
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Càng gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) - Ngày truyền thống của ngành Giáo dục - Đào tạo - càng nhiều chuyện buồn về giáo viên và nghề dạy học dội đến tai, đến mắt chúng ta. Nào chuyện lạm thu tiền trường khiến dư luận bức xúc đến mức Bộ Giáo dục - Đào tạo phải lập đoàn thanh tra đột xuất các khoản thu đầu năm học; nào tràn lan video clip thầy giáo đánh học sinh túi bụi; nào việc phụ huynh đòi quà giáo viên; đến cả hiệu trưởng - người rao giảng đạo đức nhiều nhất trong cơ sở giáo dục - cũng ăn bớt ăn xén từng miếng thịt của trẻ con bằng cách đòi “hoa hồng” của cơ sở cung cấp bữa ăn cho học sinh bán trú. Trong môi trường đáng nhẽ chỉ có lòng tốt trong vắt ươm ấp tâm hồn trẻ thơ, thì lại vẩn lên những toan tính đen tối, nhiều việc làm phi đạo đức.
Ngày Nhà giáo Việt Nam đến gần, cũng là lúc nỗi lo quà cáp tặng thầy cô giáo đè lên gánh nặng chi tiêu của hầu hết các gia đình Việt Nam. Bởi, không biết từ bao giờ và không biết từ phía nào, ngày lễ tôn sư trọng đạo này bị vật chất hóa nặng nề.
Nhớ lại mấy chục năm về trước, học trò đứa nào cũng thuộc làu bài thơ: “Tay em ôm bó hoa hồng/Tặng cô với cả tấm lòng kính yêu/ Ơn cô sớm sớm chiều chiều/Dạy em biết chữ, biết nhiều điều hay/Hai mươi tháng mười một năm nay/ Hoa tươi mang tặng các thầy các cô”. Bài thơ đã lột tả đầy đủ cái cách học trò thể hiện tình cảm với thầy cô giáo và cả hình ảnh tuyệt vời của thầy cô trong mắt học trò.
Nay thì khác, vào ngày 20/11, phụ huynh lũ lượt mang con mình cùng quà và phong bì (đính kèm bông hoa) đến lớp, đến nhà riêng thầy cô. Việc trao và nhận quà diễn ra ngay trước mắt trẻ con. Ít nhất chúng nhìn cảnh tượng ấy hàng chục lần, nếu tính từ lúc học mầm non đến hết lớp 12. Thậm chí, nhiều đứa trẻ biết trước món quà có giá trị thế nào? Trong phong bì có bao nhiêu tiền? Và kết quả chúng nhận được sau khi trao tặng là gì? Để rồi bước vào chặng đường 4-5 năm học chuyên nghiệp tiếp theo, việc đi “lễ chùa Thầy” mua điểm, đút lót giáo viên để qua kỳ thi là bước phát triển cao hơn của những học sinh này.
Nếu Ngày truyền thống của ngành Giáo dục - Đào tạo “khấu hầu bao” của hầu hết các gia đình Việt, thì ngày truyền thống của các ngành, cơ quan, đơn vị khác lại “khấu hầu bao” nhà nước. Kinh phí chủ nhà chi cho khánh tiết, đón tiếp khách, quà tặng không ít (đã đành); kinh phí của các cơ quan, đơn vị “bạn” đến chúc mừng cũng không nhỏ. Bét nhất cũng là bó hoa với cái phong bì 200 nghìn đồng. Chỗ nào thân tình và có vị trí “oách” thì lẵng hoa dăm trăm cộng với phong bì tiền triệu. Chưa kể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó còn được quà riêng. Số tiền thu được từ ngày truyền thống ấy, thường chia cho cán bộ công nhân viên của đơn vị gọi là chút “lộc”. Tiền nhà nước biến thành tiền cá nhân như thế.
Mục đích tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống là để ôn lại chặng đường đơn vị đó, cơ quan đó trải qua; tri ân người đi trước; khen thưởng người làm tốt nhiệm vụ, tạo động lực để làm việc tốt hơn. Nhưng nay, ngày truyền thống chủ yếu để tiếp khách, ăn uống, nhận quà, chơi thể thao, vui văn nghệ. Hàng trăm bó hoa, lẵng hoa các nơi tặng, số ít quay lại hàng hoa ngắt cuống làm hoa vòng đám ma, còn phần nhiều bị ném vào đống rác. Nếu có dịp thống kê số tiền chi cho ngày truyền thống của đơn vị mình và đi chúc mừng các đơn vị khác hàng năm của một tỉnh, sẽ là con số không hề nhỏ.
Ngày truyền thống năm nay, ngành Giáo dục - Đào tạo chưa có động thái gì chống lại hoặc hạn chế vấn nạn tặng quà, một hình thức được ví như hối lộ và mua chuộc giáo viên của đa số phụ huynh. Trước khi có giải pháp mạnh, nên chăng Ngành có văn bản kêu gọi cán bộ, giáo viên nói không với việc nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Bởi, nghề giáo cũng là một nghề như mọi nghề trong xã hội. Dạy học không phải đi ban tri thức và người dạy không phải người ban ơn mà đòi hỏi học trò phải biết ơn và trả ơn. Đồng thời, lãnh đạo Ngành cũng nên đăng đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các phụ huynh và học sinh không tặng quà thầy cô giáo.
Rõ ràng, do các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống, nên nhiều ngành, đơn vị, cơ quan (trong đó có Ngành Giáo dục - Đào tạo) đang làm “biến dạng” ý nghĩa tốt đẹp của ngày này. Gây lãng phí tiền của, không đạt mục đích tốt đẹp ban đầu đặt ra. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, ở ngành nào đó, việc kỷ niệm Ngày truyền thống đã biến tướng thành ngày biếu xén, hối lộ và tham nhũng.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...