Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:06 (GMT +7)

“Dòng đời” - Đi tìm căn nguyên bão

 

1. Dòng đời là tiểu thuyết thứ ba sau khoảng chục năm trở lại đây của nhà văn Nguyễn Văn. Trước khi đi vào những cảm nhận về cuốn tiểu thuyết mới này, tôi xin được đôi dòng nói về tác giả bởi tôi thấy ở ông một sự lao động đáng ngạc nhiên. Ông sinh năm 1937, như vậy năm nay đã tròn 86 tuổi. Ông đã in hai tập truyện ngắn và một tập ký khi ở tuổi bảy mươi. Vậy là cả ba cuốn tiểu thuyết đều ra đời ở tuổi từ xấp xỉ đến vượt ngưỡng tám mươi của ông.

“Dòng đời” - Đi tìm căn nguyên bão

Tôi còn nhớ khi ra cuốn tiểu thuyết đầu về đề tài công nghiệp Danh gia đất mỏ ông bảo: “Tớ viết được cái này là cố lắm rồi”. Ông nhẩm tính nó kéo dài mất bốn năm. Lúc ấy, đề tài công nghiệp rất ít tác giả lao vào vì nó đụng đến các vấn đề kỹ thuật. Phải thật am hiểu về một mảng nào đó của công nghiệp mới giải quyết được vấn đề. Tôi được biết ông đã một thời làm công nhân mỏ thiếc ở Cao Bằng, Bắc Kạn, mỏ than Làng Cẩm, rồi làm công tác công đoàn, thanh tra. Có lẽ sự từng trải đó đã giúp ông hiểu rõ sự hoạt động của vùng mỏ. Cũng từ đó ông đã vẽ lên bức tranh công nghiệp ở thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với đầy khó khăn, non trẻ.

Tưởng rằng sau cái “cố” ấy ông thảnh thơi nghỉ ngơi. Thời gian sau, lại thấy ông bảo đang ôm ấp một đề tài nóng hổi, đó là về tài nguyên môi trường. Rồi cuốn tiểu thuyết thứ hai Lộ diện lại ra đời. Một câu chuyện đầy tính thời sự khi xã hội đang phát triển đã phát sinh những tiêu cực trong chính những người có quyền lực. Họ đã dựa vào quyền lực để cấu kết gặm nhấm tài nguyên quốc gia, gây ra nhiều bất bình trong xã hội. Rồi đến một lúc, những dây dợ, mưu mô gian manh ấy cũng phải lộ diện phơi bày ra ánh sáng.

Khi nghe cuốn tiểu thuyết thứ ba Dòng đời của ông ra đời, tôi bị bất ngờ. Bất ngờ vì lâu nay ông im lặng, chẳng thấy nói đang ôm ấp vấn đề gì như những lần trước. Có lẽ qua hai cuốn tiểu thuyết ra đời đủ để ông tự tin tiếp tục đi vào một vấn đề khác. Đó là chủ đề gia đình. Một chủ đề với những diễn biến luôn có trong xã hội, luôn hiện hữu trong mọi ngôi nhà. Tưởng dễ vì nó rất gần, mà lại rất khó vì nó phải khác những gì đã có trên truyện, báo chí và phim ảnh cả ta lẫn tây tàu hiện nay đã quá nhiều. Và rồi Dòng đời đã hiện hữu đẹp đẽ với hơn hai trăm trang. Tôi nghĩ ở cái tuổi ngoài tám mươi, mắt mờ, tay run mà ông vẫn lặng lẽ cho ra đời mấy cuốn tiểu thuyết liền, thật đáng khâm phục. Xin được chúc mừng ông với những lao động miệt mài này.

2. Dòng đời có một không gian, thời gian khá rộng dài, từ những năm đầu chống Pháp đến khi đất nước đã hòa bình, từ vùng quê đồng bằng Bắc bộ đến vùng trung du miền núi. Nó đủ thời gian cho ba thế hệ nối tiếp nhau trong một gia đình với bao biến đổi thăng trầm. Câu chuyện xoay quanh trong gia đình ông Tân, một người của làng Nghĩa Thuận thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng. Từ câu chuyện một gia đình, tác phẩm dẫn ta đến vấn đề môi trường xã hội. Những tham sân si, ái ố hỷ nộ trong mỗi con người được lộ ra dần theo từng diễn biến.

Chương một: Những trang đầu tác phẩm dành để kể về nguyên nhân gia đình ông Tân phải dắt díu nhau trốn khỏi quê hương đã bao gắn bó với mình. Cái nguyên nhân này nghe thì giản đơn, nhưng nó đã phản ánh không khí ngột ngạt, đầy bất trắc của ngôi làng Nghĩa Thuận quê ông. Chỉ với chức Trương tuần ở thôn, nhưng “Trương khoằm” Ngô Văn Kiểm với bản chất gian ngoan, hiểm độc vẫn có thể để ai yên cũng được, muốn ai chết cũng xong. Từ sự căm ghét tên “Trương Khoằm” luôn có sẵn trong lòng, mà nhân cùng một chuyến đò, ông Tân đã chơi xỏ Ngô Văn Kiểm khiến hắn mắc lừa lấy tóc ngoáy vào mũi khi đang kìm nén cơn đau bụng. Hắn bị hắt hơi và đũn ra quần. Vừa hả hê vì sự ngu dốt của Trương tuần xong, ông Tân chợt nhận ra mối nguy hiểm sẽ đến với mình. Chắc chắn hắn sẽ trả thù, gia đình và tính mạng ông bị đe dọa. Ông biết cái họa sẽ đến.

Chương hai và ba: Ngay sau khi chơi xỏ Trương tuần Ngô Văn Kiểm, đêm ấy ông Tân đã không sao chợp mắt. Đi hay ở lại làng? Ở, chắc chắn sẽ bỏ mạng với Trương tuần. Đi, thì đi về đâu? Ông đã vậy, còn cả vợ và con thơ. Đi là rời bỏ quê hương bản quán, nơi gia đình ông bao đời ở đó, nơi tuổi thơ ông gắn bó bao kỷ niệm và bây giờ cả một gia đình nhỏ của ông đang yên ấm. Ông dằn vặt thương vợ con, và vợ ông cũng vì thương ông mà đồng lòng rời khỏi nhà cửa, ruộng đất làng quê mình.

Ngay nửa đêm ấy, họ dắt díu nhau trốn khỏi quê hương, trốn khỏi sự gian ác của một con người cũng của làng mình. Sao nó bi thương và nghịch lý đến thế. Điều ấy được lý giải bởi sau lưng Trương tuần là Ngụy quyền, là quân đội Pháp. Dân làng Nghĩa Thuận còn bị bao tầng lớp Trương, Lý, Bá thi nhau ức hiếp, bóc lột. Môi trường ấy thì sự đổi trắng thay đen thuộc về những kẻ có quyền. Chuyến đò đưa gia đình ông Tân rời làng ngay trong đêm như vô định, chỉ biết đi về hướng bắc phía núi rừng, chỉ có một hy vọng mơ hồ khi chợt nhớ ra một người quen.

Chương bốn đến chương sáu: May mắn thay gia đình ông Tân đã có nơi bấu víu. Ông đã đến Đồng Dong, một thôn miền núi và gặp được người anh con ông bác ở đây. Ông Bân đi theo cách mạng đã một lần được ông Tân che giấu nay đứng ra cưu mang gia đình người em họ. Ông Bân sẻ vườn nhà mình cho ông Tân có đất ở, vận động bà con giúp đỡ dựng cho ngôi nhà tạm. Rồi vỡ hoang, mua thêm ruộng đủ cho cuộc sống ổn định. Ở chương này, ta nhận ra cái tình ở một miền quê mới, ở người anh họ cùng làng đã tận tình giúp đỡ gia đình ông Tân. Nó là vùng đất của tự do, khác xa nơi ông vừa trốn chạy.

Vậy là gia đình ông Tân đã có cuộc sống bình yên. Ngoài người con trai nuôi là Hiếu, ông bà sinh thêm được ba người con gái Hoa, Huệ, Hải. Một cuộc sống êm đềm ở một miền quê xa. Lúc này miền Bắc đã hòa bình, vùng quê cũ của ông cũng không còn những Trương tuần, Lý, Bá. Kẻ làm ông phải rời bỏ quê hương cũng đã bị đền tội.

Chương bảy đến chương mười một: Trong ngôi nhà của ông bà Tân, khi các con trưởng thành thì sự éo le và xung đột trong gia đình bắt đầu xuất hiện. Sự éo le ấy đến từ việc yêu đương của Hoa với một anh công nhân xưởng xẻ tên là Long. Trớ trêu thay Long lại chính là con trai của Trương tuần Ngô Văn Kiểm mà bố đẻ của Hiếu là người thi hành bản án năm nào. Biết được việc này ông Tân quyết ngăn cản, nhưng bà Thúy lại thương con gái ở tâm thế người mẹ biết con bị lỡ làng. Nhiều dằn vặt, xâu xé trong tâm trạng mỗi người, thậm chí mâu thuẫn nhau. Phải thông gia với một kẻ đã làm mình phải trốn chạy khỏi quê năm xưa là điều ông Tân không bao giờ chấp nhận. Nhưng Hoa là người quyết định trong việc này. Một thiếu nữ miền quê bị mơ tưởng một viễn cảnh về người yêu đang làm Quản đốc, lương tháng hàng chục triệu đồng. Vả lại, biết sự thật việc này Long càng ráo riết thực hiện âm mưu làm cho Hoa không có đường lui, làm cho gia đình ông Tân ở thế phải chấp nhận vì con gái mình đã mang thai. Từ một người phải nhún nhường, Long trở thành kẻ chủ động trong mọi tình huống. Hoa theo chồng về quê sinh sống, giây phút đầu tiên đã phải lạy sống mẹ chồng ba lạy mới được bước vào nhà. Đây là lòng hận thù vẫn còn ăn sâu trong ông chú ruột của Long, ông bày ra cái lệ này để hả hê họ tộc mình. Ông Tân đau mà phải cắn răng chịu đựng. Các con ông vì thương chị cũng đành để tình thế trôi xuôi. Một không khí bức bối, ngột ngạt bắt đầu len vào mái ấm một gia đình.

Chương mười hai đến chương hai mốt: Ông Tân ốm bệnh rồi mất. Hiếu con nuôi cả lấy vợ và sinh sống ở công trường. Huệ lấy chồng trên phố. Lúc này còn Hải lấy chồng quê ở chăm nom bà Thúy. Tưởng rằng bão gió đã tạm qua. Nào ngờ vợ chồng Long Hoa bất ngờ kéo nhau lên ở. Long nói đưa vợ con lên để gần cơ quan dễ chăm sóc. Hoa mừng rỡ vì thoát khỏi không khí o ép nhà chồng, lại được gần mẹ và chị em. Hải nhường anh chị ở nhà mẹ, trở về nhà chồng sinh sống, ít năm sau vợ chồng dắt nhau theo người bạn vào Nam. Sự xuất hiện của vợ chồng Long Hoa lần này báo hiệu trong căn nhà bà Thúy, bão gió lại bắt đầu.

Việc rời quê lên ở nhà mẹ vợ đã có tính toán kỹ của Long. Đó là hắn biết mình sắp bị đuổi việc vì tráo đổi lưỡi cưa trong xưởng. Đó là việc Hiếu con trai nuôi bà Thúy sắp nghỉ hưu. Đó là Hải có mang sắp sinh con. Nếu lên chậm sẽ mất thời cơ ở trong ngôi nhà bà Thúy. Hắn kéo vợ con lên nhanh như chạy lũ làm bà Thúy và Hải bối rối trước một việc đã rồi.

Và rồi mưu chước nối mưu chước, toan tính nối toan tính, Long đã từng bước chia rẽ, gạt được người con nuôi cả là Hiếu ra khỏi gia đình bà Thúy. Rồi ý định dùng tay bà Thúy đang ốm nặng điểm chỉ vào bản di chúc không thành, Long lại lợi dụng sự ngay thật trong lúc tâm trạng rối bời của chị em Huệ, Hải khi bà Thúy mất để viết và ký vào bản thừa kế tài sản cho vợ chồng Long Hoa. Mọi việc đã hoàn hảo, vợ chồng, con cái Long Hoa trở mặt luôn cả với mấy chị em Huệ, Hải. Bây giờ là một cuộc chơi bài ngửa giữa các mối quan hệ trong gia đình. Những mưu mô của Long dần phơi bày. Hai chị em Huệ, Hải hiểu ra sai lầm của mình, hiểu ra nỗi oan ức của người anh nuôi Hiếu. Lại có nguy cơ một cơn bão mới sẽ nổ ra lật ngược lại để tìm ra phải trái của chị em Huệ, Hải.

Chương hai mươi hai đến chương hai mươi sáu (kết): Đây là năm chương giải quyết tất cả những éo le, xung đột của câu chuyện. Người con trai của vợ chồng ông Long Hoa là Lý xuất hiện trong ngôi nhà bà Huệ. Và nội dung cuốn băng về một bộ phim của nước ngoài được mở ra. Sau đó là những tranh luận giữa bà Huệ và Lý về việc giải quyết vấn đề gia đình. Chương cuối cùng dành cho việc chữa bệnh tâm thần của ông Long như một sự sám hối để trở về với sự thiện lương.

3. Tôi đã lần lượt tóm tắt nội dung câu chuyện trong tiểu thuyết “Dòng đời” của nhà văn Nguyễn Văn qua hai mươi sáu chương. Đến đây xin được nêu đôi điều cảm nhận khi đọc xong tác phẩm này.

Thứ nhất, đó là xung đột nảy sinh thuộc về xã hội. Một bên là tay sai cho Pháp, một bên là dân lành bị đô hộ. Mối thù sâu nặng của dân làng Nghĩa Thuận với bè lũ tay sai mà điển hình là ông Tân với Trương tuần Ngô Văn Kiểm. Diễn biến này được nhắc đến chỉ có một chương đầu, nhưng nó là căn nguyên cho suốt những mâu thuẫn trong câu chuyện về sau. Những con người cùng làng, cùng sống hàng ngày bên nhau, nhưng lại có mối thù với nhau. Đó là hiện thực đất nước ta suốt mấy chục năm chiến tranh, chia cắt. Giải quyết vấn đề này như một sự hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa đi những hận thù, nỗi đau do kẻ thù để lại không phải một sớm một chiều.

Vấn đề thứ hai là xung đột trong gia đình. Con của hai người của hai chế độ đối nghịch nhau, giờ lại yêu nhau và thành vợ chồng. Tác giả đã dành mười chương cho sự xung đột này. Mới đầu, chỉ từ tàn dư của thế hệ hai người bố với nhau, sau đến mâu thuẫn của thế hệ thứ hai là anh chị em trong nhà. Qua những diễn biến ấy, tác giả muốn nhấn mạnh một điều: Nếu trong một con người, khi còn lòng tham thì ắt sinh mưu mô, kế chước để tước đoạt lòng tin của người khác, hoặc sẽ đồng lõa với kẻ ấy. Long là điển hình của lòng tham, còn Hoa vợ Long là đồng lõa. Mâu thuẫn do Long dựng lên chĩa vào Hiếu, làm chia tán gia đình để chiếm đoạt tài sản. Rồi khi mưu mô bị phơi bày mâu thuẫn lại tập trung chĩa vào Long. Nó như cơn bão xoáy, bất ngờ đổi chiều để lại hậu quả khôn lường trong một đại gia đình.

Vậy thì tác giả đã giải quyết các xung đột này theo cách như thế nào?

Về tồn dư thuộc về lịch sử, xung đột này coi như xong khi tác giả cho Hoa lấy Long, dù rằng vẫn để lại nỗi buồn cho thế hệ ông Tân. Thời gian sẽ làm lành vết thương ấy bởi sự yêu thương.

Giải quyết xung đột thứ hai là xung đột xuất phát từ lòng tham, nó phá vỡ mối gắn kết tình thân, đi ngược đạo lý và gây ra nhiều sự mất công bằng, trật tự của gia đình xã hội. Ở tình huống này, tác giả đã không chủ trương tháo gỡ vấn đề đó bằng pháp luật. Có hai lý do: Một là hệ thống pháp luật đang còn những bất cập. Mà đối thủ như Long là kẻ gian manh, hiểu pháp luật, đã nắm các chứng cứ có lợi. Hắn lại biết cách mua chuộc lòng tham của kẻ khác để thắng thế. Tác giả đưa cuốn phim nước ngoài vào là dụng ý đó. Hai là để tìm kiếm sự bình yên trong một gia đình thì chỉ có tình thương mới hàn gắn được sự rạn nứt một cách lâu dài. Bên nào thắng kiện thì cũng chỉ khoét sâu thêm khoảng cách đến cả các thế hệ sau. Để cho Lý là thế hệ thứ ba trong gia đình tác động vấn đề này cũng là ý đồ đó của tác giả.

Chương cuối cùng tác giả cho Long mắc bệnh tâm thần và phải đi chữa chạy. Đây cách giải quyết theo quy luật nhân quả. Quá mưu ma chước quỉ hại người thì mình cũng bị ám ảnh, loạn tâm thần. Một phương pháp chữa bệnh mới, dùng máy loại bỏ được quá khứ xấu xa ra khỏi đầu thì tâm tính mới trở về bình thường. Một sự cảnh tỉnh trong cuộc sống…

Về nghệ thuật của tiểu thuyết Dòng đời, cách bố cục cũng như xây dựng tuyến nhân vật của tác giả hợp lý, chặt chẽ. Từ mối quan hệ gia đình, tác giả có ý tưởng mổ xẻ và giải quyết những vấn đề hiện thực của xã hội hiện nay. Cách giải quyết vấn đề đưa ra cũng rất nhân văn. Tuy vậy, cá nhân tôi còn băn khoăn về việc đột ngột đưa cuốn băng bộ phim vào khi mâu thuẫn đang ở độ nén cao. Sự giải quyết này như một lối tắt làm cảm xúc người đọc bị hẫng. Lấy người con út của ông Long và mượn một câu chuyện khác để diễn giải và giải tỏa mâu thuẫn câu chuyện hiện tại vào thời điểm ấy có phần chưa thỏa đáng? Khi đã giải quyết được vấn đề chính, việc cho thêm chương cuối về ông Long như quy luật nhân quả cần phải có, tôi thấy không cần thiết nữa.

Trên đây chỉ là cảm nhận trên góc độ cá nhân, để đón nhận và chia vui với thành quả mà nhà văn Nguyễn Văn vừa trình làng. Xin hãy cùng hòa vào Dòng đời của ông để chiêm nghiệm bao điều còn ẩn khuất trong cuộc sống quanh ta. Xin được chúc mừng nhà văn Nguyễn Văn, đã tám mươi sáu mùa xuân vẫn trăn trở với những chìm nổi Dòng đời.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy