Dưới mái nhà xưa
VNTN- Trong sự phát triển chung của thành phố, ngôi nhà cũ của chúng tôi đã được thay bằng một ngôi nhà mới khang trang. Nhưng ngôi nhà xưa vẫn luôn nằm trong trái tim tôi.
Ảnh minh họa, nguồn:internet
Không biết bây giờ, mấy ai sống ở thành phố Thái Nguyên, vào những năm đầu 80 thế kỷ trước có còn nhớ đến hình dáng một người phụ nữ nhỏ bé, tối tối gánh hàng rong nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc, một bên là khoai lang, khoai sọ, một bên là thúng lạc luộc, đi hết con đường này sang phố khác, len lỏi vào những dãy ký túc của các trường đại học? Người phụ nữ ấy là mẹ tôi. Vào những năm tháng đó hầu như ai cũng phải làm thêm mới đủ sống.
Bố mẹ tôi sinh 6 anh em. Bố tôi là thương binh thời kỳ chống Pháp, phụ cấp chẳng đáng là bao. Tất cả đều phải trông vào đôi vai của mẹ. Vậy mà anh em tôi vẫn lớn dần theo năm tháng.
Gia đình tôi chung sống trong một ngôi nhà thấp nhỏ, mái cọ xiêu xiêu. Đó là “công trình” do bố và các anh tôi tự dẵm đất, đóng gạch để xây cất lên. Ngôi nhà không có số nhà, không có phố, chỉ biết là thuộc phường Hoàng Văn Thụ. Vì Thái Nguyên đã từng một thời được mệnh danh là thành phố “Nhà không số, phố không tên”. Nhưng với tôi đó là ngôi nhà đầy ắp kí ức .
Ngày ấy tôi bảy, tám tuổi đâu có hình dung được bao nỗi nhọc nhằn mà gia đình phải gánh vác. Khi lớn lên tôi đã là một “cô con gái rượu”, một thành viên bé bỏng của ngôi nhà đơn sơ ấy cùng sự quây quần của gia đình.
Tuy trong cảnh đói nghèo nhưng anh em tôi cũng có những ngày vui cùng những kỷ niệm đẹp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên những buổi Chủ nhật cả nhà được nghỉ, bố tôi cùng các anh ra con suối cạnh khu vườn nhà để tát cá. Tôi còn bé cũng đi theo và được anh cả giao nhiệm vụ trông nước đập. Đắp đập bắt cá mệt nhưng rất vui. Thích nhất là lúc chuẩn bị cạn nước, cá chen nhau nổi hết cả lưng, con thì xanh xanh, con thì đen đen, có những con to khỏe quẫy tung cả nước, cả bùn làm các anh bẩn hết quần áo. Những khuôn mặt đầy bùn và mồ hôi rạng rỡ trong nụ cười chiến thắng. Vậy là hôm đó nhà tôi được bữa cá tươi.
Anh cả tôi sinh 1958. Vừa tròn 18 tuổi thì có giấy gọi nhập ngũ cùng lúc với giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm ấy mẹ tôi đã sang trường làm giấy bảo lưu để anh đi làm nghĩa vụ quân sự trước. Mặc dù ước mơ của bố mẹ tôi cũng như của anh là được trở thành một thày giáo nhưng bố mẹ vẫn động viên để anh đi làm nghĩa vụ. Anh là con trưởng, công to việc lớn cả nhà trông vào anh. Giờ anh đi, bố mẹ thêm phần vất vả.
Ba năm trong quân ngũ, anh được về thăm nhà hai lần phép. Tôi rất nhớ lần phép thứ hai của anh vào năm 1978. Cả nhà tôi vui lắm. Ngày đó anh đã hai mươi tuổi. Cao lớn, chững chạc. Anh ân cần hỏi thăm bố mẹ, hỏi từng em xem ở nhà đã giúp được bố mẹ những gì. Rồi anh nấu những bữa ngon cho cả nhà cùng thưởng thức… Ba ngày phép thật nhanh. Ngày trở về đơn vị anh bảo rất thương bố mẹ và các em. Suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên câu nói của anh hôm ấy với bố mẹ:
- Đợt phép sau được nghỉ dài, con sẽ rủ bạn về lợp lại mái nhà cho bố mẹ để gia đình ta không phải hứng nước mưa bằng chậu thau nữa bố mẹ nhé.
Anh ôm tôi vào lòng, hứa đợt phép sau sẽ mua cho tôi con búp bê thật đẹp.
Cả nhà đưa anh ra ga. Mẹ tôi cứ nhìn mãi theo con tàu hơi nước xù xì đưa anh đi xa hút.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 xảy ra. Cả nhà lo lắng ngóng từng tin phát ra từ cái radio nhỏ xíu của bố tôi. Đêm hôm đó (17/2/1979) nhà tôi cũng như bao gia đình có con đi bộ đội đóng quân nơi biên giới mất ngủ.
Chiều chiều mẹ tôi ra đứng bên con đường sắt gần nhà, ngẩn mặt lắng nghe tiếng còi tàu Hà Nội - Quan Triều cùng ngọn khói than tê tái phía cuối trời.
Tới một ngày, mẹ nhận được tin dữ của một người cùng đơn vị với anh tôi: “Minh bị thương rồi bác ạ.” (Minh là tên của anh trai tôi). Chỉ một lời ngắn ngủi vậy thôi, nhưng từ ngày ấy, mẹ tôi cơm nắm muối vừng một mình lẽo đẽo đi tìm anh khắp các bệnh viện quân đội: 103, 108, 91... Vào bất cứ bệnh viện nào mẹ cũng hỏi thăm xem có tên anh điều trị không? Cứ thấy thương binh nào trên giường là mẹ lại tới gần xem có phải là con của mẹ. Rồi mẹ ngược lên Lào Cai nơi anh đóng quân. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nước mắt mẹ cạn dần.
Mãi về sau gia đình tôi mới được đơn vị báo tin: Anh tôi thuộc tuyến đầu bảo vệ biên giới tỉnh Lào Cai, anh bị thương ngay ngày 17/2/1979. Anh được đưa về tuyến sau, các bác sĩ cấp cứu tận tình nhưng vì vết thương quá nặng nên đã hy sinh vào ngày 20/2/1979, ngày mà mẹ tôi vẫn đang lặn lội tìm anh trên các bệnh viện.
Anh đã gửi lại tuổi thanh xuân cùng mơ ước của mình nơi tuyến đầu Tổ quốc. Trong nước mắt tiễn đưa anh, tôi biết, ở chốn xa kia, anh còn day dứt bởi một chuyện chưa kịp làm là lợp lại mái tranh nghèo cho bố mẹ. Và với đứa em gái thơ ngây bé mọn của mình, anh còn chưa kịp mang cho nó một con búp bê như đã hứa.
Mẹ tôi đau đớn khôn nguôi, tưởng như gục đổ. Nhưng kỳ lạ xiết bao, từ đó, mẹ như hóa thành một con người khác. Từ mờ sáng chí tối, mẹ thoắn thoắt các chợ Đán, Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, có hôm ngược chợ Tân Long. Mồ hôi ướt đầm áo mẹ. Tấm lưng thon thả ngày xưa của mẹ còng dần. Lớn lên chút ít, tôi mới hiểu, mẹ cắn răng đứng dậy chính vì tương lai của anh em tôi.
Chúng tôi đã không phụ công đức của mẹ. Anh hai tôi cũng là một chiến sĩ trong ngành lực lượng vũ trang. Anh ba tôi học xong Khoa Kinh tế trường Đại học Nông lâm, hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế & QTKD Thái Nguyên. Em trai tôi tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc nhưng được Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) tuyển dụng, hiện giờ là đại tá phó thủ trưởng một đơn vị thuộc Tổng cục 2. Cô em gái tôi rất giỏi ngoại ngữ đang là giám đốc một doanh nghiệp liên doanh với Singapore. Còn tôi, ngày ấy, thương bố mẹ đã già và muốn tạo điều kiện cho các em ăn học nên chỉ làm một cô công nhân bình thường. Nhưng tôi luôn tự hào về quyết định ấy.
Đến hôm nay, trong sự phát triển chung của thành phố, ngôi nhà cũ của chúng tôi đã được thay bằng một ngôi nhà mới khang trang. Nhưng ngôi nhà xưa vẫn luôn nằm trong trái tim tôi.
Thái Nguyên, với nhiều người khác có thể là những ký ức mang dấu ấn lịch sử huy hoàng hoặc là những địa danh lớn lao, tầm cỡ mà khi nhắc tới sẽ nhiều người biết đến. Nhưng với tôi, ký ức Thái Nguyên chỉ là một ngôi nhà không số, không tên như thế. Tôi cũng dám chắc, các anh, các em tôi, dù đang công tác ở bất cứ nơi đâu, dù ở bất cứ một cương vị nào trong xã hội thì họ vẫn luôn hướng về ngôi nhà có mái tranh xiêu bên bờ suối vắng ngày xưa. Nơi ấy, có nụ cười hiền của bố, có tấm lưng còng của mẹ đã vì các con mà quên cả thân mình. Nơi ấy, có một người anh đã dâng hiến máu xương cho Tổ quốc, cho tương lai tươi sáng của các em.
Ngôi nhà ấy đối với anh em tôi là tình cảm đầm ấm thân thương đến suốt cuộc đời.
Sao Băng
Phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...