dương Tự Minh bị Anh Vũ trả thù, lập kế, tâu bậy với vua khiến ông bị đẩy về nơi xa độc rồi mất. Kể về nguồn gốc của Đền Trình và sông Giang Ma (xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), cuốn thần tích ghi: Phò mã lang đi về bến Giang Ma tắm gội, lên núi Đá Chu hóa, nơi đây có một ngôi chùa, thần rồng tấu với Phò mã rằng: xã Động Đạt có một ngọn núi tên gọi núi rồng đá, là nơi thiên tạo có thể xây miếu cổ tích. Phò mã lang đi về phía làng Đuổm, xã Động Đạt, thấy thế vui lòng đổi tên chùa Giang Sơn thành chùa Cảnh Linh, bến Giang Ma thành bến Giang Tiên. Phò mã lang hóa thác tại đây. Người xã Động Đạt bẩm với quan trấn, đưa sớ tấu lên thành Thăng Long, vua Lý Anh Tông biết được ý đó ban sắc phong tặng: Cao Sơn Quý Minh đại vương, cho phép xã Động Đạt phụng thờ. Từ đó dân thôn các tổng xã 2 bên sông, trên từ Cao Bằng, dưới từ Lục Đầu giang đều lập đền thờ. Sắc phong tặng làm Thượng đẳng thần để muôn dân cung kính.

Một số truyền thuyết liên quan đến Dương Tự Minh lưu truyền trong nhân dân, được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương sưu tầm, còn giải thích nguồn gốc một số địa danh ở khu vực Đền Đuổm.

 

Bản thần tích về Dương Tự Minh hiện đang lưu ở nhà ông Dương Nghĩa Biên, làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Truyền thuyết về sông Tiên (Giang Tiên): Trước đây, sông này có tên gọi là Giang Ma, vốn sâu và rộng hơn bây giờ, nằm án ngữ con đường độc đạo lên vùng biên ải phía bắc nước Đại Việt, khách bộ hành qua đây gặp nước lớn thường bị nước lũ cuốn chết rất nhiều, nên dân trong vùng gọi dòng sông này là Giang Ma, nghĩa là sông ma quỷ. Một buổi sáng đẹp trời, người ta thấy một ông già dáng hình cân đối, mắt sáng râu bạc phủ kín ngực, mũ mão cân đai cung kiếm chỉnh tề cưỡi ngựa trắng lội xuống dòng Giang Ma. Có người nói đó là Phò mã Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương. Sau khi làm tròn bổn phận với dân với nước, người đã xuống sông tắm rửa rồi lặng lẽ cùng ngựa trắng bay về cõi Tiên trên trời. Kể từ đó dòng sông chảy hiền hòa hơn, hai bên sông bốn mùa lúa ngô xanh tốt, dòng sông Giang Ma không còn được nhắc tới nữa, mà được gọi bằng cái tên mới là Giang Tiên, nghĩa là sông Tiên, sông có Tiên xuống tắm.

Người dân đã lập đền thờ tại bến Giang Tiên và đặt tên cho ngôi đền là Đền Trình, bởi mỗi lần quan binh đến ngôi đền thờ chính của Dương Tự Minh đặt tại Điểm Sơn (Núi Đuổm), đều phải dừng chân tại Đền Trình sửa soạn mũ mão cân đai, tấu trình “Cao Sơn Quý Minh”. Đền Trình và Sông Tiên nằm cách Đền Đuổm khoảng 10 km về phía nam (cách thành phố Thái Nguyên 14 km trên tuyến Quốc lộ 3 theo hướng Thái Nguyên - Bắc Kạn, nay thuộc thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương.

Giếng Dội nằm cách Đền Đuổm khoảng 500 mét về phía đông nam, nước trong vắt, tương truyền rằng đó là hồn nàng công chúa Thiều Dung hóa nên nước giếng tạo thành dòng suối mát miệt mài chảy quanh núi Đuổm cùng năm tháng. Truyền thuyết về Giếng Dội là một hình ảnh đẹp về tình yêu và lòng chung thủy của công chúa Thiều Dung với Phò mã Đô úy Dương Tự Minh. Giếng Dội là địa điểm thực hành nghi lễ Rước đất, rước nước trong lễ hội Đền Đuổm. Nghi lễ này nhằm tưởng nhớ đến Dương Tự Minh, người mồ côi cha từ nhỏ, phải kiếm sống bằng nghề câu cá để nuôi mẹ già nên nước có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời tái hiện việc công chúa Thiều Dung và công chúa Diên Bình không chỉ giúp ông an dân trị quốc, mà còn đảm đang hướng dẫn người dân làng Đuổm xưa biết làm lúa nước để có cuộc sống ấm no.

Dốc Hạ Mã nằm cách 1.500 mét về phía nam Đền Đuổm, là một con dốc khá cao, đỉnh dốc có một bãi bằng đươc gọi là bãi Quanh Voi (buộc voi). Tương truyền xưa Đức thánh Đuổm ngự ở nơi này, uy danh của người ai ai cũng cảm phục. Để bày tỏ tình cảm của mình trước anh linh của vị thủ lĩnh tài ba đức độ, khắp phủ Phú Lương từ đời này qua đời khác, khi qua đây tất thảy đều xuống ngựa. Vì thế tên con dốc được gọi là Hạ Mã.

Đứng trên bãi Quanh Voi, nhìn về hướng đông, dưới những tán cây xanh thắm, du khách sẽ nhìn thấy những dấu tích còn lại của truyền thuyết về ao Chuông lăn. Tương truyền rằng, cổ xưa xuân thu nhị kỳ, các quan triều cưỡi voi ra Đền Đuổm lễ thờ đức thánh Dương Tự Minh. Một lần đi qua chính diện ngai Giếng Dội, một chiếc chuông đồng treo ở cổ con voi của quan đại thần ngồi, tự nhiên bị đứt dây chui vào lòng đất, mọi người nghe rõ tiếng chuông lăn vọng lên, quan đại thần liền sai quân binh đào bới tìm chuông. Lính của triều đình cứ đào theo tiếng chuông lăn thành một ao nhỏ kéo dài đến bờ giếng dội thì tiếng chuông mất hẳn. Người ta đồn rằng bà chúa Giếng Dội đã trêu quan đại thần và giữ lại chuông đồng. Người đời sau vẫn gọi cái ao nhỏ phía trên Giếng Dội là ao Chuông lăn.

Như vậy, thần tích, truyền thuyết về Dương Tự Minh tuy có yếu tố mang tính hư ảo, nhưng nội dung chủ yếu để ca ngợi công lao to lớn của ông. Nghiên cứu nội dung các tài liệu này cùng với nghiên cứu lịch sử giúp chúng ta hiểu thêm về một danh nhân nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, tình cảm, lòng ngưỡng mộ, biết ơn của người dân đối với ông suốt bao đời nay, được lắng đọng trong tầng sâu văn hóa…

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy