Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:32 (GMT +7)

“Dọn rác” trên không gian mạng

Bóc gỡ các thông tin sai sự thật trên mạng là một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an ngày 10/8. Tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ví đây như là việc dọn rác trên không gian mạng, là việc của cả hệ thống chính trị.

Làm sạch không gian sống mới

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) nêu vấn đề, hiện nay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube... các thế lực thù địch đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, mạo danh các cơ quan Nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tung tin những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm duyệt, gây mất niềm tin và nghi ngờ, hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân.

“Nguy hiểm hơn, chúng cắt ghép logo, nhạc hiệu thể hiện như một bản tin thời sự của các đài truyền hình, gây ra sự hiểu nhầm cho người xem. Mặc dù thời gian qua Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan có gì biện pháp đấu tranh xử lý các loại tội phạm này, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp, gây hoang mang tâm lý cho người dân”.

Với trách nhiệm của mình, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả hơn các đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng", bà Uyên chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nêu một số giải pháp, như rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội và báo chí.

Thứ hai là, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi cố tình đưa những thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo dư luận.

Thứ ba là, thực hiện các giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật và nghiên cứu áp dụng những giải pháp kỹ thuật mới về công nghệ thông tin về truyền thông để phục vụ cho công tác nắm bắt, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật, phát tán các video phản cảm và độc hại này.

Thứ tư là, tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động, kịp thời cung cấp rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội. Tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời miễn dịch với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, "việc này thực sự thì có những khó khăn, hiện nay có những đối tượng chỉ dựa vào những thông tin giật gân, thông tin độc hại, đưa thông tin lên để làm sao có nhiều người đọc, rồi hưởng tiền từ những nhà mạng nước ngoài. Nếu chúng ta cứ vào những trang mạng độc hại này thì vô hình trung đã tiếp tay, tiếp sức cho những hoạt động đó và nuôi sống chúng".

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) chất vấn

Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông, internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. "Đối với các doanh nghiệp trong nước thì việc tổ chức thực hiện thuận lợi hơn, còn doanh nghiệp ở nước ngoài thì phải đối mặt với nhiều khó khăn", Bộ trưởng trình bày.

Tham gia trả lời, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, các thông tin sai sự thật trên không gian mạng hiện nay chủ yếu là trên các nền tảng xuyên biên giới.

Về hoàn thiện thể chế thì một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý 3 này, sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý, Bộ trưởng cho biết.

Về làm việc với các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam, thông tin từ Bộ trưởng  là các nền tảng như Facebook, Youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ dưới 20% năm 2018 lên 90 - 95%. Về bóc gỡ các thông tin sai sự thật, trước năm 2018 chúng ta chỉ làm được khoảng 5 nghìn tin video. Từ đó đến nay, số lượng các thông tin xấu độc, sai sự thật được tháo gỡ đã tăng lên 20 lần, đến gần 100 nghìn tin video.

Về giám sát không gian mạng, theo Bộ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của Trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin một ngày lên thành 300 triệu tin một ngày. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân, các tổ chức về tin giả để xử lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

"Bóc gỡ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng như việc dọn rác trên không gian mạng, là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các bộ, ngành, địa phương lên không gian mạng phát hiện, tiếp nhận và xử lý rác thuộc lĩnh vực mình quản lý; cũng có rác của ngành Văn hóa, rác của ngành Y tế, Giáo dục... Việc dọn rác không thể chỉ là của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an mà là của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân để làm sạch không gian sống mới của chúng ta, đó là không gian mạng", ông Hùng trả lời.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm là Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm, phát ngôn, phát tin trên mạng xã hội, về các hậu quả có thể gây ra của các tin sai sự thật. "Việc lên mạng xã hội không phải là vô danh mà phải là định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn", Bộ trưởng nói.

Làm sao để dữ liệu cá nhân không trôi nổi trên mạng

Ngay từ những chất vấn đầu tiên, các vị đại biểu Quốc hội đã chất vấn giải pháp của Bộ Công an để nhân dân yên tâm rằng thông tin cá nhân của mình không bị trôi nổi trên mạng.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh là tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân hiện đang rất đáng báo động.

Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời

Để hạn chế tình trạng này, Bộ đã triển khai giải pháp như xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn.

Bộ đã 10 lần trình nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng thời gian tới mới được ban hành.  Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ đề trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào thời điểm thích hợp.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tích cực điều tra xử lý nghiêm hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đặt vấn đề, bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ thông tin bí mật cá nhân đã được Hiến pháp quy định. Đến nay chúng ta đã thực hiện quy định của Hiến pháp được gần 10 năm. Một số quy định liên quan đến bảo vệ thông tin bí mật cá nhân đã được quy định rải rác trong các đạo luật. Vậy, tại sao trong điều kiện hiện nay chúng ta vẫn dự kiến ban hành một nghị định không đầu, tức là nghị định này quy định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ chỉ được ban hành sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại sao chúng ta chưa trình ngay Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, Bộ trưởng có nói dự kiến năm 2024 sẽ trình. "Tôi đặt câu hỏi tại sao chúng ta chưa xem xét trình ngay luật này, thay vào đó chúng ta chỉ ban hành nghị định không đầu. Việc ban hành nghị định không đầu như vậy có đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hay không", đại biểu chất vấn.

Hồi âm đại biểu, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là một vấn đề rất mới, rất lớn. "Nếu có đề xuất luật thì cũng phải có một quá trình, phải có một cơ sở thực tiễn, chứ bây giờ thực hiện cũng rất khó. Nghị định này nói là nghị định không đầu, nhưng cũng trên cơ sở pháp lý của Luật An ninh mạng. Vừa qua chúng tôi đã triển khai làm việc này rất tích cực và tôi tin là sắp tới đây chúng ta sẽ có nghị định này. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện nghị định, hai năm sẽ xây dựng luật thì đủ thời gian và đủ các yếu tố thực tiễn cũng như là pháp lý để có thể tổng kết, đề xuất ban hành luật này thì hợp lý hơn", ông Lâm giải thích.

Hộ chiếu mới gây khó khăn cho công dân ai chịu trách nhiệm

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt vấn đề hộ chiếu mới gây khó khăn cho công dân thì trách nhiệm thuộc về ai?

Tướng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tất cả chi tiết in trên hộ chiếu phù hợp với quy định của Luật, Hộ chiếu mới phù hợp thông lệ quốc tế.

"Bản thân hộ chiếu ta đưa ra được đa số nước chấp nhận. Chỉ có 3 nước Đức, Séc, Tây Ban Nha không chấp nhận, nhưng hiện nay Tây Ban Nha đã chấp thuận. Các nước cho rằng có khó khăn, có lý do, họ muốn tìm hiểu nguồn gốc công dân, không tra cứu được thì họ đặt ra vấn đề. Chúng tôi cho rằng đây là lỗi kỹ thuật", Bộ trưởng cho biết.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng nếu cá nhân người được cấp hộ chiếu cần bổ sung nơi sinh thì Bộ Công an đã bàn với các cơ quan liên quan sẵn sàng bổ sung phần bị chú nơi sinh. Còn về lâu dài, "nếu cần bổ sung nơi sinh thì chúng tôi đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan báo cáo Quốc hội sửa Luật Xuất nhập cảnh. Trách nhiệm thì việc này Bộ Công an chủ trì nên trách nhiệm là của Bộ", Bộ trưởng Tô Lâm trả lời đại biểu Quốc hội.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy