Đôi điều về một “sử thi” còn ít người biết đến
Sử thi là thuật ngữ văn học dùng để chỉ những tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó. Bài thơ “Lửa Hồ” của Hoàng Cầm như là một “sử thi” trong thơ ca Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), song hầu như chưa được công chúng biết tới.
“Thân mến tặng anh Thắng, người đầu tiên nghe thơ Lửa sau khi ngọn Lửa Hồ chảy thành những dòng thơ tươi mát trên trang giấy trắng - Tôi đã ngâm vang để anh nghe trong một quán cà phê giữa thành phố Thái Nguyên đổ nát, một buổi sớm mùa hè năm 1948”.
Đó là lời đề tặng của nhà thơ Hoàng Cầm ở trang thơ đầu tiên.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: chủ nhân của cuốn sổ là đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Thái Nguyên vào thời điểm 1947 - 1948 (1), là thời gian mà mọi người ghi những dòng cảm nghĩ vào trong cuốn sổ.
Trong bài viết này, tôi không có ý bình thơ, mà chỉ muốn giới thiệu đôi nét về bài thơ và mối liên hệ với hoàn cảnh ra đời của nó.
Như chúng ta đều biết, không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2-9-1945), thực dân Pháp đã tráo trở, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta, âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngày 19-12-1946, Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, mở đầu từ Thủ đô Hà Nội. Thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế”, ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên Việt Bắc. Tỉnh Thái Nguyên, trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc khi đó tuy hoàn toàn nằm trong vùng tự do, nhưng vẫn ở trong tình thế bị địch bao vây, uy hiếp từ nhiều phía.
Ngày 7-10-1947, giặc Pháp huy động một lực lượng mạnh mở cuộc tấn công chiến lược lên căn cứ địa Việt Bắc nhằm mục tiêu tìm diệt và bắt cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt chủ lực; phá tan Căn cứ địa; bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và cắt đường chi viện từ ngoài vào.
Để đối phó với âm mưu của địch, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã huy động quân và dân trong tỉnh khẩn trương thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Giữa năm 1947, công cuộc tiêu thổ kháng chiến ở thị xã Thái Nguyên đã hoàn thành triệt để: toàn bộ nhà cửa đã bị phá sập; mặt đường bị lật tung và dựng lên những chướng ngại vật; cầu cống bị đánh chìm dưới lòng sông sâu… Thị xã Thái Nguyên chỉ còn là những đống gạch vụn.
Bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc chiến đấu của quân và dân ta, lại không đạt được mục tiêu cuộc tấn công, từ ngày 21-12-1947, đại bộ phận quân Pháp đã phải rút khỏi Việt Bắc, đánh dấu thất bại chiến lược đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.
Trở lại với cuốn lưu bút, những trang đầu được viết từ ngày 2-9-1947, đến ngày 22-9-1947 thì bị ngắt quãng (do việc sơ tán triệt để trong chiến dịch, thậm chí lúc này thị xã Thái Nguyên tạm thời giải thể (2)). Đến ngày 6-4-1948 mới tiếp tục có lưu bút và đến cuối tháng 8-1949 thì kết thúc. Ở thị xã Thái Nguyên, mặc dù đã hoàn thành việc tiêu thổ kháng chiến và hầu hết người dân đã đi tản cư, nhưng giai đoạn này, Ủy ban Hành chính thị xã vẫn hoạt động cho đến sát thời gian giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là tiếp đón, đưa đường cho các đồng chí cán bộ và lực lượng của ta ra vào Căn cứ địa. Trong khung cảnh hoang tàn ấy, tình người, tình đồng chí càng thêm thấm đẫm. Để ghi lại những cảm xúc mãnh liệt đó của mọi người, ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính đã nảy ra ý tưởng lập ra một cuốn sổ để mọi người cùng lưu bút (3).
Bài thơ “Lửa Hồ” trong cuốn sổ được nhà thơ Hoàng Cầm trân trọng viết những dòng cuối: “Tháng Năm 1948, năm mươi chín năm sau khi ngọn Lửa Hồ xuất hiện” (19-5-1890, ngày sinh của Hồ Chủ tịch - tác giả chú thích). Như vậy, kết hợp với lời đề tặng, chúng ta thấy rằng bài thơ được tác giả sáng tác trong tháng 5-1948, chào mừng Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong hoàn cảnh kháng chiến, tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngay dưới tiêu đề “Lửa Hồ”, Hoàng Cầm đã giải thích “Nguồn ánh sáng Hồ Chí Minh” và có mấy lời tựa: “Hồ Chí Minh không phải là một người. Hồ Chí Minh là Ngọn Lửa. Lửa sống của dân tộc và của nhân loại. Chúng ta sùng bái Hồ Chí Minh chỉ là nuôi ngọn Lửa Hồ đang cháy trong lòng mình”.
Rõ ràng, ở thời điểm đó, Hoàng Cầm đã có cách tiếp cận, xây dựng hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh rất độc đáo và theo tôi, còn mang tính vượt trước. Hoàng Cầm đưa ra khái niệm “Nguồn ánh sáng Hồ Chí Minh” là rất mới mẻ. Phải 3 năm sau khi bài thơ ra đời, năm 1951, tại Đại hội II, Đảng ta mới lần đầu tiên đề cập tới việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: “...Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh, và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”.
Trở lại với nội dung bài thơ, giống như một bản sử thi, Hoàng Cầm đi từ mô tả sự ra đời của nhân vật anh hùng trong câu chuyện của mình:
“Gần sáu mươi năm rồi…
Nhớ lại ngày xa xôi
Mái gianh Hà Tĩnh
thơm ngào ngạt
Nguồn lửa Hồ Chí Minh
chảy xuống cõi đời…”
Sau những khổ thơ viết về khung cảnh quê hương và sự xuất hiện của “Nguồn Lửa”, tác giả viết:
“Hết vua rồi đến giặc
Gieo rắc nghìn thảm sầu
Những bóng quỷ đen tối
Càng đè nặng trên đầu
Dân ta càng đói rét
Xương vụn trắng đầu lâu
Lửa Hồ xa đất Việt
Bập bùng trên hoàn cầu”…
Rồi:
Dân ta đã đứng dậy
Lửa soi hồng cánh tay
Thắm tươi nét mặt ấy
Rắn chắc bàn chân này
Có bông ta dệt vải
Có ruộng ta cấy cày
Hồ Chí Minh! Nguồn ánh sáng tràn đầy
Đã chia ra hai mươi triệu tia lửa”…
Trở về hiện tại, nhà thơ viết:
“Hôm nay ngày mười chín
Tháng Năm đang vụ hè
Chúng ta đang kháng chiến
Tôi đọc thơ mình nghe
Đây ruộng mạ xanh biếc
Còn vết máu thằng Tây
Nó thua trận liên tiếp
Xác nó còn chôn đây”…
Dưới con mắt của nhà thơ, ngọn Lửa Hồ đã làm cho sự sống trở nên bất diệt. Chiến tranh cách mạng không phải mang đến sự hoang tàn, mà ngược lại, mầm sống luôn vươn ra từ sự hoang tàn của chiến cuộc:
“Giữa đồng có quán ngói
Trong quán vui trẻ già
Làm ruộng xong vào đó
Ngồi học chữ nước nhà
Trưa hè tiếng đọc ê a
Lửa Hồ nhắn gió vang ra cánh đồng”…
Cứ thế, “Lửa Hồ” thổi vào người, vào cảnh, vào những chiến sĩ trên mặt trận, và vào cả… quân thù: “Lửa Hồ gạn đục khơi trong/ Sạch lầu tội lỗi thong dong quay về”. Ngọn lửa ấy đã biến thành sức mạnh: “Đêm đêm những ngọn lửa Hồ/ Đêm đêm đốt trại quân thù sạch không”…
Đi hết một vòng của sự biến hóa, “Lửa Hồ” quện vào chiến thắng, trở lại với cuộc đời, một cuộc đời đã sang trang:
“Quanh lửa Hồ ta hát
Quanh lửa Hồ ta chơi
Nắm tay nhau mà khóc
Ôm chặt nhau mà cười.
Thôi nhé, chồng về với vợ ngoan
Bướm xanh trở lại với hoa vàng
Đàn con ríu rít thưa cùng mẹ
Đây lũ chim về giữa tổ hoang”…
***
Kết thúc bài viết này, tôi có một nguyện ước nho nhỏ: thi đàn và những người yêu thơ Việt Nam cùng gia đình của nhà thơ Hoàng Cầm sớm biết đến “Lửa Hồ', như một “sử thi” đầy ý nghĩa trong kho tàng thơ ca cách mạng, mà dường như chưa được phát hiện.
-------
Chú thích
(1) Qua lời ghi trong sổ thì xác định được đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã tên là Thắng, nhưng không rõ họ tên đầy đủ.
(2) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên 1930 - 1975, Thành ủy Thái Nguyên xuất bản năm 1991.
(3) Trong cuốn sổ có lưu bút của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Lê Quang Đạo…
Trần Thép
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...