Đừng phán xét, được không?
Những ngày qua, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lên sóng VTV3 trong khung giờ vàng đã thu hút đông đảo công chúng xem truyền hình. Những clip ngắn mà nội dung có tính câu view được cắt ra từ chương trình lan truyền trên mạng xã hội, như phần các người đẹp thể hiện kiến thức hiểu biết; thái độ của thí sinh khi nghe lời góp ý của “host” (người chủ trì chương trình/sự kiện) trong một tập ghi hình thực tế… Cũng từ đây, thí sinh Mai Ngô (cô người mẫu đoạt Á quân của Gương mặt thương hiệu 2016) đã phải nhận vô số “gạch đá” từ dư luận khi điền vào bảng thông tin tiểu sử cá nhân là: “Vui lòng search Google về Mai Ngô”; rồi thái độ không hợp tác, bĩu môi và ra vẻ khó chịu khi bị đàn chị (cựu hoa hậu) là host của chương trình “uốn nắn”. Cô bị công chúng chỉ trích không thương tiếc vì cho rằng quá ngông cuồng, mắc bệnh ngôi sao...
Nhưng đi sâu tìm hiểu thì biết rằng, Mai Ngô không yêu cầu Ban giám khảo (BGK) tra Google về mình mà chỉ là viết vào phiếu khai lý lịch, tiểu sử cá nhân và vì điều này nên cô mới bị BGK chất vấn. Một thành viên BGK đã lên tiếng cho biết, “Mai Ngô là một cô gái có nền tảng giáo dục, nhạy cảm và khá mong manh. Tuy nhiên người đẹp không thể vượt qua những thử thách mà BGK đặt ra cho mình. Cô cho đó là sự khắt khe, "dìm hàng" và đối diện với những điều đó bằng một cách rất tiêu cực”. Người này cũng bày lo sự e ngại về phía công chúng. Bởi mỗi khi Mai Ngô làm sai điều gì, thay vì gửi cho cô một lời khuyên bổ ích, thì mọi người hoặc là sẽ cổ súy, hoặc chỉ lên tiếng chỉ trích, phê bình. Điều đó vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của những người trẻ, những thanh thiếu niên mới lớn như cô.
Cùng thời điểm này, câu chuyện nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” sau 10 năm lộ clip nóng (2007) cũng “nóng” diễn đàn mạng xã hội không kém. Linh đã mất 10 năm cho hành trình lấy lại danh dự, tự trọng cho chính bản thân mình và quên đi cái tên Vàng Anh từng là tuổi thanh xuân rực rỡ nhưng tai tiếng. Đối diện với quá khứ, cô đã quyết tâm vực mình dậy từ đống tro tàn năm xưa, nỗ lực khẳng định tình yêu và tài năng âm nhạc, muốn trở thành người giỏi nhất, bền chí nhất, tận tâm nhất. Nhưng mười năm rồi, người đời vẫn chưa ngừng phán xét cô. Đâu đó người ta vẫn nói cô “may” vì là người Việt Nam, một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao ngất. Còn nếu ở Hàn Quốc, dù là scandal lãng xẹt, thì Hoa hậu Oh Hyun Kyung hay Nữ hoàng OST Beak Ji Young cũng vẫn đi tong sự nghiệp. Nghe thế thì đủ hiểu rằng, 10 năm trước Linh đã phải gồng gánh thế nào, dũng cảm sống ra sao trước sự tẩy chay, thóa mạ, những lời phán xét cay nghiệt về nhân cách của cô… của cả triệu người.
Cách đây ít lâu, một cô kỹ sư 24 tuổi bỗng trở thành tâm điểm phán xét của dư luận khi tham gia chương trình “Ai là triệu phú” vì không trả lời được câu hỏi tưởng như ai cũng biết “El Nino là gì?” hay “Người ta thường nấu canh cua với thứ gì?”. Rất nhiều người đã đưa ra những phán xét nặng nề về trí tuệ của cô gái mà không quan tâm xem cô sống ngoài đời thực thế nào. Không biết đó là cô gái duy nhất theo học Khoa ô tô của trường Đại học Công nghiệp, vừa mới ra trường đã được nhận ngay vào một tập đoàn nổi tiếng của Nhật với mức lương kỹ sư đáng mơ ước; mải mê chỉ trích mà không biết cô đang ở Nhật để thực hiện dự án quan trọng của công ty. Rồi chuyện anh bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) đã gác một chân lên giường bệnh trong lúc khám cho bệnh nhân. Cộng đồng phẫn nộ về y đức của anh, đòi phải xử lý thật nghiêm khi thấy hình ảnh ấy trên mạng. Anh bị miễn nhiệm và sau đó thì tự nguyện xin từ chức. Người ta phán xét quanh cái chân để nhầm chỗ mà không quan tâm xem anh đã chăm sóc người bệnh ra sao, hoàn thành công việc như thế nào, có chấp hành quy định của Bộ Y tế hay không…
Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều sẽ bắt gặp những cuộc “buôn dưa lê” chứa đầy những lời phán xét của một vài người, hoặc nhóm người. Thấy một người có gu ăn mặc, kiểu tóc, cách nói chuyện khác lạ, nếu hở hang thì được cho là kẻ thiếu đứng đắn, lẳng lơ, thích khoe khoang cơ thể; kín đáo thì lại chê quê mùa, kém thẩm mỹ. Một người nếu không nói gì khi gặp ấm ức thì là dạng “cù lần”; dám thể hiện cá tính thì là kẻ ghê gớm. Người khéo nói thì bảo giả tạo, nói thẳng nói thật thì bị gán mác “ghen ăn tức ở”…
Suy cho cùng, khi phán xét người khác, người ta thường sẽ cố gắng bảo vệ quan điểm cá nhân trước những luồng ý kiến khác chiều, vô tình khiến sự phán xét ngày càng trầm trọng. Nếu mà có thể bớt phán xét nhau một chút và chấp nhận nhau, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, an nhiên nhường nào.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...