Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:33 (GMT +7)

Động phòng hoa chúc

VNTN - Trong một lần đi dự đám cưới có người hỏi tôi động phòng hoa chúc là gì? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không ít người hiểu sai.

Trước hết cần phải nhận thấy rằng đây là một thành ngữ gốc Hán, do đó muốn hiểu rõ nghĩa cần phải căn cứ vào nguyên văn. Động phòng hoa chúc 洞 房花 烛là một cụm danh từ được cấu tạo từ hai danh từ là động phòng 洞 房và hoa chúc 花 烛. Vậy động phòng là gì? Từ trước đến nay không ít người hiểu sai từ này do nhầm lẫn về ý nghĩa của chữ động. Chữ động 洞 ở đây là danh từ chỉ hang động, đã bị nhiều người nhầm với chữ động 動 chỉ hành động thay đổi trạng thái (đối lập với tĩnh) vì lý do đồng âm. Do đó, động phòng sẽ được hiểu là cụm động từ với chữ động là thành phần chính và chữ phòng là bổ ngữ. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai và tối nghĩa. Động phòng hiểu một cách đơn giản là danh từ chỉ căn phòng ở sâu trong nhà, về sau được dùng để chỉ phòng tân hôn. Tuy nhiên vì sao nó lại được dùng để chỉ căn phòng tân hôn thì phía sau nó còn có cả câu chuyện truyền thuyết và điển cố.

Theo truyền thuyết Trung Quốc, vào thời Đào Đường vua Nghiêu sau khi xưng vương rất quan tâm đến đời sống của mục dân (người dân chăn nuôi gia súc). Một hôm, ông thân hành đến khu mục dân để hỏi han tình hình thì bỗng nhiên ngửi thấy mùi hương thơm, phía xa có một cô gái xinh đẹp tay cầm ngọn lửa nhẹ nhàng đi tới. Vua Nghiêu kinh ngạc thẫn thờ, hỏi mục dân thì mới biết đó là Lộc Tiên Nữ (Nàng tiên hươu). Từ đó vua Nghiêu ăn ngủ không yên, một lòng nhớ mong tiên nữ, bèn lên kế hoạch hạ sơn để tìm nàng.

Vua Nghiêu dẫn theo 4 vị đại thần dò hỏi đến vùng “Tiên Động Câu” ở Tấn Nam, nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Bỗng nhiên thấy một con hươu mai hoa xinh đẹp từ động Cô Xạ thong thả đi đến. Vua Nghiêu biết là tiên nữ, bèn lên trước nghênh đón, đúng lúc tiếp kiến thì có một con rắn lớn bỗng nhiên xuất hiện uy hiếp vua Nghiêu, ông trở tay không kịp chỉ thấy Lộc Tiên Nữ đã ở ngay trước mặt. Tiên nữ chỉ tay một cái, con đại mãng cúi đầu run rẩy, sợ hãi mà trườn đi mất. Vua Nghiêu tài giỏi khôi ngô, tướng mạo đường đường. Tiên nữ yểu điệu xinh đẹp. Hai người vừa gặp đã say mê. Từ đây kết thành một câu chuyện tình duyên đẹp trong thần thoại. Họ hoàn hôn tại động tiên Cô Xạ, lúc đó mây kết ngũ sắc, muôn loài chim đua hót. Đến sẩm tối, một đám lửa thần bỗng nhiên rơi xuống đỉnh động, ánh sáng rực rỡ chói mắt. Từ đó về sau, dân gian gọi phòng của cô dâu là động phòng, và cũng gọi đêm tân hôn là đêm động phòng hoa chúc.

Lại có một truyền thuyết khác kể về xuất xứ của thành ngữ này được tác giả Mộng Hoa ghi lại trong Trung Hoa điển cố* như sau. Thời Tần, Thủy Hoàng đế xây dựng cung A Phòng bắt toàn quốc phải tiến cống mỹ nữ nhập cung. Hồi đó, ở Sơn Tây có một cô gái xinh đẹp, không rõ họ tên chỉ biết là con thứ ba nên người đời gọi nàng là Tam cô nương. Tam cô nương xinh đẹp lại có tính tình cương nghị. Nàng bị tiến vào cung nhưng do không muốn chịu số phận làm đồ chơi cho giới quý tộc nên nàng đã bỏ trốn, tìm về quê nhà. Đến núi Hoa Sơn thì Tam cô nương gặp được một thư sinh tên Thẩm Bác. Thẩm Bác vì việc Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho mà rất căm phẫn chế độ, nay lại nghe Tam cô nương kể về cuộc đời thì lại thêm phần chán ghét. Hai người vừa gặp đã cảm mến nhau, họ cùng nhau bỏ trốn vào núi Hoa Sơn tìm một sơn động để thề nguyền, kết bái phu phụ. Trong hang động tối đen, Thẩm Bác phải lấy nhiều cành cây chất lại đốt lửa lên để lấy ánh sáng. Lúc bái thiên địa, không có hương, họ đã bẻ những bông hoa đẹp cắm trước đống lửa, cùng nhau kết bái thành bạn trăm năm. Từ câu chuyện này, người đời sau gọi phòng tân hôn là động phòng, gọi nến hồng trong phòng là hoa chúc (đuốc hoa).

Như vậy, bốn chữ Động phòng hoa chúc 洞 房 花 烛 là cụm danh từ, hoàn toàn không có chữ nào là động từ như nhiều người vẫn nghĩ, được dùng để chỉ phòng cô dâu. Đây cũng là một thành ngữ của dân gian Trung Quốc, ít nhiều được người Việt mượn để dùng trong sinh hoạt ngôn ngữ hàng ngày.

*Mộng Hoa chủ biên, Trung Hoa điển cố, Trung Quốc hoa kiều xuất bản xã, 2016.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy