Du lịch nông thôn – Thông điệp không chỉ của một ngày
VNTN - Trong bối cảnh nhân loại từng bước phục hồi kinh tế, xã hội và cả “dư chấn tâm lí” sau COVID-19, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã phát đi thông điệp về Ngày Du lịch Thế giới 27/9 năm nay: “Du lịch và phát triển nông thôn”. Với thông điệp ấy, Ngày Du lịch Thế giới 2020 là cơ hội để nhìn nhận vai trò và khả năng kiến tạo tương lai của du lịch tại các khu vực nông thôn, như diễn ngôn của Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili: “Trên toàn thế giới, du lịch đã và đang trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, mang lại việc làm và cơ hội, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên. Du lịch cũng tạo điều kiện cho cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản, truyền thống văn hóa và bảo vệ môi trường sống”.
Du lịch nông thôn đã manh nha từ thế kỷ 19, nhưng phải đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, loại hình này mới phát triển mạnh với những tên gọi khác nhau: ở Anh là “Rural-tourism” - du lịch nông thôn, Mỹ là “Homestead” - du lịch trang trại, Nhật Bản là “Green-tourism” - du lịch xanh, Pháp là “Tourism de verdure” - du lịch với cỏ cây…. Canada là nước sớm nhất công bố những đạo luật để kích thích du lịch nông thôn. Năm 1976, tại Pháp, chính phủ kết hợp với Hội Nông dân triển khai hàng trăm chiến dịch khắp các miền quê hướng về du lịch nghỉ dưỡng thôn dã. Tại Áo, du lịch nông thôn được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, dù nông dân nước này chỉ chiếm 3% dân số. Còn ở Israel, xem du lịch nông nghiệp là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em…
Những năm 90, du lịch nông thôn bắt đầu được quan tâm ở các quốc gia châu Á, với các mô hình đa dạng như nghỉ dưỡng trang trại ở Hàn Quốc, nhà nghỉ nông thôn ở Nhật Bản… Du lịch đã góp phần làm hồi sinh vùng nông thôn Nhật Bản vốn được xem là già cỗi và trì trệ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai hay trở thành công cụ chống đói nghèo diệu kì ở Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ… Thời đại 4.0 giúp loại hình này có thêm chất xúc tác mạnh mẽ với những sản phẩm truyền thông từ chất liệu văn hóa dân gian. Cô gái có tên Lý Tử Thất, ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) nổi tiếng khắp thế giới với những video chế biến món ăn, tự cấp tự túc đồ dùng sinh hoạt như một “thần tiên tỉ tỉ” chốn nông trang thảo dã. Nhờ các clip hàng triệu lượt xem trên Youtube, miền quê Tứ Xuyên đón đông đảo khách thập phương, tạo thương hiệu đặc biệt cho du lịch nông thôn bản địa. Nhưng quốc gia hơn 1,4 tỉ dân, được coi là đi đầu trong phát triển du lịch nông nghiệp này cũng gặp phải những vấn đề liên quan đến hiện tượng phát triển thiếu bền vững. Như một nhánh người Miêu ở tỉnh Quý Châu với những phong tục tập quán 600 năm không thay đổi đã được Nhà nước đầu tư xây dựng thành điểm du lịch đặc sắc. Nhưng từ khi có làng du lịch, nông dân nơi đây chỉ được 5-10% tiền vé tham quan, không có khả năng tiếp đón du khách. Chính quyền địa phương không đẩy mạnh liên kết với các địa phương khác nên khách du lịch ngày càng thưa dần. Chiến lược phát triển du lịch nông thôn trở nên bế tắc. Thực trạng này không hiếm ở nhiều quốc gia, là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xã hội tiêu cực phái sinh: một bộ phận người dân bỏ làng đi nơi khác, hoặc một số nhỏ có tiền từ hoạt động du lịch lại quay ra sống lai căng lạc lõng, từ bỏ lối sống truyền thống.
Ở Việt Nam, du lịch nông thôn chưa tạo được “thương hiệu” nổi bật dẫu chúng ta đang sống trên di sản: kinh tế - văn hóa - xã hội thuần nông, tất cả những vẻ đẹp và tật xấu, thế mạnh và điểm yếu của người Việt đều có sự kết nối với “yếu tố gốc” mang tên nông nghiệp. Trong góc nhìn của các nhà hoạch định kinh tế, du lịch nông thôn Việt Nam được coi là “lối nhỏ dẫn vào đường lớn”. Yếu tố “nhỏ” không chỉ ở quy mô, tính chất, lượng khách, thu nhập… mà còn nằm ở tư duy. So với nhiều loại hình du lịch khác, du lịch nông thôn vẫn có vị trí khiêm nhường. Với du khách, ít người mặn mà với các tour du lịch khám phá sinh thái nông thôn và văn hóa nông nghiệp xuất phát từ quan niệm: du lịch là tìm đến điều mới lạ, trong khi người Việt, hẳn không xa lạ với lúa ngô, bùn đất. Với cộng đồng địa phương, nhiều người vẫn xem hoạt động du lịch như một nghề phụ tranh thủ lúc nông nhàn. Yếu tố chuyên nghiệp, tạo dựng màu sắc riêng biệt mờ nhạt, trong khi những tour phổ thông theo công thức “một ngày làm…” lại có thừa. Để “lối nhỏ” trở thành “đường lớn” cần rất nhiều cố gắng để du lịch nông thôn Việt Nam tự làm mới trên nền di sản cũ. Thông điệp Ngày Du lịch thế giới sẽ không chỉ có ý nghĩa cho một ngày.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...