Đưa văn học nghệ thuật về cơ sở
VNTN - Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) huyện Định Hóa với mục tiêu đưa VHNT về cơ sở, thực hiện xã hội hóa công tác Hội, trên thực tế đã thực nghiệm và đạt được kết quả nhất định. Qua báo Văn nghệ Thái Nguyên, chúng tôi muốn cùng chia sẻ để góp ý kiến xây dựng, phần nào thêm giải pháp tháo gỡ những khó khăn của các Hội VHNT cấp cơ sở (huyện, thành phố, thị xã), giúp hoạt động VHNT tỉnh nhà được đồng bộ, hiệu quả hơn.
Xuyên suốt quá trình hoạt động của Hội VHNT huyện Định Hóa là hướng về cơ sở để định hướng và gây dựng phong trào. Bởi chúng tôi nhận thấy các Câu lạc bộ (CLB) VHNT cơ sở chính là chân rết để Hội vươn ra và lớn mạnh. Cơ sở cũng là nơi có đông khán giả và độc giả nhất đón nhận những tác phẩm VHNT. Các tác giả xuất thân từ cơ sở được dịp đưa tác phẩm về phục vụ chính địa phương mình.
Từng bước, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, đến nay Hội đã củng cố và thành lập được 19 CLB VHNT ở các xã, thị trấn trong huyện. Do đặc trưng địa lý trải dài, huyện lại có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi vùng lại có những khó khăn riêng, nên Hội đã thành lập 5 cụm thi đua ở các khu vực phía Bắc, Nam và trung tâm huyện.
Không có kinh phí hoạt động, bước đầu một số địa phương lại chưa ủng hộ, coi đây như sân chơi của các nhóm sở thích, nên chưa vào cuộc, các cụm thi đua thường chỉ tổ chức hoạt động lấy lệ.
Sinh hoạt văn học địa phương “Tâm hồn nhà giáo trong thơ ca” do Hội VHNT huyện Định Hóa phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức.
Trước tình hình đó, Thường trực Hội cử các Ủy viên BCH xuống phụ trách từng cụm thi đua. Nghị quyết các cuộc họp BCH đều được đưa xuống triển khai tại các CLB. Đồng thời Hội phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho Chủ nhiệm các CLB.
Đến nay mỗi CLB đều tự định hướng và xây dựng được kế hoạch hoạt động cho phù hợp với địa phương. Qua hình thức sinh hoạt cụm thi đua, đã giúp cho Ban Chủ nhiệm các CLB ngày càng trưởng thành, có sự thi đua rõ nét giữa các CLB và các cụm thi đua với nhau. Nhiều CLB đã có những đột phá, được chính quyền địa phương ủng hộ. Khi đã có những tổ chức cơ sở vững chắc, BCH Hội thí điểm triển khai “Đưa Văn nghệ dân gian về cơ sở”, giao cho Chi hội Văn nghệ dân gian thực hiện. Theo lịch từng quý, Chi hội xuống từng cơ sở để giao lưu, bổ sung tác phẩm hội viên đã sưu tầm. Ban đầu là trình diễn xin ý kiến của các cụ cao tuổi tại cơ sở, đến nay, các hội viên đã ít nhiều tích lũy được kinh nghiệm trong nghiệp vụ sưu tầm và sáng tác - quảng bá tác phẩm, góp phần gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Khó khăn chung trong hoạt động VHNT ở các cấp là thiếu kinh phí hoạt động. Ở huyện Định Hóa, mặc dù hàng năm Hội VHNT đã được UBND huyện quan tâm hỗ trợ và giao ngân sách hoạt động thường xuyên, nhưng so với những đầu việc theo kế hoạch Hội đề ra hàng năm thì vẫn thiếu nguồn kinh phí cho hoạt động sưu tầm, bảo tồn và quảng bá tác phẩm. Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, BCH Hội thực hiện xã hội hóa công tác Hội.
Trong công tác xã hội hóa hoạt động VHNT, Thường trực Hội xác định thực hiện ba giải pháp trọng tâm, đó là: Tổ chức các chương trình quảng bá tác giả - tác phẩm theo chủ đề “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (chương trình này được triển khai ở cấp Hội và Chi hội chuyên ngành); Tổ chức thi quảng bá tác phẩm ở các cụm thi đua; Đưa VHNT vào các trường phổ thông trong huyện.
Chỉ trong 2 năm triển khai, Hội đã tổ chức được 12 chương trình quảng bá tác giả - tác phẩm văn học nghệ thuật (trong đó, mỗi năm Hội tổ chức được một chương trình thi cấp huyện cho tất cả các CLB). Cùng với các Chi hội chuyên ngành, các cụm thi đua mỗi năm tổ chức một lượt thi quảng bá các tác phẩm VHNT. Trước đây, BCH Hội còn phải “cầm tay chỉ việc”, nhưng đến nay có những thời điểm Thường trực phải “chóng mặt” vì phong trào và nhu cầu được thi đua của các đơn vị.
Kinh phí để tổ chức các chương trình quảng bá tác giả - tác phẩm đều do hội viên và gia đình tự nguyện cùng chia sẻ với Hội và Chi hội. Riêng kinh phí tổ chức các đợt thi ở các cụm thi đua đều do chính quyền các địa phương có CLB VHNT hỗ trợ và hội viên tự đóng góp.
Nắm bắt được yêu cầu của ngành Giáo dục - Đào tạo có chương trình ngoại khóa văn học địa phương, Hội đã tham mưu và được lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện nhất trí tổ chức các buổi ngoại khóa văn học ở các trường phổ thông, nhằm giới thiệu các tác giả, tác phẩm văn học của Hội, đặc biệt, các tác giả là giáo viên. Đồng thời đan xen giao lưu với học sinh để tìm kiếm tài năng trẻ trong học đường và tìm nguồn phát triển cho Hội.
Cũng trước nhu cầu giáo dục văn học địa phương, mới đây nhất các hội viên của Hội gồm Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Luận cùng nhóm tác giả đã tham mưu và được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đặt hàng xuất bản cuốn sách “Thơ Định Hóa”, ra mắt bạn đọc ngày 16/9 vừa qua.
Bên cạnh đó, Hội còn tham mưu tổ chức lớp học hè để đưa các nghệ nhân văn nghệ dân gian đến truyền giảng cho các giáo viên là Tổng Phụ trách Đội và giáo viên dạy môn Âm nhạc trong các trường phổ thông, góp phần bổ sung kiến thức về văn hóa dân gian của địa phương, bổ trợ cho chương trình dạy môn Âm nhạc trong trường phổ thông. Đến nay, một số trường đã tự mời các nghệ nhân đến trường nói chuyện về nét đẹp văn hóa địa phương trong các buổi chào cờ đầu tuần.
Qua hoạt động đưa VHNT về cơ sở và xã hội hóa công tác Hội, mối liên hệ giữa Hội VHNT với các tổ chức, đoàn thể ngày càng rộng rãi và thuận lợi hơn. Từ đó, Hội VHNT huyện còn là nơi cung cấp đạo diễn và dàn diễn viên nòng cốt cho các hội thi chuyên ngành từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Những thành công bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng đắn của một Hội VHNT cấp huyện với bề dày 32 năm xây dựng và phát triển.
Nguyễn Thị Gái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...