Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:36 (GMT +7)

Dung dị như mảnh vườn, thửa ruộng

VNTN - Đã rất nhiều năm trôi qua, ấn tượng về những ngày được thắp đèn, châm điếu cho cha và nhà thơ Thế Lữ, nghe họ đàm đạo thơ phú vẫn chưa hề mờ phai trong ký ức nhà thơ Ngọ Quang Tôn. Ông bảo, đó như một luồng gió, đã thổi bùng ngọn lửa đam mê văn chương của ông sau này. 

Ông chỉ nhớ nôm na ấy là thời chống Pháp, nhà thơ Thế Lữ cùng nhiều văn nghệ sĩ lên đóng quân ở Thái Nguyên, dạo đó sơ tán về Phú Bình. Bố ông Tôn vốn là người giỏi thơ phú và chữ Hán, thế nên ông Thế Lữ hay đến nhà chơi. Việc được tiếp xúc và “nghe lỏm” hai người bàn chuyện văn chương, đã nhen lên trong ông tình yêu và đam mê với chữ nghĩa. Với gia tài văn chương là hơn 500 bài thơ và truyện ngắn, hai phần ba trong số đó đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ngọ Quang Tôn là người đóng góp vào đời sống văn học tỉnh nhà mảng viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn khá đậm nét.

 

Lom khom tấm lưng còng, ông mang cho chúng tôi xem hơn 300 bài thơ cùng hơn 60 truyện ngắn mà ông đã cẩn thận đạp xe xuống tận thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) nhờ người đánh máy. Dấu vết của tuổi tác không làm giảm âm vực vốn vang to trong giọng nói, ông hồ hởi kể: Đi làm đồng, có những lúc cảm xúc ùa về, tôi lập tức buông tay cày, ngồi bên bờ ruộng nhẩm đi nhẩm lại những câu thơ vừa nảy ra mà cười một mình. Những câu thơ còn lấm lem bùn đất ấy mỗi đêm về lại được tôi nghiền ngẫm và hoàn chỉnh.

Ông kể rằng, khi vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Thái Nguyên (1963), ông về dạy môn Ngữ văn tại Trường cấp 2 Quang Trung thuộc xã Kha Sơn, huyện Phú Bình. Được một học kỳ thì ông viết đơn xin nhập ngũ, nhận nhiệm vụ ở đơn vị E600 Công an vũ trang (Hà Nội). Suốt những năm tháng trong quân ngũ, ông được đồng đội biết đến với tài làm thơ lục bát, những câu chuyện kể dí dỏm và cuốn hút về làng quê. Hồi đó ông đã có truyện ngắn được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng nhiều tác phẩm thơ, truyện đăng trên các tạp chí văn nghệ khác. Xuất ngũ trở về địa phương (1968), Ngọ Quang Tôn lại tiếp tục gắn bó với nghề dạy học cho đến lúc về hưu. Trong thời gian công tác, ông được tín nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Lý (Phú Bình) hơn 10 năm.

Ngọ Quang Tôn quả là một “lão nông làm thơ” chính hiệu, bởi dù đã ở tuổi 70, ông vẫn cùng con cháu làm hơn mẫu đất, trồng lúa, trồng mía, nuôi lợn, gà, đào ao thả cá và… làm thơ. Sinh ra từ làng, cả đời gắn bó với đồng ruộng và sự nghiệp “người lái đò trên dòng sông chữ” hơn 30 năm, đây là vốn sống vô cùng quý báu để mọi thứ hiện diện trên trang viết của ông cứ mộc mạc, dung dị như những mảnh vườn, thửa ruộng vậy. Làng quê trong các sáng tác của ông ẩn trong dáng vóc người nông dân hiền lành, trong từng bờ đê, gốc lúa, cho đến tình cảm gia đình, nhân tình thế thái… Sáng tác thơ nhiều hơn viết truyện, song truyện ngắn của ông khá có duyên với giải thưởng. Ông từng tham gia và đoạt giải tại cuộc thi Truyện ngắn - Ký báo Văn nghệ Thái Nguyên trong các năm 2001-2002 và 2008-2009; đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2011 - 2013)…

Vẫn giữ những cuốn vở học sinh đã bạc sờn theo thời gian, ông cẩn thận lưu lại những bài thơ, truyện ngắn được đăng trên các báo, tạp chí; ghi chú cả ngày tháng và số báo. Lâu lâu, ông mở ra xem như để lấy thêm động lực mà tiếp tục cầm bút. Ông bảo: Chiếc radio luôn là người bạn đồng hành với tôi suốt nhiều năm qua, là phương tiện để tôi nghe các mục “Tiếng thơ”, “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài tiếng nói Việt Nam. Vừa thưởng thức, vừa học tập cách viết.

Nghe tên Ngọ Quang Tôn đã lâu, đọc thơ Ngọ Quang Tôn cũng nhiều, nhưng chưa thấy ông có tập sách nào của riêng mình. Giải đáp thắc mắc ấy của tôi, nhấp ngụm trà mới pha, những vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt đượm màu lam lũ, ông đăm chiêu: Tôi giờ già rồi, sức khỏe cũng giảm nhiều. Cũng đã có dự định tập hợp những bài thơ, truyện ngắn bản thân cảm thấy tâm đắc để sang năm sẽ gửi Hội đồng thẩm định Hội VHNT tỉnh xem xét, đánh giá hỗ trợ xuất bản đấy. Làm gì cũng cần phải chắt chiu chọn lọc, không phải cứ muốn là làm nhanh nhanh chóng chóng cho bằng được.

Nhìn cách ông nâng niu, gìn giữ những “đứa con” tinh thần của mình, bỗng thấy yêu thương và quý trọng vô cùng. Ngọ Quang Tôn là thế, giản dị và luôn sống đầy đặn với niềm đam mê văn chương.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước