Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:21 (GMT +7)

Đôi điều về văn hóa Thái Nguyên nhìn dưới góc độ thị trường

VNTN - Thái Nguyên hiện đứng thứ ba cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về số lượng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Những năm gần đây Thái Nguyên đã thu hút được nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng cao.


1. Tiếp cận văn hóa từ góc độ thị trường

Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, văn hóa của nước ta đã có bước phát triển vượt bậc và ngày càng khởi sắc. Văn hóa được coi là một hệ thống biểu trưng mang tính cộng đồng, song hành với sự tăng trưởng kinh tế và trở thành động lực và mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội.

Trong cuộc sống thường ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu…Một cách hiểu thông thường khác, văn hóa còn là cách sống, kỹ năng sống bao gồm phong cách sinh hoạt, trang phục, ẩm thực, cư xử, tri thức được tiếp nhận trong đó có cả đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo.

Văn học nghệ thuật là một biểu hiện của văn hóa. Các tác phẩm văn học nghệ thuật tự thân nó góp phần nuôi dưỡng tinh thần con người, trở thành nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố về tư tưởng và thẩm mỹ, kết tinh tình cảm, trí tuệ làm nên bản sắc văn hóa riêng biệt, tồn tại qua các thế hệ.

Việt Nam là một quốc gia có tầng sâu văn hóa được kết tinh, tạo dựng thành những giá trị văn hóa vật chất, phi vật chất qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Văn hóa là gốc rễ, là sức mạnh để dân tộc ta trường tồn sau những thăng trầm bão giông của lịch sử và sự đe dọa của các thế lực xâm lược nước ngoài.

 Trong quá trình đổi mới, mở cửa, văn hóa Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập với văn hóa thế giới, nhanh chóng vượt qua những hạn chế quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nền văn hóa trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay, khi mà sức lao động đã được công nhận là hàng hóa, một loại hàng hóa đặc biệt, thì sản phẩm văn hóa được tạo ra từ sức lao động cũng mang đầy đủ các thuộc tính của hàng hóa. Dù muốn hay không ta cũng đều phải thừa nhận. Vì vậy, cách tiếp cận để sản phẩm văn hóa đến được với người tiêu dùng cũng mang nhiều sắc thái và hình thức khác nhau.

Nhìn văn hóa dưới góc độ thị trường là nơi có các quan hệ mua và bán hàng hóa, dịch vụ tác động qua lại lẫn nhau, luôn có xu thế cạnh tranh, thì thị trường văn hóa như một thông lệ, cũng nghiễm nhiên chiếm một vị trí quan trọng nhằm thỏa mãn các nhu cầu của đối tượng chuyển giao, tiếp nhận quyền sở hữu trên cơ sở số lượng, chất lượng và quy luật giá trị. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dẫu không có bước phát triển tăng trưởng ngoạn mục như các thị trường vốn, tiền tệ, công nghiệp, nông nghiệp…, văn hóa nước ta từng bước hình thành và góp phần tích cực làm phong phú đời sống xã hội, tác động qua lại mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã bước đầu tạo ra thị trường văn hoá. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng thị trường văn hóa chỉ có mua và bán. Văn hóa vật thể và phi vật thể không thể đo đếm được bằng giá trị tiền tệ. Thị trường văn hóa còn được thể hiện bằng việc tiếp nhận của công chúng đối với các sản phẩm văn hóa đưa ra thị trường. Đi tiên phong trong cơ chế thị trường là các sản phẩm văn hóa của phát thanh, truyền hình, báo chí, phim ảnh, sản phẩm văn hóa của lĩnh vực công nghệ thông tin… Việc hình thành thị trường văn hóa kéo theo phương thức sản xuất công nghiệp với kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu của công chúng được áp dụng vào lĩnh vực văn hóa, đem tới những đổi thay nhanh chóng của báo chí, sản xuất phim ảnh, băng đĩa nhạc, phát thanh - truyền hình.

 Tuy nhiên, sản phẩm văn hóa dịch vụ là một dạng hàng hóa đặc biệt, dù có tuân theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng thuộc đủ mọi đối tượng lứa tuổi thành phần trong xã hội. Ngay trong một gia đình, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng khác nhau, ví dụ người chồng thích xem phim hành động, bóng đá, người vợ thích xem phim tâm lý xã hội, các con nhỏ mê phim hoạt hình…Vì vậy, người sản xuất phải đặc biệt coi trọng yếu tố tâm lý, sở thích của người tiêu dùng, đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa nhằm đáp ứng thị hiếu lành mạnh của thị trường.

Những năm vừa qua, thị trường văn hóa nước ta tuy chưa thực sự sôi động, nhưng bước đầu về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Cơ sở vật chất cho thị trường văn hóa phát triển ổn định được quan tâm đầu tư. Các thiết chế văn hóa mới được thiết lập và đi vào cuộc sống.

2.  Văn hoá Thái Nguyên nhìn từ góc độ thị trường

Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh đã được quy hoạch nằm trong vùng thủ đô Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là An toàn khu kháng chiến, nơi ở và làm việc của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước chọn là địa điểm xây dựng Khu liên hợp gang thép, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam.

Thái Nguyên hiện đứng thứ ba cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về số lượng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Những năm gần đây Thái Nguyên đã thu hút được nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng cao. Bộ mặt từ thành thị đến nông thôn đổi thay nhanh chóng. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét.

Nhận thức rõ quan điểm của Đảng: “Nguồn lực sâu xa của đổi mới chính là văn hóa, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, lấy con người làm trung tâm, lấy giá trị văn hóa con người là cao nhất”,  trong các năm vừa qua, bức tranh của thị trường văn hóa Thái Nguyên đã hiện lên những mảng màu sáng, người tiêu dùng có cơ hội tiếp nhận những sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tiêu biểu là nhiều chương trình của Đài phát thanh  truyền hình, các ấn phẩm của báo Thái Nguyên, Văn nghệ Thái Nguyên. So với hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình của các tỉnh trên toàn quốc, các cơ quan truyền thông của tỉnh không hề thua kém và mang tầm khu vực.

 Báo Văn nghệ Thái Nguyên là một ví dụ. Là tờ báo của tỉnh nhưng đã tập hợp được đông đảo người viết trong cả nước. Các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, nghiên cứu khoa học nghệ thuật. Tác phẩm được đăng tải không chỉ là văn nghệ Thái Nguyên mà là đời sống văn học nghệ thuật của cả nước và có cả thế giới. Chính nhờ nội dung ấy mà Văn nghệ Thái Nguyên có vị trí xứng đáng trong xã hội, không chỉ ở Thái Nguyên mà trong lòng bạn đọc cả nước.

Trong điều kiện tỉnh ta chưa hẳn đã giầu, nhưng đến nay hầu hết các tổ dân phố và thôn bản đều đã xây dựng được các nhà văn hóa, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa có nơi khá đồng bộ, có phòng đọc hoặc tủ sách báo phục vụ bà con trong khu dân cư. Các thiết chế văn hóa mới được tạo dựng, từ đó các hoạt động văn hóa mang giá trị thẩm mỹ, nhân văn được tổ chức đã làm đẹp thêm tình làng nghĩa xóm. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên đã tiến hành xậy dựng văn hóa doanh nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm văn hóa phục vụ người lao động với hệ thống sân khấu biểu diễn nghệ thuật, thư viện, vườn hoa, đài truyền thanh nội bộ.

Hầu hết các cơ quan đơn vị, trường học đều thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ, giao lưu nghệ thuật, các hội thi… dành cho mọi thành phần, lứa tuổi, thu hút nhiều người tham gia, tạo nên bầu không khí vui tươi lành mạnh.

Hằng năm, Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức các trại sáng tác văn học nghệ thuật, hỗ trợ kinh phí xuất bản sách cho các tác phẩm văn học chất lượng cao, hỗ trợ kinh phí triển lãm trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật. Đây là những việc làm hết sức cần thiết, nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của các văn nghệ sỹ và đưa sản phẩm văn hóa của họ đến với công chúng. Tuy vậy đời sống văn hoá của Thái Nguyên chưa phải đã xứng đáng với tiêm năng của nó. Các đơn vị sản xuất sản phẩm văn hóa còn ít, thực lực chưa đủ mạnh, các sản phẩm sản xuất ra đơn điệu, phần lớn mang tính tuyên truyền phổ cập chưa đáp ứng nhu cầu giải trí và làm người tiêu dùng hài lòng và ưa thích. Việc đầu tư cho văn hóa có phần chưa tương xứng với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp, do đó cơ sở vật chất để nhà sản xuất đầu tư trang thiết bị công nghệ và đưa sản phẩm văn hóa đến người tiêu dùng còn khiêm tốn.

Có tình trạng này bởi nhận thức của một số người quản lý văn hoá còn chưa đầy đủ, chưa coi thị trường văn hóa cũng như các dạng thị trường khác, xem nhẹ yếu tố quy luật cung cầu, coi trọng quy luật giá trị của sản phẩm văn hóa, cho sản phẩm văn hóa tham gia thị trường bình đẳng với các loại sản phẩm khác. Đơn cử như nhiều địa phương thường chọn địa điểm khá đắc địa xây dựng các siêu thị sách, ưu tiên vị trí cho các quầy sách báo trong các trung tâm thương mại, hoặc các khu đông dân cư thì tại Thái Nguyên, cả khu trung tâm thành phố có một hiệu sách thì đến nay phần diện tích lớn nhất, đẹp nhất đã dành cho cơ quan kinh doanh khác, khu còn lại nhỏ hẹp bày sơ sài một ít sách dường như để cho có, còn chủ yếu kinh doanh văn hóa phẩm. Nhiều người dân thành phố không biết có sự tồn tại của hiệu sách duy nhất tại đây.

Khu vực Gang Thép, nơi có mật độ dân cư đông đúc, có một cửa hàng sách nhưng thực chất cũng là nơi bán văn hóa phẩm. Cửa hàng Quán Triều cũng vậy, treo biển siêu thị sách nhưng không hề bán bất kỳ quyển sách văn học nào, có chăng lèo tèo một số truyện tranh thiếu nhi. Tại một số huyện như Phổ Yên, Đồng Hỷ, thực trạng các cửa hàng bán sách ở đây còn đáng buồn hơn, ngoài cơ sở xập xệ có từ thời bao cấp dùng để bán văn hóa phẩm, hầu như chẳng có sách gì bán cho độc giả. Không phải độc giả không có nhu cầu, mà tìm mua đọc cũng không có để mua.

Ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam và cho phép tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, nhằm tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua hai lần tỉnh tổ chức, hầu hết những ai có mặt tham gia ngày hội đều tỏ ra chưa hài lòng về cách thức tổ chức, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sách với người đọc. Trong khi nhiều địa phương tổ chức hội chợ sách, đường sách, phố sách với số lượng sách lớn cung cấp cho độc giả thì Ngày hội sách và văn hóa đọc Thái Nguyên lèo tèo vài gian hàng chủ yếu trưng bày, rất ít sách để bán, người tham gia ngày hội sách thưa thớt.

Buổi nói chuyện của diễn giả cất công từ Hà Nội về số lượng người tham dự chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì ít người hay biết. Ngày hội sách và văn hóa đọc là cơ hội để người sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau, vậy không tận dụng để quảng bá, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thì tổ chức ngày hội để làm gì?

 Nhiều chương trình nghệ thuật được sáng tác, dàn dựng công phu chủ yếu để phục vụ một sự kiện nào đó, hoặc tham gia hội diễn của cấp trên, rất hiếm khi tổ chức biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa hoặc các khu công nghiệp, các trường đại học. Có doanh nghiệp ngay khi thực hiện sắp xếp đổi mới quản lý, đã tiến hành giải thể hệ thống thư viện, đài truyền thanh nội bộ, coi việc xây dựng đời sống văn hóa là việc của chính quyền cơ sở.

Ở Thái Nguyên, ngoài Trung tâm văn hóa tỉnh, chúng ta chưa có bất kỳ một nhà hát hoặc địa điểm biểu diễn nghệ thuật đủ tiêu chuẩn nào. Ngay khu vực phía nam thành phố, rạp ngoài trời vốn của doanh nghiệp đã xuống cấp và hàng chục năm nay không được sửa chữa cải tạo, phần ghế ngồi đã bị đập bỏ hai phần ba nhường đất cho sân tennis và bể bơi, sân khấu và các phòng chức năng thành nơi thi đấu cầu lông, bóng bàn, phần mặt tiền được cá nhân thuê làm sân cỏ nhân tạo bóng đá mi ni. Nhà văn hóa công nhân Gang thép chỉ để tổ chức hội nghị và giao lưu văn nghệ, không đủ điều kiện cho biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Vậy thì biểu diễn nghệ thuật ở đâu? Đưa văn hóa nghệ thuật đến công chúng bằng cách nào? Là một thành phố đã được công nhận là đô thị loại I nhưng thị trường điện ảnh vẫn khá ảm đạm. Rạp chiếu bóng nhân dân xây dựng từ những năm 60 luôn trầm lắng vì không hề tiến hành tuyên truyền bằng các hình thức linh hoạt tại nơi đông người và quảng cáo, quảng bá giới thiệu phim mới trên các phương tiện thông tin truyền thông để khán giả lựa chọn và bố trí thời gian tới xem.

Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa trong chương trình Trà và Thi ca do Hội VHNT tỉnh tổ chức.

Gần đây, một số rạp tư nhân đã được mở ra, đáp ứng phần nào nhu cầu xem phim của công chúng, nhất là công chúng trẻ, nhưng chỉ ở thành phố Thái Nguyên còn các địa phương khác thì điện ảnh  ngoài đội chiếu bóng lưu động thỉnh thoảng phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa - thì vẫn xem như một “vùng trắng”. Dù rất đông các họa sỹ, nhà điêu khắc tên tuổi nhưng thị trường mỹ thuật hầu như chưa hình thành, vài cửa hiệu bán tranh hoạt động teo tóp vì không gian bày bán nhỏ hẹp, khuất nẻo. Nhiều cơ quan gia đình nếu có nhu cầu trang trí phải về Hà Nội tìm mua. Tại các địa bàn nông thôn, miền núi, nhất là các bản làng vùng sâu vùng xa, dù chúng ta đã có những cơ chế chính sách và triển khai nhiều việc làm thiết thực chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bà con, song công bằng mà nói còn rất nhiều điều cần bàn, khi sách báo, phim ảnh, truyền hình …với nhiều hộ gia đình vẫn là những thứ xa xỉ, vì cái họ đang phải lo trước mắt là cơm ăn áo mặc. Tuy phần lớn các thôn bản đều đã xây dựng được nhà văn hóa, nhưng chủ yếu vẫn là để hội họp còn lại không có hoạt động gì do trang thiết bị nghèo nàn và không có kinh phí.

Nhiều năm trước đây, chúng ta tốn nhiều công sức xây dựng các điểm bưu điện văn hóa xã. Qua thời gian, việc tồn tại của các điểm bưu điện này có chăng cũng chỉ còn trên danh nghĩa vì thiếu nguồn kinh phí dành cho việc nâng cấp trang thiết bị và cung cấp sách báo mới thường xuyên để duy trì hoạt động. Trong khi các nước trên thế giới và nhiều địa phương khác trong nước chú trọng xây dựng công viên, tượng đài tại các khu đô thị thì hiện cả thành phố chỉ có duy nhất công viên sông Cầu và một tượng đài của doanh nghiệp tại đảo tròn Gang thép. Tượng đài này dẫu đẹp nhưng không thể là nơi sinh hoạt văn hóa vì hiện không đảm bảo về mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Thư viện và Bảo tàng của tỉnh kề bên nhau, trụ sở khang trang nhưng số lượng đầu sách hạn chế, hiện vật trưng bày khiêm tốn, nên rất ít người đến đọc và tham quan. Ngay Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tọa lạc ở vị trí đẹp nhất nhì thành phố, được quan tâm đầu tư khá lớn nhưng hiện vật ở một số phòng trưng bày cũng còn khá nghèo nàn và dường như ít được bổ sung. Khu du lịch Hồ Núi Cốc từ lâu đã nổi tiếng cả nước nhờ cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, nhiều người dân Thái Nguyên đã không còn mặn mà tới đây vì quy hoạch kiến trúc lộn xộn, chen chúc, thiếu tính thẩm mỹ và để bê tông hóa lấn át. Giá trị văn hóa dân tộc chưa được phát huy, hình thức thu vé một lần vào cửa cho các điểm văn hóa, vui chơi giải trí, không cần biết nhiều đối tượng khách chỉ có nhu cầu tham quan nghỉ ngơi thư giãn, vô hình chung đã thương mại hóa du lịch, bào mòn nét đẹp văn hóa làm nhiều người ngán ngẩm “một đi không trở lại”.

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều di tích danh lam thắng cảnh, trong đó có ATK Định Hóa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhưng đến nay chúng ta chưa có một sản phẩm văn hóa du lịch nào mang tính biểu trưng. Rất nhiều khách du lịch đến Thái Nguyên chỉ biết chọn chè Thái là sản phẩm lưu niệm cho chuyến đi, còn sản phẩm văn hóa du lịch thì hầu như không biết mua gì vì nhiều thứ cũng na ná như các địa phương khác.  Công tác kiểm soát và quản lý đối với nhiều dịch vụ văn hóa như Internet, karaoke, băng đĩa chưa có những biện pháp thực sự hiệu quả. Tình trạng băng đĩa lậu, đĩa nhái với đủ loại phim ảnh tải và in sao từ các trang mạng vẫn còn được một số người công khai bán dạo trên các con phố, bóp chết các sản phẩm băng đĩa nhạc, phim ảnh gốc của những người làm ăn chân chính.

Một số hoạt động văn hóa khác cũng đơn điệu nhỏ lẻ, ví dụ cả thành phố hiện chỉ có duy nhất một sàn khiêu vũ đủ tiêu chuẩn do tư nhân thuê địa điểm tại Nhà thiếu nhi và hầu như chưa hề có một tụ điểm ca nhạc nào…

3. Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và phát triển thị trường văn hoá Thái Nguyên

Với mật độ dân số khá lớn cùng sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động khi hàng loạt nhà máy tại các khu công nghiệp đi vào sản xuất, lại có đông đảo học sinh sinh viên của các trường trên địa bàn, chắc chắn thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm văn hóa sẽ ngày càng tăng cao. Thị trường văn hóa của tỉnh có điều kiện phát triển sôi động xứng tầm với sự tăng trưởng kinh tế, bởi văn hóa là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, chăm lo cho văn hóa thực chất là chăm lo cho con người. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với khó khăn thách thức. Chúng ta cần phải có những quy hoạch ngắn hạn, dài hạn và mang tầm chiến lược cho thị trường văn hóa, phải có những giải pháp đồng bộ để biến nhận thức, chủ trương thành hành động cụ thể, thiết thực.

Đi cùng với những giải pháp, cần phải có sự kết hợp tham gia tích cực của các nhà quản lý, nhà khoa học, các văn nghệ sỹ và doanh nghiệp để phát triển thị trường văn hóa. Bởi cái gì cũng trông chờ vào nhà nước thì rất khó thực hiện, và suy cho cùng thì trong các lĩnh vực đòi hỏi xã hội hóa thì xã hội hóa thị trường văn hóa là vấn đề không phải quá khó để tiến hành. Thị trường văn hóa điều chỉnh chính sách văn hóa, đó là một thực tại khách quan. Trước hết các cấp, ngành cần có các cơ chế chính sách văn hóa để bảo vệ và khích lệ những người lao động sáng tạo nghệ thuật để họ có thể phát huy hết khả năng, năng lực của mình mà không bị chi phối bởi yếu tố vật chất và tổ chức. Tiếp tục có biện pháp hiệu quả, thiết thực hơn tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sỹ để có nhiều sản phẩm văn hóa lành mạnh, chất lượng cao.

Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến thị trường văn hóa, người ta thường gắn liền với khái niệm liên quan là sản phẩm văn hóa. Vậy thì sản phẩm văn hóa của Thái Nguyên chúng ta là cái gì? Đưa sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng bằng cách nào?  Thử lấy việc tổ chức biểu diễn làm ví dụ: Chúng ta có rất nhiều doanh nhân làm kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực công nghiệp thương mại, nhưng hầu như chưa có các nhà tổ chức biểu diễn, chính vì vậy nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao, nhiều ca sỹ nổi tiếng ít có cơ hội gặp gỡ khán giả trong tỉnh. Ngay cả trung tâm thành phố chúng ta cũng chưa có các phòng trà, hoặc tụ điểm ca nhạc để mọi thành phần lứa tuổi được thưởng thức những bài hát do ca sỹ trực tiếp thể hiện. Đâu phải người dân Thái Nguyên còn nghèo nên chưa thể bỏ tiền thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Để giải quyết vấn đề này, rất mong các cơ quan chức năng có các cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí và tín dụng hỗ trợ để các doanh nghiêp tư nhân có điều kiện tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho công tác tổ chức biểu diễn.

Trong số hàng chục ngàn sinh viên các trường và công nhân các khu công nghiệp, rất ít người trong số họ được tiếp xúc với các chương trình truyền hình và sách báo bởi không phải phòng trọ hoặc ký túc xá nào cũng có ti vi, phòng đọc. Giờ rảnh rỗi, nhiều người chỉ biết lướt web, chơi games hoặc dạo các trang mạng xã hội…Đây là một khu vực mà các cấp các ngành, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội cần hết sức quan tâm nếu không sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động thiếu lành mạnh xâm nhập.

Nên có cơ chế chính sách về đất đai, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở phát hành sách, băng đĩa nhạc phim ảnh kết hợp bên cạnh đó là các gallery trưng bày và bán tranh tượng, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, phòng chiếu phim hiện đại… tạo thành một trung tâm văn hóa của thành phố theo mô hình một số nước đã áp dụng. Chú trọng việc đầu tư và kêu gọi các cá nhân mở cửa hàng sách tại một số khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp tập trung và nơi có đông học sinh sinh viên. Tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc là cần thiết, nhưng điều độc giả mong muốn đến với ngày hội không phải để xem trưng bày sách mà là tìm mua những quyển sách mình ưa thích. Vì vậy việc tổ chức ngày hội nên hướng tới mục tiêu đưa sách đến với người có nhu cầu. Khi triển khai xây dựng các khu đô thị mới cần có cơ chế, quy định bắt buộc nhà đầu tư dành một diện tích đất thỏa đáng cho diện tích vườn hoa cây xanh và công trình văn hóa làm nơi sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của cộng đồng.

Cửa hiệu sách nằm khiêm tốn giữa Ngân hàng Quân đội và một đơn vị kinh doanh khác

Cần đưa ra các biện pháp can thiệp bằng các công cụ chính sách như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, cơ chế tài chính, marketing nhằm hạn chế tối đa những ấn phẩm kém chất lượng bày bán ngoài thị trường, đảm bảo quyền lao động nghệ thuật của người lao động cũng như quyền tự do mua sắm của người tiêu dùng… Quản lí chặt hơn thị trường Internet. Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa nghe  nhìn nhưng cũng cần nghiêm khắc để triệt tiêu các loại hình văn hóa đồi trụy trên mạng internet, ngăn chặn kịp thời, hạn chế ảnh hưởng xấu đến đạo đức lối sống văn hóa của giới trẻ ngày nay. Những bức tranh, tấm ảnh nghệ thuật được copy, chỉnh sửa, lắp ghép và có khi tái chế thành những tác phẩm phản cảm. Cần có sự quản lí chặt chẽ và xử lí nghiêm những hành vi vi phạm bản quyền, để những ấn phẩm ca nhạc, điện ảnh tránh rơi vào tình trạng sao chép bừa bãi khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Rất nhiều trường hợp khi được tung ra thị trường thì đã méo mó âm thanh kèm theo ca từ của những bản nhạc chế đã hạ thấp không ít chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Do đời sống xã hội của chúng ta chưa đạt mức cao, nên cần tạo thêm các không gian tự do cho các địa điểm văn hóa công cộng, các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng. Hiện nay, các hoạt động văn hóa đại trà như ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chi phí ít, khá nhiều người xem. Và ngược lại, các sản phẩm dịch vụ văn hóa cao như chiếu phim, nhà hát,… cần có đầu tư tài chính nhiều vì kén người xem, vì vậy để phát triển chúng ta nên có các lộ trình xây dựng cơ sở vật chất thích hợp.

Tích cực tuyên truyền, quảng bá để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Phát triển marketing mạnh mẽ để thị trường văn hóa phát triển lành mạnh. Vì bản chất của marketing nằm ở chỗ nghệ thuật bán hàng chứ không phải ở chỗ bán sản phẩm. Cho nên, việc thực hiện tốt marketing thì sẽ cho một hệ quả tốt với người tiêu dùng. Họ sẽ nhận biết và hiểu đúng bản chất của sản phẩm văn hóa mà họ cần, từ đó họ sẽ tự động tìm đến hàng hóa hay dịch vụ mà họ tin dùng. Cần điều chỉnh xu hướng “thương mại hóa”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, khiến sức cuốn hút của văn hóa nghệ thuật bị suy giảm.

  Cùng với việc đầu tư phát triển du lịch, cần coi trong yếu tố văn hóa và bản sắc các dân tộc, phát huy tiềm năng sẵn có của mình. Suy nghĩ và sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch mang dấu ấn văn hóa  lịch sử Thái Nguyên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân tỉnh nhà và của du khách mỗi khi đến Thái Nguyên là những việc rất nên làm. Hy vọng rằng cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, thời gian tới thị trường văn hóa Thái Nguyên sẽ phát triển xứng tầm, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của cả nước.

Thái Dương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy