Đôi điều về thể loại tạp văn trong đời sống văn chương đương đại
VNTN - Tạp văn là một thể loại văn xuôi hiện đại được hình thành vào khoảng những năm 1900. Những yếu tố văn hóa, xã hội quyết định đến sự ra đời của tạp văn là: phong trào cổ vũ văn xuôi quốc ngữ, đời sống báo chí sôi động, ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân. Người đi tiên phong trong sáng tác tạp văn phải kể đến Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Trác... Tạp văn là những sáng tác văn xuôi được viết bằng chữ quốc ngữ và chủ yếu in trên báo chí sau tuyển chọn in thành tập.
Trước năm 1986, thể loại tạp văn Việt Nam cơ bản vẫn đang trong trạng thái định hình, chứ chưa thực sự phát triển rầm rộ như những thể loại khác. Khi đó, tạp văn không được chú ý và thường bị coi là thể loại “đi ngoài lề” của đời sống văn học. Chỉ từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), tạp văn mới thực sự là mùa bội thu. Sau gần 30 năm tính từ mốc đổi mới, ở nước ta xuất hiện khá nhiều cây bút viết tạp văn chuyên và không chuyên. Tạp văn thực sự đã khẳng định được vị trí đứng xứng đáng trong đời sống văn học đương đại.
Ngày nay, cùng với tiểu thuyết và truyện ngắn, tạp văn được xem như một thể loại văn chương được mùa vì đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Độc giả của thế kỷ 21 có nhu cầu thưởng thức văn chương đa dạng, mang đậm hơi thở nhịp sống thời đại song lại không có nhiều thời gian dành cho những áng văn dài, những tác phẩm đồ sộ. Vì vậy, tạp văn với dung lượng ngắn, nội dung súc tích viết từ những xúc cảm chân thật và tinh tế của tác giả về cuộc sống thường nhật tỏ ra rất phù hợp với độc giả hiện đại. Trong đời sống văn chương đương đại có khá nhiều tác giả đã tìm đến tạp văn như một thể loại sáng tác chính trong sự nghiệp và đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng người đọc giả. Năm 2005, khi quyển Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, văn học Việt Nam mở ra thời kì tạp văn nở rộ: Tản mạn trước đèn (Đỗ Chu), Nhân trường hợp chị thỏ bông (Thảo Hảo), Ngẫu hứng sáng, trưa, chiều, tối (Tạ Duy Anh), Ngày mai của những ngày mai (Nguyễn Ngọc Tư).... Trong bài báo Tản văn - “món ăn nhanh” gây tranh cãi (Lam Thu) đăng trên báo VN.Express tháng 7/2015 có viết một đoạn: “Tản văn, tạp văn, tùy bút hay đoản văn trước đây xuất hiện lác đác, nhưng trong một thập kỷ trở lại đây, thể loại này ngày càng nhiều. Chỉ riêng Nhà xuất bản Trẻ đã in tới 46 cuốn trong ba năm. Sáu tháng đầu năm nay, đơn vị này phát hành 18 đầu sách tản văn, với 32.000 bản được in ấn tại Hà Nội. Trung bình, mỗi đầu sách tản văn in 2.000 bản”. Ngắn gọn, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc... có lẽ là ưu điểm chính khiến tạp văn thu hút được người đọc thời hiện đại trong cuộc sống hối hả, còn nhiều bận rộn.
Văn học phản ánh đời sống xã hội của một dân tộc, tạp văn lên ngôi trong sự lựa chọn của cả người viết lẫn người đọc không phải là một điều trùng hợp ngẫu nhiên. Tất cả là do xã hội đã khiến con người nảy sinh nhu cầu sáng tác cũng như thưởng thức tạp văn. Trong đời sống kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh, đua chen, hằng ngày hàng giờ có biết bao vấn nạn đang xảy ra, có bao bức xúc cần bày tỏ và tất cả đều cần được phản ánh kịp thời. Nếu đợi những bộ tiểu thuyết, những truyện dài hơi ra đời để tái hiện toàn bộ bức tranh xã hội đó thì quá lâu, khi đó vấn đề sẽ mất đi tính thời sự. Hơn nữa, trong thời buổi hiện đại cái tôi càng ngày càng được coi trọng, trong bất kỳ sản phẩm nào cũng đòi hỏi phải có dấu ấn, phải có sự khác biệt nên tạp văn trở thành không gian lý tưởng nhất để người viết thể hiện cái tôi ở mức độ nổi bật nhất. Ngoài ra, tạp văn còn đáp ứng được nhu cầu giãi bày tâm tư của người viết. Viết tạp văn đơn thuần là nói lên nỗi lòng, nói lên suy nghĩ riêng, cảm xúc hoàn toàn không bị kiểm soát bởi áp lực của nguyên tắc sáng tác, cũng không bị chi phối bởi thi pháp hay quy định. Vì vậy, tạp văn trở thành phương tiện đắc lực khi cảm hứng viết tuôn trào mà người viết chưa có sự chuẩn bị, ngay lúc đó họ ghi lại cảm xúc như việc viết một trang nhật ký hay một ghi chú riêng trong sổ tay, và thế là thành tạp văn, nhất thời, ngẫu hứng nhưng lại tâm đắc.
Viết tạp văn trở thành một lựa chọn, một xu hướng trong sáng tác văn chương từ người không chuyên cho đến các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Vì hầu như tác giả nào cũng ít nhất một lần viết tạp văn. Nhiều tác giả đã gây dựng được tên tuổi của mình từ thể loại tạp văn như: miền Nam có Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, miền Bắc có Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý... Trong khi Nguyễn Ngọc Tư có chất giọng riêng về đời sống miền Tây Nam Bộ thì Phan Thị Vàng Anh lại thể hiện chất trí tuệ, sắc sảo với từng khía cạnh của đời sống hiện đại. Nguyễn Trương Quý cung cấp hiểu biết về Hà Nội đương thời thì Đỗ Bích Thúy đưa người đọc về miền sơn cước xa xôi... Nhiều cây bút trẻ cũng chọn tạp văn như một thể loại để khẳng định tên tuổi của mình như: Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Cấn Vân Khánh...
Tạp văn tựa như một “mảnh đất mới màu mỡ” cho nhiều người thử sức. Ngay cả những người không thuộc ngành văn chương như: nhà sử học Cao Huy Thuần, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn điện ảnh Việt Linh... đều là những cây bút tạp văn rất thú vị. Tuy nhiên, tạp văn là thể văn dễ viết nhưng khó hay. Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn đã có lần tâm sự: “ Viết mấy chục năm mới nghiệm thấy, sa vào cái thể văn ngăn ngắn be bé tưởng không đâu vào đâu ấy hóa ra cần phải có một nội lực chữ nghĩa kinh người thì may ra mới viết được gọi là tàm tạm” . Vì vậy, để khẳng định mình ở thể loại tạp văn, các nhà văn đã phải lao động rất nghiêm túc và không ngừng nghỉ.
Trần Thị Quý
1 đã tặng
0
1
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...