Du lịch là hiểu biết?
VNTN - Thanh xuân, “phượt” để trải nghiệm dường như là một dạng chân lý của nhiều người trẻ thời nay. “Đi để trở về” hay “Cuộc đời là những chuyến đi” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc của những người ham mê du lịch. Với nhiều người, du lịch hay phượt như một cách thức nhằm nâng cao sự hiểu biết, tích lũy vốn sống. Sau mỗi chuyến đi họ cảm thấy sẽ trưởng thành hơn đúng như quan niệm của các cụ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Bởi thế nên việc gom góp tiền bạc để đi đây đi đó của cộng đồng Việt, được check in ở những nơi sang chảnh trở nên vô cùng phổ biến.
Đồng ý với những mặt tích cực, song người ta cũng đặt ra câu hỏi, liệu rằng đi phượt có hoàn toàn tốt? Các cá nhân thực hiện nó có trưởng thành lên thật không hay chỉ là một sự ảo tưởng?
Trên thực tế, có rất nhiều các hoạt động của du lịch hay phượt mang tính chất phá hoại nhiều hơn là ý nghĩa học tập đã được cộng đồng xã hội chỉ ra. Hình ảnh các phượt thủ chạy xe phân khối lớn đi thành đoàn, gây mất trật tự và ồn ào. Rồi các vụ tai nạn hay những hành vi phá hoại cảnh quan, xả rác bừa bãi, các tệ nạn đi kèm… đã khiến hình ảnh phượt thủ trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. “Nhiều hành động vô ý thức hay vi phạm luật giao thông như nằm ra giữa đường chụp ảnh; ngủ sát bên đường quốc lộ, phóng nhanh vượt ẩu, dàn hàng ngang, rú ga, vứt rác bừa bãi của các bạn trẻ khi đi phượt dường như đã làm méo mó đi nghĩa của từ phượt thủ.” (Bảo Bình, Những hình ảnh xấu xí khiến phượt thủ bị hiểu theo nghĩa tiêu cực, vietnammoi.vn).
Bên cạnh hình thức đi phượt thì việc du lịch cao cấp hơn theo đoàn, theo gia đình cũng rất rầm rộ trong thời gian gần đây. Đa phần các chuyến đi này cũng chớp nhoáng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Mang tiếng đi thăm thú các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…, song chẳng mấy người tiếp thu được gì ngoài những đám đông chen lấn, xô đẩy, “tự sướng”. Nhìn cảnh tượng những bãi biển trong, sau ngày lễ ngập rác, thì dường như việc du lịch giống tra tấn hơn là một hình thức thư giãn nghỉ ngơi. Người ta bỏ ra một đống tiền để được trải nghiệm, song tiêu chí đặt ra về sự bổ sung tri thức, rồi tận hưởng những điều vui vẻ đều chẳng thấy hiệu quả.
Nói về ý niệm và phong cách du lịch - đi để sống và trải nghiệm, có lẽ nhà văn Nguyễn Tuân với chủ nghĩa xê dịch của ông cũng ảnh hưởng lớn tới quan điểm của nhiều người. Không rõ cụ thể Nguyễn Tuân nghĩ thế nào về sự dịch chuyển, song đề từ cho tác phẩm của mình ông từng viết: "khi tôi chết, hãy thuộc da tôi làm chiếc vali". Nghe thật sự “ngông” và hấp dẫn.
Chúng ta không phê phán sự đi, không vì những mặt tiêu cực mà nghĩ nó xấu, nhưng đi như thế nào lại là câu chuyện khác. Ý kiến của Delueze, triết gia người Pháp, có thể cho chúng ta tham khảo thêm về du lịch. Ông cho rằng: “Việc đi nhiều và hiểu biết không liên quan lắm. Đặc biệt sau khi bạn trở về mà bạn không có thay đổi gì to lớn trong cách tư duy. Việc bạn đi đến một vùng đất khác, ngắm những cảnh vật hay con người không khác mấy với việc nhìn chúng qua ti vi. Đó là chưa kể đến việc những chuyến đi đấy thường là chớp nhoáng”.
Ảnh minh họa
Tất nhiên, ở đây, cách nghĩ của Delueze chưa hẳn là hoàn toàn đúng nhưng nó có thể giúp chúng ta hiểu việc đi không đồng nghĩa với hiểu biết, hoặc trưởng thành. Ai cũng thích đi bởi nó cho ta cảm giác phấn chấn, mở mang, mới lạ, nhưng đi và thay đổi tư duy là chuyện không phải (dễ) ai cũng có thể làm được. Nó cũng tương tự như việc học. Không phải cứ lên lớp, có tấm bằng là trở thành hiểu biết. Việc đi hay việc học nếu không có sự tự phá bỏ, đập vỡ những cách nghĩ cũ kĩ, những thành kiến, hoặc đi mà không giúp cho sự mài nhọn tư duy và khả năng nhìn nhận thì nó hoàn toàn vô nghĩa.
Bài học đầu tiên của con người khi sinh ra là đứng dậy và đi, nhưng có khi đi đến hết đời họ vẫn như là họ khi bắt đầu những bước đầu tiên. Cho nên việc đi thế nào mới là hiểu biết thật đáng để ngẫm.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...